Nhân vật bí ẩn trong “bài ca về Người đầy tớ” của Ê-sai

Dưỡng linh
11:10 04/07/2020

Oneway.vn - Sách tiên tri Ê-sai có một nhân vật bí ẩn.

Ê-sai 40-55 bày tỏ rằng Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên sẽ đạt được hy vọng, ân điển và sự phục hưng được báo hiệu trong 39 chương đầu tiên thông qua nhân vật bí ẩn này - Người mà Ê-sai gọi là “Đầy tớ của Đức Giê-hô-va”. Qua bốn “bài ca của Người đầy tớ”, tiên tri Ê-sai đã truyền đạt các khía cạnh khác nhau về danh tính thật của Người này.

Bài ca thứ nhất: Đầy dẫy Thánh Linh (Ê-sai 42: 1-9)

Ở phân đoạn trước, tiên tri Ê-sai đã cảnh báo về sự hư vô của thần tượng (Ê-sai 41:21-29), và hoàn toàn tương phản với hình ảnh Người đầy tớ:

“Nầy, chúng nó đây” (41:27)

“Nầy, đầy tớ ta đây” (42:1) 

Thay vì là “gió và sự lộn lạo”, (Ê-sai 41:29), Người Đầy tớ được đầy dẫy Thánh Linh. Đấng Thánh đã đặt Thần Ngài lên Đầy tớ này (Ê-sai 42:1). Điều này được chứng minh qua sự công bình mà Đầy tớ sẽ mang đến (câu 1, 2, 4). 

Đầy tớ sẽ làm được điều mà nhiều người cai trị Y-sơ-ra-ên không làm được: cai trị bằng sự công bình. Đây là điều chắc chắn bởi vì Đức Chúa Trời sẽ trao năng quyền cho Ngài (câu 6, 9). 

Những lời hứa dành cho dân Chúa trong Ê-sai từ chương 1 đến chương 39 sẽ trở thành hiện thực thông qua Người Đầy tớ đầy dẫy Thánh Linh này, khi Người mang đến sự công bình.

Bài ca thứ hai: Tiên tri (Ê-sai 49: 1-7)

Trong bài ca này, Đầy tớ là Người dẫn đường cho sự cứu rỗi sắp tới của Y-sơ-ra-ên (câu 5) và các quốc gia (câu 6). 

Yếu tố tiên tri được nêu bật ngay từ đầu với lời kêu gọi “hãy nghe ta” (câu 1). Với cùng một thuật ngữ tiếng Hê-bơ-rơ này, Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên liên tục kêu gọi dân Ngài lắng nghe (Ê-sai 48:1, 12, 16). Bằng cách sử dụng lại từ “lắng nghe”, Người Đầy tớ đang tuyên bố rằng mình nói bằng thẩm quyền của Đức Chúa Trời.

Hình ảnh gươm và tên nhọn (câu 2) đại diện cho hình ảnh của người  tiên tri, minh họa cho tính chính xác và sức mạnh xuyên thấu của những lời tiên tri từ Đầy tớ. Lời nói từ miệng Người sẽ không bao giờ đi chệch hướng. Ngoài ra, việc Người đầy tớ được lập ra “từ trong bụng mẹ” (câu 1, 5) đã củng cố bản chất tiên tri trong sứ mệnh của Người (xem Giê-rê-mi 1:4-10).

Những đặc điểm này làm sáng tỏ thêm danh tính của Đầy tớ: một nhà Tiên tri. Sứ điệp cứu rỗi của Người sẽ không được đón nhận, và chính Người cũng bị từ chối (câu 7).

Bài ca thứ ba: Đâng Vâng phục (Ê-sai 50: 1-11)

Bài ca thứ ba nói về sự vâng phục của Đầy tớ, trái ngược với sự bất tuân của dân Y-sơ-ra-ên được phơi bày rộng rãi trong Ê-sai 1-12. Liên tục có những lời nhắc nhở về sự bất tuân này (Ê-sai 42: 18-20; 48: 18-19). Ngược lại, Đầy tớ hoàn toàn vâng phục như một người học trò (câu 4). Sự trọn vẹn Người thể hiện qua môi miệng được Chúa hướng dẫn (câu 4), đôi tai chăm chú lắng nghe lời Chúa dạy (câu 4), và hoàn toàn không có thái độ nổi loạn (câu 5).

Sự vâng phục trọn vẹn của Đầy tớ dẫn đến sự từ chối tiếp theo (câu 5). Hãy chú ý, sự khước từ này tăng dần từ bài ca thứ hai: Đầy tớ bị xem thường (49: 7), đến bài ca thứ ba: Đầy tớ bị hành hại về thể xác (Ê-sai 50:6). Tuy nhiên, Người có thể chịu đựng được điều đó khi Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên giúp đỡ Người (câu 7). Người sẽ làm tất cả những gì Y-sơ-ra-ên không thể làm được. Người sẽ hoàn toàn vâng phục Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên.

Bài ca thứ tư: Người Thay thế (Ê-sai 52:13-53:12)

Qua chương 51 và 52, Đức Chúa Trời an ủi dân Ngài, mang lại sự vui vẻ, mừng rỡ, tạ ơn, và tiếng ca hát (51:3). Sự cứu rỗi Ngài sẽ tồn tại đời đời (51: 6,8,11), Si-ôn sẽ lại trở nên xinh đẹp và mạnh mẽ (52: 1,10).

Bài ca thứ tư nói về cách để đạt được tất cả những hạnh phước này. Sự cứu rỗi được mang đến thông qua nỗi đau khổ và hy sinh chết thay của Người đầy tớ. Đây là phân đoạn Kinh Thánh quen thuộc, nhưng những chi tiết tinh tế trong bài ca này thường bị lãng quên.

Bài ca này được chia thành năm khổ thơ, mỗi khổ gồm ba câu. Cao trào là khổ giữa (Ê-sai 53:4-6). Đoạn này cho thấy rõ ràng Đầy tớ sẽ là Người thay thế: tất cả những trận đòn mà Người phải chịu đều là vì chúng ta. 

Sự đau khổ và cô độc của Đầy tớ được nhấn mạnh trong cả đoạn (53:1-3, 7-9). Tuy nhiên, vẫn có hy vọng: phần giới thiệu bài ca (52: 13-15) và phần kết (53: 10-12) đều ám chỉ rằng Người Đầy tớ đã được công nhận. 

Ê-sai tuyên bố rằng sự cứu rỗi của Y-sơ-ra-ên sẽ đến nhờ nỗi thống khổ mà Người đầy tớ phải chịu thay. Người phải hy sinh mạng sống để mang lại sự cứu rỗi cho nhân loại.

Tiết lộ nhân vật bí ẩn

Người đọc Ê-sai cẩn thận sẽ nhận thấy rằng chính Y-sơ-ra-ên cũng được gọi là “đầy tớ” (Ê-sai 41: 8-9), điều này dẫn đến một số nhầm lẫn về danh tính của Đầy tớ. Một số nhà biện giáo cho rằng vì ở những nơi khác trong Ê-sai, Y-sơ-ra-ên được gọi là “đầy tớ”, nên ở đây Người đầy tớ cũng chính là Y-sơ-ra-ên. Nhưng điều này chắc chắn không chính xác đối với các trước giả Tân Ước. Vậy Đầy tớ này là ai?

Bài ca thứ nhất được Ma-thi-ơ trích dẫn (Ma-thi-ơ 12:18-21), chỉ ra rằng Chúa Jêsus đã hoàn thành công việc ấy: Ngài và chức vụ của Ngài đầy dẫy Thánh Linh.

Bài ca thứ hai báo hiệu chức vụ tiên tri của Chúa Jêsus. Tất cả các sách Phúc âm đều mô tả rằng Chúa Jêsus đang bày tỏ Lời Đức Chúa Trời với dân Ngài (ví dụ, Ma-thi-ơ 5:7). Các hình ảnh như thanh gươm cũng gắn liền với Chúa Jêsus trong Khải Huyền (Khải huyền 1:16; 19:15,21).

Bài ca về sự vâng phục trọn vẹn được thể hiện rõ ràng qua Chúa Jêsus (xem Ma-thi-ơ 5:17). Cực hình cũng được đề cập đến (Ê-sai 50:6), cho thấy những gì Chúa Jêsus sẽ phải đối mặt.

Bài ca thứ tư thường được trích dẫn trong Tân Ước. Một lần là khi Phi-líp giảng Phúc âm cho hoạn quan Ê-ti-ô-pi (Công vụ 8: 26-40). Sứ đồ Phi-e-rơ cũng ám chỉ điều đó khi viết về sự hy sinh chết thế của Chúa Jêsus trên thập tự giá (1 Phi-e-rơ 2: 22-25).

Khi đọc đến bài ca thứ tư, hoạn quan Ê-ti-ô-pi quay sang hỏi Phi-líp: “Tôi xin hỏi ông, đấng tiên tri đã nói điều đó về ai?” (Công vụ 8:34). Phi-lip nói rất rõ ràng: nhà tiên tri nói về một Đấng khác, một Đấng mà chính tiên tri Ê-sai đã được nhìn thấy thoáng qua (1 Phi-e-rơ 1:10-12).

Các sách Tân Ước khẳng định rằng vị khách bí ẩn trong Ê-sai chính là Đức Chúa Jêsus Christ ở Na-xa-rét.

 

Bài: Davy Ellison; dịch: Jennie

(Nguồn: thegospelcoalition.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này