Nỗi đau đại dịch, cầu nguyện kiên trì và bức tranh lớn của Chúa

Dưỡng linh
09:46 15/05/2020

Oneway.vn - Thế giới đang khóc than cầu xin sự bình an, nhưng bình an không đến.

Nỗi đau đại dịch đang ảnh hưởng đến hàng triệu linh hồn trên toàn cầu. Nhiều người vẫn còn sợ hãi và phải đối mặt với những mất mát đau đớn: Mất người thân, mất việc, mất sự nghiệp, mất ước mơ. Cảm giác như chúng ta đang gần đến điểm cực hạn.

Khi nào cuộc sống sẽ trở lại bình thường? Đôi khi những lời cầu xin đi kèm với nỗi đau sẽ trở nên xấu xí. Thái độ phán xét và những tranh cãi gay gắt ngày càng tăng cao. Nỗi bực tức xâm chiếm vì chúng ta lo lắng về câu hỏi hơn là câu trả lời. Một phần vì chúng ta đang đặt ra những câu hỏi sai lầm.

Dễ dàng bắt gặp những ví dụ tồi tệ nhất trên mạng xã hội. Có những người lập luận rằng: "Hãy để người già chết đi, dù sao họ cũng sẽ chết, nên chúng ta cứ hãy trở lại với cuộc sống bình thường." Thật nhẫn tâm. Cũng có những người khác cho rằng chúng ta nên "mặc kệ các chủ doanh nghiệp đi, cứ cách ly xã hội cho đến khi dập tắt ca nhiễm cuối cùng". Cũng không kém phần tàn nhẫn.

Người cao tuổi hay chủ doanh nghiệp đều có quyền được sống, đều có giá trị. Làm sao chúng ta có thể gạt bỏ giá trị của người khác chỉ để bản thân được lợi ích?

Mỗi sự sống đều được tạo ra bởi Đấng Tạo Hóa và đều có giá trị, từ thai nhi chưa sinh đến người già. Và mỗi người đều được Chúa kêu gọi đứng vào vị trí quý giá Ngài đã sắm sẵn.

Vậy chúng ta thực sự coi trọng điều gì?

Thống đốc Andrew Cuomo của New York gần đây đã hỏi rằng: “Cuộc sống con người đáng giá bao nhiêu? Đó là vấn đề mà không ai dám cởi mở tuyên bố. Nhưng chúng ta nên nói về điều này”. Thật là một tuyên bố vô cùng mỉa mai từ một người đã ăn mừng khi nhà nước của ông ta chấp thuận cho người dân phá thai, mới chỉ một năm trước.

Tuy nhiên, chúng ta cần suy nghĩ về câu hỏi ấy: “Cuộc sống con người đáng giá bao nhiêu?”. Đây là câu trả lời: “Trong mắt Đấng Tạo Hóa, mỗi cuộc sống con người đều đáng giá bằng với sự hy sinh của Chúa Jêsus. Hội thánh có thực sự định giá cuộc sống theo cách của Chúa không? Chắc chắn, chúng ta ủng hộ sự sống, nhưng liệu đã đạt đến mức độ cao nhất của sự cứu rỗi linh hồn chưa?

Chắc chắn đây là thời gian đáng lo ngại, và không có gì sai khi chúng ta muốn trở lại bình thường, chống lại virus và ngăn chặn nó lây lan. Nhưng trong cách chúng ta đối xử với nhau ngay bây giờ, có nhiều điều thật xấu xí: coi đối thủ chính trị là kẻ thù, điều này nói lên vấn đề tiềm ẩn ngay tại trung tâm thời điểm then chốt này.

Hãy chuyển từ tiêu cực sang tích cực. Thời điểm này làm sáng tỏ những gì nên được coi trọng: Sự sống, tự do và lòng hy sinh.

Các nhân viên y tế và thực phẩm tuyến đầu trên khắp thế giới đang thực hiện những hành động anh hùng mỗi ngày. Hy sinh bản thân chắc chắn là một bước đi đúng hướng, phản chiếu tấm lòng yêu thương của Chúa. Đó là bức tranh thu nhỏ về tình yêu nhân từ của Đấng Christ.

Ngược lại, mọi hành động xấu xí đều phơi bày sự trụy lạc trong nhân loại. Ở giữa thách thức toàn cầu về sức khỏe này, chúng ta thấy rõ hơn những gì nhân loại đang thiếu và những gì thực sự cần thiết.

Trọng tâm cuộc khủng hoảng toàn cầu là một sự thật sâu sắc hơn: Chúa muốn hoàn thành một kế hoạch đời đời. Ngài muốn chúng ta hướng tấm lòng và đôi mắt lên Ngài.

Nỗi đau và cái chết diễn ra trong Kinh thánh cũng có liên quan đến tình hình hiện nay. Khi người dân Y-sơ-ra-ên bị rắn cắn chết, Chúa đã bảo Môi-se làm một con rắn bằng đồng, rồi treo lên một cây sào; nếu người nào đã bị rắn cắn mà nhìn con rắn bằng đồng, thì được sống - xem Dân Số ký 21:8-9.

Trong cuộc tấn công chết người thời hiện đại này, Đức Chúa Trời đã treo Chúa Jêsus lên thập hình để thế giới tìm đến Ngài và được cứu. Ngài mang lấy tội lỗi và chết thay cho chúng ta. Ngài tan nát để chúng ta được nên trọn vẹn. Ngài bị treo trên thập tự giá để mọi linh hồn có thể tìm thấy Ngài.

Trở lại với 2 Sử ký 7:14: “Và nhược bằng dân sự ta, là dân gọi bằng danh ta, hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt ta, và trở lại, bỏ con đường tà, thì ta ở trên trời sẽ nghe, tha thứ tội chúng nó, và cứu xứ họ khỏi tai vạ”. Chúng ta thường trích dẫn phân đoạn này, nhưng liệu chúng ta có hiểu đầy đủ ý nghĩa của nó không? Chúng ta có muốn Chúa chữa lành tâm linh cho đất nước mình bất kể cái giá phải trả không? Hay chúng ta chỉ muốn nỗi đau cá nhân của mình chấm dứt? Chúng ta tập trung vào những gì Chúa muốn, hay chỉ tập trung vào nỗi sợ hãi, đau buồn của bản thân? Mỗi chúng ta đều có câu trả lời của riêng mình.

Vượt trên tất cả mọi điều trong vũ trụ, ý muốn tối thượng của Chúa là sự cứu chuộc.

Trong 2 Phi-e-rơ 3:9 cho biết Chúa không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn. Chúa đứng về phía chúng ta, chứ không phải chống lại chúng ta. Chúa yêu thương hàng xóm bạn. Chúa yêu thương kẻ thù bạn. Tình yêu Chúa dành cho TẤT CẢ, và Ngài mong chờ chúng ta ăn năn.

Bây giờ là thời gian để đến gần Chúa. Hơn bao giờ hết, mỗi Cơ Đốc nhân cần một sự phục hưng cá nhân. Có thể bạn còn ở xa Ngài. Và thế giới cần được thức tỉnh hơn bao giờ hết. Ngài muốn thông công với mọi linh hồn trên hành tinh này.

Là Cơ Đốc nhân, chúng ta phải thể hiện tình yêu Chúa với những người xung quanh, như chưa từng có trước đây. Chúng ta không được ngưng tìm kiếm Chúa. Chúng ta phải kiên trì cầu nguyện xin Chúa chữa lành thế giới này, không chỉ về phần thể xác, mà còn chữa lành tâm linh nữa.

Đừng bao giờ mệt mỏi khi cầu nguyện, xin Chúa giúp nhiều linh hồn sẽ nhìn lên thập giá và được cứu trong và sau thời điểm này. Tuy nhiên, đại dịch có thể sẽ kéo dài rất lâu. Đừng mệt mỏi trong việc tìm kiếm Chúa, xin Ngài hướng dẫn bạn cách trở thành một phần trong kế hoạch của Ngài, để giải cứu thế giới khỏi bệnh tật tâm linh.

Đường lối Chúa cao hơn và mục đích của Ngài vĩ đại hơn, và cho đến khi chúng ta thực sự học cách tìm kiếm vương quốc Ngài và mục đích của Ngài trước tiên, chúng ta mới có thể hiểu được mục đích của thời điểm khó khăn và đau đớn này.

 

Bài: Benjamin Gill; dịch: Nhạn Võ

(nguồn: cbn.com)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này