Chúa đang chu cấp ngay cả khi chúng ta không nhìn thấy!
Oneway.vn - Hoàn cảnh hay cảm xúc của chúng ta đều không phải là những dấu hiệu chính xác cho thấy điều Chúa đang hướng đến trong cuộc sống chúng ta.
John Medina kể câu chuyện hấp dẫn của Tiến sĩ Oliver Sacks, một nhà thần kinh học người Anh. Bệnh nhân của ông là một phụ nữ lớn tuổi bị đột quỵ, điều đó khiến bà mất khả năng chú ý đến những thứ ở bên trái mình. Medina giải thích ảnh hưởng của điều này đối với khả năng nhận thức của bà ấy như sau:
Ví dụ, bà chỉ có thể tô son ở nửa bên phải khuôn mặt. Bà chỉ ăn một nửa bên phải trên đĩa của mình. Bà phàn nàn với y tá rằng khẩu phần ăn này là quá ít! Chỉ khi phần bên kia của đĩa thức ăn được xoay sang phải, bà mới nhận thức được điều đó và ăn no.
Đôi khi chúng ta cũng giống như vậy trong vấn đề nhận thức tâm linh. Mặc dù dễ dàng nhận ra bàn tay Chúa ở bên phải, nhưng chúng ta lại không thấy Ngài đang làm việc ở bên trái. Chúng ta biết ơn vì những hướng dẫn rõ ràng và ơn phước Ngài ban, nhưng rất ít khi nhận ra bàn tay ẩn giấu của Ngài trong những lúc chán nản, thất vọng, đau khổ và thử thách.
Kinh Thánh có rất nhiều ví dụ về các tín đồ có cùng vấn đề này. Na-ô-mi mất cả chồng lẫn các con trai, bà trở về Bết-lê-hem sau một thập kỷ sống tại Mô-áp trong thời kỳ đói kém. Bà sớm trở thành tâm điểm của thị trấn, và những người phụ nữ khác hỏi, "Có phải Na-ô-mi đấy không?" Nhưng Na-ô-mi, cái tên có nghĩa là “ngọt ngào" đã phản bác lại:
“Đừng gọi tôi là Na-ô-mi mà hãy gọi tôi là Ma-ra, vì Đấng Toàn Năng đã khiến tôi chịu nhiều cay đắng. Tôi ra đi với của cải dư đầy, nhưng Đức Giê-hô-va dắt tôi về tay không. Đức Giê-hô-va đã lên án tôi và Đấng Toàn Năng khiến tôi chịu nhiều khốn khổ. Sao còn gọi tôi là Na-ô-mi làm gì?" (Ru-tơ 1: 20-21).
Bà đã từng được hưởng thụ đầy đủ, nhưng bây giờ lại về tay không. Bà đã từng hạnh phúc, nhưng giờ đây phải chịu cay đắng. Na-ô-mi chắc rằng bàn tay Chúa đang chống lại bà. Bà vẫn chưa nhận ra rằng Ru-tơ, nàng dâu trẻ bên cạnh mình sẽ là phương tiện Chúa dùng để mang người thừa kế đến với gia đình bà, chuộc lại gia sản và cuối cùng là sinh ra Đấng cứu chuộc thế giới. (Ru-tơ là bà cố của Vua Đa-vít, bà cũng là một trong bốn người phụ nữ duy nhất có tên trong gia phả của Chúa Jêsus tại Ma-thi-ơ 1).
Hoặc hãy xem câu chuyện Gia-cốp lúc về già. Khi gia đình gặp nạn đói, các con trai ông đã mạo hiểm đến Ai Cập để tìm thức ăn. Rồi họ trở về, để lại Si-mê-ôn ở lại, và được lệnh mang em út Bên-gia-min trở lại theo họ. Tệ hơn nữa, số tiền họ đã chi trả cho lương thực tại Ai Cập giờ lại nằm trong túi họ! Điều này không tốt chút nào. Liệu mọi người có xem họ là kẻ trộm không? Trong lúc tuyệt vọng, Gia-cốp kêu lên, "Mọi chuyện đều đổ lên đầu ta hết!" (Sáng-thế Ký 42:36). Điều mà Gia-cốp không biết là Chúa đang làm việc “đằng sau hậu trường” thông qua người con trai thất lạc từ lâu của ông là Giô-sép, để chu cấp cho cả dân tộc Y-sơ-ra-ên. Như Giô-sép sau này sẽ nói với các anh em mình (chính họ đã bán ông làm nô lệ, nguyên nhân đưa ông đến Ai Cập lúc đầu), “Các anh định hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại định cho nó thành điều lành để thực hiện việc đang xảy ra hôm nay, tức là bảo tồn sự sống cho bao nhiêu người” (Sáng-thế Ký 50:20).
Chúng ta cũng giống như Gia-cốp và Na-ô-mi. Chúng ta hiểu sai hoàn cảnh của mình. Chúng ta cảm thấy vô vọng, mặc dù hy vọng đang ở ngay bên cạnh. Chúng ta cảm thấy như mọi thứ đang chống lại mình, mà không nhận ra rằng Chúa đang làm mọi điều vì lợi ích của chúng ta (Rô-ma 8:28). Như nhà thơ William Cowper đã nói:
“Sự thiếu tin cậy mù quáng chắc chắn sẽ là sai lầm, và quét sạch các công việc Ngài một cách vô ích,
Chúa là thông dịch viên của chính Ngài, và Ngài sẽ làm cho mọi thứ rõ ràng”.
Vấn đề là quan điểm hạn chế của chúng ta về sự quan phòng của Chúa. Giáo lý về sự quan phòng dạy rằng Chúa cai quản mọi sự Ngài sáng tạo. Chúa không phải là một thợ đồng hồ thờ ơ, tạo ra thế giới và sau đó để nó tự biến mất. Ngài là một vị Vua tốt lành và khôn ngoan, Đấng cai quản các công việc của con người. Thi Thiên tuyên bố: “Đức Giê-hô-va đã lập ngôi Ngài trên các tầng trời, Vương quốc Ngài cai trị trên muôn vật” (Thi Thiên 103:19). Nhưng Chúa không chỉ là Vua, Ngài còn là Cha chúng ta, Đấng luôn quan tâm mật thiết đến những chi tiết nhỏ nhất trong cuộc sống chúng ta. Vì Chúa Jêsus đã nói:
"Hai con chim sẻ không phải chỉ bán được một đồng sao? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý muốn của Cha các con. Ngay cả tóc trên đầu các con cũng được đếm hết rồi. Vì vậy, đừng sợ, vì các con quý giá hơn nhiều chim sẻ” (Ma-thi-ơ 10:29-31).
Định nghĩa yêu thích của tôi về sự quan phòng là:
"Quyền năng Chúa toàn năng và hiện diện ở khắp mọi nơi; nhờ đó, bởi tay Ngài, Ngài nâng đỡ, vận hành trời, đất và mọi tạo vật; để cỏ cây, mưa và hạn hán, những năm tháng cằn cỗi, hoa trái, thức ăn và đồ uống, sức khỏe và bệnh tật, giàu sang và nghèo khó, và mọi sự đều không phải do ngẫu nhiên mà đến, nhưng là bởi bàn tay Cha".
Đây là một tin tốt lành, nhưng chúng ta phải có niềm tin để đón nhận điều này.
Hoàn cảnh hay cảm xúc của chúng ta đều không phải là những dấu hiệu chính xác cho thấy điều Chúa đang hướng đến trong cuộc sống chúng ta. Đôi khi mọi thứ dường như đang chống lại chúng ta. Đôi khi chúng ta cảm thấy trống rỗng và cay đắng. Nhưng những lúc như vậy, hãy nhớ rằng nhận thức của chúng ta thực sự vô cùng hạn chế. Giống như bệnh nhân của bác sĩ Oliver Sacks, người phụ nữ không thể nhận thức bất cứ thứ gì bên trái mình, đôi khi chúng ta cũng không thể cảm nhận được ý muốn tốt lành của Chúa hoặc sự khôn ngoan trong kế hoạch Ngài.
Vậy hãy nhớ lời khuyên khôn ngoan này từ bài Thánh ca của Cowper:
“Đừng phán xét Chúa bằng tâm trí yếu đuối, nhưng hãy tin cậy vì ân điển Ngài
Đằng sau những khó khăn trắc trở, Ngài ẩn giấu niềm hạnh phúc tràn đầy".
Bài: Brian G. Hedges; dịch: Jennie
(Nguồn: christianity.com)
bình luận