Giáng Sinh: Một câu chuyện về công tác cứu chuộc

Dưỡng linh
04:15 05/12/2019

Oneway.vn - Mỗi dịp Giáng sinh, giữa những buổi lễ, những trang hoàng và truyền thống, nhiều Cơ đốc nhân lo ngại về nguồn gốc ngoại giáo của Giáng Sinh (ít nhất là cách thức và thời gian chúng ta kỷ niệm Giáng Sinh trong năm). 

Đúng là nhiều học giả Kinh Thánh tin rằng Đấng Christ thật sự sinh ra vào cuối mùa hè (chứ không phải vào tháng 12), và nhiều truyền thống như cách chúng ta kỷ niệm Giáng Sinh ngày nay không hề liên quan đến sự ra đời của Đấng Christ (cây thường xanh, ăn mừng cùng hàng xóm, tặng quà cho nhau, vv).

Vì vậy, nếu nhiều truyền thống Giáng Sinh của chúng ta có nguồn gốc từ các hoạt động và tín ngưỡng ngoại giáo không hề liên quan đến Đấng Christ, tại sao chúng ta lại tiếp tục thực hiện chúng?

Lý do là: Câu chuyện Đấng Christ và Giáng Sinh đều nói về sự cứu chuộc.

Câu chuyện về Giô-sép trong Sáng thế ký bắt đầu là sự đau lòng, thất vọng, nhưng cuối cùng là sự cứu chuộc. Có sự tương đồng giữa câu chuyện về sự cứu chuộc Giô-sép và cách chúng ta mừng Giáng Sinh ngày nay.

Sau khi bị những người anh em ghen ghét bán làm nô lệ, bị giam cầm oan ức, bị bạn cũ quên lãng sau khi được thả ra, cuối cùng Chúa đã đưa Giô-sép thoát khỏi bất hạnh và đưa ông thành một trong những người quyền lực nhất thế giới, giúp cả một quốc gia sống sót qua nạn đói. Kết thúc câu chuyện, Giô-sép gặp lại anh em mình, những người đã bán ông làm nô lệ, và nói với họ rằng: bất chấp ý định xấu xa của họ, Chúa có kế hoạch vĩ đại hơn.

“Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi, hầu cho cứu sự sống cho nhiều người, y như đã xảy đến ngày nay, và giữ gìn sự sống của dân sự đông đảo” Sáng thế ký 50:20 

Chúa đã sử dụng hành động của các anh Giô-sép và tất cả những người làm sai với ông để thực hiện mục đích lớn lao trong cuộc đời ông. Giống như các truyền thống chúng ta thấy ngày nay, cùng với sự ra đời của Đấng Christ, Chúa đã khiến những thứ bắt nguồn từ sự hiểu lầm của con người được mang một ý nghĩa mới và làm vinh hiển danh Ngài.

Trước khi Đấng Christ đến thế gian vào 2000 năm trước, nhiều người không hề biết đến niềm hy vọng rằng có một Đấng Cứu Thế sắp tới. Họ không biết về một Đức Chúa Trời sẽ yêu thương và cứu họ khỏi tội lỗi của họ. Nhưng trong sâu thẳm, họ luôn muốn có câu trả lời. Khi đi tìm kiếm sự thật, họ đã nghĩ ra những truyền thống và nghi lễ của riêng mình, nỗ lực làm hài lòng các vị thần vô hình. Mặc dù họ không biết chân lý, nhưng họ biết rằng có chân lý đang hiện hữu đâu đó. Vâng, các nghi lễ của họ có thể bị nhầm lẫn, nhưng ngày nay, khi liên kết chúng với sự ra đời của Đấng Christ, chúng mang một ý nghĩa mới. Giống như khi tội nhân nhận được sự cứu rỗi nhờ Đấng Christ, quá khứ của họ sẽ bị lãng quên. Mục đích cuộc đời họ bây giờ đã mang ý nghĩa mới.

Đó chính là công tác cứu chuộc của Đấng Christ.

Trong sách Công vụ có câu chuyện Phao-lô đến thăm thành A-thên.

“Phao-lô đương đợi hai người tại thành A-thên, động lòng tức giận, vì thấy thành đều đầy những thần tượng” Công vụ 17:16 

Phao-lô được mời đến để giảng Tin Lành Đấng Christ cho các nhà thông thái trong thành. Nhưng không giống như một số Cơ Đốc nhân khác, Phao-lô không bắt đầu bằng việc lên án người dân A-then vì việc họ làm, nhưng ông chân thành khen ngợi họ, vì thấy rằng họ đang tìm kiếm chân lý!

“Bấy giờ, Phao-lô đứng giữa A-rê-ô-ba, nói rằng: Hỡi người A-thên, phàm việc gì ta cũng thấy các ngươi sốt sắng quá chừng. Vì khi ta trải khắp thành các ngươi, xem xét khí vật các ngươi dùng thờ phượng, thì thấy một bàn thờ có chạm chữ rằng: Thờ Chúa không biết. Vậy, Đấng các ngươi thờ mà không biết đó, là Đấng ta đương rao truyền cho” Công vụ 17: 22-23

Phao-lô yêu cầu họ ăn năn vì đã tôn thờ các vị thần sai trật, nhưng trước tiên ông dùng cách hiểu của họ để tiếp cận với văn hóa họ, từ đó giúp họ hiểu chân lý. Thậm chí ông còn trích dẫn lời một thi nhân của họ để kêu gọi họ quay lại với Chúa.

“...y như xưa một vài thi nhân của các ngươi có nói rằng: Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài” Công vụ 17:28 

Phao-lô thấy rằng mặc dù nhiều điều người dân A-then làm là dựa trên hiểu biết sai lầm của họ về thần tượng và cuộc sống, nhưng Chúa muốn chuộc lại mong muốn sai lầm đó để mang đến chân lý vĩ đại hơn. Phao-lô nhận ra rằng mặc dù thờ hình tượng là sai, nhưng bằng cách tìm hiểu lý do tại sao họ làm như vậy, ông có thể mang đến cho họ chân lý thật mà họ đang tìm kiếm.

Giáng Sinh là dịp vô cùng quan trọng để nhắc nhớ rằng Chúa vẫn thực hiện công tác cứu chuộc mọi người. Trong thời ngoại giáo, nông nghiệp rất quan trọng. Mùa màng và thời tiết tốt quyết định sự sống và cái chết. Đây có thể là lý do tại sao vào mùa đông (thời điểm chết trong nông nghiệp), người dân sẽ dùng những thứ như cây thường xanh để nhắc nhở bản thân về sự sinh sản và cuộc sống. Họ biết rằng có một Đấng chịu trách nhiệm che chở giúp họ sống sót qua mùa đông. Giống như người A-thên lập bàn thờ “Chúa không biết”, khi ấy họ đang tìm kiếm chân lý. Là Cơ Đốc nhân ngày nay, chúng ta biết Đấng chịu trách nhiệm cho sự sống và sự cứu rỗi. Khi tặng quà cho nhau, tụ tập, ăn uống và trang trí, chúng ta được nhắc nhớ rằng chính Chúa đã ban cho chúng ta phước hạnh. Ngài là Đấng xứng đáng được vinh hiển. Và món quà cuối cùng - Đức Chúa Jesus Christ đã được sinh ra để cứu chúng ta khỏi tội lỗi chính là lý do những truyền thống này mang một ý nghĩa mạnh mẽ như vậy.

Ngày nay, hầu hết những ý nghĩa ban đầu đằng sau những truyền thống xa xưa đã không còn - trống rỗng như bàn thờ “Chúa không biết”. Nhưng giống như Phao-lô, thay vì chỉ phớt lờ, chúng ta cần công bố ý nghĩa thật sự của chúng: “Vậy, Đấng các ngươi thờ mà không biết đó, là Đấng ta đương rao truyền cho”.

Chính Đức Chúa Trời luôn gìn giữ chúng ta ngay cả khi trải qua thời kỳ khó khăn nhất, ban ân điển thiêng liêng để chính Con Ngài sinh ra trên thế giới này, và cứu nhân loại khỏi tội lỗi. Đó chính là điều chúng ta ăn mừng. Đó là ý nghĩa thật sự đằng sau truyền thống của chúng ta; nhắc nhớ về món quà lớn nhất của Đức Chúa Trời, và kêu gọi chúng ta chia sẻ thông điệp tuyệt vời này với những người đau khổ và thiếu thốn.

Rốt cuộc, Giáng Sinh là câu chuyện về công tác cứu chuộc của Đấng Christ.

Bài: Jesse Carey; dịch: Hồng Nhạn

(Nguồn: cbn.com)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này