So sánh là kẻ đánh cắp niềm vui

Dưỡng linh
09:52 21/01/2022

Oneway.vn - Chúng ta có thể tránh việc so sánh trong đời sống hàng ngày với Chúa bằng cách yêu người khác

So sánh là kẻ đánh cắp niềm vui. Đó là điều mà tất cả chúng ta đều đã nghe, nhưng có đúng như vậy không? Nó có thuộc về Kinh Thánh không? Trong cuộc sống của chính mình, tôi đã chứng kiến việc so sánh bản thân với người khác thường xuyên khiến tôi đau đớn như thế nào. Cảm giác bất mãn có thể nhanh chóng lắng xuống. Nhưng sau đó, có những lúc sự so sánh mang đến lòng biết ơn và niềm vui lớn. Làm sao có thể như vậy được? Tôi nghĩ nó phụ thuộc vào việc chúng ta đang so sánh mình với ai hoặc với cái gì. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn cụm từ này.

So sánh là kẻ đánh cắp niềm vui - có nghĩa là gì?

Ý nghĩa mà cụm từ này được dự định và thường được sử dụng nhất là: khi chúng ta so sánh mình với người khác, niềm vui của chúng ta sẽ bị đánh cắp. Glory Dy viết, “Trong suốt lịch sử. . . nhiều người đã phải vật lộn với việc so sánh mình với người khác. Trên thực tế, vấn đề khó khăn này được đề cập trong Kinh Thánh qua câu chuyện của Ra-chên và Lê-a,. . . và ngay cả các môn đồ của Chúa Jêsus”.

Trang từ điển Dictionary.com nói “compare” (so sánh) là “phân tích, xem xét (hai hoặc hơn các đồ vật, ý tưởng, con người,...) để lưu ý về những điểm khác và giống nhau”. Nhưng thông thường sự so sánh của chúng ta vượt xa điều này để tìm kiếm sự vượt trội hoặc yếu kém hơn. Khi chúng ta so sánh mình với người khác, hoặc tài sản của chúng ta với tài sản của họ, chúng ta sẽ cảm thấy mình cao hơn hoặc thấp hơn. Dù là cảm giác nào nó cũng sẽ cướp đi niềm vui đích thực mà chúng ta chỉ có được trong Chúa Jêsus Christ.

Nguồn gốc của “So sánh là kẻ đánh cắp niềm vui” là gì?

Blair Parke cho rằng nguồn gốc của cụm từ này là do Theodore ‘Teddy’ Roosevelt, tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ. Roosevelt đã sử dụng cụm từ này ở một trong những bài phát biểu của mình, nhưng đó là một khái niệm đã xuất hiện từ sự sa ngã của con người.

Trong Sáng-thế Ký 3:1-7, con rắn xảo quyệt cám dỗ Ê-va so sánh mình với Đức Chúa Trời, đặt mình ngang hàng với Ngài. Nó dụ dỗ bà ăn trái cấm để bà có thể giống như Đức Chúa Trời, biết những điều Ngài biết. Đây là cách Kinh Thánh mô tả hậu quả của việc ăn trái cấm:

“Khi người nữ thấy...thì hái và ăn, rồi trao cho chồng đang đứng bên cạnh; chồng cũng ăn nữa. Bấy giờ mắt cả hai người đều mở ra và nhận biết mình trần truồng. Họ kết lá cây vả làm khố che thân”.

Ê-va đã ăn trái cấm vì bà muốn giống Đức Chúa Trời, để có cùng sự khôn ngoan và hiểu biết. Sau khi bà và A-đam ăn trái cấm, họ ngay lập tức đã bị cướp đi niềm vui, thay vào đó là cảm giác xấu hổ. Sự so sánh với Đức Chúa Trời đã cướp đi của A-đam và Ê-va một niềm vui mà không ai khác trên thế giới này được trải nghiệm: niềm vui được bước đi với Chúa mà không bị tội lỗi cản trở.

So sánh có phải là một khái niệm trong Kinh Thánh không?

Kinh Thánh lặp đi lặp lại cho chúng ta thấy rằng so sánh gây ra những vấn đề. Nó không có kết thúc tốt đẹp, cho dù đó là so sánh bản thân mình với người khác, như Ra-chên và Lê-a đã làm, hay so sánh người này với người khác, như Gia-cốp so sánh Ra-chên với Lê-a. Mối hiềm khích của việc so sánh giữa Ra-chên và Lê-a đã phá hỏng mối quan hệ chị em của họ và gây ra sự cạnh tranh làm tổn hại đến gia đình của cả hai. Sự ưu ái của Gia-cốp dành cho Ra-chên và sự thiên vị mà ông dành cho bà cùng các con của bà đã dẫn đến những xung đột gia đình và nỗi đau. Bạn có thể đọc câu chuyện của họ trong Sáng-thế Ký 29-50.

Các môn đồ của Chúa Jêsus cũng đã so sánh. Lu-ca 22:24-27 mô tả các môn đồ tranh cãi về việc ai sẽ là người lớn hơn hết trong số họ. Các môn đồ có cảm thấy vui mừng khi tranh luận về vai vế của họ không? Chắc là không!

Nhưng Ngài phán với họ: “...Về phần các con thì đừng như vậy, nhưng ai lớn nhất trong các con, phải trở nên như kẻ nhỏ nhất, và ai là người lãnh đạo phải như người phục vụ.  Vì giữa người ngồi ăn với người phục vụ, ai là người lớn hơn? Có phải là người ngồi ăn không? Nhưng Ta ở giữa các con như người phục vụ vậy’.”

Trong suốt cuộc đời của Ngài trên đất, Chúa Jêsus đã dạy các môn đồ của Ngài phải khiêm nhường và Ngài đã là một tấm gương sáng cho họ.

Hãy đọc về thân thể của Đấng Christ, hội thánh trong 1 Cô-rinh-tô 12. Sứ đồ Phao-lô đang viết thư cho hội thánh ở Cô-rinh-tô về các ân tứ thuộc linh. Có vẻ như các tín hữu Cô-rinh-tô đang so sánh những ân tứ thuộc linh của họ và đề cao một số ân tứ này trên những ân tứ khác. Phao-lô nói với họ trong câu 27: “Anh em là thân của Đấng Christ, và mỗi cá nhân là một chi thể”. So sánh những ân tứ của chúng ta và hạ thấp những ân tứ khác chỉ nhằm gây chia rẽ và cướp đi niềm vui của Hội thánh. Đây là lý do tại sao Phao-lô viết cho hội thánh ở Ga-la-ti rằng Cơ Đốc nhân nên tránh so sánh những công việc với người khác (Ga-la-ti 6:4-6).

Làm thế nào chúng ta có thể tránh việc so sánh trong đời sống hàng ngày?

Chúng ta có thể tránh việc so sánh trong đời sống hàng ngày với Chúa bằng cách yêu người khác. Phao-lô kết thúc 1 Cô-rinh-tô 12 với câu nói này: “Bây giờ tôi sẽ chỉ cho anh em con đường còn tuyệt diệu hơn nữa”. Tiếp theo là một trong những đoạn Kinh Thánh dễ nhận biết nhất mọi thời đại: 1 Cô-rinh-tô 13. Nó thường được đọc trong các đám cưới, nhưng đó là kim chỉ nam về cách chúng ta nên sống cuộc sống của mình mỗi ngày. Đó là một bản đồ, về cách chúng ta sống trong một thế giới đầy chia rẽ rằng tình yêu thương, ngoài ra không có gì khác để mọi người chơi trò chơi so sánh trong khi họ cào cấu và tìm đường lên đỉnh cao.

Chúng ta thấy điều này diễn ra trên mạng xã hội mỗi ngày. Chưa bao giờ việc so sánh mình với hàng trăm nghìn người trên khắp thế giới lại dễ dàng đến thế. Mạng xã hội có thể là một thứ đẹp đẽ và có thể được sử dụng cho những mục đích tốt đẹp. Tôi đã gặp một số người bạn thân nhất của mình trên mạng xã hội và giờ họ cũng là những người bạn ngoài đời thực! Nhưng lướt mạng quá lâu và trò chơi so sánh sẽ trở thành trò chơi mà chúng ta không bao giờ thắng được.

Sarah Garrett đã viết một bài báo tuyệt vời có tựa đề: Mạng xã hội có đánh cắp niềm vui của bạn không? Tôi thực sự khuyên bạn nên đọc nó và làm theo các mẹo của cô ấy để tránh bị so sánh và đảm bảo mạng xã hội không đánh cắp niềm vui của bạn.

Việc so sánh có thể là điều tốt không?

Tôi sắp kết thúc bài viết này và tôi nghĩ rằng đôi khi một kiểu so sánh nào đó là điều tốt. Kiểu so sánh này khác với những gì Phao-lô cảnh báo trong Ga-la-ti 4. Nó khiến chúng ta ngập tràn trong niềm vui và là một điều tốt. Hãy cùng tôi xem xét hai đoạn Kinh Thánh ủng hộ ý tưởng này.

Trong Ma-thi-ơ 6:26-34, chúng ta tìm thấy hai điều mà chúng ta có thể so sánh với chính mình. Đầu tiên là loài chim: “Hãy xem loài chim trời: không gieo, không gặt, không tích trữ vào kho, nhưng Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Các con lại chẳng quý trọng hơn loài chim sao?” (Ma-thi-ơ 6:26).

Thứ hai là các loài hoa: “Hãy ngắm xem những hoa huệ ngoài đồng mọc lên thể nào; chúng chẳng làm lụng khó nhọc, cũng không kéo chỉ; nhưng Ta bảo các con, dù vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc đẹp như một trong các bông hoa nầy. Vậy, hỡi kẻ ít đức tin kia, nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn sống, mai bị ném vào lò, mà Đức Chúa Trời còn cho chúng mặc đẹp như thế, huống chi là các con?” (Ma-thi-ơ 6: 28-30). Những so sánh đẹp đẽ và đáng khích lệ này khiến chúng ta biết ơn và trông đợi Chúa để đáp ứng nhu cầu của chúng ta.

Ga-la-ti 2:20 chép, “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong thể xác, tức là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi và phó chính mình Ngài vì tôi”.

Khi so sánh bản thân với con người của chúng ta trước đây, chúng ta đang tích cực ghi nhớ những gì Chúa Jêsus Christ đã làm cho chúng ta. Nó làm tôi nhớ đến một trong những câu nói yêu thích của tôi trong loạt phim The Chosen. Khi kể lại những gì Chúa Jêsus đã làm cho mình, Ma-ri Ma-đơ-len nói với Ni-cô-đem: “Tôi đã ở tình trạng đó và bây giờ tôi khác hoàn toàn và điều đã xảy ra ở giữa hai con người đó là Ngài”.

Tình yêu của Chúa Jêsus biến đổi chúng ta và tình yêu của chúng ta đối với người khác cũng có thể biến đổi cuộc sống của họ. Sứ đồ Phao-lô nhắc chúng ta trong 1 Cô-rinh-tô 13 rằng những thành tựu lớn nhất của chúng ta chẳng có nghĩa lý gì nếu chúng ta không yêu thương người khác. Những hy sinh lớn nhất của chúng ta chẳng có nghĩa lý gì nếu chúng ta không yêu người khác. Những ân tứ của chúng ta một ngày nào đó sẽ trở nên vô dụng, nhưng tình yêu thì trường tồn. So sánh bản thân mình với người khác quả thực sẽ cướp đi niềm vui của chúng ta. Thay vào đó, hãy so sánh quá khứ của chúng ta với con người hiện tại có thể là một cách thức để biết ơn, thúc đẩy chúng ta yêu thương người khác như Chúa Jêsus, và điều đó có thể thay đổi thế giới!


Bài: Josie Siler ; dịch: Abby
(Nguồn: www.crosswalk.com)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này