Bạn thực sự đang phục vụ ai?

Dưỡng linh
01:30 20/01/2022

Oneway.vn - Kiểu lo lắng này rất tinh vi. Gốc rễ của nó vốn ích kỷ, nhưng hoa trái thì lại trông rộng lượng.

Khi Ma-thê đón Chúa Jêsus và các môn đồ vào nhà mình ở Bê-tha-ni (Lu-ca 10:38–42), đoàn của Ngài có khoảng hơn một trăm người. Bảy mươi hai người vừa tái hợp với Chúa Jêsus sau chuyến đi truyền giảng, và với mức độ nổi tiếng của Ngài vào thời điểm này, chắc chắn chuyến viếng thăm đã thu hút một số đông người dân địa phương.

Khi cả đoàn đã vào nhà đông đủ, Chúa Jêsus bắt đầu dạy dỗ họ. Nhưng Ma-thê không phải là một trong số “họ” vì bà quá bận để có thể lắng nghe. Lu-ca mô tả bà “mải bận rộn với việc phục vụ” (Lu-ca 10:40).

Bạn đang cảm thấy vô cùng thắc mắc, đúng không? Chính Chúa Cứu Thế Jêsus đang ở trong nhà Ma-thê, nhưng bà lại chọn làm việc khác mà không lắng nghe Lời Ngài?

Vậy còn bạn thì sao?

Hãy đặt mình vào vị trí của Ma-thê trong giây lát. Bạn sẽ bối rối như thế nào nếu có hàng trăm người chen chúc trong nhà bạn? Hơn nữa, dân tộc bạn vốn đề cao lòng hiếu khách và rất sợ làm mất lòng khách, đặc biệt đây còn là những nhân vật quan trọng. Và hãy nhớ rằng chính Chúa Jêsus đang ở trong nhà bạn! Ngài là Đấng Mê-si, Đấng quan trọng nhất trong lịch sử quốc gia bạn, và cả lịch sử nhân loại.

Bạn có lo lắng liệu nơi mình ở có ngăn nắp không, làm sao mình có thể chiêu đãi đám đông này chu đáo, hoặc mình phải đi đến giếng lấy nước bao nhiêu lần (trong thời đại không có thức ăn nhanh và nước sinh hoạt dồi dào)?

Đối với tôi, “người lạ” trong câu chuyện này không phải là Ma-thê, mà là Ma-ri. Điều đáng chú ý là Ma-ri không hề bị phân tâm hay bối rối. Cô bỏ qua danh sách những việc cần làm để có thể lắng nghe Chúa Jêsus.

Và điều này khiến Ma-thê phát cáu. Bà phải làm việc mệt mỏi trong khi Ma-ri chỉ ngồi đó. Ma-thê coi đây là lười biếng, cẩu thả. Quá bực tức, bà thưa với Chúa Jêsus: “Lạy Chúa, em con đã bỏ mặc con phục vụ một mình, Chúa không để ý đến sao? Xin Chúa bảo nó giúp con!” (Lu-ca 10:40).

Chúa Jêsus đã nói gì?

Trước đây, Chúa Jêsus khen ngợi những tôi tớ siêng năng:

“Ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan, được chủ giao quản lý nhà mình để cấp phát thức ăn đúng giờ? Phước cho đầy tớ ấy, khi chủ đến thấy làm như vậy!” (Ma-thi-ơ 24:45–46)

Nhưng trong trường hợp này, Chúa Jêsus không khen ngợi Ma-thê. Ngược lại, Ngài nói:

“Hỡi Ma-thê, Ma-thê, con lo lắng và bối rối về nhiều việc; nhưng chỉ có một việc cần mà thôi. Ma-ri đã chọn phần tốt, là phần sẽ không ai đoạt lấy của nàng được” (Lu-ca 10:41–42)

Đối với tất cả những người có mặt tại đó, tinh thần phục vụ của Ma-thê dường như xuất phát từ một tấm lòng tôi tớ trung thành. Nhưng Chúa Jêsus nghĩ khác. Ngài thấy rằng Ma-thê đang phục vụ vì lo lắng, chứ không phải vì ân điển.

Sự lừa dối tinh vi 

Điều gì đang làm cho Ma-thê lo lắng? Bà lo lắng về “nhiều thứ”. Ma-thê lo lắng làm sao để làm hài lòng và gây ấn tượng tốt với Chúa Jêsus cũng như những vị khách. Bà lo lắng rằng ngôi nhà không ngăn nắp và việc phục vụ không tốt sẽ ảnh hưởng xấu đến bà và gia đình bà. Và nỗi lo lắng này đã làm bà không thấy được “việc cần làm”, đó là lắng nghe Chúa Jêsus, thay vào đó những việc vặt lại trở nên cấp bách.

Kiểu lo lắng này rất tinh vi. Gốc rễ của nó vốn ích kỷ, nhưng hoa trái thì lại trông rộng lượng. Tôi muốn người khác thấy được tấm lòng phục vụ của mình, rằng tôi quan tâm đến mọi người. Điều này có thể tinh vi đến mức bản thân chúng ta cũng không nhận ra. Nó có vẻ đúng đắn đến nỗi chúng ta tin rằng điều mình làm thật sự đúng! Đó là lý do tại sao Ma-thê tin chắc rằng Chúa Jêsus sẽ đồng ý với cô về việc Ma-ri lười biếng.

Nhưng Ma-ri đã chọn “một việc cần”, đó là “phần tốt”. Khi ấy, Ma-ri say mê Chúa Jêsus hơn là bản thân mình. Cô quan tâm đến những gì Ngài nói hơn là điều người khác nghĩ về mình hoặc gia đình mình. Và vì điều này, Chúa Jêsus khen ngợi khi cô lựa chọn lắng nghe mà không phục vụ.

Dừng lại, nghỉ ngơi, lắng nghe

Lời quở trách nhẹ nhàng của Chúa Jêsus với Ma-thê là hành động yêu thương - với bà và với chính chúng ta. Đôi khi, tất cả chúng ta đều là Ma-thê. Và qua lời sửa trị này, Chúa Jêsus đang hỏi chúng ta: “Con đang phục vụ ai?” Không ai có động cơ hoàn toàn thuần khiết cả. Nhưng khi cảm thấy buộc phải “phục vụ” vì lo lắng về những gì người khác nghĩ, thì rất có thể chúng ta đang phục vụ vì vinh hiển của chính mình chứ không phải vinh hiển Đức Chúa Jêsus.

Và Chúa Jêsus muốn giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ này, bằng cách kêu gọi chúng ta ngừng làm việc, nghỉ ngơi dưới chân Ngài và lắng nghe Lời Ngài.


Bài: Jon Bloom; dịch: Jennie
(Nguồn: desiringgod.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này