Suy niệm về sự thương khó của Chúa Giê-xu, chúng ta không chỉ biết ơn về những gì Ngài đã làm, nhưng Kinh Thánh cũng mời gọi chúng ta chia sẻ sự thương khó của Ngài? Điều này nghĩa là gì? Có phải chỉ đơn giản là sẵn sàng chịu khổ vì Chúa hay còn có ý nghĩa nào khác?

Hôm nay, ngày 15/04/2022, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Michael Plemmons qua chủ đề CHIA SẺ SỰ THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA GIÊ-XU

“Để tôi được biết Ngài, quyền năng phục sinh của Ngài, được chia sẻ sự thương khó của Ngài, và trở nên giống như Ngài trong sự chết của Ngài” (Phi-líp 3:10)  

Kinh Thánh nói nhiều điều mầu nhiệm về Đức Chúa Trời và vương quốc Ngài nhưng tôi nhận thấy không gì sâu sắc cho bằng hiểu biết được điều mà Sứ đồ Phao-lô gọi là “chia sẻ sự thương khó của Chúa Giê-xu”.

“Để tôi được biết Ngài, quyền năng phục sinh của Ngài, được chia sẻ sự thương khó của Ngài, và trở nên giống như Ngài trong sự chết của Ngài” (Phi-líp 3:10)

Có rất nhiều lẽ thật có thể được giải thích ở đây, nhưng tôi sẽ chỉ tập trung vào một điều.

Chúa Giê-xu vừa là Đức Chúa Trời, vừa là con người. Cái chết của Ngài mang tính phổ quát bởi Ngài chết vì tội lỗi của toàn nhân loại. Nhưng tình yêu thương của Đức Chúa Trời khiến Ngài phải áp dụng lẽ thật này trên cơ sở cá nhân. Đức Chúa Trời không chỉ sai Con Ngài đến dâng mình làm của lễ đời đời cho thế gian, và rồi ban hành một công bố rộng rãi cho thế giới rằng điều đó đã được thực hiện. Không. Ngài đã sai Đức Thánh Linh đến thế gian không chỉ làm chứng nhân cho lẽ thật, mà đặc biệt hơn nhiều, đó là nói với tấm lòng của mỗi cá nhân rằng đây chính là lẽ thật dành cho họ.

Tuy nhiên, Chúa Giê-xu không chỉ chết rồi thôi. Ngài đã sống lại và nhờ sự phục sinh đó mà mỗi người tin nhận Ngài cũng nhận được cùng một sự sống mới.

Chia sẻ sự thương khó của Ngài không phải nói về những thử thách, khó khăn mà chúng ta đối mặt hàng ngày. Nhưng đó là sự kêu gọi cao cả hơn, là lời công bố và lời mời của Đức Chúa Trời đối với mỗi một người tin theo Chúa Giê-xu Christ. Chúa Giê-xu đã chết cho tất cả mọi người; Ngài cũng đã sống lại vì mọi người và rảy huyết mình trên bàn thờ Đức Chúa Trời.

Cha Thiên thượng đã chấp nhận sự hy sinh của Chúa Giê-xu cho tất cả mọi người và bằng cách đó, con người có thể đến gần với Đấng Tối Cao. Qua Đấng Christ, chúng ta được kết hiệp với Đức Chúa Trời. Sự sống của Ngài hiện hữu bên trong tấm lòng chúng ta. Sứ đồ Phao-lô giải thích: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong thể xác, tức là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi và phó chính mình Ngài vì tôi.” (Ga-la-ti 2:20)

Chúng ta cũng đã được ban cho năng lực để có thể mạnh dạn đến gần ngai ân điển của Ngài:

“Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ân điển, để nhận được sự thương xót và tìm được ân điển giúp đỡ chúng ta kịp thời.” (Hê-bơ-rơ 4:16)

Chúa Giê-xu đã mang lấy nỗi đau của chúng ta và hiện đang cầu thay cho chúng ta ở trước mặt Đức Chúa Cha. Ngài nhìn thấy và cảm thông với mọi đau khổ mà chúng ta đang trải qua. Không những vậy, Ngài còn hiệp nhất với chúng ta. Nghĩa là khi chúng ta đau đớn, Ngài cũng đau đớn. Ngài cảm nhận được tất cả những gì chúng ta đang chịu đựng bởi vì Ngài và chúng ta đã hòa vào làm một. Không điều gì trong cuộc sống này tác động đến chúng ta mà Ngài không cảm nhận được. Chúa Giê-xu cảm nhận mỗi con tim tan nát. Ngài cảm động khi những giọt lệ chúng ta tuôn rơi. Tấm lòng Ngài đau đớn khi chúng ta bị thương tổn. Đó chính là sự sống và mối liên hệ hiệp nhất của chúng ta với Ngài.

Nhưng điều tuyệt vời không chỉ dừng lại ở đó. Khi chúng ta đổ đầy sự sống của Ngài, khi chúng ta bắt đầu khao khát được biết Ngài, thì điều đặc biệt bắt đầu xảy ra. Phao-lô hiểu rất rõ việc chia sẻ sự thương khó với Chúa qua kinh nghiệm đau thương của mình như có chép trong Công vụ các Sứ đồ 21: 27-32).

Là những người tin theo Chúa Giê-xu, khi chúng ta dành thời gian với Ngài, thì sự biến đổi đáng kể sẽ xảy ra từ bên trong. Tới một lúc nào đó, đời sống chúng ta đi từ việc chỉ sống cho mình đến chỗ sống cho người khác.

Khi chia sẻ sự thương khó của Chúa, chúng ta sẽ thấy mình qua những buổi tối kêu cầu cùng Chúa trước những tổn thương, đau khổ của người xung quanh. Chúng ta bắt đầu - từng chút một - tập trung vào đời sống cầu nguyện và chuyển hướng mục đích sống của mình là trở nên biến đổi bởi mối liên hệ thiết yếu của chúng ta với Ngài. Cuộc sống của chúng ta từ việc đặt bản thân làm trung tâm sẽ đến chỗ mặc lấy tâm tình của Đấng Christ, mang lấy những nỗi buồn và khổ đau của người khác. Và kết quả là cuộc đời chúng ta được biến đổi bởi tấm lòng vĩ đại của Chúa để qua đó, chúng ta chia sẻ sự thương khó của Ngài cho những người khác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-xu, cảm ơn Ngài đã đến thế gian, chịu chết vì tội lỗi của con, và Ngài đã sống lại để ban cho con sự sống mới trong Ngài. Xin giúp con mỗi ngày kinh nghiệm mối liên hệ sống động với Ngài, có thể chia sẻ sự thương khó của Ngài, từ đó có thể chạm đến nhiều cuộc đời đang sống trong đau khổ và giúp đỡ họ. Con cầu nguyện, trong danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.

Quý thính giả thân mến, đời sống chia sẻ sự thương khó của Chúa chính là đời sống hiệp nhất với Ngài và mặc lấy tâm tình của Ngài. Vì vậy, hãy dành nhiều thời gian cho Chúa, gắn mình trong lời Kinh Thánh, trong sự cầu nguyện để luôn gần gũi Chúa mỗi ngày. Đồng thời, cũng hãy cậy ơn Chúa để vươn đến và giúp đỡ những người đang chịu thương tổn ở chung quanh bạn.

Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:

Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này