Được phước để trở thành nguồn phước

Dưỡng linh
01:27 20/09/2020

Oneway.vn - Phải nói rằng Đức Chúa Trời đã ban phước dư dật cho Hội thánh phương Tây ngày nay.

Chúng ta đang tận hưởng sự tự do, các nguồn lực phong phú và nhiều cơ hội. Dù vậy, sự nghèo đói và sự bắt bớ Cơ Đốc nhân vẫn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới. Tại sao Chúa ban phước cho các hội thánh chúng ta trong những thời kỳ như vậy? 

Sự kêu gọi của Đức Chúa Trời đối với Áp-ra-ham đem lại cho chúng ta một nhận thức sâu sắc: “Ta sẽ làm cho con thành một dân lớn, Ta sẽ ban phước cho con, làm rạng rỡ danh con, và con sẽ thành một nguồn phước” (Sáng Thế Ký 12:2).

Đất nước, hội thánh và gia đình của chúng ta đã được ban phước để trở thành một nguồn phước cho thế giới. Chúng ta có đang sử dụng những nguồn lực mình có để đem phước đến cho thế giới không? Nhiều người trong chúng ta đã đánh mất thế giới quan theo Kinh Thánh trong khía cạnh này.

Không còn nhìn ra thế giới

Nếu thu nhập hàng năm của bạn là 49.802 đô-la (mức thu nhập trung bình ở Hoa Kỳ), bạn đang kiếm được nhiều tiền hơn 99% dân số thế giới. Nếu gia đình bạn kiếm được 23.050 đô-la mỗi năm (mức nghèo của Hoa Kỳ đối với gia đình bốn người), bạn nằm trong top 19% người giàu nhất thế giới. Hơn một nửa dân số thế giới đang sống dưới mức nghèo khổ, theo định nghĩa quốc tế là thu nhập dưới 2 đô-la/ngày. Chúng ta hiện là Hội thánh giàu có nhất trong lịch sử thế giới.

Những món quà mà chúng ta nhận được không chỉ nhằm đem đến cho chúng ta sự thoải mái và an toàn, mà thay vào đó, chúng nhằm để phục vụ tốt hơn cho những người đang thiếu thốn. Các anh chị em trong Chúa của chúng ta đang gặp khó khăn. Mỗi năm, hơn 100.000 Cơ Đốc nhân bị giết vì niềm tin của mình. Ngày nay, 200 triệu Cơ Đốc nhân ở 60 quốc gia đang bị từ chối những quyền cơ bản của con người vì đức tin của họ, 300 triệu người không có Kinh Thánh trong ngôn ngữ của họ. Chúng ta không thể làm nhiều hơn được sao? Như Mục sư Tim Keller đã nói: “Vì Chúa Jêsus đã phục vụ chúng ta đến như vậy nên chúng ta có một nhu cầu là phục vụ người khác cách vui mừng”.

Lý do chúng ta được phước

Sứ đồ Phao-lô nói với các tín hữu ở Cô-rinh-tô: “Anh em sẽ được phong phú trong mọi sự để làm mọi việc từ thiện; để qua chúng ta, người ta sẽ cảm tạ Đức Chúa Trời” (II Cô-rinh-tô 9:11). Đức Chúa Trời không cần chúng ta mở rộng Vương quốc của Ngài, nhưng Ngài đã ban phước cho chúng ta bằng một đặc ân vĩ đại là được chia sẻ danh Ngài với thế giới. Trong mọi việc chúng ta làm, mục tiêu là tôn vinh Đức Chúa Trời. Chúng ta phải là nguồn phước cho thế giới và bao phủ thế giới bằng Phúc Âm của Chúa Jêsus. 

Chúa không ban cho chúng ta sức khỏe và các nguồn lực để chúng ta nuông chiều bản thân mình. Thay vào đó, hãy sử dụng tất cả những gì Chúa ban để mở rộng vương quốc của Ngài trên đất và chia sẻ Lời Ngài với thế gian.

Những công việc như bác sĩ, giáo viên, người trông giữ… không chỉ là sự kêu gọi dành cho bạn; chúng không phải là cách duy nhất chúng ta có thể phục vụ người khác mà còn là phương tiện Chúa ban để bày tỏ lòng thương xót và tình yêu thương của Ngài cho họ. Mục sư R.C. Sproul từng nói: “Một trong những điều tồi tệ nhất chúng ta làm là lãng phí những món quà Chúa ban cho chúng ta”. Thời gian, nguồn lực và tấm lòng của chúng ta nên hướng tới sứ mệnh mở rộng Vương quốc và vinh quang của Đức Chúa Trời, thay vì chủ yếu tìm kiếm niềm vui và sự thoải mái cho riêng mình. Việc phục vụ người nghèo khó không chỉ là thể hiện sự cảm thương trước hoàn cảnh của họ, mà còn là chia sẻ những món quà chúng ta được ban vì Chúa đã thương xót chúng ta trước.

Trước giả Gia-cơ dạy Hội thánh đầu tiên: “Sự tin đạo thuần khiết, không hoen ố trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là thăm viếng trẻ mồ côi, người góa bụa trong cơn hoạn nạn của họ, và giữ mình khỏi sự ô uế của thế gian” (Gia-cơ 1:27). Phục vụ những người khó khăn trên khắp thế giới hoặc ngay trong chính nơi ở của chúng ta là lời kêu gọi dành cho mọi Cơ Đốc nhân. Khi Chúa đặt để một người lạ thiếu thốn xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta, Ngài đang ban cho chúng ta cơ hội để cho người đó thấy ân điển và lòng thương xót của Chúa Jêsus là thể nào. Việc trao tặng một chiếc áo khoác hoặc một bữa ăn cho những đang cần đến cũng giống như trao cho họ một mảnh của tấm lòng mới mà chúng ta đã được ban cho bởi Đấng Christ.

Trở thành nguồn phước cho thế giới

Đức Chúa Trời đã ban phước dồi dào cho các hội thánh và gia đình của chúng ta. Thánh Augustine dạy rằng chúng ta có thể tận hưởng các phước lành Chúa ban, nhưng cũng phải nhân danh Chúa mà chia sẻ chúng với người khác: “Hãy nhận biết Chúa đã ban cho bạn những gì và lấy những thứ bạn cần từ đó, phần còn lại là của người khác”. 

Chúng ta phải sử dụng các nguồn lực Chúa ban theo đúng ý định của Ngài, đó là để bày tỏ vinh quang của Ngài trên khắp thế giới. Ân điển và lòng thương xót của Chúa tuôn đổ trên chúng ta nên sản sinh ra những Cơ Đốc nhân nhân danh Chúa mà cống hiến để đem phước lành đến cho thế giới.

Một khi Chúa đã kêu gọi chúng ta dâng trọn đời sống mình để phục vụ thì việc dâng những thứ còn thừa của chúng ta là không đủ. Chúng ta cần có những sự hy sinh trong đời sống mình để góp phần mở rộng Phúc Âm ra thế giới. Khi bày tỏ phẩm giá, lòng thương xót, tình yêu, công lý, lòng bác ái và sự tôn trọng dành cho người khác, chúng ta đang cho họ thấy Đấng Christ trong lời nói và hành động của mình. Đừng bao giờ quên lý do mà Chúa ban phước cho chúng ta dồi dào như vậy. 

Sứ đồ Phao-lô nhắc nhở: “Ngài an ủi chúng tôi trong mọi hoạn nạn, để chúng tôi có thể dùng chính sự an ủi mà Đức Chúa Trời đã an ủi chúng tôi để an ủi những người khác trong bất cứ hoạn nạn nào họ gặp!” (II Cô-rinh-tô 1:4).

Mục sư quá cố Adrian Rogers từng nói: “Bạn không thể vâng lời Chúa nếu không vâng lời trong việc tuôn đổ phước lành cho tất cả những người xung quanh”. Chúng ta hãy nỗ lực đem phước lành đến cho thế giới bằng những ơn phước mà Chúa đã ban cho chúng ta.

 

Tác giả: Mike Pettengill là một giáo sĩ đang phục vụ ở vùng xích đạo Guinea với tổ chức Mission to the World. Trước đó, ông đã phục vụ 7.5 năm như một giáo sĩ ở Honduras. Để tìm hiểu thêm về công tác truyền giáo của Pettengills, hãy ghé thăm website của mục vụ Pettengill Missionaries.

 

Tác giả: Mike Pettengill; Dịch: Blessie

(Nguồn: thegospelcoalition.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này