Chống cự cám dỗ kiểu “Pha-ri-si” trên mạng xã hội

Dưỡng linh
09:17 25/01/2021

Oneway.vn - Chúng ta cũng vậy. Chúng ta có thể chọn tuyên bố sự công bình của bản thân để được con người tôn vinh, hoặc nhìn nhận sai lầm để gây dựng thân thể Đấng Christ.

Nếu phải chọn một loại người đáng bị “tẩy chay” trong thế kỷ thứ nhất, đó sẽ là người thu thuế. Người Do Thái coi những người thu thuế là kẻ phản bội, kẻ sẵn thông đồng với chính phủ để thu thuế nặng và chiếm một khoản hoa hồng kếch xù cho riêng mình. Công việc của họ thật tồi tệ, thu lợi từ sự nghèo khó của chính đồng bào họ.

Trong các sách Phúc âm, những người thu thuế thường bị đánh đồng với những kẻ tội lỗi trắng trợn ăn bám xã hội.
Vì vậy, khi Chúa Jêsus muốn dạy cho các môn đồ bài học về sự ăn năn, tha thứ và đức tin thật, thì việc Ngài chọn một người thu thuế để làm gương thật sự đó là điều kỳ cục, thậm chí gần như là xúc phạm. Và việc Ngài chọn một người Pha-ri-si làm gương còn xúc phạm hơn.

Tuy nhiên, hãy nghe cách Lu-ca nói về dụ ngôn của Chúa Jêsus: “Ngài lại phán thí dụ nầy về kẻ cậy mình là người công bình và khinh dể kẻ khác” (Lu-ca 18: 9).

Ai mới là người tốt?

Người Pha-ri-si là người tốt. Họ ghê tởm những kẻ thâu thuế tham nhũng, những người ra sức vơ vét tiền bạc và đè đầu cưỡi cổ đồng bào họ. Và trong dụ ngôn này, ai là người nhận biết tội lỗi mình? Đó là người đi đến đền thờ với cái đầu cúi gằm và nặng trĩu, thú nhận tội lỗi mình và cầu xin Chúa thương xót.
“Người thâu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà rằng: Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội! ” (Lu-ca 18:13)
Cùng lúc đó, người Pha-ri-si nổi tiếng về lòng nhân từ tốt đẹp, người có thể chỉ tay chế nhạo kẻ tham lam - lại là người ít nhận thức về bản thân và ít lòng thương xót nhất. Hãy lắng nghe lời ông ta và nghe những âm vang của thời đại chúng ta:
“Người Pha-ri-si đứng cầu nguyện thầm như vầy: Lạy Đức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thâu thuế nầy. Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần, và nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi”. (Lu-ca 18: 11–12)

Văn hóa Pha-ri-si trong thời đại chúng ta

COVID, bất ổn chủng tộc, rồi đến một cuộc bầu cử chính trị gây chia rẽ, quá nhiều thứ khiến chúng ta đề cao bản thân và coi thường người khác. Như người Pha-ri-si, chúng ta có thể tuyên bố rằng mình không làm những chuyện đáng xấu hổ như “kẻ thâu thuế” qua mạng xã hội.

Cơ Đốc nhân có quyền cho thế giới biết quan điểm của chúng ta, tuyên bố sự thật và sẵn sàng bênh vực lẽ thật với bất cứ ai (1 Phi-e-rơ 3:15). Chúng ta không nên ngần ngại lên tiếng để bênh vực những người bị tổn thương và chống lại sự bất công. Tuy nhiên, lời nói của chúng ta có thể dễ dàng biến đổi từ chứng nhân Cơ Đốc thành “người Pha-ri-si”. Trong thời đại này, việc tuyên bố rằng chúng ta đứng về “phe đúng” trong mọi vấn đề đã trở thành một nghi thức văn hóa, và Cơ Đốc nhân không được miễn nhiễm khỏi điều này. Qua mạng xã hội, các bài báo và blog, thậm chí trong sách, chúng ta muốn “quảng bá” sự công bình của bản thân bằng cách cho cả thế giới biết rằng chúng ta không giống những “kiểu” Cơ Đốc nhân khác.

Thử xem xét câu chuyện mà các trang web Hội thánh đôi khi chia sẻ. “Một Hội thánh Tân Ước” ngụ ý rằng các Hội thánh khác không trung thành với Tân Ước. “Một kiểu trải nghiệm thờ phượng mới” ngụ ý rằng trải nghiệm ở các Hội thánh khác thật cũ kỹ; Hoặc một số tựa sách nổi tiếng, thường thì chủ đề chính là sự khác biệt: “Tôi khác với những Cơ Đốc nhân mà bạn không thích”.

Mạng xã hội có thể là diễn đàn công khai nhất cho kiểu người Pha-ri-si này. Ở đó, chúng ta muốn cho thế giới biết sự tốt đẹp của chúng ta - một cách tinh vi hơn, thần học hơn, thánh khiết hơn. Cách để chúng ta càng nổi tiếng là sử dụng ngôn ngữ kích động, khiến những kẻ chỉ trích sôi sục còn người hâm mộ thì cổ vũ.

Học sự khiêm tốn từ Chúa Jêsus và sứ đồ Phao-lô

Vậy chúng ta phải làm sao để tránh được cám dỗ này? Có lẽ ta cần xem lại bài học của Chúa Jêsus trong dụ ngôn ấy: hãy nhớ rằng Ngài đang quở trách những kẻ mạnh miệng, nhưng không phản ánh sự thánh khiết và trong sạch. Điều mà những người Pha-ri-si theo đuổi không phải là bất chính, nhưng họ không nhận ra sự sa ngã của mình. Tuy nhiên, con đường đổi mới không ở nơi những lời tuyên bố công khai rằng bạn yêu Chúa; nhưng ở nơi tiếng kêu khiêm nhường cầu xin lòng thương xót từ một Đức Chúa Trời thánh khiết.

Phao-lô hiểu điều này. Từng là người Pha-ri-si, ông tự mô tả mình: “trong những kẻ có tội đó ta là đầu” (1 Ti-mô-thê 1:15). Ông không nhận mình là người tốt đẹp trung tín dâng một phần mười; cũng không phải người có tấm lòng thương xót. Nhưng Phao-lô nhận mình là một tội nhân được Chúa tha thứ. Điều này không những không ngăn cản Phao-lô can đảm tuyên bố lẽ thật, mà còn tạo ra một tinh thần khiêm tốn.

Chúng ta cũng vậy. Chúng ta có thể chọn tuyên bố sự công bình của bản thân để được con người tôn vinh, hoặc nhìn nhận sai lầm để gây dựng thân thể Đấng Christ.

Chống lại sự cám dỗ “Pha-ri-si” là hành động phản văn hóa. Đó là chống lại việc xây dựng danh tiếng bản thân. Nhưng chúng ta có thể làm điều này qua những việc nhỏ, bằng cách từ chối tham gia vào những tranh cãi, hoặc qua từng lời lẽ mà ta sử dụng. Nhưng trên hết, chúng ta phải chống lại việc tự cho mình là đúng, bằng cách thú nhận rằng tội lỗi chúng ta cũng ghê tởm như tội lỗi của những kẻ mà chúng ta khinh bỉ nhất.

 

Bài: Daniel Darling; dịch: Nhạn Võ

(Nguồn: thegospelcoalition.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này