Thổ Nhĩ Kỳ & Syria: động đất hơn 15.000 người thiệt mạng, Cơ Đốc nhân tiên phong cứu trợ

Quốc tế
11:41 09/02/2023

Oneway.vn - Các Cơ Đốc nhân địa phương nằm trong số những người đầu tiên ứng phó với trận động đất lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương trong ngày 6 tháng 2 vừa qua.

Đài NDTV ngày 9-2 cho biết số người thiệt mạng đã lên tới gần 16.000 người, gồm gần 13.000 nạn nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ và gần 3.000 nạn nhân ở Syria. Con số thương vong dự kiến tăng lên trong bối cảnh lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm dưới đống đổ nát.

Gokhan Talas, người sáng lập Nhà Xuất bản Truyền giáo Miras ở Istanbul, nói rằng: “Cầu xin Cứu Chúa Jêsus Christ thương xót chúng ta - đây là phản ứng tâm linh duy nhất mà chúng ta nên có ngay lúc này”.

Bản năng đầu tiên thôi thúc ông phải đi. Nhưng khi có báo cáo về tuyết rơi dày và đường bị hư hỏng, ông đã chuyển hướng. Vợ ông thức suốt đêm để gọi điện thoại cho các tín đồ ở Malatya, cố gắng điều phối viện trợ. Và cùng với các tín đồ trong Hội Thánh ông cũng như các Hội Thánh Tin Lành trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ, họ đã mua chăn màn, thuốc men, sữa bột và tã lót trẻ em để gửi đến các khu vực bị ảnh hưởng.

Talas nói: “Khi còn ở bên này cõi vĩnh hằng, chẳng có gì rõ ràng cả. Nhưng chúng ta biết rằng Chúa yêu thương cũng đang đồng cam cộng khổ với chúng ta”.

Ông cảnh báo về những trò lừa đảo lợi dụng tấm lòng từ thiện khắp nơi trên thế giới, ngay cả trong cộng đồng truyền giáo nhỏ của Thổ Nhĩ Kỳ với khoảng 10.000 tín đồ.

Các quan chức cho biết hơn 5.000 tòa nhà đã bị phá hủy bởi trận động đất mạnh 7,8 độ richter. Đã triển khai hơn 13.000 nhân viên tìm kiếm và cứu hộ, cung cấp 41.000 lều, 100.000 giường và 300.000 chiếc chăn. Gần 8.000 người đã được giải cứu cho đến nay.

Những người này bao gồm mục sư Mehmet và phu nhân mục sư Deniz ở Malatya, cũng là bạn lâu năm của Talas, họ đã trải qua nửa ngày mắc kẹt dưới đống đổ nát cho đến khi hàng xóm kéo họ ra ngoài thành công.

Được thành lập vào năm 2014 nhằm hỗ trợ dòng người tị nạn từ Syria, FHA hoạt động “kề vai sát cánh” với Hiệp hội các nhà thờ Tin lành - Demokan Kileci, chủ tịch hội đồng FHA cho biết.

Để vận chuyển những đợt viện trợ đầu tiên, ông đã mất 14 giờ - gấp đôi thời gian tiêu chuẩn - để lái xe 440 dặm về phía đông nam từ nhà ông ở thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ đến Gaziantep, cách tâm chấn 20 dặm về phía nam.

Một trong năm đơn vị vệ sinh công cộng của FHA, và một tiệm bánh mì di động, vẫn tiếp tục cứu trợ ở đó. Hai chiếc xe khác được gửi đến Antakya, chính là thành An-ti-ốt cổ đại trong Kinh Thánh, và chiếc thứ tư được gửi đến Kahramanmaras, nơi xảy ra dư chấn 7,5 độ richter.

Chiếc xe thứ năm đi đến Diyarbakir, cách đó 200 dặm về phía đông. Nhìn chung, có 10 thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ bị tàn phá. Nếu bao gồm cả các thành phố của Syria, khu vực bị ảnh hưởng thật sự vô cùng rộng lớn. 

Kileci nói: “Chúng tôi đang làm mọi điều có thể để giúp đỡ đất nước mình. Và ngay bây giờ, cầu nguyện là quan trọng nhất.”

Nhiều nhà thờ bị hư hại nặng.

Danh sách còn dài. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, một nhà thờ Tin lành và hiệu sách Agape gần đó ở Antakya, cũng như các nhà thờ Công giáo Latinh, Chính thống giáo Hy Lạp và giáo hội Tông truyền Armenia ở Iskenderun đã bị phá hủy. Cũng trong thành phố đó, Hakan Konur, mục sư lâu năm của nhà thờ Tin lành lớn nhất trong vùng, và phu nhân mục sư đã qua đời trong trận động đất. Chỉ có con trai họ sống sót.

Tại Syria, Emad Daher, một linh mục Chính thống giáo Hy Lạp đã không qua khỏi khi nhà thờ chính tòa Melkite ở Aleppo sụp đổ. Đức Tổng Giám mục Jean-Clement Jeanbart thoát được trong gang tấc và phải nhập viện. Nhà thờ St. George Syriac và một nhà thờ dòng Phanxicô ở Lattakia cũng bị hư hại.

Nhưng cũng tại Aleppo, toàn bộ nền tảng của Giáo hội Trưởng lão đã hoàn toàn thay đổi.

Ibrahim Nseir nói: “Trẻ em la hét, phụ nữ khóc than và đàn ông không thể đưa ra quyết định. Không ai biết phải làm gì”.

Mục sư Quản nhiệm Hội Thánh đi ra đường và kêu gọi mọi người vào trong nhà cho an toàn. Nhưng chỉ trong vài phút, một tòa nhà chung cư gần đó bị sập, gây thêm hoảng loạn cho đám đông người dân, nên họ vội vã chạy đến các công viên công cộng.

Biết được nhu cầu bức thiết về nơi trú ẩn, Nseir đã mở cửa trường truyền giáo trực thuộc Hội Thánh để tiếp nhận những người không còn nhà, hoặc những người lo sợ rằng nhà của họ sắp sụp đổ. Sức chứa tối đa của nơi trú ẩn này là 600 người - già và trẻ, Hồi giáo và Cơ Đốc giáo, từ mọi thành phần kinh tế xã hội.

Các trưởng lão, giáo viên trường Chúa Nhật và lãnh đạo mục vụ đã chung tay cung cấp thức ăn và nước uống. Hầu hết tín đồ Hội Thánh của ông cũng cư trú bên trong.

“Tôi không có thời gian để xúc động hay suy sụp” Nseir nói. “Có quá nhiều tổn thương, những thách thức hiện nay rất lớn và Hội Thánh phải tham gia cứu trợ ngay.”

Kêu gọi con dân Chúa khắp nơi nhớ đến đất nước Thổ Nhĩ Kỳ trong lời cầu nguyện. Xin Chúa an ủi những gia đình mất người thân, chữa lành những ai đang bị thương, an ủi những tấm lòng sợ hãi, hoảng loạn và sớm hồi phục những đổ vỡ, mất mát sau thảm họa. Ước mong có nhiều hơn nữa những tổ chức thiện nguyện tiếp cận và cứu trợ kịp thời. Và hơn hết, nguyện Chúa giải cứu và đem đất nước này trở về với Lẽ thật trong Cha. 

 

Bài: Jayson Casper; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: christianitytoday.com)

 

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này