Có bao giờ bạn ước ao một thứ gì đó, bạn đã kêu xin Chúa nhưng vẫn chưa thấy sự đáp lời? Thế giới ngày nay luôn hối hả tìm kiếm những nhu cầu vật chất cho mình. Chúng ta là những Cơ Đốc nhân – cũng không tránh khỏi việc mưu cầu cho đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, Chúa muốn chúng ta hãy học cách thỏa lòng trong mọi điều Chúa ban cho, và biết rằng Ngài đáp ứng nhu cầu của chúng ta trong thời điểm và ý muốn tốt lành của Ngài.

Hôm nay, ngày 18/06/2024, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Kay Camenisch qua chủ đề SỐNG THỎA LÒNG.

“Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng, ấy là một lợi lớn. Vì chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng” (I Ti-mô-thê 6:6-8, BTT)

Ngày còn bé, mọi nhu cầu của tôi đều được đáp ứng. Tuy nhiên, sống trong gia đình với sáu người con, tôi biết rằng mình không nên vòi tiền để mua những món đồ chạy theo mốt, hay mua những thứ đang thịnh hành. Khi đó, câu hỏi tôi luôn đặt ra là, “Mình có cần nó không?” Nếu không thực sự cần, thì việc xin xỏ chỉ tốn thời gian và công sức.

Khi đã trưởng thành hơn, tôi tự quyết định cách tiêu tiền của mình. Đôi khi tôi mua chỉ vì đơn giản tôi thích món đồ đó, nhưng mỗi lần như vậy, trong đầu tôi lại vang lên câu hỏi từ thời thơ ấu, “Mình có cần nó không?”. Thỉnh thoảng tôi về nhà và tự hỏi tại sao mình lại mua món đồ đó, tuy vậy, chính câu hỏi đó đã giúp tôi tiết kiệm rất nhiều khoản không cần thiết.

Khi đang là sinh viên năm ba, tôi thực sự muốn mua một chiếc xe. Thời điểm ấy không có nhiều sinh viên có xe riêng, nhưng vào mùa xuân năm đó, tôi lại cần phương tiện để đi thực tập. Vì vậy, tôi đã bắt đầu nghĩ đến việc mua cho mình một chiếc xe riêng. Càng nghĩ nhiều về điều này, tôi lại thấy ý định đó thật hấp dẫn và hợp lý.

Tôi biết rằng tài chính gia đình mình eo hẹp, cũng biết cả ba anh chị lớn của tôi đều không có xe khi còn học đại học. Tôi biết rằng bố mẹ không thể nào mua cho tôi một chiếc xe. Thế nhưng ý tưởng đó không hề bị dập tắt. Đến việc ước ao cũng chẳng có, thì làm sao tôi có thể đạt được mục tiêu. Tôi cứ suy nghĩ liên tục vì biết thế nào cũng sẽ có giải pháp.

Và rồi mùa Giáng sinh năm ấy tôi trở về nhà, đây quả là một dịp tiện cho tôi. Mọi người đều đã đi vắng, chỉ còn bố và tôi ngồi cùng nhau trong phòng khách. Tôi đã không nói thẳng với bố là, “Bố ơi, mua cho con chiếc xe được không?” Thay vào đó, tôi trải lòng với ông, “Dạo gần đây con rất muốn có một chiếc xe để đi.”

Bố tôi trả lời nhẹ nhàng nhưng cũng mau chóng và dứt khoát. Bố đáp, “Nếu con đang cần nó, hãy đi tìm giải pháp.”

Câu trả lời ấy đã kết thúc cuộc trò chuyện giữa tôi và bố. Tôi biết cũng chẳng được gì nếu tôi cứ van xin hay cố gắng thuyết phục bố quan điểm của mình.

Câu trả lời ngắn gọn từ bố đã khiến tôi ngừng mơ mộng về việc sở hữu một chiếc xe cho bản thân. Thậm chí tôi còn không muốn tìm cách xoay xở — vì tôi biết nó cũng chẳng giúp được gì. Vào mùa xuân năm ấy, tôi đành mượn xe của bạn để đi thực tập.

Thời thế đã thay đổi. Nếu ngày xưa, người ta thường chi tiêu rất tiết kiệm và cẩn thận thì ngày nay, việc chi tiêu dường như được quyết định bởi những mong muốn nhất thời hơn là nhu cầu thật sự.

Nền kinh tế của chúng ta đang bị đảo loạn vì cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều tiêu những số tiền mà họ không có, tạo ra các khoản nợ thẻ tín dụng và hợp đồng thế chấp vượt quá thu nhập của họ. Một số tổ chức tài chính hàng đầu đã khuyến khích việc tiêu xài không kiểm soát. Thậm chí chính phủ cũng đang vượt quá nhu cầu chi tiêu. Trong nhiều khía cạnh, dường như chúng ta sẽ cảm thấy bị túng quẫn nếu không mua được thứ mình muốn.

Có khi tôi tự hỏi rằng liệu nền kinh tế có thêm phần khởi sắc không nếu người ta bắt đầu đi tìm giải pháp. Có lẽ khi chúng ta bắt đầu thích một thứ gì đó mà chúng ta không đủ khả năng chi trả, chúng ta thường đi tìm cách giải quyết. Suy cho cùng thì điều đó cũng không khiến chúng ta bị nặng gánh bởi những khoản nặng tài chính trong sau này.

Có một cách hiệu quả để dạy con cái đó là hãy dạy chúng đi tìm giải pháp. Tôi rất biết ơn bố mẹ vì đã dạy tôi mua sắm dựa trên nhu cầu thật sự chứ không phải chỉ vì tôi thích chúng. Không phải lúc nào họ cũng đáp ứng những điều tôi mong muốn. Bố mẹ dạy tôi biết cách chấp nhận khi họ nói, “Không” với tôi. Điều này đã giúp tôi làm quen với những thất vọng và tiếp tục tiến lên. Tôi cũng không mong đợi mọi mong muốn của mình đều phải được đáp ứng, vì tôi đã học được cách thoả lòng.

Con người ta thường đo lường sự thành công bằng những thứ mình có. Đến nay tôi vẫn chưa có được mọi thứ mình muốn, nhưng tôi biết ơn bố mẹ vì đã dạy tôi tìm giải pháp khi tôi bắt đầu khao khát một thứ gì đó. Dù không được tặng một chiếc xe, nhưng sự dạy dỗ đó chính là một món quà lớn cho cuộc đời của tôi.

Điều đó cũng dạy tôi rằng, “Sự tin kính cùng sự thỏa lòng chính là nguồn lợi lớn. Vì khi chào đời chúng ta chẳng đem gì theo thì lúc lìa đời cũng không thể mang gì đi được; vì vậy, có cơm ăn, áo mặc thì phải thỏa lòng” (I Ti-mô-thê 6:6-8).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, khi con thấy những nhu cầu của mình thật khó để đáp ứng, xin dạy con học cách sống thỏa lòng và thật sự biết ý muốn của Ngài là gì trong những hoàn cảnh đó. Xin Chúa cho con sống với cái nhìn về cõi đời đời. Xin giúp con luôn nhìn thấy sự chu cấp của Ngài trong mọi sự để giúp con luôn tin cậy Ngài ngay cả khi Ngài nói “Không” với con.
Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus Christ, A-men.

Quý thính giả thân mến, hãy tiếp tục an tâm tin cậy Chúa là Đấng nuôi nấng bạn mỗi ngày. Chúa vẫn yêu thương và không lìa xa bạn dù những khi bạn không thấy Chúa đáp lời cầu xin của mình. Đời sống thỏa lòng nhất là đời sống có Chúa dắt đưa. Hãy tiếp tục trải nghiệm trong đức tin và bày tỏ sự tốt lành của Chúa cho những người xung quanh bạn.

Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:

Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này