Có những thói quen và truyền thống đã ăn sâu vào cuộc sống của chúng ta, đến mức đôi khi chúng ta không nhận ra rằng mình đang dùng ý riêng để điều chỉnh hoặc bẻ cong ý muốn của Chúa. Chúng ta thường áp đặt những quan điểm và quy tắc cá nhân lên sự hướng dẫn của Ngài, và tin rằng chỉ có như vậy mới là đúng đắn. Nhưng trong khi những thói quen này có thể mang lại cảm giác an toàn và quen thuộc, chúng không phải là thước đo chân lý.

Hôm nay, ngày 08/09/2024, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Jonathan Macnab qua chủ đề Ý CHÚA HAY Ý RIÊNG?

“Có một con đường mà theo mắt nhìn của con người, dường như là đúng đắn, nhưng kết quả của nó lại dẫn đến cái chết.” (Châm Ngôn 14:12)

Bạn có cảm thấy mình đã nắm được hướng đi tiếp theo trong cuộc đời không? Liệu những quyết định đó có thực sự tuân theo ý muốn của Chúa không?

Kinh Thánh đưa ra lời cảnh báo rõ ràng: Có những con đường dường như là đúng đắn theo nhìn nhận của con người – những kế hoạch có vẻ hợp lý và khôn ngoan ở thế gian này – nhưng kết quả cuối cùng lại dẫn đến cái chết. Hay nói cách khác, những con đường ấy không dẫn đến kết thúc tốt đẹp.

Mỗi ngày, hàng tỷ người trên thế giới mắc sai lầm khi lựa chọn những con đường mà chúng ta tin là đúng. Ngay cả những người tin theo Chúa cũng không tránh khỏi lỗi lầm tương tự, khi cố “diễn giải” ý muốn Ngài qua lăng kính méo mó của những trải nghiệm và mong muốn cá nhân. Chúng ta tạo ra những quy tắc riêng cho Chúa, định nghĩa cách Ngài làm việc dựa trên những gì chúng ta đã chứng kiến, rồi dựa vào đó để đưa ra những quyết định tương lai nhằm đạt được điều mình mong muốn.

Tuy nhiên, Lời Chúa bác bỏ quan điểm này. Chúng ta hãy cùng xem xét trường hợp của Gióp để hiểu rõ hơn. Đức Chúa Trời khẳng định rằng Gióp là một người công bình – ông không phạm tội và luôn sống tôn vinh Ngài bằng một cuộc đời chính trực. Rồi bỗng nhiên, ông phải chịu đựng những nỗi đau mà chúng ta khó có thể tưởng tượng nổi. Ông mất hết mọi thứ – sức khỏe, gia đình, và tài sản – đến nỗi ông phải đặt ra cho Chúa những câu hỏi đầy nghi ngờ. Việc đặt câu hỏi là điều tự nhiên, nhưng Gióp đã không chỉ dừng lại ở đó; ông bắt đầu cảm thấy phẫn nộ và thốt lên rằng Chúa thật bất công, rằng Ngài không theo đúng lẽ thường!

Những người bạn của Gióp đã đến cùng ông, nói những lời mà họ cho là “khôn ngoan”, chia sẻ ý kiến dựa trên kinh nghiệm cá nhân nhưng không đưa ra được giải pháp nào. Chỉ khi một người trẻ tuổi tên là Ê-li-hu xuất hiện, mọi chuyện mới bắt đầu thay đổi. Ê-li-hu nhận ra những lập luận sai lầm của họ và bắt đầu bênh vực Đức Chúa Trời, khẳng định: “Thật Đức Chúa Trời không cư xử gian ác, Đấng Toàn Năng chẳng bẻ cong công lý” (Gióp 34:12). Đây không phải là ý kiến cá nhân của Ê-li-hu, mà là chân lý đã được bày tỏ về bản tánh của Đức Chúa Trời. Trong nỗi đau đớn, Gióp không hiểu những gì đang xảy ra, nhưng lẽ ra ông nên tin cậy nơi bản tánh không đổi dời của Chúa. Thay vào đó, cả Gióp và những người bạn của ông đều cố gắng lý giải mọi chuyện dựa trên kinh nghiệm cá nhân của họ, và cuối cùng họ đã thất bại, không thể hiểu ra mục đích của Chúa.

Một tình huống tương tự xuất hiện trong Tân Ước, cụ thể là trong Công Vụ Các Sứ Đồ chương 15. Hội Thánh đầu tiên đang trên đà phát triển mạnh mẽ, cho đến khi một nhóm người xuất hiện và tuyên bố rằng sự cứu rỗi không chỉ đến từ đức tin nơi Đấng Christ Phục Sinh, mà còn cần thêm những yêu cầu khác (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:1). Đáng tiếc thay, những luận điệu sai lầm này nhanh chóng lan rộng, bởi vì các lãnh đạo Hội Thánh thời bấy giờ chủ yếu là người Do Thái truyền thống, trong đó có một số người Pha-ri-si. Nhóm này bao gồm những người bị Đức Chúa Jêsus quở trách vì đã “ loại bỏ lời Đức Chúa Trời” chỉ vì những truyền thống của họ (Ma-thi-ơ 15:6).

Chưa bao giờ là đúng khi chúng ta đặt những truyền thống cá nhân lên trên Lời Chúa, coi những thói quen và kinh nghiệm của mình là quan trọng hơn chân lý Ngài. Đối với các lãnh đạo Hội Thánh đầu tiên, mặc dù đã có nhiều tranh luận, nhưng vấn đề thực sự không quá phức tạp. Họ cần phải gạt bỏ những quan điểm cá nhân và đặt niềm tin vào sự bày tỏ của Chúa. Họ phải tin cậy nơi Lời Chúa, rằng tất cả mọi người sẽ được cứu chỉ nhờ đức tin mà thôi. Cuối cùng họ cũng đã chấp nhận chân lý này (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:11).

Chúng ta cũng cần làm như vậy. Chúng ta phải quay về với Lời Chúa như là nguồn sáng soi duy nhất cho mọi quyết định của chúng ta, để Chúa thực sự là Đấng tể trị trên đời sống chúng ta. Đường lối Ngài cao hơn bất kỳ đường lối nào khác của loài người. Ngài biết điều gì là đúng, trong khi kinh nghiệm của chúng ta không phải lúc nào cũng phản ánh sự thật. Lòng người thì đầy dối trá và ác độc; ai có thể thấu hiểu? Hãy để Lời Chúa trở thành lăng kính để chúng ta phân định ý muốn của Ngài trong mọi hoàn cảnh. Cuối cùng, khi mọi thứ dường như mơ hồ, chúng ta có thể dựa vào chân lý này: “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, đừng nương cậy nơi sự thông sáng của con. Hãy nhận biết Ngài trong mọi đường lối của con, Chính Ngài sẽ san bằng các nẻo con đi” (Châm Ngôn 3:5-6).

Cầu nguyện: Lạy Chúa là nguồn chân lý duy nhất, xin Ngài dẫn dắt để con không bị lạc lối với những hiểu biết sai lệch và những quy tắc do chính mình tạo ra, mà luôn giữ cho tấm lòng và tâm trí mình rộng mở để đón nhận sự hướng dẫn của Ngài. Cầu xin Ngài ban cho con sự khôn ngoan để phân biệt giữa ý muốn Ngài và ý riêng của con. Con nguyện tìm về với Lời Chúa như nguồn chân lý duy nhất, luôn để lẽ thật của Ngài soi sáng mọi quyết định và hành động của con. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus Christ, A-men.

Quý thính giả thân mến, lẽ thật không bao giờ thay đổi: chân lý của Chúa chỉ có một và được bày tỏ rõ ràng trong Lời Ngài. Chúng ta cần phải quay trở lại và để cho Kinh Thánh trở thành nguồn sáng, trở thành con đường duy nhất trong cuộc sống của chúng ta. Thay vì những thói quen và truyền thống đã ăn sâu vào tâm trí, hãy để Lời Chúa dẫn lối chúng ta trên mọi bước đường. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể thật sự hiểu và vâng theo ý muốn Ngài một cách trọn vẹn.

Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:

Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này