Cha mẹ luôn nghiêm khắc, nhưng Chúa là Đấng nhân từ
Oneway.vn - Phúc âm thay đổi mọi thứ, từ cá nhân, chồng, vợ, cha mẹ và cả con cái.
Trong bài trước, tôi tập trung vào mặt tiêu cực của việc quản chế con cái - đừng khiến con bạn giận dữ. Bây giờ, tôi sẽ tập trung vào mặt tích cực.
Trong Ê-phê-sô 6:4, sứ đồ Phao-lô hướng dẫn cha mẹ cách nuôi dạy con cái theo kỷ luật và sự hướng dẫn của Chúa.
Cha mẹ cần chú ý câu Kinh Thánh này. Chúng ta có thể tóm gọn lời giảng của Phao-lô bằng ba từ: dịu dàng, kỷ luật và hướng dẫn.
Sự dịu dàng
Cụm từ “nuôi nấng chúng nó” không thật sự thể hiện quan điểm gốc của câu Kinh Thánh. Ý tưởng của Phao-lô ở đây là “dưỡng dục”. Trên thực tế, nó cùng nghĩa với từ “nuôi nấng săn sóc” trong Ê-phê-sô 5:29. Trong việc nuôi dạy con cái, cha mẹ cần dụng tâm dịu dàng và thận trọng.
Chúa biết rõ tình trạng của chúng ta. Ngài biết con cái dễ bị tổn thương, dễ dàng bị thất vọng. Hoặc chúng có thể phát triển và bừng sức sống.
Calvin đã dịch câu này là “hãy để con trẻ được ân cần yêu thương”, và sau đó nhấn mạnh rằng ý nghĩa tổng thể là sự dịu dàng và thân mật.
Đây là một sự tương phản rõ rệt với thực tiễn phổ biến trong thời Phao-lô. Những người cha khá vô cảm, có thể làm tổn thương con cái mà không suy nghĩ. Tuy nhiên, Phao-lô cho thấy một trong các yêu cầu của con dân Chúa, đó là ân cần dưỡng dục. Đó là trật tự mới với sự đột phá và ưu tú.
Đồng một ý tưởng, tôi thích những gì Kent Hughes nói: “Không có người đàn ông nào chân chính hơn người cha dịu dàng với con cái, dù là khi anh ấy ôm con trên tay, trìu mến chúng khi đến tuổi đi học, hay cả khi con đã khôn lớn.”
Trước khi vội vàng làm bất cứ điều gì trong vai trò cha mẹ, các phụ huynh Cơ Đốc cần trang bị đôi tay dịu dàng và thuộc linh được nuôi dưỡng. Điều này phản ánh hình ảnh Chúa Jesus, Đấng chẳng bẻ cây sậy đã gãy (Ma-thi-ơ 12:20).
Thật là một điều khó khăn. Bạn có thể không phải là một người dịu dàng, nhưng bạn phải là một cha mẹ dịu dàng. Bạn không thể nuôi dưỡng ai đó một cách bất cẩn hoặc khắc nghiệt.
Kỷ luật
Mặt khác, cần phải sát sao quan tâm để ngăn con cái khỏi việc phát triển các lề thói gây hại cho chúng và người xung quanh, nhất là không làm sáng Danh Chúa.
Từ “sửa phạt khuyên bảo” có nghĩa là rèn luyện, đào tạo và thậm chí dùng hình phạt. Nghĩa là cần sửa chữa các hành vi sai trật và hướng dẫn toàn diện cho con cái.
Đối với Chúa, không phải vì yêu thương mà không cha mẹ bao giờ sửa phạt con cái. Rõ ràng điều này sẽ là làm hại trẻ em trong sự phát triển và đào tạo chúng.
Vì vậy, Kinh Thánh dạy về sự cần thiết kỷ luật trong việc nuôi dạy con cái bằng tình yêu thương:
“Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình; Song ai thương con ắt cần lo sửa trị nó.” (Châm ngôn 13:24)
“Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.” (Châm ngôn 22:6)
Ân cần không có nghĩa là bỏ qua kỷ luật và sửa dạy.
Chúa dạy rằng, trẻ em cần sự yêu thương, nhưng Ngài cũng hiểu rằng chúng cần sự sửa dạy. Là cha mẹ Cơ Đốc, bạn phải thấy sự khác biệt giữa văn hóa thế gian trong việc nuôi dạy con cái, và những gì Đức Chúa Trời phán dạy. Bạn cần kỷ luật con bạn. Chúng không thể tự phát triển, tự trưởng thành và tự khôn ngoan. Chúa đã bổ nhiệm bạn trong cuộc sống của chúng để kỷ luật và dạy dỗ chúng.
Chỉ dẫn
Hãy dùng lời chỉ dẫn để sửa lỗi, khuyên bảo hoặc kể cả đấu tranh với thói quen xấu. Nhưng lưu ý rằng, mọi thứ phải dựa trên nền tảng Kinh Thánh: kỷ luật và hướng dẫn của Chúa.
Cha mẹ không thể bỏ qua việc này. Hãy nhớ lại câu chuyện của Ê-li và các con trai ông (1 Sa-mu-ên 2:22-27). Chúng ta phải dạy Lời Chúa cho con cái và ứng dụng Lời Ngài vào đời sống.
Hãy thuộc lòng Phục truyền luật lệ ký 6:7: “Khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy.”
Lời Chúa phải luôn ở trong chúng ta, trong mỗi cuộc trò chuyện. Giống như thức ăn trên bàn hoặc nước trong bình, Kinh Thánh là điều thiết yếu trong cuộc sống. Để có thể dạy dỗ con cái đúng đắn, chúng ta cần cam kết bằng lời và bằng hành động với Lời Chúa ngay trong gia đình mình.
Khi đặt những điều này lại với nhau, chúng ta có công thức: dạy bảo và kỷ luật bằng tình yêu thương và ân cần. Kỷ luật mà không có chỉ dẫn cũng giống như ngược đãi. Nuôi dưỡng mà không có tình yêu thương thì thật vô cảm. Và chúng ta chưa thật sự dạy dỗ con cái nếu không có kỷ luật.
Tôi thường suy nghĩ về nguyên tắc cân bằng của Luther cho cha mẹ: “Thương cho roi cho vọt là điều cần thiết. Nhưng bên cạnh đó, đừng tiếc phần thưởng cho con trẻ khi chúng làm tốt.”
Điều này đặt gánh nặng lên cha mẹ. Nếu cha mẹ không biết rõ Lời Chúa thì làm thế nào nuôi dạy con cái như Chúa dạy? Nếu cha mẹ không kinh nghiệm Chúa cách cá nhân thì làm sao có thể dạy con một cách khôn ngoan? Cha mẹ phải phát triển đời sống cá nhân tin kính nếu muốn chăm sóc con cái đúng đắn cho Chúa.
Đúng vậy, nuôi dạy con thật khó. Nhưng thật may, Đức Chúa Trời là Đấng nhân từ. Lời Chúa có đủ cho chúng ta. Không chỉ vậy, Đức Thánh Linh ngự giữa những người theo Chúa, giúp chúng ta ngày càng giống Chúa Jesus hơn và khích lệ những cha mẹ đang nản lòng trở nên kiên định và tự hào là những người cha mẹ khiêm nhu trong Chúa.
Bài: Erik Raymond, dịch: Janebie
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
bình luận