Bạn có đang chôn giấu những ‘ta-lâng’?

Dưỡng linh
12:34 07/07/2020

Oneway.vn - Chúa ban cho bạn những ta-lâng. Bạn có biết đó là gì và giá trị như thế nào không? 

Chúa ban cho bạn ta-lâng (tài năng) như nguồn “vốn đầu tư”. Và một ngày nào đó bạn sẽ phải chịu trách nhiệm về cách quản lý nguồn vốn Ngài ban.

Điều này có nghĩa là bạn luôn phải suy nghĩ tỉnh táo để đầu tư đúng cách. Nhưng cũng đồng nghĩa với việc bạn hoàn toàn tự do sử dụng “ta-lâng” theo cách của mình.

Từ “Ta-lâng/Talent/Tài năng” đến từ Chúa Jêsus. Từ ngữ này xuất hiện lần đầu qua dụ ngôn về các ta-lâng của Chúa Jêsus (Ma-thi-ơ 25:14-30): Người chủ cho mỗi đầy tớ mình một số ta-lâng nhất định để làm lợi ra trong khi ông đi vắng.

Thời đó, ta-lâng là một đơn vị tiền tệ có giá trị rất lớn. Nhưng dụ ngôn này không thực sự nói về việc quản lý tiền bạc, mà là quản lý những ân tứ và khả năng Chúa giao phó cho chúng ta. Đây là lý do tại sao từ “talent” trong tiếng Anh không có nghĩa là “tiền bạc”, mà là “tài năng”.

Ta-lâng là món quà ân điển

Những đầy tớ trong dụ ngôn của Chúa Jêsus đều được ban cho số ta-lâng riêng: “Chủ đó cho người nầy năm ta-lâng, người kia hai, người khác một, tùy theo tài mỗi người; đoạn, chủ lên đường” (Ma-thi-ơ 25:15). Chủ không có nghĩa vụ phải cung cấp cho đầy tớ bất cứ điều gì. Mỗi đầy tớ nhận được các ta-lâng hoàn toàn nhờ ân điển của chủ mình.

Điều này hàm ý rất rõ ràng: chúng ta không có quyền kiêu ngạo về tài năng mình. Tài năng chúng ta đang sở hữu cũng giống như Phúc âm chúng ta được nhận lãnh: “Ngươi há có điều chi mà chẳng đã nhận lãnh sao? Nếu ngươi đã nhận lãnh, thì sao còn khoe mình như chẳng từng nhận lãnh?” (1 Cô-rinh-tô 4:7).

Nhưng Chúa Jêsus đã nói một điều quan trọng trong Ma-thi-ơ 25:15: “Chủ đó cho ... ta-lâng ... tùy theo tài mỗi người”. Trong tiếng Hy Lạp, “tài” trong câu này là dunamis, có nghĩa là năng lực hoặc khả năng.

Điều Chúa Jêsus muốn truyền đạt ở đây là: Chúa ân cần giao cho các đầy tớ Ngài những kỹ năng và năng lực nhất định để họ sử dụng chúng. 

Ta-lâng vô cùng có giá trị

Khi chọn ta-lâng làm ẩn dụ cho những tài năng mà Chúa giao phó, Chúa Jêsus muốn bày tỏ rằng Đức Chúa Trời đánh giá rất cao những ân tứ Ngài đã ban cho chúng ta.

Hầu như không thể quy đổi giá trị của một ta-lâng trong thế kỷ thứ nhất sang đơn vị tiền tệ hiện đại. Nhưng vài học giả đã ước tính rằng một ta-lâng có thể trị giá lên tới 600.000 đô la.

Với giá trị này, đầy tớ thứ nhất trong câu chuyện đã nhận được 3.000.000 đô la (năm ta-lâng), người thứ hai nhận được 1.200.000 đô la (hai ta-lâng) và người cuối cùng nhận được 600.000 đô la (một ta-lâng). Có thể người nhận được “ít ta-lâng hơn” đã ghen tị với người được ban “nhiều ta-lâng hơn”. Nhưng thực tế, số ta-lâng mỗi người nhận được đều có giá trị rất lớn, và không ai phải chịu phần thua thiệt cả.

Điều này cho thấy một hàm ý rõ ràng: không được đánh giá thấp những gì Chúa ban cho chúng ta. Một số người được ban cho nhiều hơn, số khác thì ít hơn, nhưng thật ra tất cả đều được ban cho rất nhiều. Và Chúa Jêsus phán rằng: “Vì ai đã được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều; và ai đã được giao cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều hơn” (Lu-ca 12:48).

Đây là lý do ông chủ rất tức giận với người đầy tớ chôn giấu ta-lâng (Ma-thi-ơ 25: 26-27). Người đầy tớ cố đổ lỗi cho chủ vì sự lười biếng của chính mình (Ma-thi-ơ 25: 24-25). Nhưng chủ đã nhìn thấu mọi sự và gọi người này là “đầy tớ dữ và biếng nhác” (Ma-thi-ơ 25:26).

Đây là điều mà chúng ta không bao giờ muốn nghe từ Chủ mình. Dụ ngôn này đánh vào tấm lòng kính sợ Chúa, buộc chúng ta phải nhìn lại xem mình đang làm gì với những ân tứ Chúa ban.

Ân điển đã ban cho chúng ta

Phao-lô rất thích cụm từ “nhờ ơn đã ban”. Ông thường dùng cụm từ này khi nói về chính mình:

“Vậy, nhờ ơn đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong anh em…” (Rô-ma 12:3). Phao-lô nhận biết rằng Chúa đã tin tưởng giao phó cho ông thẩm quyền đặc biệt trong vai trò sứ đồ.

“Theo ơn Đức Chúa Trời ban cho tôi, tôi đã lập nền như một tay thợ khéo, mà có kẻ khác cất lên trên; nhưng ai nấy phải cẩn thận về sự mình xây trên nền đó” (1 Cô-rinh-tô 3:10). Chúa đã giao cho ông những tài năng đặc biệt để xây dựng Hội thánh Ngài giữa dân ngoại và đặt vững nền tảng thần học cho Hội thánh Cơ Đốc.

“Nhưng tôi nay là người thể nào, là nhờ ơn Đức Chúa Trời, và ơn Ngài ban cho tôi cũng không phải là uổng vậy. Trái lại, tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ơn Đức Chúa Trời đã ở cùng tôi” (1 Cô-rinh-tô 15:10). Chúa đã giao cho ông những khả năng đặc biệt (dunamis) để ông biết cách đầu tư tài năng nhằm thực hiện công việc quyền năng Ngài.

Phao-lô cũng sử dụng cụm từ này khi nói về chúng ta:

“Vì chúng ta có các sự ban cho khác nhau, tùy theo ơn đã ban cho chúng ta ... theo lượng đức tin” (Rô-ma 12:6).

“Nhưng, đã ban ân điển cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 4:7).

Tất cả những câu trên đều nhấn mạnh “ân điển đã ban cho chúng ta”, củng cố quan điểm của Chúa Jêsus trong dụ ngôn về các ta-lâng: 1) Chúa ban cho chúng ta những ân tứ nhất định, 2) Chúa ban cho chúng ta năng lực để đầu tư sử dụng ân tứ ấy,  3) Chúa muốn chúng ta sử dụng mọi khả năng Ngài ban (1 Phi-e-rơ 4:11) để làm lợi ra từ những ân tứ Ngài giao phó.

Thức tỉnh và tự do

Hãy tự hỏi: chúng ta đang làm gì với tài năng, ân điển mà Chúa đã ban cho mình? Câu hỏi này sẽ mang đến cả sự thức tỉnh lẫn sự tự do cho chúng ta.

Thức tỉnh vì chúng ta được nhắc nhớ rằng mình ích kỷ, rằng bản chất tội lỗi dễ lắm khiến chúng ta hành động như người đầy tớ vô dụng bỏ bê những ta-lâng được ban cho. Sự tỉnh táo cũng sẽ kéo chúng ta ra khỏi thái độ kiêu ngạo, tự cho mình là trung tâm và thúc đẩy chúng ta siêng năng hơn.

Câu hỏi này cũng mang đến sự tự do, vì hai lý do:

1) Chúa đã ban cho mọi thứ chúng ta cần, cả tài năng và năng lực quản lý những tài năng ấy.
2) Nhận ra điều này giải phóng chúng ta khỏi việc so sánh bản thân với người khác.

Chúng ta được giải phóng khỏi việc ganh tỵ với những người tài năng và có năng lực hơn mình. Chúng ta không còn phán xét những người ít tài năng và kém năng lực hơn mình. Chúa là Đấng ban tài năng và năng lực, và chúng ta chỉ cần có trách nhiệm với “ân điển đã ban cho mình” là đủ.

Bạn đã được ban cho những ta-lâng vô cùng giá trị trong mắt Chúa. Bạn đang làm gì với số ta-lâng ấy? Hãy để câu hỏi này giúp bạn tỉnh táo và giải phóng bạn.

Với các đầy tớ trung thành làm lợi ra từ các ta-lâng được giao phó, Chủ phán rằng: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi” (Ma-thi-ơ 25:23). Đây chính là điều chúng ta muốn nghe.

Hãy đầu tư tài năng của bạn thật tốt, và chờ đón nhận phần thưởng đời đời.

 

Bài: John Bloom; dịch: Jennie

(Nguồn: desiringgod.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này