Có những lúc đời sống thuộc linh của chúng ta trở nên nguội lạnh, lời cầu nguyện với Chúa chẳng còn thân mật, niềm tin dường như chỉ là thói quen, và tấm lòng không còn rung động trước sự hiện diện của Chúa. Nhưng trong chính những mùa khô hạn, Chúa đang kêu gọi dân Ngài hãy quay trở lại, để được Ngài thanh tẩy và khơi dậy ngọn lửa phấn hưng cho dân tộc.

Hôm nay, ngày 14/07/2025, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa qua chủ đề NGUYỆN NGỌN LỬA PHẤN HƯNG CHÁY BÙNG.

“Chẳng lẽ Chúa không muốn chúng con phục hưng, để dân thánh vui mừng trong Chúa? Thưa Chúa Hằng Hữu xin thương xót! Xin ra tay cứu rỗi chúng con.” (Thi Thiên 85:6-7 BHĐ)

Tôi được sinh ra trong một gia đình Cơ Đốc, tại một vùng quê nghèo ven biển miền Trung. Bố mẹ tôi là những Cơ Đốc nhân sinh hoạt tại một Hội Thánh địa phương. Suốt những năm tháng thơ ấu, tôi được nuôi dưỡng trong Hội Thánh, được học biết những giá trị Cơ Đốc. Lòng tôi biết ơn Chúa vì giữa hàng ngàn con người tại làng chài nhỏ bé ấy, Chúa đã cứu rỗi gia đình tôi.

Trong những ngày thơ ấu, khi bố mẹ đưa tôi đến nhà thờ trong những buổi nhóm cầu nguyện, tôi thấy nhà thờ sao vắng vẻ quá. Ngày ấy, với lòng tin Chúa đơn sơ, tôi mơ được nhìn thấy ban hát hàng chục người, hàng trăm người đứng tôn vinh Chúa trong ngôi nhà thờ của mình. Tôi nhớ mẹ tôi vẫn thường cầu nguyện: “Xin Chúa lấp đầy những chỗ trống băng ghế trong nhà thờ này.” Dù lời cầu nguyện ấy đơn sơ, nhưng như một hạt giống gieo vào lòng tôi về một niềm khao khát được nhìn thấy Đức Chúa Trời phấn hưng Hội Thánh của Ngài.

Trên thế giới đã ghi lại nhiều cuộc phấn hưng tại Hoa Kỳ, Trung Quốc hay Hàn Quốc. Những cuộc phấn hưng này đã mang lại sự ảnh hưởng và biến đổi mạnh mẽ cả Hội Thánh và đất nước tại nơi đó.

Tại Việt Nam, trong hơn một thế kỷ Tin Lành được rao truyền, đã có những cuộc phấn hưng xảy ra: cuộc phấn hưng năm 1938, năm 1942, năm 1972 tại Thần học Viện Nha Trang, rồi tiếp đến là cuộc phấn hưng tại Hội Thánh Mỹ Tho năm 1973. Ảnh hưởng của các cuộc phấn hưng này sau đã đó lan rộng và ảnh hưởng trên nhiều Cơ Đốc nhân tại Việt Nam trong thời kỳ đó. Nhìn lại những dấu mốc mà Đức Thánh Linh thăm viếng Hội Thánh Việt Nam, chúng ta ngợi khen Chúa vì năng quyền của Ngài vẫn thật sống động y như sách Công Vụ Các Sứ Đồ chương 2 đã mô tả về Hội Thánh đầu tiên, tại thành Giê-ru-sa-lem hơn 2000 năm trước

Năm 1973, khi Chúa Thánh Linh thăm viếng Hội Thánh Mỹ Tho, “ngày hôm ấy người ta nghe những tiếng khóc xen lẫn cùng với lời cầu nguyện ăn năn thống hối. Một người, hai người, rồi cả hội chúng cất tiếng khóc, kêu la. Từng người, từng người lần lượt bước lên tòa giảng quỳ gối trong khi suối lệ tuôn chảy. Cuối cùng người ta thấy trên bục tòa giảng có trên bốn mươi tín hữu quỳ mọp cầu nguyện trong giọt lệ, ăn năn xưng tội với tội danh được kể ra. Tiếng khẩn nguyện kêu khóc đã làm rúng động cả nhà thờ. Nhiều anh em tín hữu quá đau đớn về tội lỗi mình đã đập tay, đập đầu xuống nền gạch…” (Theo Thánh Kinh Nguyệt San, số 403/1973)

Khi được Đức Thánh Linh thăm viếng, người ta ăn năn và đau buồn về tội lỗi của mình. Họ tha thiết trong sự cầu nguyện, xưng tội cùng nhau, ca ngợi Chúa và làm chứng về ơn phước Chúa. Họ cũng xin Chúa Thánh Linh thăm viếng các Hội Thánh tại miền Tây Việt Nam. Nhờ đó, nhiều người đã được Chúa chữa lành những bệnh tật trong tâm linh lẫn thể xác.

Sự phấn hưng không chỉ dừng lại việc được nhìn thấy một hội chúng đông đúc, với những kỳ lễ trọng thể hay những buổi thờ phượng sốt sắng. Sự phấn hưng thật là khi nhiều người ăn năn, tan vỡ trước mặt Chúa, nỗ lực thay đổi đời sống và rao truyền Phúc Âm. Cuộc phấn hưng năm 1973 đã thay đổi đời sống của nhiều con cái Chúa tại Hội Thánh Mỹ Tho, Cô nhi viện Tin Lành Mỹ Tho và nhiều nơi khác. Khi Chúa thăm viếng, nhiều người được đem đến trong sự ăn năn, nhiều linh hồn được cứu, nhiều người được sai phái ra đi mở mang nhiều Hội Thánh, điểm nhóm trong khu vực.

Trong thời đại ngày nay, cuộc sống bận rộn khiến chúng ta dễ đánh mất khoảng thời gian chất lượng với Chúa. Tấm lòng vì thế cũng trở nên chật hẹp, chẳng còn chỗ dành cho Chúa. Chúng ta vẫn duy trì sinh hoạt trong Hội Thánh nhưng thiếu sự sống động của đời sống đức tin, cũng không cảm nhận được sự vận hành đầy năng quyền và ngọt ngào của Đức Thánh Linh trong đời sống của chính mình và Hội Thánh. Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà Chúa Jêsus đã cảnh báo: “Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội dần.” (Ma-thi-ơ 24:12). Vậy nên, có bao giờ chúng ta giật mình và tự hỏi bản thân có còn khao khát kinh nghiệm quyền năng sống động của Chúa Thánh Linh trong đời sống không? Có còn khao khát nhìn thấy nhiều người được cứu vào Hội Thánh không?

Thi Thiên 85 là một lời cầu nguyện, nơi tác giả đã kêu xin Đức Chúa Trời phục hồi dân tộc mình. Dân tộc Y-sơ-ra-ên phạm tội với Chúa, nên đã bị lưu đày. Thế nhưng, Chúa đã tha thứ và đưa dắt họ trở về. Trở về quê hương, tác giả không chỉ mong dân tộc ông được sống yên ổn trong xứ mà thôi, nhưng ông còn quan tâm đến đời sống thuộc linh của họ. Điều tác giả khao khát là dân tộc này sẽ được Chúa phục hưng. Họ cần được khơi dậy một lòng nhiệt thành đối với Chúa, để không quay lại đường xưa lối cũ, là con đường dẫn đến sự huỷ diệt.

Tác giả Thi thiên này đã hỏi Chúa: “Chẳng lẽ Chúa không muốn chúng con phục hưng?” bởi lẽ ông khát khao Chúa phục hưng cho dân tộc mình, khao khát Chúa dấy lên những người trung tín và yêu mến Ngài, khao khát cho dân tộc này hiểu biết lẽ thật để sống trong sự thương xót và chân thật, công chính và bình an. Ông mong họ không phải đón nhận cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời, mà mong họ được sống trong mối tương giao đúng đắn với Ngài.

Ước ao của tác giả Thi Thiên 85 cũng phải là tâm tình của mỗi chúng ta ngày nay: tha thiết cầu xin Đức Chúa Trời phấn hưng đất nước và Hội Thánh Ngài. Sự phấn hưng bắt đầu khi dân sự cầu xin sự thương xót và quyền năng của Ngài. Chúng ta không thể mong mỏi sự phấn hưng khi chỉ chú tâm vào cảm xúc thay vì vào Lời Đức Chúa Trời và sự cầu nguyện: “Nếu dân Ta, là dân được gọi bằng danh Ta, hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt Ta và từ bỏ con đường gian ác, thì từ trên trời Ta sẽ lắng nghe, tha thứ tội lỗi họ và chữa lành đất nước họ.” (II Sử Ký 7:14)

Hằng ngày chúng ta nhìn thấy những người xung quanh mình, gặp gỡ nhiều tầng lớp trong xã hội: từ những người thành đạt cho đến lao động bình dân, thấy nhiều người sống trong vô vọng, lòng chúng ta có khao khát Đức Thánh Linh sẽ thăm viếng trên đất nước và Hội Thánh không? Cũng trong tờ Thánh Kinh Nguyệt San, số 403/1973 đã viết “Hội Thánh (Việt Nam) sở dĩ không được Thánh Linh thăm viếng như Ngài đã từng thăm viếng Đại Hàn, Nam Dương và Trung Hoa là vì Hội Thánh chưa trả giá đúng mức cho sự cầu nguyện. Cánh cửa Tin Lành đang mở rộng tại Việt Nam, nếu Hội Thánh vẫn thờ ơ nguội lạnh và không chịu mở lòng mình ra để đón nhận Thánh Linh và rao truyền Tin Lành, chắc chắn Chúa sẽ đóng cửa Tin Lành lại như Ngài đã làm tại một vài quốc gia.”

Nguyện mỗi chúng ta khao khát được Chúa Thánh Linh thay đổi bản thân và gia đình mình trước hết, đồng thời cầu nguyện để Chúa phấn hưng Hội Thánh và dân tộc Việt Nam. Nguyện chúng ta không chỉ lo cho chính mình, nhưng còn lo tưởng cho đồng bào của mình. Để làm được như vậy, chúng ta chỉ có thể nhờ vào năng quyền của Thánh Linh để có thể bước đi.

Cầu nguyện: Kính lạy Chúa là Đấng đầy năng quyền! Con cảm ơn Ngài đã viếng thăm và ban phước trên quê hương Việt Nam chúng con. Xin Chúa thương xót đặt trong lòng con gánh nặng về những linh hồn vẫn chưa được cứu. Giờ đây, con hạ mình trước Chúa, xin Ngài thương xót chính con, vì đã bao lần yếu đuối và làm buồn Thánh Linh Ngài. Nguyện Ngài đổi mới đời sống và tấm lòng con trước tiên, để con được tươi mới mỗi ngày trong sự hiện diện của Ngài. Lạy Chúa Thánh Linh, xin phấn hưng dân tộc con, xin dùng Hội Thánh của Ngài để rao truyền Tin Lành và dấy lên nhiều con gặt trung tín cho cánh đồng tại Việt Nam. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus Christ, A-men.

Quý thính giả thân mến, chúng ta đang nhìn thấy thực trạng tâm linh và đạo đức của dân tộc mình ra sao? Chúng ta có nhận thấy chính mình cũng cần được đầy dẫy Đức Thánh Linh để sống một đời sống kết quả và ảnh hưởng cho vương quốc Đức Chúa Trời không? Quyền năng của Chúa không hề thay đổi, điều mỗi chúng ta cần làm, mỗi Hội Thánh cần làm, từng ban ngành, từng nhóm nhỏ, mỗi một Cơ Đốc Nhân cần làm ngay hôm nay, đó chính là khẩn thiết, dốc lòng trong sự cầu nguyện và tìm kiếm Chúa. Hãy khích lệ những người xung quanh cũng có một tấm lòng nhiệt thành cho vương quốc của Đức Chúa Trời và cùng nhau sống chứng nhân trong thời kỳ cuối rốt này.

Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:

Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này