Kính sợ Chúa thực sự là gì?

Quốc tế
08:50 17/07/2019

Oneway.vn - “Nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay rất quan tâm đến sự nổi tiếng của bản thân, xem có bao nhiêu người theo dõi mình trên mạng xã hội hơn là tìm kiếm ý muốn của Đức Chúa Trời” - giọng ca chính của ban nhạc dòng Christian Metalcore nổi tiếng - chia sẻ.Mặc dù “kính sợ Chúa” là “phương tiện” trong niềm tin Cơ Đốc, Montgomery nói nhiều tín đồ đang được dạy rằng họ chỉ cần tôn trọng và tôn vinh Chúa.

Theo anh, những giáo lý này đang khiến các tín đồ trốn tránh việc tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa khi giải quyết những thử thách lớn trong cuộc sống, khiến nhiều người tìm kiếm sự bảo vệ, an toàn và giúp đỡ từ thế gian.

Tuần trước, The Christian Post đã nói chuyện với Montgomery về quyển sách mới của anh. Dưới đây là một vài điểm được đúc kết lại của cuộc phỏng vấn.

PV: Điều gì truyền cảm hứng cho bạn để viết cuốn sách này?Mattie Montgomery: Tôi nghĩ một trong những khái niệm bị hiểu lầm nhiều nhất trong nhà thờ hiện đại là kính sợ Chúa. Nếu chúng ta nghe tất cả các bài giảng về vấn đề này, chúng ta đang đang đi xa khỏi khái niệm của nó, và được thuyết phục rằng Chúa không đáng sợ, không chỉ trong cách mà chúng ta thường sử dụng các từ như tôn trọng hoặc tôn kính.

Theo kinh nghiệm cá nhân với Chúa - tôi đã đề cập một số trong cuốn sách - tôi đã có những cuộc gặp gỡ kinh khiếp với Ngài. Có những lúc tôi cảm thấy mình gần gũi với Chúa đến nỗi mọi hành động hay chuyển động nhỏ đều được chú ý, khi tôi đắm chìm trong sự hiện diện của Chúa, không có chỗ cho những điều suồng sả. Tôi phải đảm bảo rằng mọi bước đi, lời nói, suy nghĩ, hành động đều phải có Chúa dẫn dắt.

Tôi nghĩ chúng ta đã phạm sai lầm lớn khi cố gắng dạy rằng chúng ta không cần phải sợ Chúa, và kính sợ Chúa không đồng nghĩa với sợ hãi, mà có nghĩa tôn trọng hoặc tôn kính. Kinh Thánh nói rất rõ ràng.

Từ Hebrew/Hê-bơ-rơ được sử dụng để nói về sự kính sợ là 'yirah', cũng chính là từ mà Adam đã sử dụng trong vườn khi ông nói: “Tôi có nghe tiếng Chúa trong vườn, bèn sợ, bởi vì tôi lõa lồ, nên đi ẩn mình”. Nếu nhớ lại lời Đức Chúa Trời dành cho ông, “khi con ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác, con chắc chắn sẽ chết”. Adam nói về cảm giác khi ông nghĩ mình sẽ chết là ‘yirah’ - nỗi khiếp sợ.

Đó là từ mà Jacob/Gia-cốp đã sử dụng khi ông nghĩ Esau/Ê-sau và quân đội ông sẽ đến giết ông.

Đó là từ duy nhất mà mọi người sử dụng trong Kinh Thánh khi họ nghĩ mình sẽ chết. Nhưng đó cũng là từ trong Proverbs/Châm Ngôn khi nói "Kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan" (Châm Ngôn 9:10).

Dạy rằng kính sợ có nghĩa là tôn trọng hay tôn kính không chỉ không chính xác về mặt Kinh Thánh, nó cũng không có lợi trong ý nghĩa thực tế cho cuộc sống chúng ta. Nếu tôi có một Đức Chúa Trời chỉ đủ tốt, khi tôi cần một chiến binh, một anh hùng, thì Ngài không thể giúp tôi.

Nếu kẻ thù của tôi là là kẻ dã man, tàn nhẫn, hung hăng và quyết đoán, thì phải đến khi tôi có được sự mặc khải về sự công bình và không nhân nhượng của Đức Chúa Trời, lúc đó tôi mới có thể hiểu rằng không kẻ thù nào chống lại tôi có thể được thịnh vượng.

Tôi đã xem xét nó như một vấn đề phổ biến trong Hội Thánh ngày này, và điều tôi nhận biết Chúa đã nói cách đây 2 năm: "Đây là lúc để con viết nó". Nên tôi đã viết.

PV: Vậy điều bất lợi khi xem kính sợ Đức Chúa Trời ở mức tôn trọng và tôn kính là gì?MM: Tôi nghĩ sự tôn trọng nghĩa là tôn trọng sự khác nhau đối với những người khác nhau. Tôi dành một sự tôn trọng rất khác cho người bạn thân, một sĩ quan cảnh sát. Tôi dành sự tôn trọng cho tổng thống Mỹ khác với sự tôn trọng dành cho anh bán hàng tại cửa hàng tạp hóa địa phương. Tôi dành cho mỗi người một sự tôn trọng khác nhau, nhưng nếu một vị Tổng thống bước vào phòng, bạn sẽ muốn có một khoảng cách phù hợp để đứng lên và làm mọi thứ một cách trang trọng. Đó là vì cần một sự tôn trọng nhất định cho vị trí này.

Sự tôn trọng có thể là một triệu điều khác nhau đối với một triệu người khác nhau và theo triệu cách khác nhau. Vì vậy, chúng ta có cả một thế hệ trong nhà thờ nói rằng: “Đừng sợ Chúa, mà hãy tôn trọng Ngài". Họ tôn trọng Chúa theo cách họ tôn trọng người bạn thân hay người anh em. Tóm lại, Chúa thân mật với chúng ta nhưng Ngài không chỉ là một người bạn. Ngài là Cha, nhưng Ngài không chỉ là Cha của chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta nhưng Ngài không chỉ là người yêu dấu của chúng ta...

Bất lợi lớn nhất về sự hiểu lầm của chúng ta về sự kính sợ Chúa là chúng ta giảm nhẹ sự thừa nhận về thiên tính của Đức Chúa Trời, và kết quả là chúng ta đến với Chúa như một khái niệm hoặc một ý tưởng. Thông thường, tôi nghĩ một số người đến với Chúa với tư cách một người bạn, đồng nghiệp hoặc cộng sự. Một số người coi Đức Chúa Trời là quyền lực nhân từ trời, đôi khi sẽ ban những cơn mưa ơn phước, nhưng lại đánh mất cảm giác kinh sợ trước sự uy nghi, vĩ đại của Ngài bằng cách được dạy tôn trọng Ngài thay vì kính sợ.

Các tín đồ ngày nay không còn xem Chúa là anh hùng nữa. Ngài không phải là nhà vô địch, cũng không phải Đấng Cứu Thế nữa. Chúng ta cần nhìn xem Đức Giê-hô-va theo cách mà người Phi-li-tin đã nhìn Goliath/Gô-li-át. Ngài là Quán quân của tôi, người đã xuống thung lũng, đối đầu với kẻ thù chống lại tôi và Ngài đã giành chiến thắng để tôi không cần phải chiến đấu nữa. Vì vậy, khi chúng ta có thể biết Chúa là Đấng đáng kinh sợ, thì chúng ta vui mừng khi Ngài vào thung lũng cho chúng ta.

PV: Bạn viết trong cuốn sách của mình rằng Cơ Đốc nhân ngày nay không còn cầu xin Chúa xử lý các vấn đề của họ, và họ đang trở thành nô lệ của những “nỗi sợ hãi của con người”. Bạn có thể nói rõ hơn ý nghĩa của điều này?

MM: Chúng ta đã được dạy - đặc biệt là trong thế hệ truyền thông xã hội ngày nay - rằng điều quan trọng nhất bạn có thể làm là trở nên nổi tiếng. Giá trị của bạn với tư cách là một con người được xác định chủ yếu bởi số lượng người theo dõi bạn trên mạng xã hội, số lượt thích mà bạn nhận được. Vì vậy, chúng ta bỏ qua bản thân để trở thành một mặt hàng được mua và bán. Chúng ta tiếp thị bản thân. Chúng ta không chỉ giới thiệu sản phẩm mà còn cố gắng bán chúng. Chúng ta tiếp thị bản thân, như một khuynh hướng của cuộc sống.

Vì chúng ta tiếp thị và đóng gói bản thân như một sản phẩm được bày bán, nếu chúng ta đến một nơi trong cuộc sống, nơi mọi người không mua các sản phẩm đó, chúng ta sẽ cảm thấy bản thân là một sự thất bại tuyệt đối. Bản thân, cá tính, danh tính của chúng ta đang bị đặt dưới sự tấn công. Nếu mọi người không thích chúng ta, họ sẽ không theo dõi chúng ta trên mạng xã hội hoặc không đồng ý với những gì chúng ta tin hay dạy.

Một người bạn của tôi từng nói rằng nếu sự lừa dối trong Phúc Âm thời cha mẹ chúng ta là sự thịnh vượng, thì sự lừa dối của thế hệ chúng ta là Phúc Âm về sự nổi tiếng. Ở thời cha mẹ chúng ta, chúng ta được dạy rằng bằng chứng về Đức Chúa Trời trong cuộc sống hay chức vụ của ai đó là sự thịnh vượng về tài chính - họ có rất nhiều tiền.

Tương tự, trong thế hệ của chúng ta, chúng ta được dạy rằng bằng chứng của Đức Chúa Trời trên cuộc sống hay chức vụ của ai đó là sự nổi tiếng, có bao nhiêu người bị họ ảnh hưởng, có bao nhiêu người đến nhà thờ của họ hay theo dõi họ trên phương tiện truyền thông xã hội.

Sự thật là chúng ta

nhìn vào những người Cha đức tin của chúng ta. Một ví dụ tuyệt vời là tiên tri Jeremiah/Giê-rê-mi, người đã rao giảng ròng rã 40 năm mà không một người nào ăn năn trước thông điệp của ông.

Nếu chúng ta nhìn vào Noah/Nô-ê, ông đã rao giảng trong 100 năm mà chỉ có 11 người được cứu khỏi sự hủy diệt. Hay thậm chí là chức vụ của Chúa Jesus, Ngài đã chữa lành cả thành phố đầy những người quỷ ám, bệnh tật, gọi người chết sống lại... Ngài thay đổi hoàn toàn văn hóa và bầu không khí của một khu vực. Nhưng, tại thời điểm Ngài bị xét xử, không một người nào đứng lên làm chứng cho Ngài.

Có một sự nhầm lẫn mà tôi nghĩ đã len lỏi vào Giáo hội, điều chúng ta gọi là "nỗi sợ hãi tâm linh của con người” đã lừa dối chúng ta, tin rằng Đức Chúa Trời sẽ làm cho cuộc sống chúng ta trở nên nổi tiếng hay có ảnh hưởng. Những anh hùng và cha đẻ đức tin của chúng ta, rất nhiều người trong số họ không hề được mô tả là nổi tiếng hay có sức ảnh hưởng. Nhưng họ trung tín và kính sợ Chúa hơn mọi sự. Lý do tôi vẫn nói về điều này hôm nay không phải vì họ có ảnh hưởng hay nổi tiếng, mà vì họ trung tín trong mọi việc Chúa gọi họ làm, dù đó là điều không ai biết.

Khi chúng ta kính sợ Chúa hơn bất kỳ điều gì, làm theo Lời và các điều răn Ngài, chúng ta sẽ thấy Ngài sử dụng chúng ta cho mục đích của Ngài. Nhưng nếu chúng ta cố gắng làm theo ý riêng, yêu cầu Ngài cho chúng ta trở nên nổi tiếng hay có ảnh hưởng hơn, thì một ngày nào đó chúng ta sẽ nhìn lại và nói: “Tôi đã có rất nhiều người theo dõi trên các phương tiện truyền thông, nhưng tôi đã lãng phí thời gian Chúa ban cho”. Tôi không muốn bất cứ ai phải thốt lên như vậy.

PV: Vậy việc thực sự kính sợ Chúa là thế nào?MM: Thực sự kính sợ Chúa là tìm kiếm Ngài để biết Ngài là ai, và để Ngài trở thành nỗi kinh sợ duy nhất trong cuộc sống chúng ta. Tôi nghĩ điều đó sẽ dễ dàng nếu bạn thực sự nhìn Ngài theo cách mà nơi ngôi Ngài được mô tả trong Isaiah/Ê-sai 6, Ezekiel/Ê-xê-chi-ên 1 và Revelation/Khải huyền 4. Cách đến gần Đức Chúa Trời được mô tả trong Kinh Thánh là không thể tin được, cũng không thể tưởng tượng nổi. Nó vượt xa bất kỳ hiệu ứng đặc biệt nào mà con người có thể tưởng tượng.

Chúng ta đã được mời đến với Chúa trong sự tự do và tin cậy. Vì vậy, nếu chúng ta đã được tha tội qua dòng huyết Chúa Jesus, thì việc kính sợ Chúa là để nhận biết thuộc tính của Ngài cách rõ ràng, điều có thể khiến chúng ta sốc và từ bỏ ý muốn riêng để được biến đổi từ trong ra ngoài, thay đổi cách chúng ta nhìn nhận bản thân và thế giới xung quanh - rằng mọi thứ chúng ta làm sẽ thông qua việc Đức Chúa Trời là ai và Lời của Ngài.

PV: Awakening Evangelism/ Truyền giáo nhận thức là gì? Nó cung cấp dịch vụ gì?(Montgomery đã thành lập Bộ Truyền giáo Awakening Eveachism có trụ sở tại Alabama vào đầu năm 2018 sau nhiều năm cung cấp dịch vụ đào tạo truyền giáo trên toàn thế giới).

MM: Tôi nghĩ điều quan trọng là các Cơ Đốc nhân phải nói rõ về Tin Mừng mà chúng ta tuyên bố tin nhận. Hầu hết Cơ Đốc nhân đều không biết cách truyền đạt, cũng như chưa thể nắm lấy các cơ hội có thể rao giảng Tin Mừng.

Chúng tôi làm việc để đào tạo và cung cấp nguồn lực cho các tín đồ thực sự nhận lãnh Tin Mừng, chịu trách nhiệm với thế giới xung quanh để mọi người có thể, sẵn sàng và nhiệt tình rao giảng Tin Mừng trong mọi tình huống có thể.

Chúng tôi cũng sẽ đào tạo những nhà truyền giáo. Tôi sẽ đi du lịch và đào tạo truyền giáo ở các nhà thờ trên khắp thế giới.

Jane Nguyễn dịch

(Nguồn: christianpost.com)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này