Kinh thánh có mâu thuẫn với chính nó?

Dưỡng linh
02:34 13/08/2022

Oneway.vn - Không, Kinh Thánh không mâu thuẫn với chính nó và dưới đây là lý do mà chúng ta cần biết.

Nếu bạn từng bàn luận về Kinh Thánh với ai đó, nhất là với người đa nghi hoặc vô tín, nghi vấn “liệu Kinh Thánh có mâu thuẫn hay không” sẽ được đưa ra. Một số người có mối bận tâm chính đáng về những điều này, trong khi một số khác thì lại dùng nó như một cái cớ. Họ có thể đổ lỗi rằng "Tôi không đọc Kinh Thánh vì có những mâu thuẫn trong đó". Nhiều người nói như vậy là vì họ không đọc Kinh Thánh và họ chỉ viện cớ để hợp thức hóa việc cho việc này.

Nhưng, câu nói đó cũng đặt ra nghi vấn: Kinh Thánh có mâu thuẫn không? Đây là một nghi vấn chính đáng, và tôi sẽ trả lời cho bạn cách nhanh gọn là không. Dầu vậy, vẫn có các phân đoạn Kinh Thánh thoạt nhìn có vẻ mâu thuẫn với nhau, và rất đáng để chúng ta đi sâu nghiên cứu các phân đoạn đó.

Kinh Thánh có mâu thuẫn không?

Dù đúng là Kinh Thánh không có mâu thuẫn, nhưng có các phân đoạn khó hiểu hoặc cần nghiên cứu sâu hơn mới thông suốt được. Khi bạn nghiên cứu sâu hơn, bạn sẽ phát hiện ra rằng những điều có vẻ như mâu thuẫn với nhau thực chất lại đang không nói về cùng một vấn đề. 

Để nói hết các phân đoạn Kinh Thánh trong bài viết này là không thể, vậy nên hãy để tôi giải quyết trước một phân đoạn làm ví dụ cho bạn. Hãy xem phân đoạn có mâu thuẫn rõ ràng trước rồi sau đó đưa ra các bước giải quyết.

Ngày Sa-bát

“Hãy nhớ giữ ngày Sa-bát làm ngày thánh” (Xuất Ai Cập Ký 20:8 - BPT).

Người nầy cho rằng ngày nầy tốt hơn ngày kia, còn người khác thì coi mọi ngày đều như nhau; mỗi người hãy tin chắc ở trí mình (Rô-ma 14:5).

Khi bạn đọc hai phân đoạn này, thoạt thấy có mâu thuẫn rõ ràng, vì trong Cựu Ước, dân Y-sơ-ra-ên được truyền phải giữ ngày Sa-bát làm ngày thánh. Trong Tân Ước thì mạng lệnh này không còn cần thiết. Vậy cả hai đều đúng, hay cái này mâu thuẫn với cái kia?

Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời thiết lập luật pháp như một phương cách để dân Ngài biệt riêng chính họ ra khỏi các dân xung quanh. Ngài cũng thiết lập luật giữ ngày Sa-bát. Giữ ngày Sa-bát là điều bắt buộc nếu bạn muốn sống theo luật pháp. Vấn đề là luật pháp là tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, nhưng không ai có thể giữ trọn luật pháp nên không ai được xưng công chính nhờ vâng giữ luật pháp. Điều luật pháp đã làm là khiến mọi người ý thức về tình trạng tội lỗi của họ. 

Trong Tân Ước, chúng ta khám phá ra rằng Đấng Christ đã đến để làm trọn mọi đòi hỏi của luật pháp và cung ứng giải pháp để chúng ta được xưng công chính, là điều không thể có được nhờ vâng giữ luật pháp. Vì chính Ngài đã làm thỏa mãn mọi yêu câu của luật pháp, nên chúng ta không cần phải làm nữa để được xưng công chính, mà thực ra chúng ta cũng không thể làm được. Giờ đây sự công chính của chúng ta đến bởi đức tin chứ không phải bởi việc tuân giữ luật pháp.

“Vì chúng ta tin rằng một người được xưng công chính bởi đức tin chứ không phải bởi việc làm theo luật pháp” (Rô-ma 3:28).

Vì chúng ta được xưng công chính bởi đức tin, nên chúng ta không còn phải tuân giữ luật pháp nữa. Đây là lý do vì sao Phao-lô đã nói trong Rô-ma chương 14. Nếu bạn chọn tôn kính ngày Sa-bát, điều đó không có gì sai. Nhưng tôn kính ngày Sa-bát không phải là điều bắt buộc để được xưng công chính.

Tôi mong bạn theo kịp lời giải nghĩa trên. Như bạn thấy đấy, nếu bạn từng bắt gặp các phân đoạn có vẻ mâu thuẫn như vậy, thì hãy nghiên cứu sâu hơn để bạn có thể hiểu được cách thấu đáo. 

Bạn sẽ giải quyết thế nào nếu có người nói Kinh Thánh mâu thuẫn?

Bạn sẽ làm gì nếu ai đó nói với bạn rằng Kinh Thánh có những điều mâu thuẫn với nhau? Tôi nói thật với bạn, hầu hết những người không muốn tin Kinh Thánh đều không tìm câu trả lời cho câu hỏi này. Họ thà giữ khư khư cái cớ hoặc sự vô tín của họ vì nó gắn liền với chức vị của họ. Điều này không bao hàm tất cả, nhưng đa phần là vậy.

Trước tiên bạn cần xác định được họ đang tìm câu trả lời hay đang kiếm cớ. Nếu một người đang chân thành tìm câu trả lời, rất đáng bõ công để giúp họ có câu trả lời. Nhưng nếu một người chỉ đang kiếm cớ thì bạn có nói gì cũng chẳng thuyết phục được họ.

Bạn nên làm gì khi bạn nghĩ mình đã tìm thấy mâu thuẫn?

Nếu bạn từng tìm thấy một mâu thuẫn rõ ràng trong Kinh Thánh, vậy có hai điều tôi khuyên bạn nên làm: thừa nhận và nghiên cứu.

Thừa nhận

Điều tệ nhất lúc đó là vờ như không có gì. Đừng chỉ tự nhủ rằng Kinh Thánh không có mâu thuẫn nào cả và bạn lưu giữ điều mâu thuẫn đó trong tâm trí. Không sao cả và cũng không phải là thiếu đức tin khi bạn thừa nhận hình như có gì đó mâu thuẫn.

Nói cách khác, bạn có thể đặt câu hỏi. Chỉ khi hỏi bạn mới có được câu trả lời. Còn nếu không hỏi, nghĩa là bạn vẫn chưa sẵn sàng để trả lời nếu ai đó đặt câu hỏi này với bạn.

Nghiên cứu

Điều thứ hai cần làm là nghiên cứu. Có rất nhiều cách khác nhau để nghiên cứu, nhưng một trong những cách trước hết đó là xét đến các ngôn ngữ được viết trong Kinh Thánh. Ngôn ngữ gốc trong Cựu Ước là tiếng Hê-bơ-rơ, còn trong Tân Ước là tiếng Hy Lạp. Đôi khi có những điều ngỡ như mâu thuẫn nhưng đó lại chỉ là vấn đề về bản dịch.

Ví dụ, trong tiếng Anh, chúng ta có một từ để nói về tình yêu thương. Nhưng trong tiếng Hy Lạp có đến bốn từ. Hiểu bản dịch cũng giúp bạn có thể hiểu rõ ý nghĩa của phân đoạn Kinh Thánh đó. Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ khác. Rõ ràng là bạn cần có đủ thông tin để giải đáp mọi khúc mắc nhờ đó bạn có thể tin chắc rằng Kinh Thánh không có mâu thuẫn nào.

Làm sao chúng ta tin được một cuốn sách cổ như Kinh Thánh?

Đây là điều chúng ta biết về Kinh Thánh.

“Cả Kinh Thánh đều được Ðức Chúa Trời hà hơi soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị, đào tạo người trong sự công chính, để người của Ðức Chúa Trời có đầy đủ bản lĩnh, được trang bị sẵn sàng cho mọi việc tốt đẹp” (II Ti-mô-thê 3:16-17 – BD2011).

Khi nói đến độ tin cậy của Kinh Thánh, có một vài điều cần bàn đến sau đây:

Cuốn sách lịch sử - Phần lớn Kinh Thánh ghi chép về lịch sử của các nước. Bạn có thể nghiên cứu Kinh Thánh chỉ từ góc độ lịch sử, làm như vậy bạn sẽ thêm lòng tin quyết nơi Kinh Thánh.

Cuốn sách tiên tri - Bạn có thể xét đến độ chính xác của mọi lời tiên tri trong Kinh Thánh như một cách để bạn tin quyết nơi Kinh Thánh. Ví dụ, chỉ cần nghiên cứu số lời tiên tri trong Cựu Ước chỉ về sự đến lần thứ nhất của Chúa Jêsus và bạn sẽ thấy được độ tin cậy cũng như bàn tay của Đức Chúa Trời qua những lời tiên tri này. 

Bạn cũng có thể làm như vậy liên quan đến những điều đã chép về một số quốc gia thời nay. Bạn thậm chí có thể xem Kinh Thánh nói gì về mọi điều đang xảy ra ngày nay. Tất cả những điều đó là bằng chứng và căn cứ đáng tin cậy để lòng bạn tin quyết nơi Kinh Thánh.

Cuốn sách về con người - Khi bạn xét đến các trước giả của Kinh Thánh và họ là ai, sẽ giúp bạn có thêm bằng chứng về việc Kinh Thánh không hề mâu thuẫn. Nếu các trước giả đang cố thông đồng với nhau hoặc bịa đặt, họ đã không làm tốt công tác được giao. Nhưng họ đã ghi lại trong các câu chuyện của Kinh Thánh mọi sai phạm của những người nam và người nữ đức tin. Họ đã không che giấu lỗi lầm nào. Bạn được cho thấy những người nam và người nữ này tranh chiến với đức tin, nghi ngờ, tội lỗi, lòng tin và mọi tranh chiến khác mà họ đã trải qua. Vì trong đó nêu bản chất thật của con người, nên chúng ta tin chắc mọi lời đã được viết ra. 

Giờ bạn phải làm gì đây?

Tôi muốn khích lệ bạn làm hai điều: Biết điều bạn tin và biết tại sao bạn tin vào điều đó. Đừng ngại đối diện với những điều có vẻ như mâu thuẫn hoặc sẽ gây tranh cãi; chỉ đơn giản là bạn phải nghiên cứu thêm. Mục tiêu là làm được điều mà Phi-e-rơ khích lệ chúng ta làm: 

“Nhưng trong lòng anh chị em hãy biệt riêng Chúa Cứu Thế làm Chúa. Luôn luôn sẵn sàng để trả lời cho bất cứ ai hỏi anh chị em lý do nào anh chị em có hy vọng đó. Phải làm điều này với sự nhu mì và kính trọng” (I Phi-e-rơ 3:15 - NVB).

Kinh Thánh là đáng tin cậy và không hề có mâu thuẫn nào. Khi bạn học biết nhiều hơn, nghiên cứu nhiều hơn, và trưởng thành càng hơn, bạn sẽ thấy được tay của Đức Chúa Trời đang kết hợp mọi lẽ thật của Lời Ngài lại với nhau.

Bài: CL. Haynes Jr.; dịch: Tiểu Nguyên

(Nguồn: crosswalk.com)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này