Thế gian luôn hấp dẫn chúng ta với những gì nó đem lại: tiền bạc, danh tiếng, vật chất, khoái lạc… Thế nhưng đó không phải là mục đích cuối cùng mà người tin Chúa theo đuổi. Chúa mời gọi chúng ta hướng đến mục đích cao quý hơn, một mục đích mà qua đó chúng ta khám phá được ý nghĩa thật sự của đời sống, chính là được ở trong Chúa, được thỏa nguyện bởi sự hiện diện của chính Ngài và sống làm vinh hiển danh Ngài.

Hôm nay, ngày 11/01/2025, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Escamp qua chủ đề CON ƯỚC AO AI NGOÀI CHÚA?

“Ở trên trời, con có ai trừ ra Chúa? Còn dưới đất, con chẳng ước ao người nào khác hơn Chúa. Thể xác và tâm hồn con bị tiêu hao, nhưng Đức Chúa Trời là sức mạnh của lòng con, và là phần của con đến đời đời.” (Thi Thiên 73:25-26) 

Là một nhà sử học về âm nhạc, một trong những tài sản quý giá nhất mà tôi sở hữu là đoạn băng cassette ghi lại cuộc phỏng vấn của tôi với Thomas Andrew Dorsey vào năm 1977. Trong buổi trò chuyện đó, ông đã chia sẻ rất nhiều về cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc đầy cảm hứng của mình. Tôi không thể nói hết về cuộc đời của ông, nhưng tôi muốn chia sẻ một vài điểm nổi bật về hành trình của ông trong vai trò là một nhạc sĩ, chỉ huy hợp xướng, và nhà soạn nhạc.

Thomas Dorsey sinh ra ở Villa Rica, tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ. Khi còn ở tuổi thiếu niên, ông đã bị thu hút bởi ngành giải trí âm nhạc của các nghệ sĩ da màu ở Atlanta. Không lâu sau đó, ông lấy nghệ danh Georgia Tom và bắt đầu chơi piano trong các câu lạc bộ nhạc jazz. Năm 17 tuổi, ông chuyển đến Indiana để theo đuổi sự nghiệp âm nhạc. Rồi cũng chỉ hai năm sau đó, ông chuyển đến Chicago, ghi danh vào Trường Âm nhạc Chicago, chơi với các nhóm nhạc jazz tại địa phương. Sau đó, ông thành lập ban nhạc của riêng mình, và đã trở thành ban nhạc biểu diễn với Ma Rainey, một ca sĩ nhạc blues nổi tiếng.

Năm 1928, ông kết hợp cùng với nghệ sĩ guitar Hudson Whitaker, sáng tác và thu âm một ca khúc đứng đầu bảng xếp hạng nhạc blues. Trong một báo cáo, bài hát này đã bán được hơn bảy triệu bản. Thomas Dorsey được ghi nhận là tác giả của hơn 450 bài hát blues và jazz, là người sáng lập Dorsey House of Music vào năm 1932, công ty đầu tiên xuất bản nhạc dòng nhạc thờ phượng của người da màu.

Dù rất nổi bật với hàng loạt thành công, nhưng cuộc đời ông là một minh chứng cho việc thế gian này không thể đem lại sự sung mãn trọn vẹn cho một Cơ Đốc nhân. Ông đã mắc chứng suy nhược thần kinh và mất hai năm để vượt qua. Năm 1930, ông đã mất đi người vợ yêu dấu cùng đứa con trai mới sinh của mình.

Trước sự mất mát quá lớn này, ông đã viết bài Thánh ca “Take My Hand, Precious Lord” (tựa đề tiếng Việt: “Chúa Ôi, Xin Dìu Con”). Lời bài hát được viết ra bày tỏ sự yếu đuối và bất lực của con người trước những thử thách và bi kịch của cuộc sống:

“Hồi thuyền đời bềnh bồng trôi, Cứu Chúa ôi, xin luôn phủ bao.
Con lo sợ nhìn đại dương sóng ngất cao.
Con kinh hãi thấy gió lay, sóng bấp bênh xô con thuyền chênh.
Xin đưa đường con, và không bỏ con đi một mình.”

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ, Lyndon B. Johnson, đã yêu cầu bài thánh ca này được hát trong tang lễ của mình. Bài hát này cũng được hát tại một buổi mít-tinh do Martin Luther King Jr. lãnh đạo vào đêm trước khi ông bị ám sát.

Đi qua những cơn bão đó, vị nhạc sĩ nhận biết Chúa muốn đem ông đến sự thay đổi. Cuối cùng ông nhận ra rằng mình không thể hoạt động trong những dòng nhạc lâu nay ông theo đuổi nữa, và cần phải trở lại để hầu việc Chúa một cách đúng đắn hơn.

Ông đã thành lập một ban hát lễ tại nhà thờ Báp-tít Pilgrim, là nơi ông sinh hoạt. Năm 1933, cùng với một vài cộng sự, ông đã tổ chức Hội nghị Thông công các ban hát trên cả nước. Trong cuộc phỏng vấn vào năm 1977, ông cho biết mình vẫn còn hoạt động nhiệt thành trong các ban hát dù lúc đó ông đã 78 tuổi.

Trong khoảng thời gian gần cuối đời, Thomas Dorsey đã nhận được nhiều vinh danh cho những đóng góp của ông cho âm nhạc thờ phượng, tên tuổi của ông được vinh danh tại các giải thưởng âm nhạc hàng đầu Hoa Kỳ và được công chúng lưu danh như một trong những huyền thoại âm nhạc. Dù ở trên đỉnh cao của sự nghiệp nhưng Dorsey cho biết những gì ông đã làm và có được đều đến từ Đức Chúa Trời và vì Ngài, vì công việc Ngài.

Một trong những bài hát nổi tiếng nhất của Thomas Dorsey đó là bài “Peace in the Valley” (tựa đề tiếng Việt: “Bình An Trong Thung Lũng”), một bài hát đã gây nên tiếng vang trên toàn thế giới. Bài hát nói về những khó khăn và thử thách Cơ Đốc nhân phải đối diện trên hành trình đức tin, đồng thời nhắc về một niềm hy vọng lớn lao của một tương lai vinh hiển. Con cái Chúa sẽ sống trong sự hiện diện đời đời của Chiên Con, sẽ không còn nước mắt hay buồn đau nữa. Nơi đó, chỉ có niềm vui và sự bình an trọn vẹn. Trong suốt cuộc đời mình, Thomas Dorsey đã sáng tác gần một nghìn bài hát thờ phượng, để lại một di sản âm nhạc vô giá cho Hội Thánh khắp nơi.

Trong quãng đời sống trên đất, Thomas Dorsey đã tìm ra mục đích thật sự của cuộc đời mình. Ông nhận ra rằng những điều thuộc về thế gian chỉ là tạm bợ, nguồn sung mãn đích thực của người Cơ Đốc chỉ có thể được tìm thấy trong mối tương giao với Đấng Christ, nơi chứa đựng niềm hy vọng, sự bình an, và ý nghĩa trọn vẹn cho đời sống.

Qua cuộc đời và sự nghiệp của Dorsey, chúng ta được nhắc nhở trong Lời Chúa rằng: “Thế gian với những dục vọng của nó đều qua đi, nhưng ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.” (I Giăng 1:17)

Đức Chúa Trời sử dụng những đau khổ và mất mát để điều chỉnh lại cuộc đời chúng ta, giống như cách mà Ngài đã dùng sử dụng những thử thách để giúp Dorsey quay trở lại với Ngài. Chính những bước ngoặt này là cơ hội để Cơ Đốc nhân thanh tẩy đời sống của mình, từ bỏ những gì không đẹp lòng Chúa và trở nên kết quả hơn cho công việc của Ngài. Những khó khăn ấy, dù đau đớn, lại chính là phương cách Chúa dùng để rèn giũa đức tin và đưa chúng ta vào sự trọn vẹn trong Ngài.

Chúng ta còn mong ước điều gì cao xa hơn khi biết rằng Chúa chính là Đấng cứu rỗi và ban cho chúng ta sự sống sung mãn? Ngài là nguồn hy vọng vững chắc, là sức mạnh đời đời cho cuộc đời chúng ta. Như tác giả Thi Thiên đã bày tỏ:

“Ở trên trời, con có ai trừ ra Chúa? Còn dưới đất, con chẳng ước ao người nào khác hơn Chúa. Thể xác và tâm hồn con bị tiêu hao, nhưng Đức Chúa Trời là sức mạnh của lòng con, và là phần của con đến đời đời.” (Thi Thiên 73:25-26)

Khi chúng ta nhận biết giá trị khi được ở trong mối tương giao với Chúa, tất cả những tham vọng và ao ước của đời này dần trở nên mờ nhạt. Sự sống sung mãn mà Chúa ban chính là phần thưởng lớn nhất, cũng là nguồn thỏa lòng duy nhất của mỗi Cơ Đốc nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa kính yêu của con, con tạ ơn Chúa vì Ngài là Đấng cứu rỗi con và ban cho con sự sống sung mãn trong Ngài. Chúa ôi, những điều thuộc về thế gian chỉ là tạm bợ, nhưng trong Ngài con tìm được nguồn thỏa lòng và bình an thật sự. Xin giúp con luôn đặt Ngài làm trọng tâm của cuộc đời, mọi khát khao trong con đều hướng về Ngài. Nguyện lòng con không mong ước điều gì khác ngoài Ngài, vì chỉ có Ngài là sức mạnh của lòng con và là phần của con đến đời đời. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus Christ, A-men.

Quý thính giả thân mến, cuộc đời bạn có trải qua những biến cố thăng trầm như nhạc sĩ Thomas Dorsey không? Hãy dành thời gian nhìn lại, tạ ơn Chúa, và nhớ rằng mỗi thử thách là một cơ hội để bạn lớn lên trong đức tin, để bạn thanh tẩy đời sống và kết quả hơn cho Chúa. Bạn đang trải qua những ngày ảm đạm chăng? Hãy thưa với Chúa rằng: “Chúa ôi! Xin dìu con!” Bạn đang đi qua thung lũng thử thách chăng? Hãy tin cậy nơi sự hiện diện của Chúa để có thể kinh nghiệm được sự bình an trọn vẹn trong Ngài. Nguyện Lời Chúa hôm nay hướng tấm lòng của mỗi chúng ta nhìn lên chính Chúa, Ngài là nguồn của mọi khát khao, mọi mong ước, mọi sự trông đợi, cũng là nguồn vui thỏa cho chúng ta trong từng giây phút trên linh trình theo Ngài.

Ngày hôm nay, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời bạn lắng nghe bài thánh ca của nhạc sĩ Thomas Dorsey: “Chúa ôi, xin dìu con” và “Bình an trong thung lũng”. Ao ước những bài thánh ca này sẽ mang đến nhiều sự khích lệ cho chúng ta bước vào ngày mới.

Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:

Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này