Các nhà Cải chánh Tin Lành mang lại hy vọng cho Giáo hội ngày nay như thế nào?
Oneway.vn – Khi nỗi sợ và lo âu cám dỗ chúng ta quên đi danh tính Cơ Đốc, quyền năng của Đức Chúa Trời, và hy vọng về thiên đàng, hãy tắt bản tin và mở lại những trang lịch sử Hội Thánh.
Tôi cứ thế, ngồi ì trên chiếc sofa khi lướt đọc từng tiêu đề tin tức trên điện thoại. Những bài báo về bầu cử sắp tới, xung đột toàn cầu, và thiên tai khiến tôi rơi vào vòng xoáy lo lắng. Tôi tự hỏi làm sao Hội Thánh có thể giữ vững đức tin trong một thời đại đầy rối ren, tham nhũng, và dường như vô vọng.
Các con tôi đã làm gián đoạn việc đọc sách của tôi bằng một chồng sách và ánh mắt cầu xin. Chúng tôi vừa mượn từ thư viện những cuốn sách về Ngày Cải chánh và những người cải cách.
Tôi cất điện thoại và các con tôi leo lên ghế ngồi cạnh tôi. Mở trang sách tranh đầu tiên, tôi bắt đầu đọc về Martin Luther. Trong một thế giới đầy căng thẳng về chính trị và tôn giáo, Đấng Christ đã giúp ông đứng lên vì lẽ thật và chịu đựng sự bức hại. Tôi đọc về Nữ hoàng trẻ Jeanne của Navarre, người đã dũng cảm dùng quyền lực của mình để lan tỏa Phúc Âm bất chấp sự phản đối của gia đình. Tôi đọc về William Tyndale, người đã hy sinh mạng sống để đưa Kinh Thánh đến với mọi người bằng tiếng Anh.
Càng đọc, nỗi sợ và lo âu trong tôi dần được thay thế bằng hy vọng và lòng can đảm. Tôi luôn yêu thích tìm hiểu lịch sử Hội Thánh và đọc tiểu sử về các anh hùng đức tin. Những câu chuyện về đức tin của người đi trước có thể truyền sức mạnh cho lòng trung tín của chúng ta hôm nay và củng cố hy vọng cho tương lai.
Sự khích lệ hiện tại từ người người đi trước
Thế hệ chúng ta có thể đang đối diện với những thách thức khác nhau, nhưng các tín hữu ở mọi thời đại và nền văn hóa đều đã phải chiến đấu chống lại tội lỗi, bảo vệ lẽ thật, và chịu đựng sự bức hại. Ngay cả trong những ngày căng thẳng và biến động này, chúng ta có thể giữ vững sự bình an, tin cậy, và hy vọng nơi Đấng Christ, suy niệm về sự thành tín của Chúa trong việc nâng đỡ dân sự Ngài qua mọi thời kỳ Hội Thánh.
Lịch sử Hội Thánh minh chứng quyền tể trị của Chúa
Khi xem các nhà báo phân tích về chính trị và khủng hoảng toàn cầu, rất dễ nghĩ rằng các nhà lãnh đạo thế giới có quyền quyết định tương lai của đất nước và thậm chí cả Hội Thánh. Nhưng Châm ngôn 21:1 nhắc nhở chúng ta rằng: “Lòng của vua trong tay Đức Giê-hô-va khác nào dòng nước chảy; Ngài muốn làm nghiêng lệch nó bên nào tùy ý Ngài”.
Chúng ta thấy quyền tối cao của Chúa đối với các vị vua được chứng minh trong suốt lịch sử Kinh thánh và Hội Thánh, đặc biệt là qua cách Ngài sử dụng các nhà lãnh đạo thế tục để mang đến phước lành và sự phán xét của Ngài. Chúa cho phép giới quý tộc Đức (kể cả những người có động cơ ích kỷ) bảo vệ Luther và truyền bá giáo lý của ông. Chúa đã sử dụng ham muốn tội lỗi của Vua Henry VIII về việc ly hôn để tách nước Anh khỏi Công giáo La Mã, mở ra cánh cửa cho Phong trào Cải cách lan rộng. Khi các nhà lãnh đạo chính trị đàn áp những nhóm người trong phong trào cải chánh, Chúa đã hành động thông qua sự tử đạo của họ và bảo vệ việc họ theo đuổi lẽ thật, điều này đã ảnh hưởng lớn đến Hội Thánh ngày nay.
Ngay cả những lãnh đạo không tin kính và làm điều ác cũng không thể làm đổ vỡ kế hoạch quan phòng của Đức Chúa Trời trong việc tăng trưởng Hội Thánh của Ngài. Chúng ta có thể an tâm khi cái ác cai trị, bởi vì Đức Chúa Trời vẫn đang ngự nơi thiên đàng, thực hiện ý muốn Ngài vì lợi ích cho chúng ta và cho vinh quang của Ngài.
Lịch sử Giáo hội nhắc nhở chúng ta về quyền công dân Nước Trời
Các nhà cải chánh không phải lúc nào cũng đúng. Sau khi thoát khỏi sự bức hại, các tín hữu Lutheran đã bức hại Anabaptist vì lập trường của họ về tự do tôn giáo. Khi bản dịch Kinh Thánh của Tyndale cuối cùng được chấp nhận, nhưng chỉ các thương gia và quý tộc mới được phép đọc. Một số nhà cải chánh dùng quyền lực có được để hành xử bạo lực đối với Công giáo La Mã.
Chúng ta có thể học được từ cả lòng trung tín và sai lầm của các tín hữu trong quá khứ. Sẽ ra sao nếu các tín hữu Lutheran trân trọng sự nhấn mạnh của Anabaptist vào việc môn đồ hóa? Sẽ thế nào nếu các tín hữu Anabaptist học hỏi được sự dạn dĩ của tín hữu Lutheran trong thế giới thế tục? Họ sẽ càng được bày tỏ tình yêu của Đấng Christ ra sao nếu cùng hợp tác với nhau?
Phao-lô đã kêu gọi Hội Thánh Cô-rinh-tô đặt ưu tiên vào danh tính của họ trong Đấng Christ thay vì vào một lãnh đạo nào đó để “đừng có sự phân rẽ giữa anh em” nhưng phải “hiệp một ý một lòng cùng nhau” (1 Cô-rinh-tô 1:10).
Chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh trong văn hóa hiện tại bằng cách hiệp nhất với những tín hữu khác cùng một niềm tin vào Đấng Christ, vào lẽ thật Kinh Thánh, dù họ có khác biệt hoặc bất đồng với chúng ta.
Lịch sử Hội Thánh mang đến hy vọng cho thế hệ tương lai
Cha mẹ Cơ Đốc thường lo lắng rằng: “Con cái chúng ta sẽ sống trong thế giới nào đây?”. Nhiều phụ huynh thấy rõ xu hướng của văn hóa hiện nay và lo sợ rằng thế hệ tương lai sẽ phải đối diện với khó khăn và sự bức hại mà chúng không thể chịu đựng nổi.
Dù những nghiên cứu gần đây cho thấy số lượng người tham dự Hội Thánh và số người liên hệ tôn giáo ở Mỹ đang giảm, một cái nhìn rộng hơn về lịch sử Hội Thánh khích lệ các tín hữu rằng “các cửa âm phủ sẽ không thắng được Hội Thánh” (Ma-thi-ơ 16:18). Thời đại và nền văn hóa hiện nay có thể mang đến những khó khăn khác biệt nhất mà các thế hệ trước không gặp phải. Nhưng Đấng Christ luôn hành động trong dân Ngài để giúp họ chịu đựng sự bức hại, duy trì sự thánh khiết, và chỉnh đốn những sai trật về tín lý.
Đức Chúa Trời đã dấy lên Luther để chỉnh sửa lại sự dạy dỗ sai lầm về bùa ân xá. Đức Chúa Trời đã kêu gọi John Calvin nhắc nhở dân sự về quyền tể trị của Ngài giữa các lãnh đạo quyền lực của thế gian. Đức Chúa Trời đã ban sức cho các tín hữu Anabaptist để chứng tỏ tầm quan trọng về sự cam kết cá nhân với Đấng Christ. Đức Chúa Trời đã nâng đỡ những nhà cải chánh khi họ chống lại văn hóa, và Ngài sẽ tiếp tục gìn giữ dân Ngài cho đến khi Ngài tiếp rước chúng ta về nơi vinh quang.
Thế giới phương Tây có thể sẽ ngày càng thù địch với Cơ Đốc giáo, nhưng chúng ta không phải lo sợ vì “Đức Chúa Jêsus Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi” (Hê-bơ-rơ 13:8).
Nhìn về Đấng Christ trong suốt lịch sử
Cuộc Cải Chánh không chỉ là một bước ngoặt trong lịch sử Hội Thánh mà còn trong cả thế giới. 500 năm sau, các tín hữu có thể nhìn lại vài thập kỷ qua như một bước ngoặt tương tự đối với thế giới phương Tây và Hội Thánh. Nhưng khi làm vậy, họ sẽ thấy bàn tay của Đức Chúa Trời bảo vệ và thanh tẩy dân Ngài khi Ngài tể trị trên các lãnh đạo và văn hóa.
Bằng cách nhìn lại lịch sử phong phú của Hội Thánh, chúng ta có được sự tin cậy, an ninh, và hy vọng cho hôm nay và tương lai. “Chúng ta có đoàn thể lớn lao các chứng nhân vây quanh” (Hê-bơ-rơ 12:1) – từ mọi thế hệ và nền văn hóa – nhắc nhở chúng ta về quyền tể trị của Đức Chúa Trời, về quyền công dân Thiên Quốc và tương lai bất biến trong Ngài.
Khi nỗi sợ và lo âu cám dỗ chúng ta quên đi danh tính Cơ Đốc, quyền năng của Đức Chúa Trời, và hy vọng về thiên đàng, hãy tắt bản tin và mở lại những trang lịch sử Hội Thánh. Rồi chúng ta có thể “kiên trì theo đuổi cuộc đua đã bày ra cho chúng ta. Hãy nhìn xem Đức Chúa Jêsus, Đấng khởi nguyên và hoàn tất của đức tin” (Hê-bơ-rơ 12:1-2).
Bài: Bethany Broderick; dịch: SD
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
bình luận