Khi bạn muốn lên tiếng trên mạng xã hội

Dưỡng linh
04:45 26/07/2021

Oneway.vn - Bạn muốn sử dụng mạng xã hội để bày tỏ suy nghĩ về các vấn đề ảnh hưởng đến văn hóa và xã hội.

Vâng, bạn muốn trở thành một bình luận viên trên mạng xã hội.

Bạn muốn sử dụng mạng xã hội để bày tỏ suy nghĩ về các vấn đề ảnh hưởng đến văn hóa và xã hội. Vậy thì chúc mừng, tiếng nói của bạn đang vang lên giữa “đồng vắng”.

Có quá nhiều tiếng ồn trên mạng xã hội. Cũng có một số người chỉ giữ im lặng. Tuy nhiên, vùng “đồng vắng” này là nơi chiếm rất nhiều thời gian của con người, và có rất nhiều người đang lang thang tìm kiếm câu trả lời ở đó.

Làm sao mọi người có thể nhìn thấy ánh sáng Đức Chúa Trời trong nơi ấy, nếu tôi tớ Ngài không nói?

Nếu bạn được kêu gọi lên tiếng trên mạng xã hội, tôi xin chia sẻ với bạn một số suy ngẫm của mình:

“Nói ít hiểu nhiều”

Trên mạng xã hội, bạn có thể nhanh chóng biến suy nghĩ của mình thành lời nói công khai. Cái lưỡi - cơ quan mạnh mẽ và nguy hiểm nhất của chúng ta sẽ được tự do thể hiện lời nói dưới dạng văn bản trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, Kinh thánh lại khuyên chúng ta rằng: “Kẻ canh giữ miệng mình, giữ được mạng sống mình; Nhưng kẻ nào hở môi quá, bèn bị bại hoại” (Châm ngôn 12:18, 13:3).

Cũng như việc canh giữ lưỡi mình, chúng ta cũng phải canh giữ các ngón tay mình trên bàn phím. Đừng bình luận về mọi thứ chúng ta thấy.

Và một khi đã bình luận, hãy nhớ rằng lời nói có thể mang lại sự sống hoặc lấy đi sự sống: bạn có thể kéo mọi người đến gần Chúa Jêsus hơn hoặc đẩy họ ra xa Ngài hơn!

Học cách trò chuyện với người khác

Mạng xã hội không chỉ là một nơi tự do ngôn luận. Đó còn là một nơi để quan sát và lắng nghe.

Chú ý đến những gì người khác đang nói:

  • Qua những người khác, bạn có tìm ra cách nào tốt hơn để thể hiện quan điểm của mình không?
  • Bạn có lắng nghe những quan điểm đối lập (một quan điểm khác về Cơ Đốc hoặc hoàn toàn ngoại đạo) không?
  • Bạn có đồng tình với điều họ đang nói không? Bạn có ý định bày tỏ ý kiến của mình không?
  • Bạn có hiểu được trọng tâm điều người khác nói không? Thường thì sẽ có những lý do sâu xa hơn bạn tưởng.

Mạng xã hội là phương tiện gián tiếp để học cách giao tiếp hiệu quả, để khi đến lúc cần nói, sẽ có nhiều người lắng nghe bạn hơn.

Khi cảm xúc dâng trào, hãy bật chế độ “tự kiểm soát”

Không phải ai cũng nhìn mọi thứ theo cách của bạn, và hiểu đúng mọi thứ bạn bình luận. Rất nhiều người sẽ hiểu sai ý bạn. Và khi tranh luận về những vấn đề nhạy cảm, cảm xúc có thể dâng tràn.

Bạn phải luôn giữ mình trong tư thế tìm kiếm sự khôn ngoan, chứ đừng cố gắng chứng minh rằng mình đúng. Tôi học được nhiều điều qua việc quan tâm đến những người phản đối kịch liệt quan điểm của tôi.

Bạn có cởi mở khi người khác chỉ ra điểm sai trái trong bình luận của bạn?

“Đường lối của kẻ ngu muội vốn ngay thẳng theo mắt nó; Còn người khôn ngoan nghe lời khuyên dạy” (Châm ngôn 12:15).

Chúng ta cần nhận thức rằng: cách chúng ta bình luận có thể sẽ hủy hoại thay vì mở ra một không gian để thảo luận và học hỏi. Hãy cẩn thận, đừng hấp tấp đánh giá tiêu cực ý định của người khác, ngay cả khi đang thảo luận về các vấn đề nhạy cảm.

Phải làm gì nếu tôi quá phẫn nộ?

Các nhà tiên tri thời xưa là những người có tầm ảnh hưởng xã hội sớm nhất. Hãy tưởng tượng sự phẫn nộ chính đáng của họ khi quở trách tội lỗi của các vị vua và thầy tế lễ đầy quyền lực.

Ngày nay, chúng ta chỉ nên bày tỏ sự phẫn nộ trong sự hiện diện của Chúa Jêsus - một cách thánh khiết và khiêm nhường. Càng muốn xả thân chống lại sự bất công, bạn càng phải cẩn thận làm sao để thể hiện bản tánh tốt lành của Ngài.

Đó là những lúc bạn dễ bị kiêu ngạo thuộc linh nhất: “Tôi thánh khiết hơn bạn, vậy nên tôi có quyền nói những gì tôi cho là đúng”.

“Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận; Còn lời xẳng xớm trêu thạnh nộ thêm” (Châm-ngôn 15:1).

Cách tốt nhất để biến cơn phẫn nộ trở thành lòng nhiệt thành thánh khiết là dâng tất cả lên cho Chúa. Thế nhưng, chúng ta lại “nhanh như chớp” thể hiện cơn tức giận của mình trên mạng xã hội, trong khi Chúa dạy điều đầu tiên chúng ta phải làm là cầu nguyện không thôi.

Kinh thánh kể về nhiều tấm gương tin kính kêu cầu Chúa về những bất công mà họ chứng kiến. Họ biết rằng Chúa muốn họ dâng những tổn thương và phẫn nộ lên cho Ngài, để Ngài có thể biến đổi và cứu giúp họ.

Mọi việc sẽ nghiêm trọng hơn khi chúng ta muốn phê bình những bất ổn của chính Hội thánh. Việc nhận thức đúng và quở trách Hội thánh không phải là điều dễ dàng.

Nhưng giữa những phẫn nộ, hãy nhận thức rằng chúng ta cũng là một phần của Hội thánh. Chúng ta đau buồn vì thân thể thuộc linh của mình, và chúng ta cũng giữ một phần trách nhiệm để chữa lành những phần hư nát.

Chúng ta cần làm điều đó bằng tình yêu.

Phản hồi với ân điển và lẽ thật

Nhưng nếu người khác phẫn nộ với tôi thì sao? Tôi phải làm gì nếu bị xúc phạm và bị bắt bẻ từng lời nói? 

Tôi nên làm gì khi những người tôi tôn trọng bị tấn công trên mạng xã hội?

Bạn cần chấp nhận rằng bị đả kích và chế nhạo điều hiển nhiên mà một người theo Chúa Jêsus phải đối diện.

Điều quan trọng hơn hết là trước khi bước vào mạng xã hội, bạn phải cam kết phản hồi bằng ân điển và lẽ thật (Rô-ma 12: 14-21), với tư cách là chứng nhân Đấng Christ.

Ân điển và lẽ thật phải đi đôi với nhau. Nhưng đôi khi bạn lại nóng lòng muốn nói sự thật đến mức từng lời bạn nói ra chẳng có chút ân điển nào. Khi làm vậy, bạn sẽ không thể là chứng nhân cho người lân cận mình.

Ân điển cũng thể hiện qua việc chúng ta đề nghị đưa cuộc tranh luận vượt khỏi giới hạn mạng xã hội.

Các cuộc thảo luận chỉ hiệu quả nhất khi diễn ra trực tiếp. Tôi thường tổ chức các buổi gặp mặt uống cà phê với những người tôi giao lưu trên mạng xã hội. Ngay cả khi họ không chấp nhận lời đề nghị, tôi vẫn nghiêm túc và chân thành với họ ngay cả ngoài đời thật.

Cuối cùng, bạn sẽ gặp phải một số người khó chịu, và những người thực sự không có lời nào ích lợi để nói (Châm ngôn 14:7). Trong trường hợp đó, hãy rút lui vì lợi ích của bạn!

Khi bạn chiến đấu giữa “đồng vắng” mạng xã hội, hy vọng rằng sẽ luôn có những người cầu nguyện cùng bạn và cầu thay cho bạn; và rằng bạn sẽ dành thời gian để tìm kiếm và học hỏi trong sự chữa lành, phục hồi và quan phòng của Chúa.

Hãy tin rằng Ngài luôn hiện diện giữa nơi đồng vắng cùng bạn.

“… Có tiếng kêu trong đồng vắng rằng:

 Hãy dọn đường Chúa,

 Ban bằng các nẻo Ngài” (Mác 1:3).

Bài: Ng Zhiwen; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thir.st)

bình luận

1 bình luận
NHang Dinh
Một lời nhắc nhở tuyệt vời. Cảm tạ Chúa.
Trả lời -
28/07/2021