Mỗi khi cầu nguyện với Chúa, bạn mong đợi điều gì? Có phải bạn muốn Ngài đáp lời ngay lập tức và giải quyết những vấn đề của bạn không? Cầu nguyện không phải là một cuộc gọi khẩn cấp mỗi khi chúng ta gặp nan đề, mà là một cuộc đối thoại hai chiều để xây dựng mối liên hệ mật thiết giữa chúng ta và Cha Thiên Thượng. Chúa luôn lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta, và Ngài cũng mong chúng ta mở lòng để đón nhận tiếng phán Ngài.

Hôm nay, ngày 20/07/2024, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Roy Cameron Kennedy qua chủ đề CẦU NGUYỆN.

“Bấy giờ các con sẽ kêu cầu Ta, chạy đến cầu khẩn Ta, và Ta sẽ nhậm lời các con. Các con sẽ tìm Ta và gặp được, khi các con tìm kiếm Ta hết lòng.” (Giê-rê-mi 29:12-13)

Thế giới của chúng ta ngày càng rơi vào khủng hoảng, và mọi người tự hỏi Đức Chúa Trời đang ở đâu giữa tất cả những thảm họa này. Tôi bắt đầu tưởng tượng, liệu mọi chuyện sẽ ra sao nếu chúng ta có thể gọi điện trực tiếp cho Ngài? Khi ấy, chúng ta sẽ gọi điện để trò chuyện với Ngài, hay chỉ nhắn cho Ngài vài dòng ngắn gọn? Lý do gì khiến chúng ta muốn liên lạc với Ngài? Và rốt cuộc chúng ta sẽ gọi Ngài bao nhiêu lần?

Theo những gì tôi đã học ở trường, việc giao tiếp cơ bản đòi hỏi phải có một người gửi và một người nhận thông tin. Nhưng để thực sự hiểu biết về ai đó, chúng ta cần gì ngoài những nguyên tắc giao tiếp cơ bản? Chúng ta thấu hiểu người khác qua việc trò chuyện và dành thời gian cùng nhau. Thật sự, chúng ta không thể tạo dựng mối liên hệ nếu thiếu đi những cuộc đối thoại thường xuyên, chân thành, bao gồm cả việc nói và lắng nghe. Điều này cũng giống như mối liên hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời. Ngài phán bảo, chúng ta nghe. Chúng ta kêu cầu, Ngài lắng nghe. Và điều tuyệt vời nhất là, chúng ta có thể đến với Đức Chúa Trời mà không bị bất cứ điều gì giới hạn hay cản trở, thông qua Đức Chúa Jêsus Christ, như được chép trong Hê-bơ-rơ 10:19-22:

“Vậy, thưa anh em, vì chúng ta nhờ huyết Đức Chúa Jêsus được dạn dĩ vào Nơi Chí Thánh, bởi con đường mới và sống mà Ngài đã mở cho chúng ta ngang qua cái màn, nghĩa là ngang qua thân xác Ngài; lại vì chúng ta có một thầy tế lễ vĩ đại được lập lên cai trị nhà Đức Chúa Trời, nên chúng ta hãy lấy lòng chân thật với niềm tin vững chắc, lòng được tẩy sạch khỏi lương tâm ác, thân thể rửa bằng nước tinh khiết mà đến gần Chúa.”

Lời cầu nguyện không chỉ là phương tiện liên lạc nhanh chóng; lời cầu nguyện năng quyền hơn thế rất nhiều. Kinh Thánh tràn ngập những minh chứng cho thấy Đức Chúa Trời mong muốn được giao tiếp không ngừng với chúng ta, để bày tỏ những ý muốn của Ngài, chứ không phải chỉ đôi ba lời qua loa. Điều quan trọng là, Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta, và Ngài muốn chúng ta kinh nghiệm một cuộc sống sung mãn:

“Đức Giê-hô-va phán: “Vì chính Ta biết chương trình mà Ta hoạch định cho các con; đó là chương trình bình an chứ không phải tai họa, để ban cho các con một tương lai và một hi vọng.” (Giê-rê-mi 29:11)

Bấy lâu nay, chúng ta thường xem lời cầu nguyện như một cuộc gọi khẩn cấp, một phép lạ tức thì hay thậm chí là một bài diễn thuyết dài dòng. Nhưng không, lời cầu nguyện thật ra là một cuộc đối thoại hai chiều. Thách thức lớn nhất trong việc lắng nghe lời của Đức Chúa Trời không phải là việc phân biệt giọng nói của Ngài giữa những ồn ào xung quanh, mà là sự kiên nhẫn và tấm lòng khiêm nhường để nhận biết ý muốn Ngài.

Để thấu hiểu ý muốn của Đức Chúa Trời, chúng ta phải biết Ngài một cách thân mật và có một mối liên hệ gần gũi với Ngài, cũng giống như cách chúng ta dần trở nên thân thiết với một người bạn. Một khi đã thân thiết với nhau, thì chẳng cần nói nhiều, chỉ cần một ánh mắt hay một giọng điệu quen thuộc, chúng ta đã có thể hiểu ý nhau. Mặc dù chúng ta hoàn toàn khác biệt nhau, nhưng chúng ta hiểu rất rõ về nhau.

Đức Chúa Trời của chúng ta luôn sẵn lòng lắng nghe. Ngài không chỉ nghe những lời chúng ta nói ra mà còn cả những điều chúng ta giữ kín trong lòng. Theo Rô-ma 8:26-27, Thánh Linh truyền đạt những lời cầu nguyện và khao khát của chúng ta đến Đức Chúa Trời qua những sự thở than không thể diễn tả bằng lời—Ngài hiểu rõ tận sâu thẳm tâm hồn chúng ta, những điều chưa từng được tỏ bày. Khi chúng ta gắn kết với Chúa, mong muốn làm theo ý Ngài, thì Ngài sẽ nâng đỡ chúng ta khỏi nơi vấp ngã, và dẫn lối chúng ta trên suốt đoạn đường.

Mong rằng lẽ thật này sẽ khích lệ bạn, bởi vì bạn hoàn toàn có thể tự do trò chuyện với Đức Chúa Trời, và biết chắc rằng Ngài sẽ lắng nghe bạn. Nhưng cũng đừng quên dọn lòng mình để lắng nghe Ngài, và quan trọng hơn cả, hãy luôn sẵn sàng tuân theo sự hướng dẫn của Ngài cho cuộc đời bạn. Đức Chúa Trời không muốn dừng lại ở việc trò chuyện mà thôi, Ngài mong muốn một mối liên hệ mật thiết với bạn – con cái yêu dấu của Ngài.

“Bấy giờ các con sẽ kêu cầu Ta, chạy đến cầu khẩn Ta, và Ta sẽ nhậm lời các con. Các con sẽ tìm Ta và gặp được, khi các con tìm kiếm Ta hết lòng.” (Giê-rê-mi 29:12-13)

Cầu nguyện: Chúa ôi! Cảm ơn Chúa vì ngày nay con được tự do cầu nguyện với Ngài, nhờ Cứu Chúa Jêsus là Đấng đã chết thay con. Xin giúp con không ngừng gây dựng mối liên hệ mật thiết với Ngài qua lời cầu nguyện. Xin ban cho con một tâm tình khiêm nhường và một tấm lòng rộng mở, sẵn sàng tiếp nhận và vâng theo sự hướng dẫn của Ngài. Chúa ơi, con đang chờ đợi để lắng nghe tiếng phán của Ngài. Nguyện Ngài hướng dẫn từng mỗi bước trên cuộc đời con. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus Christ, A-men.

Quý thính giả thân mến, đừng lúc nào cũng đến với Chúa và trình dâng lên Ngài những lời kêu cầu ngắn ngủi, tạm bợ. Chúa mong muốn có những cuộc trò chuyện sâu sắc và mối liên hệ mật thiết với mỗi người chúng ta. Chúa mời gọi chúng ta trở thành người bạn thân thiết của Ngài, sẵn sàng chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn và ước mơ với Ngài. Hãy mở lòng và dành thời gian để xây dựng mối liên hệ mật thiết với Cha Thiên Thượng, để khi Ngài kêu gọi, chúng ta ngay lập tức lắng nghe và hành động theo lời Ngài.

Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:

Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này