Nên nói gì với con cái về vấn để đồng tính luyến ái?

Dưỡng linh
05:33 17/06/2021

Oneway.vn - Khi con bạn hỏi: "Tại sao gia đình đó lại có đến hai người cha?", bạn sẽ trả lời thế nào?

Vâng, vấn đề đồng tính luyến ái là một thực tế đang diễn ra trong nền văn hóa ngày nay. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta cần biết cách nói chuyện với con cái về chủ đề này theo quan điểm Kinh thánh.

Dưới đây là 7 điều cần đề cập khi thảo luận về vấn đề đồng tính luyến ái với con bạn:

  1. Nói với con về LẼ THẬT.

Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa phủ nhận sự thật. Thế giới nói rằng “những gì đúng với bạn chưa chắc đã đúng với tôi”. Sự thật của thế giới là cái nhìn chủ quan. Nhưng khi nói về chủ đề đạo đức, bao gồm các vấn đề về tình dục và giới tính, thì sự thật không còn là cái nhìn chủ quan nữa.

Chúng ta phải dạy con cái rằng Lẽ thật là phổ quát và tuyệt đối.

Nhưng làm thế nào để con cái hiểu các khái niệm phức tạp như "chủ quan" và "phổ quát"?

Nếu con bạn còn nhỏ, hãy bắt đầu với món bánh mì. Con có thể thích bánh mì ở tiệm này, nhưng cha mẹ lại thích bánh mì ở tiệm khác. Đó là một sở thích chủ quan. Quan điểm về chiếc bánh mì kẹp thịt ngon nhất hoặc cầu thủ giỏi nhất của mỗi người có thể khác nhau.

Nhưng Lẽ thật của Đức Chúa Trời không phải là một sở thích chủ quan. Lẽ thật là phổ quát và tuyệt đối, có nghĩa là nó đúng trong mọi trường hợp và áp dụng cho tất cả mọi người.

Hãy giải thích với con rằng Lẽ thật của Đức Chúa Trời chắc chắn đúng như định luật khoa học về lực hấp dẫn. Con có thể không tin vào định luật đó, nhưng nếu con nhảy ra lên cao, chắc chắn con sẽ rơi lại xuống đất, đó là sự thật! Không chỉ tạo ra các luật định trong thế giới vật chất, Đức Chúa Trời cũng tạo ra các quy tắc trong thế giới tâm linh. Ngài đã tạo ra nguyên tắc đạo đức, và luật pháp Ngài là chân lý áp dụng cho tất cả mọi người.

Chúng ta tìm kiếm Lẽ thật này trong Lời Chúa. Chúng ta có thể tạo ra sự thật của riêng mình, nhưng nếu điều đó khác với chân lý của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ thất bại thảm hại.

  1. Nói với con về TỘI LỖI.

Thế gian nói rằng Đức Chúa Trời là một thẩm phán khổng lồ, xấu tính, ngồi trên ngai vàng trên trời, chỉ tay năm ngón ra lệnh trên con người. Danh sách những việc nên làm của Ngài thì ngắn, còn danh sách những điều cấm kỵ thì cực kỳ dài. Những việc con người thấy thật vui thì Ngài lại gọi là tội lỗi.

Nhưng sự thật là, Đức Chúa Trời là một Người Cha yêu thương, Ngài đau đớn khi chúng ta phạm tội bởi vì Ngài biết hậu quả mà tội lỗi sẽ gây ra cho chúng ta. Ngài cảnh báo chúng ta về tội lỗi: “Đừng làm hại chính mình! Tội lỗi sẽ khiến con đau đớn, và Ta không thể để con đi theo con đường sai trái đó mà không cảnh báo con!”

Đức Chúa Trời luôn thể hiện tình yêu thương. Khi Chúa gọi điều gì đó là “tội lỗi”, Ngài đang tạo ra một ranh giới để bảo vệ chúng ta. Giống như bạn tạo ra các quy tắc để bảo vệ con mình (như không chạm vào bếp lò nóng, hoặc không nghịch dao), Chúa cũng tạo ra các quy tắc để bảo vệ chúng ta.

Hãy cho con bạn biết rằng mọi người đều đã phạm tội. Và Đức Chúa Trời không nói tội nào là nặng, và tội nào là nhẹ. Tội đồng tính luyến ái không tệ hơn tội tà dâm khác giới. Nói rõ hơn, các loại tội lỗi khác nhau sẽ mang lại những hậu quả khác nhau. Ví dụ, luật pháp sẽ trừng trị tội giết người nặng hơn là trộm cắp, nhưng cái giá Đức Chúa Jêsus phải trả là như nhau cho mọi tội lỗi và mọi tội nhân.

Theo Kinh thánh, thực sự chỉ có hai loại tội lỗi: tội lỗi đã được ăn năn và tội lỗi không chịu ăn năn. Đây là lý do chúng ta không được đắm chìm trong tội lỗi. Chúng ta không được biến tội lỗi thành bản chất của mình. Chúng ta phải tiếp tục đấu tranh với cám dỗ phạm tội, và phải để Đức Chúa Trời tạo ra một danh tính mới, một tấm lòng mới trong chúng ta (Thi-thiên 51:10).

  1. Nói với con về ĐẠO ĐỨC.

Làm sao chúng ta biết được đâu là tội lỗi, đâu là đúng sai về mặt đạo đức?

Đức Chúa Trời đã bày tỏ điều đó với chúng ta qua Lời Ngài. Ngài định nghĩa điều gì là tốt và điều gì là xấu trong Kinh thánh. Nhưng ngay từ đầu, con người lại muốn tự quyết định đúng sai. Họ muốn trở nên giống như Chúa.

Ngày nay, chúng ta cũng không ngừng làm điều đó. Chúng ta vẫn muốn trở thành chúa của chính mình. Chúng ta vẫn muốn tranh luận với Chúa rằng điều này đúng và điều kia sai, thay vì để Ngài quyết định.

Điều này thể hiện rất rõ khi đề cập đến các vấn đề giới tính, tình dục và hôn nhân. Thế gian nói rằng chính chúng ta sẽ quyết định gia đình và hôn nhân của mình. Rằng không phải Chúa hay cấu tạo sinh học, mà cảm xúc thật của mỗi người mới là thứ quyết định họ là nam hay nữ. Rằng tình yêu nên đi theo tiếng gọi của con tim.

Nhưng Kinh Thánh nói rằng ý tưởng, cảm xúc và con tim sẽ khiến chúng ta lạc lối (Châm-ngôn 14:12). Chúng ta có thể chọn con đường “dường như chánh đáng”, rộng lớn với hoa cỏ hai bên, nhưng đó không phải là con đường của Chúa. Con đường Ngài là đường hẹp và chông gai (Ma-thi-ơ 7: 13-14).

  1. Nói với con về THIẾT KẾ.

Thi thiên 139 chép rằng Đức Chúa Trời đã dệt nên chúng ta từ trong lòng mẹ. Giới tính của chúng ta không phải là một sự tình cờ. Đó là mục đích của Đức Chúa Trời ban cho cuộc đời ta.

Đức Chúa Trời tạo ra chúng ta là nam hoặc nữ, và Ngài đã tạo ra hôn nhân để kết hiệp một người nam và một người nữ. Giới tính và hôn nhân truyền thống là một phần trong thiết kế của Ngài. Thiết kế của Đức Chúa Trời là thiêng liêng, và việc thay đổi thiết kế đó đồng nghĩa với việc nói với Đức Chúa Trời rằng Ngài đã sai: "Tôi biết Ngài đã tạo ra tôi, nhưng tôi không tin Ngài biết điều gì là tốt nhất cho tôi."

Hãy diễn giải cho con với câu chuyện dễ hiểu sau: Khi mua xe, nhà sản xuất sẽ gửi cho chúng ta một quyển sách hướng dẫn vận hành và cách bảo dưỡng xe đúng cách.

Sẽ thật ngớ ngẩn nếu chúng ta nói rằng: “Ở đây ghi rằng tốc độ tối đa của xe là 45 dặm một giờ, nhưng tôi muốn đi nhanh hơn nhiều! Tôi sẽ tăng tốc lên 90 dặm một giờ. Và sách hướng dẫn rằng tôi phải đổ xăng, nhưng tôi thích thêm dầu hơn.”

Khi đó, nhà sản xuất sẽ nói rằng: “Bạn có thể làm những điều đó, nhưng đó không phải là cách chúng tôi thiết kế chiếc xe này. Nó sẽ nhanh chóng hỏng nếu bạn không làm đúng theo hướng dẫn sử dụng.”

Tương tự, Kinh thánh là “hướng dẫn sử dụng” mà Chúa dành cho cuộc đời chúng ta. Trong Kinh thánh, Đức Chúa Trời cho biết chúng ta được tạo ra như thế nào và lý do chúng ta được tạo ra. Chúng ta không thể đi đến nơi mà Chúa muốn chúng ta đi và làm những gì Ngài muốn chúng ta làm nếu chúng ta bỏ qua “hướng dẫn sử dụng” và cố ý sống sai khác với thiết kế của Ngài.

  1. Nói với con bạn về TÌNH YÊU.

Chúa yêu tội nhân đến nỗi đã chết vì họ.

Chúng ta được kêu gọi để yêu thương mọi người như Đức Chúa Jêsus Christ đã yêu chúng ta. Nhưng phải hiểu rằng tình yêu không có nghĩa là thỏa hiệp hay ủng hộ. Đức Chúa Trời không thỏa hiệp với tiêu chuẩn loài người; Ngài không tán thành tội lỗi, nhưng Ngài vẫn yêu chúng ta.

Cha mẹ không đồng ý với con không có nghĩa là không yêu thương con. Tương tự như vậy, Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta ngay cả khi Ngài không đồng ý với chúng ta, và Ngài thiết lập những ranh giới xung quanh cuộc sống chúng ta vì tình yêu.

Là Cơ Đốc nhân, chúng ta phải yêu thương những người đồng tính luyến ái. Chúng ta phải kết bạn với họ, tôn trọng họ và quan tâm đến họ. Chúng ta phải tiếp cận và phục vụ họ. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta phải thỏa hiệp với họ.

  1. Nói với con về lòng KHOAN DUNG.

Có lẽ đức tính đáng quý nhất là lòng khoan dung. Nhưng Đức Chúa Trời không khoan dung với tội lỗi.

Sự Thương khó - trọng tâm của Kinh thánh và toàn bộ lịch sử nhân loại - cho chúng ta thấy tầm vóc của tình yêu thương Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Nhưng đồng thời, điều đó chứng minh rằng Đức Chúa Trời không khoan dung với tội lỗi. Vì nếu có, Ngài đã không phải chết vì tội lỗi chúng ta. Đó là cách Đức Chúa Trời thể hiện thái độ không khoan nhượng với tội lỗi: Ngài bị đóng đinh nơi thập tự giá để gánh lấy những hậu quả tội lỗi chúng ta.

Tội lỗi giống như một căn bệnh ung thư trong tâm hồn. Nó từ từ bào mòn thiết kế mà Đức Chúa Trời tạo ra cho chúng ta. Nó phá hủy mục đích thiêng liêng Ngài dành cho cuộc đời chúng ta.

Làm sao Đức Chúa Trời có thể dung thứ cho tội lỗi - thứ đang đẩy con cái Ngài đến chỗ chết?

Ngài không thể.

Hãy thử tưởng tượng, làm sao một bác sĩ có thể phớt lờ tế bào ung thư trong cơ thể bạn?

“Chào bạn, tôi phát hiện có một vài tế bào ung thư trong gan, phổi và não bạn. Nhưng trông bạn vẫn xinh đẹp như thường! Vậy nên chúng ta chỉ cần tập trung vào các cơ quan đang hoạt động tốt và quên đi những tế bào ung thư khó chịu đó đi nhé!"

Vâng, vị bác sĩ phớt lờ căn bệnh ung thư trong cơ thể bạn chắc chắn là một bác sĩ tồi. Vậy tại sao nhiều người lại muốn một vị Chúa bỏ qua căn bệnh ung thư trong tâm hồn họ?

Bởi vì, tuy ghét bệnh ung thư về thể chất, chúng ta lại yêu tội lỗi. Chúng ta không muốn từ bỏ những gì mình thích, ngay cả khi nó đang giết chết chúng ta. Vì vậy, chúng ta tự tạo ra một tiêu chuẩn khác và một lẽ thật khác, cho phép chúng ta sống theo cách mình muốn với lương tâm không cắn rứt, trong khi căn bệnh ung thư đang dần ăn mòn tâm linh và khiến chúng ta đánh mất mục đích Chúa dành cho cuộc đời mình.

Đức Chúa Trời yêu thương không thể dung thứ cho những điều đã hủy hoại con cái Ngài, và chúng ta cũng không nên mong muốn Ngài làm vậy.

  1. Nói với con về lòng CAN ĐẢM.

Cuối cùng, chúng ta cần có lòng can đảm để đi ngược lại nền văn hóa tội lỗi, và lòng can đảm sẽ đặt ra những câu hỏi hóc búa.

Chúng ta có tin rằng Lời Đức Chúa Trời là Lẽ thật không? Hay chúng ta chỉ thấy rằng Kinh thánh là một cuốn sách hay được viết bởi một nhóm người cổ xưa, với một số gợi ý hợp lý mà chúng ta có thể cắt xén, tùy ý lấy hoặc lược bỏ bớt theo ý muốn mình?

Là một tín đồ, bạn phải trả lời được câu hỏi này. Là cha mẹ, bạn cũng phải giúp con mình tìm ra câu trả lời.

Bạn có thể thỏa hiệp với thế gian về vấn đề đồng tính luyến ái, nhưng cuối cùng, phúc âm của bạn hóa ra là do chính bạn tạo ra. Một loại phúc âm thuận tiện, nuông chiều và tự mãn. Một loại phúc âm chỉ để làm mát lòng mát dạ thế gian (Ga-la-ti 1:8-9).

Nhưng phúc âm đó không có sức mạnh, hay sự biến đổi, hay sự cứu chuộc, và không có Lẽ Thật.

Phúc âm đó không phải là Phúc âm thật sự.

Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi” (Giăng 8:32). Chúa Jêsus hứa với chúng ta.

Hãy dạy con bạn rằng Lẽ thật thường không được ưa chuộng. Lẽ thật thường bị gạt bỏ. Nhưng đứng về phía Lẽ thật, sống và chết cho Lẽ thật là điều chúng ta phải làm. Lẽ thật của Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta hết lòng can đảm, vì Lẽ thật xứng đáng với bất cứ giá nào mà ta phải trả - bởi vì đó là Chân Lý.

Bài: Catherine Segars; dịch: Nhạn Võ

(Nguồn: ibelieve.com)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này