Gửi đến Mục sư khi đối mặt với khó khăn vì đại dịch

Dưỡng linh
09:28 24/02/2021

Oneway.vn - Năm qua là một năm khó khăn nhất với tôi trong suốt 16 năm chức vụ. Những thử thách quá sức và mệt mỏi. 

Về mặt nào đó, đây là một cơn bão thảm khốc và xung đột dâng cao khi chúng ta phải đối mặt với đại dịch, các cuộc biểu tình và sự chia rẽ về chính trị.

Không có lớp giáo lý nào được chuẩn bị trước để tôi có thể điều hướng và lên loạt bài chia sẻ cho 12 tuần tiếp theo khi Hội Thánh chúng tôi buộc phải chuyển sang các buổi nhóm Online. Giống như nhiều Mục sư khác, tôi cảm thấy căng thẳng, không biết lúc nào Hội Thánh mở cửa trở lại hoặc điều đó sẽ như thế nào, liệu mọi người có còn giữ kết nối với nhau hay không, hay liệu chúng tôi có sống sót sau những cú sốc về tài chính?!

Chỉ vài tuần sau, áp lực của tất cả những điều này càng lớn khi cái chết tàn bạo của George Floyd đã gây ra các cuộc biểu tình và bạo loạn trên khắp đất nước. Không nhiều tuần sau đó, cuộc bầu cử Tổng thống mang đến một loạt thách thức mới, và nhiều những sự kiện, thách thức sau đó.

Thực sự không có một từ nào thích hợp để mô tả tất cả những sự phức tạp mà các sự kiện này đã gây ra cho nhiều Mục sư trên khắp thế giới.

Thật khó khăn. Quyết định mệt mỏi, chỉ trích, kiệt sức - tôi đã trải qua tất cả. Khi nói chuyện với những người bạn là Mục sư ở khắp nơi, tôi thấy nhiều người trong số họ đang bị mắc kẹt.

Nhiều Hội Thánh đang tăng trưởng mạnh mẽ

Không phải tất cả bởi có nhiều Hội Thánh dường như đã vượt qua những thách thức của COVID-19 theo những cách đáng kinh ngạc. Tôi chăm chú khi xem báo cáo về những điều đáng kinh ngạc đang diễn ra ở nhiều Hội Thánh trên khắp đất nước bất chấp khủng hoảng.

Một số Hội Thánh báo cáo 90% số tín hữu vẫn tham dự bình thường. Nhiều Hội Thánh khác với hàng trăm tân tín hữu thực hiện phép báp têm và hàng nghìn người cho biết đã quyết định tin nhận Đấng Christ thông qua các dịch vụ trực tuyến. Trong tất cả những điều này, tôi vui mừng.

Nhưng hiện tại, những điều này không xảy ra trong Hội Thánh chúng tôi. Việc đóng góp của chúng tôi rất tốt và mọi người đã kiên nhẫn, thấu hiểu và khá thống nhất trong suốt cả năm. Tôi chắc chắn đã trải qua những lời chỉ trích trong cuộc khủng hoảng này giống như những người khác, nhưng phần lớn các thành viên trong Hội Thánh của chúng tôi đã luôn bên cạnh và giups đỡ nhau. 

Nhưng trở lại thực tế là cộng đồng tín hữu tại Hội Thánh của chúng tôi đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID. Hiện tại chỉ trung bình khoảng 35 % tín hữu trở lại và tham dự các buổi thờ phượng mỗi tuần tại Hội Thánh. Nhiều người chưa quay trở lại vì lo ngại về COVID-19. Tôi e rằng những người khác đã hoàn toàn rời khỏi cuộc sống của Hội Thánh, mặc dù chúng tôi đã cố gắng hết sức để duy trì chức vụ trong thời gian này.

Ngoài điều đó (và rắc rối hơn), những nỗ lực truyền giáo của chúng tôi trong năm nay đã gặp nhiều khó khăn hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong chức vụ của tôi. Nó không phải vì thiếu cố gắng. Mỗi tuần tôi luôn tìm mọi cách để mời mọi người đến với Hội Thánh và tiếp nhận Đấng Christ. Chúng tôi đã có một số chiến lược tiếp cận sáng tạo nhưng vì sự phức tạp của đại dịch và việc hủy bỏ các sự kiện truyền giáo, chúng tôi không tiếp cận được mọi người như điều tôi mong muốn.

Thật là bực bội nhưng cũng đầy lo sợ. Tôi thường tự hỏi, “Khi nào mọi người sẽ trở lại? Liệu họ có quay lại không? Tôi tự hỏi với tần suất ngày càng tăng, có phải tôi đã thất bại trong một số khía cạnh lãnh đạo của mình?”

Tôi cảm thấy thiếu tự tin về khả năng lãnh đạo của mình hơn bao giờ hết. Dường như mình còn quá nhiều thiếu sót và cần điều gì đó để tốt hơn.

Nhưng....

Chúa có mọi thứ tôi cần

Tôi không thể thay đổi Hội Thánh của mình. Tôi không thể bắt mọi người quay lại. Tôi không thể búng tay và nhìn thấy mọi thứ như mong muốn. Nhưng Chúa có thể. Tôi không đủ khôn ngoan và kỹ năng để vượt qua tất cả những điều này. Nhưng trong mỗi lần nhận ra những gì tôi không thể làm và những gì tôi không có, tôi tìm thấy sự khích lệ sâu sắc khi biết rằng Chúa có mọi thứ tôi cần. Chúa Jêsus là Đấng chăn dắt Hội thánh. Cuối cùng, Hội Thánh là gì hay trở nên như thế nào là bởi Chúa. Ngài là Đấng hướng dẫn.

Trách nhiệm của tôi là trung tín, chịu đựng, tiếp tục chăn dắt và tin cậy Ngài với những gì sắp xảy ra cho Hội Thánh. Công việc của tôi không phải là phát triển Hội Thánh, không phải để sửa trị Hội Thánh. Công việc của tôi là chăm sóc những ‘con chiên’ thuộc về Chúa Jêsus và hướng dẫn ‘bầy chiên' đến với Ngài, cho dù con đường hiện tại có thể đầy những thách thức, khó khăn.

Không phải ngẫu nhiên mà Phao-lô nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiên trì trong cuộc chạy đua (Hê-bơ-rơ 12:1–3). Mục vụ không phải là cuộc chạy nước rút; đó là một cuộc chạy marathon.

Nếu bạn đang trải qua cảm giác bất lực hoặc thậm chí là tuyệt vọng, nếu bạn thất vọng hoặc sợ hãi, hãy biết điều này: Bạn không đơn độc. Mục sư ở khắp nơi cũng đang trong hoàn cảnh như bạn. Và Chúa Jêsus biết mỗi người, quan tâm và ở đó cùng bạn. Bạn có thể nản lòng đến đâu, dù tâm hồn bạn mệt mỏi đến đâu, cảm giác thiếu thốn ảnh hưởng lớn như thế nào thì điều vui mừng đó là Chúa Jêsus nhìn thấy bạn, yêu bạn và sẽ không bỏ rơi bạn!

Hãy giữ vững đôi tay để cày xới. Đừng bỏ cuộc. Đến mùa, chúng ta sẽ gặt hái!

Bài: Andrew Hébert; Dịch: Sara Doan

(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Andrew Hébert là Mục sư Quản nhiệm Hội Thánh Baptist Paramount ở Amarillo, Texas. Ông và vợ - Amy, có bốn người con. Anh tốt nghiệp Đại học Criswell College và Southern Seminary. 

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này