Để vượt qua một ngọn núi lớn, phương cách mà mọi người thường nghĩ là phải leo từ từ lên tới đỉnh núi và đi xuống phía bên kia. Nhưng khi ngọn núi bạn đương đầu quá cao và không có lối lên, trong tay bạn cũng không có phương tiện thì liệu còn có cách nào có thể giúp bạn vượt qua hay không? Và liệu bạn có sẵn sàng chấp nhận phương cách đó?

“Cha ơi! Nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi con! Dù vậy, không theo ý con, mà theo ý Cha.” (Ma-thi-ơ 26:39).

Vì lý do này hay lý do khác, khó khăn sẽ viếng thăm cuộc sống của bạn. Đôi khi nó xuất hiện trước mắt bạn như thể những ngọn núi khổng lồ. Dù vậy, sự hiện diện của những ngọn núi ngăn trở đó sẽ càng thôi thúc bạn phải vượt qua.

Có thể bạn sẽ nhận ra rằng mình không có dây thừng, không có kinh nghiệm leo núi, và thậm chí một vài người trong số bạn còn mắc chứng sợ độ cao. Có thể bạn nhận ra rằng đức tin nơi Chúa không tự động khiến một người thốt ra được lời nói để sai khiến ngọn núi kia phải bị quăng xuống biển.

Dù mắt bạn luôn hướng đến điều ở phía bên kia ngọn núi, linh hồn bạn đang nắm chặt lấy niềm hy vọng không chuyển lay, nhưng ngọn núi trước mắt dường như vẫn không hề có lối để bạn trèo lên. Những lúc như vậy, có lẽ bạn nên chấp nhận một thực tế đơn giản là: không phải lúc nào bạn cũng cần leo qua đỉnh núi mới có thể nhìn thấy điều ở phía sau ngọn núi. Bởi vì đôi lúc, cách duy nhất để bạn đi qua ngọn núi không phải là trèo lên nó, nhưng là đi vòng quanh dưới chân núi.

Đối với nhiều người, khi đối diện với ngọn núi cao và dường như không có lối nào để leo lên, họ sẽ chọn cách quay lưng và đi về phía ngược lại, rời xa ngọn núi. Nhưng rõ ràng hành động này cũng đồng nghĩa với việc bạn đang đi thụt lùi, đi về hướng của sự thất bại.

Một số người khác chọn cách chinh phục ngọn núi bằng việc đi đường vòng qua chân núi. Điều này đòi hỏi bạn phải có sức lực, kiên nhẫn cũng như sự chuẩn bị chu đáo cho một chặng đường dài hơn, lâu hơn, chặng đường hướng đến chiến thắng.

Có thể bạn cảm thấy chiến thắng đó không phải đạt được theo nguyên tắc của bạn, không làm cho bạn thỏa mãn, nhưng chiến thắng thì vẫn luôn là chiến thắng. Bởi vì khi đó, bạn đã bỏ lại ngọn núi ở phía sau.

Đối với mỗi người, ngọn núi của họ sẽ khác nhau. Có thể ngọn núi của bạn chỉ đơn giản là một tình bạn bị sứt mẻ, một cảm giác đau buồn khi một người thân yêu qua đời. Hay vấn đề đó có thể lớn hơn như là một khoản nợ khổng lồ cần phải thanh toán, một cuộc hôn nhân đang trên bờ vực đổ vỡ. Dù những khó khăn đó trông có vẻ bình thường hay phức tạp, thì đó cũng là những điều chi phối cuộc sống bạn, lấy đi khỏi bạn sự bình an và niềm vui. Thậm chí có những khi, nó khiến bạn cảm thấy mình trở nên yếu đuối, vô dụng và bất lực.

Vấn đề của phần lớn những người trong chúng ta khi đương đầu với ngọn núi đó là chúng ta muốn vượt qua theo cách của mình, phải leo lên tới đỉnh và rồi từ đỉnh núi đi xuống chân núi bên kia.

Đức Chúa Trời và con người, Ngài muốn chiến thắng ma quỷ và sự chết. Thế nhưng, Ngài không chọn làm theo ý riêng. Ngài cầu nguyện với Đức Chúa Cha, “Cha ơi! Nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi con! Dù vậy, không theo ý con, mà theo ý Cha.” (Ma-thi-ơ 26:39).

Và Chúa Giê-xu đã thực hiện phương cách của Đức Chúa Trời, phương cách thập tự giá mà đối với nhiều người, đó là con đường vòng dưới chân núi, là phương cách không lấy gì làm vẻ vang, như nhận định của sứ đồ Phao-lô trong 1 Cô-rinh-tô 1:18, “Vì sứ điệp của thập tự giá đối với những người hư mất là điên rồ”.

Làm thế nào mà vị Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa lại trở nên một vật sinh tế, chết cách nhục nhã, đau đớn và thấp hèn trên thập tự giá. Nhưng Chúa Giê-xu, “vì niềm vui đặt trước mặt mình, vui chịu thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện đang ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 12:2).

Bạn có muốn vì niềm vui đặt trước mặt mình mà sẵn sàng đi vòng dưới chân núi, vượt qua khó khăn theo phương cách mà người đời xem thường hay không? Nếu vậy, “hãy nhìn xem Đức Chúa Jêsus, Đấng khởi nguyên và hoàn tất của đức tin” và bước đi theo sự dẫn dắt của Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, đứng trước những nan đề và khó khăn của cuộc sống, con thường cố chấp giải quyết theo ý riêng của mình vì nghĩ rằng đó là cách tốt nhất, vẻ vang nhất. Xin Chúa cho con luôn nương cậy nơi sự dẫn dắt của Ngài, sẵn sàng chấp nhận phương cách mà người đời xem thường nhưng để chương trình của Ngài được thành toàn trong và qua đời sống của con. Con cầu nguyện, trong danh Chúa Giê-xu Christ. A-men.

Bạn thân mến, có thể với nhiều người, phương cách đơn giản để vượt qua một cuộc hôn nhân không hạnh phúc là ly dị và tái hôn. Nhưng liệu bạn có chấp nhận chọn con đường vòng qua chân núi, đầu tư thời gian, sức lực, tình cảm để chữa lành những thương tổn, và làm cho cuộc hôn nhân gãy đổ được phục hồi?

Bạn thân mến, nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về Chúa hoặc nếu bạn có những khó khăn, trăn trở nào cần chia sẻ với chương trình, hãy để lại bình luận ở cuối bài, inbox tại fanpage của Facebook, hoặc gửi email về địa chỉ: [email protected]. Chúa Giê-xu yêu bạn. Chương trình rất mong được kết nối với bạn.

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này