Hội thánh online trong mùa dịch Corona

Coronavirus
12:37 01/04/2020

Oneway.vn - Trong những tuần gần đây, giống như các mục sư và lãnh đạo hội thánh khác, tôi trải qua rất nhiều điều bối rối. 

Sự lan tràn nhanh chóng của COVID-19 đã buộc chúng ta phải đối diện với những câu hỏi hóc búa liên quan đến hội thánh. Thậm chí, một “hội thánh” là như thế nào trong lúc này?

Việc chúng ta tiếp tục đến với nhau để nhóm lại trong bầu không khí sợ hãi và hoang mang quan trọng như thế nào? Quyết định đó có khôn ngoan không? Khi nào thì chúng ta đang kiên cường, khi nào đang ngoan cố? 

Riêng tôi còn có thêm trăn trở về một quyển sách tôi sắp cho ra mắt vào cuối tháng 3, trong đó tôi quả quyết rằng Hội thánh đã và sẽ luôn là một thực tại bất biến — một cộng đồng không bị chi phối bởi sự tiện lợi của “kết nối” điện tử để hiệp nhóm thông công với nhau trong một không gian và thời gian thực sự. Phê bình của tôi về hình thức hội thánh online và phòng nhóm chỉ chiếu video giờ đây đang bị đặt trong một tình huống hoàn toàn mới và không mong đợi.

Trước những gì đang diễn ra cùng với nhiều nỗi lo lắng, sau đây là một vài điều để chúng ta suy ngẫm trong những ngày này: 

Thích ứng chứ không thuận tiện

Trước cuộc khủng hoảng COVID-19 đang ngày càng phức tạp, nhiều hội thánh nhận thấy việc hướng dẫn tín đồ nhóm online không chỉ là một trong những sự lựa chọn mà còn là điều cần nên làm. Ở nhiều khu vực trên thế giới, lệnh đóng cửa của chính quyền đối với những hình thức tụ tập đông người buộc chúng ta phải chấp hành. Điều này cũng được áp dụng ngày càng nhiều ở nơi tôi đang sống và phục vụ. 

Đại học địa phương đóng cửa các lớp học trực tiếp, trường công cũng vậy. Cho đến nay, các hội thánh chỉ được khuyến cáo mạnh mẽ để thực hiện theo hướng dẫn, nhưng tình hình chung đang đẩy chúng ta đến việc tạm ngưng mọi buổi nhóm họp. Việc giữ khoảng cách tiếp xúc dường như là giải pháp duy nhất để ngăn chặn, hay ít nhất là làm chậm lại sự lây lan của vi-rút.

Trong khi chúng ta đang tạm thời hướng hội thánh mình đến những hình thức trực tuyến, điều quan trọng nhất cần nói rõ đó là việc vận dụng kỹ thuật số này chỉ là một sự thích ứng tạm thời, không phải là một tiện nghi sẽ tiếp diễn về sau. Việc nói rõ ngay từ đầu, hoặc bỏ qua, sẽ được hình thành trong suy nghĩ của mọi người theo cách này hay cách khác. Đừng mắc sai lầm! Việc ngồi thoải mái và an toàn trong nhà để xem một bài giảng trên tivi hoặc máy tính là điều thuận tiện, và sự thuận tiện có khả năng nhanh chóng hủy hoại các kỷ luật đã được gìn giữ lâu dài. Nếu chúng ta tin rằng việc nhóm lại trong một không gian và thời gian thực sự là nền tảng (và đúng là như thế) thì hình thức online tạm thời phải được xem như một biện pháp thích nghi với hoàn cảnh, cho đến khi có thể trở lại với sự nhóm họp trực tiếp thiết yếu.

Mỗi khi đi công tác, tôi gọi FaceTime về cho vợ và các con, và tôi biết ơn sự kết nối “ảo” đó. Nhưng điều tôi mong chờ nhất đó là được về nhà, được ôm lấy những người thân yêu trong vòng tay của mình. Do vậy, đây chỉ là thời điểm hội thánh tạm thời thích ứng với hoàn cảnh.

Việc vận dụng kỹ thuật số chỉ là một sự thích ứng tạm thời, không phải là một tiện nghi sẽ tiếp diễn về sau. 

Tận dụng thời điểm hiện tại và phương tiện truyền thông như một đòn bẩy

Trong những ngày nhóm lại bằng hình thức kỹ thuật số, chúng ta có thể tận dụng trải nghiệm này một cách hữu ích. Mặc dù thiếu đi sự hiện diện về thể xác của hội chúng, nhưng các hình thức đa dạng mà chúng ta đang sử dụng tạo ra cơ hội để xem xét lại một số thực hành thờ phượng mà bấy lâu nay chúng ta vẫn đi theo, làm sao để chúng có thể kết nối với nhau cách độc đáo trong khi càng dấy lên trong mỗi người lòng khao khát được gặp gỡ nhau bằng xương bằng thịt, để rồi khi được quay trở lại nhóm họp trực tiếp, chúng ta có thể tiếp tục áp dụng.

Hầu hết các trang phát trực tiếp (livestream) còn có một tùy chọn để người xem có thể bình luận. Giai đoạn nhóm online này có thể tạo điều kiện cho hình thức bài giảng có tính tương tác hơn so với những buổi nhóm Chúa nhật chúng ta thường kinh nghiệm. Đối với các mục sư và lãnh đạo hội thánh, việc có thêm phần trao đổi sau bài giảng có thể giúp ích trong giai đoạn này. Nó giúp hàn gắn sự chia cắt do phương tiện điện tử, bằng cách mời gọi người tham dự online không chỉ nghe và nhìn mà còn chia sẻ những suy nghĩ, nhận thức và thắc mắc của họ. Cách tiếp cận này cũng nhấn mạnh đến sự tham gia “trực tiếp”, khuyến khích mọi người cùng truy cập vào một thời điểm định sẵn, giảm bớt cám dỗ xem việc nhóm online như một sự thuận tiện để vào đó bất cứ khi nào mình muốn.

Phương pháp tương tự cũng có thể áp dụng cho sự cầu nguyện. Khuyến khích tín hữu lên mạng vào một giờ nào đó để chia sẻ các vấn đề cầu nguyện là điều hầu hết hội thánh online đã làm. Mặc dù việc cầu nguyện cho nhau thông qua phương tiện điện tử có vẻ thiếu chiều sâu của sự hiện diện con người thật sự nhưng đây vẫn là một cách yêu thương đầy sức mạnh khi chúng ta không ở gần nhau. Thậm chí, điều ích lợi nhất là nó có thể giới thiệu các cá nhân với nhau, những người có thể phát triển sự nối kết ý nghĩa và gắn bó hơn với đời sống hội thánh sau này.

Hầu hết các hội thánh đã có những hình thức nhóm lớn và nhỏ, nhóm chung và riêng. Có những buổi nhóm “lớn” vào Chúa nhật, cũng có các buổi nhóm “nhỏ”, “riêng” cho từng đối tượng và có thể rải rác trong thành phố.

Trong giai đoạn bất khả kháng hiện nay, chúng ta có thể khuyến khích tín hữu họp lại theo nhóm nhỏ, không chỉ trong tuần mà nếu có thể, ngay cả trong buổi nhóm thờ phượng chung “phát sóng trực tiếp”. Dù không thể nhóm lại như một thân thể lớn, chúng ta vẫn có thể ngồi lại theo nhóm nhỏ, rải rác, nếu có thể. 

Khao khát được gặp nhau

“Không hề có sự sợ hãi trong tình yêu thương, nhưng tình yêu thương trọn vẹn thì loại bỏ sự sợ hãi” (I Giăng 4:18) là một điệp khúc của Cơ Đốc nhân trong những thời điểm như thế này. Điều quan trọng cần nhớ đó là từ Hy Lạp của “trọn vẹn” ở đây là teleia, là gốc của từ tiếng Anh telos, nghĩa là “điểm đến sau cùng” hay “sự tận cùng”. Loại tình yêu có thể xua tan nỗi sợ hãi, là tình yêu của Đức Chúa Trời, là tình yêu hướng chúng ta đi đến sự tận cùng của mình, cũng là sự khởi đầu mới của Đức Chúa Trời. Đây là điều chúng ta biết chắc: nếu COVID-19 không giết chết chúng ta thì cuối cùng ai rồi cũng phải chết. Mùa Thương khó-Phục sinh nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta ra từ bụi đất và sẽ trở về với bụi đất. Nhưng với những ai là môn đồ của Chúa Jêsus thì mọi thứ không dừng lại ở đó, đây là niềm hy vọng sau cùng của chúng ta.

Một trong những lý do Hội thánh tiếp tục nhóm lại, ca hát, lắng nghe, cầu nguyện, phục vụ, thông công bẻ bánh và chén: Đây là cách để thể hiện bằng thân thể và thực hành trước niềm hy vọng trong tương lai của chúng ta ngay ở đây, trong lúc này. Hoàn cảnh hiện tại có thể ngăn trở chúng ta không trực tiếp gặp nhau nhiều tuần, có thể là nhiều tháng sắp tới, nhưng chúng ta chắc chắn phải hành động khôn ngoan và có trách nhiệm. Dù vậy, trong những ngày này, nguyện chúng ta sẽ mang lấy tinh thần của sứ đồ Phao-lô, “tuy xa cách anh em ít lâu, xa mặt chứ không cách lòng, chúng tôi vẫn thiết tha mong được gặp lại anh em, mặt đối mặt” (I Tê 2:17).

Bài:Jay Kim; Dịch: Blessie

(Nguồn: thegospelcoalition.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này