Chắc hẳn bạn đã từng nghe qua câu thành ngữ “Tốt khoe, xấu che” phải không? Xét ra thì cũng hợp lý, bởi vì chẳng ai muốn người khác biết về những khiếm khuyết của mình, thay vào đó, chúng ta phô bày những điểm ưu tú để được mọi người ngưỡng mộ, tôn trọng. Tuy nhiên, chỉ khi chúng ta biết khiêm nhường và thừa nhận những giới hạn của bản thân, thì sức mạnh vĩ đại của Chúa mới được bày tỏ qua chúng ta.

Hôm nay, ngày 28/10/2024, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Lina Johnson qua chủ đề SỰ KHIÊM NHƯỜNG CỦA PHAO-LÔ.

“Để giữ tôi khỏi kiêu ngạo về những mặc khải diệu kỳ nầy, một cái dằm đã đâm vào xác thịt tôi; một sứ giả của Sa-tan đã đánh tôi để tôi đừng kiêu ngạo” (2 Cô-rinh-tô 12:7)

Bạn đã bao giờ nhận được sự kêu gọi lớn lao từ Chúa chưa? Có bao giờ Chúa bày tỏ cho bạn một điều gì đó thật tuyệt vời và kỳ diệu, đến mức bạn muốn ngay lập tức chia sẻ với mọi người không? Sứ đồ Phao-lô đã kể về trải nghiệm như vậy của ông trong 2 Cô-rinh-tô 12. Tuy nhiên, mục đích của Phao-lô không phải là để mọi người ngưỡng mộ ông – điều mà ông bày tỏ lại chính là những điểm yếu của ông.

Tôi không rõ có bao nhiêu người trong chúng ta đủ dũng cảm và chân thành để công khai những điểm yếu mà Chúa muốn chúng ta thay đổi, trong khi chẳng hề khoe khoang về những điều đáng ngưỡng mộ của bản thân. Phao-lô đã thể hiện tấm lòng khiêm nhường tuyệt vời. Đừng hiểu sai ý của tôi. Ông không hạ thấp giá trị của bản thân, mà đơn giản là ông bớt sự tập trung vào chính mình. Điều ông ưu tiên hàng đầu là làm vinh hiển danh Chúa, chứ không phải để bản thân của ông được người khác công nhận, và ông khao khát mọi người nhận biết Chúa hơn là biết đến tên tuổi của mình.

Ông bày tỏ trong phân đoạn này câu 7: “Để giữ tôi khỏi kiêu ngạo về những mặc khải diệu kỳ nầy, một cái dằm đã đâm vào xác thịt tôi; một sứ giả của Sa-tan đã đánh tôi để tôi đừng kiêu ngạo.”

Tại sao sự kiêu ngạo lại nguy hiểm như vậy? Chẳng phải tất cả chúng ta đều muốn yêu bản thân mình hơn sao?

Kiêu ngạo khiến chúng ta rời mắt khỏi Chúa và tập trung vào chính mình. Kiêu ngạo tạo ra khoảng cách giữa chúng ta và Chúa. Vì vậy, Gia-cơ 4:6 khẳng định rằng: “Chúa chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.”

Tại sao Chúa lại chống cự kẻ kiêu ngạo? Đơn giản thôi. Tôi tin rằng Ngài đang cố bảo vệ họ. Châm Ngôn 16:18 dạy rằng “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ân điển cho người khiêm nhường.”

Chúa không bao giờ muốn chúng ta sa ngã, càng không muốn chúng ta bị hủy diệt. Chúa bày tỏ chính Ngài để dẫn dắt chúng ta đến gần hơn với tình yêu và sự bảo vệ của Ngài. Khi Chúa phơi bày sự kiêu ngạo và khiếm khuyết của chúng ta, Ngài đang giúp chúng ta tránh xa những thứ có thể khiến chúng ta rời xa Ngài. Tất cả đều xoay quanh mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa.

Vậy khi Chúa bày tỏ cho bạn thấy những điều cần thay đổi, bạn sẽ làm gì? Bạn có hai lựa chọn: Ăn năn và trải nghiệm sự phục hưng trong cuộc sống mình, hoặc ngược lại, phản nghịch và từ chối sự thật – đồng nghĩa với từ chối Chúa – và đi theo con đường dẫn đến sự hủy diệt mà bạn không hề mong muốn.

Nếu là tôi, tôi muốn trở nên giống như Phao-lô. Tôi muốn cả thế giới biết về những điểm yếu của mình, để họ có thể thấy sức mạnh của Chúa đang hành động trong tôi và qua cuộc đời tôi, để họ có thể tự mình nhận biết Chúa.

Hôm nay, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày kêu gọi bạn chia sẻ về những điểm yếu của mình, và bày tỏ sức mạnh của Chúa trong đời sống bạn. Hãy để thế gian thấy Đức Chúa Jêsus sống động trong bạn, đến mức họ phải hỏi rằng: “Tôi phải làm gì để được cứu như bạn?”

Cầu nguyện: Lạy Cha Thiên Thượng, con cảm ơn Ngài vì ân điển của Ngài hằng có đủ cho con, và sức mạnh của Ngài được nên trọn vẹn trong sự yếu đuối của con. Xin giúp con luôn tin cậy nơi Ngài, khiêm nhường trước mặt Ngài và người khác. Nguyện đời sống con là ánh sáng dẫn dắt tội nhân ra khỏi bóng tối. Xin giữ con khỏi kiêu ngạo và hướng dẫn con bước đi trong sự khiêm nhường qua Lời Ngài. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus Christ, A-men.

Quý thính giả thân mến, khi chúng ta chấp nhận sự yếu đuối của bản thân và để Chúa trở thành nguồn sức mạnh duy nhất, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên nhẹ nhàng biết bao. Hãy nhớ rằng, chính trong sự khiếm khuyết của chúng ta, quyền năng Chúa được tỏ bày trọn vẹn. Khi chúng ta học cách khiêm nhường và tập trung vào Chúa, Ngài sẽ trở thành nguồn sức thiêng vô tận, giúp chúng ta sống một cuộc đời rực rỡ, làm vinh hiển danh Ngài.

Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:

Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này