Chúng ta có bao giờ tự hỏi: nếu đức tin không được truyền lại, liệu nó có thể tồn tại? Nhìn lại hành trình của dân Y-sơ-ra-ên, chúng ta thấy rõ bài học về sự quan trọng của việc chia sẻ đức tin từ thế hệ này qua thế hệ khác. Điều gì đã xảy ra khi Giô-suê qua đời và một thế hệ mới nổi lên, một thế hệ không còn biết đến Đức Chúa Trời?

Hôm nay, ngày 20/11/2024, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa qua chủ đề THẾ HỆ NỐI TIẾP THẾ HỆ, để có cái nhìn sâu sắc hơn về trách nhiệm truyền đạt đức tin của chúng ta.

“Rồi cả thế hệ ấy cũng được tiếp về cùng tổ phụ mình, và một thế hệ khác tiếp nối; họ chẳng biết Đức Giê-hô-va cũng chẳng biết các công việc mà Ngài đã làm cho Y-sơ-ra-ên.” (Các Quan Xét 2:10)

Là người đầu tiên trong gia đình tin nhận Chúa, tôi luôn cảm thấy một trách nhiệm to lớn trên đôi vai mình. Đức tin không phải là điều chúng ta giữ riêng cho mình mà phải được chia sẻ, được truyền lại cho thế hệ sau. Làm sao để tôi có thể ảnh hưởng đến con cháu mình bằng niềm tin mình đã nhận được từ nơi Chúa? Điều này luôn là một nỗi trăn trở trong lòng tôi.

Khi suy ngẫm về điều này trong ánh sáng của Lời Chúa, tôi nhận được bài học qua câu chuyện của dân Y-sơ-ra-ên, đặc biệt ở giai đoạn sau khi Giô-suê qua đời, chính là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về trách nhiệm truyền đạt đức tin cho thế hệ kế cận.

Nhìn lại hành trình của dân Y-sơ-ra-ên, chúng ta có thể thấy rõ sự khác biệt giữa ba thế hệ – thế hệ của Môi-se, thế hệ của Giô-suê, và thế hệ sau Giô-suê. Mỗi thế hệ có một cách khác nhau khi đối diện với Đức Chúa Trời, cũng khác nhau trong cách họ thực hiện trách nhiệm của họ đối với đức tin cá nhân nơi Chúa, cũng như đức tin chung của cả tuyển dân.

Môi-se, người lãnh đạo vĩ đại của dân Y-sơ-ra-ên, không chỉ dẫn dắt dân sự qua sa mạc mà còn rất chú trọng đến việc dạy dỗ về đức tin. Ông luôn nhấn mạnh rằng đức tin phải được truyền dạy cho thế hệ sau, phải khắc ghi trong lòng và được chia sẻ từ đời này sang đời khác. Việc truyền đạt đức tin không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là phương tiện duy nhất để duy trì sự sống cho cộng đồng dân sự trước những cám dỗ và thách thức trong cuộc sống.

Sau khi Môi-se qua đời, Giô-suê tiếp tục dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên chiếm Đất Hứa. Dưới sự lãnh đạo của Giô-suê, dân sự vẫn giữ vững niềm tin, họ sống trong sự phước hạnh và trung thành với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, sau khi Giô-suê qua đời, mọi thứ dần thay đổi. Một thế hệ mới xuất hiện, và đáng buồn thay, họ không còn biết đến Đức Chúa Trời hay những điều vĩ đại Ngài đã làm. Đây chính là hậu quả của việc không thiết lập một hệ thống truyền đạt đức tin mạnh mẽ. Mặc dù Giô-suê là một người lãnh đạo tài ba, nhưng ông đã không kịp chuẩn bị một thế hệ kế thừa, không có người tiếp nối, không có sự dạy dỗ đủ mạnh mẽ để bảo vệ đức tin.

“Rồi cả thế hệ ấy cũng được tiếp về cùng tổ phụ mình, và một thế hệ khác tiếp nối; họ chẳng biết Đức Giê-hô-va cũng chẳng biết các công việc mà Ngài đã làm cho Y-sơ-ra-ên.” (Các Quan Xét 2:10)

Sự thiếu hụt lãnh đạo kế thừa sau Giô-suê đã để lại khoảng trống. Thế hệ sau không còn được dạy dỗ về giao ước với Đức Chúa Trời, không còn người nhắc nhở họ về những điều Ngài đã làm cho tổ phụ mình. Và từ đó, họ dễ dàng rơi vào sự thờ phượng các thần tượng của dân tộc xung quanh. Điều này không chỉ đơn giản là sự lãng quên, mà là một sự xa rời hoàn toàn khỏi con đường mà Chúa đã dẫn dắt.

Câu chuyện của dân Y-sơ-ra-ên là một lời cảnh tỉnh quan trọng cho chúng ta ngày nay. Đức tin không phải là thứ mà chúng ta có thể giữ cho riêng mình mà không lo đến việc truyền lại. Việc thiếu truyền đạt đức tin dẫn đến sự suy đồi đạo đức và tinh thần. Nếu thế hệ trước không dạy dỗ về tình yêu và quyền năng của Đức Chúa Trời, thế hệ sau sẽ không biết đến Ngài và lạc lối giữa những cám dỗ của thế gian.

Chúng ta cần sống một đời sống đức tin gương mẫu, không chỉ để bảo vệ chính mình mà còn là phương cách để truyền lại di sản đức tin này cho thế hệ sau. Như lời Phao-lô đã khích lệ Hội thánh Cô-rinh-tô: “Hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Ðấng Christ” (I Cô-rinh-tô 11:1). Khi con cháu chúng ta nhìn thấy đức tin sống động qua cuộc đời chúng ta, chúng sẽ được khích lệ và vững bước trong sự trung thành với Đức Chúa Trời.

Tôi là thế hệ đầu tiên tin Chúa trong gia đình của mình. Tôi hiểu rằng trách nhiệm của tôi không chỉ là giữ đức tin cho riêng mình mà còn phải truyền đạt lại cho con cháu. Đức tin không thể được truyền lại một cách tình cờ, nó cần được dạy dỗ, khích lệ và sống động trong từng suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta. Còn bạn thì sao? Bạn và con cháu mình đang đứng ở đâu giữa ba thế hệ này? Là thế hệ của Môi-se, thế hệ của Giô-suê, hay thế hệ sau Giô-suê? Ước ao rằng Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta nhìn thấy tầm quan trọng của việc giữ vững đức tin và truyền lại nó cho thế hệ sau.

Cầu nguyện: Kính lạy Chúa yêu dấu của con, con tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho con đức tin và sự sống mới trong Ngài. Xin Ngài giúp con biết cách truyền đạt đức tin của mình cho con cháu và những người xung quanh, để đức tin của con bày tỏ chính Ngài và trở nên nguồn khích lệ các con cháu, những người xung quanh con tìm đến đức tin cá nhân mỗi người nơi Chúa. Xin cho đời sống đức tin của con được kinh nghiệm Chúa cách riêng tư, sống động và sâu sắc, để con có thể mạnh mẽ chia sẻ đức tin của mình nơi Chúa, và làm chứng về Ngài, để thế hệ sau có thể nhìn thấy chính Ngài qua đời sống con. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus Christ, A-men.

Quý thính giả thân mến, hôm nay là ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta tri ân những người đã dạy dỗ chúng ta kiến thức, cũng như những người thầy thuộc linh đã dạy dỗ cho chúng ta những điều quý báu cho hành trình đức tin của mình. Hãy dành thời gian cảm tạ Chúa, cầu thay, thăm hỏi, chúc mừng, cảm ơn những thầy cô thuộc thể lẫn thuộc linh.

Chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày cũng khích lệ quý thính giả dành thời gian suy nghĩ về vị trí mà Chúa đặt để mỗi chúng ta, nơi mà chúng ta có thể ảnh hưởng đến ai đó, nhất là thế hệ nối tiếp quanh chúng ta. Đó có thể là con cháu của chúng ta, là các bạn trẻ, các em thiếu nhi, ấu nhi trong Hội thánh, hay là bầy nhỏ mà Chúa đang giao phó trách nhiệm cho chúng ta. Hãy suy nghĩ về cách mà mỗi chúng ta có thể mạnh mẽ chia sẻ, dạy dỗ đức tin nơi Chúa cho thế hệ nối tiếp của mình. Đôi khi điều đó chỉ đơn giản là những câu chuyện nho nhỏ, những trải nghiệm với Chúa, hay những lời dạy dỗ hàng ngày cho con cái, hoặc sống một cuộc đời trung tín trước mặt Chúa. Hãy sống một đời sống đức tin theo gương Chúa Jêsus để thế hệ sau có thể nhận biết Ngài qua mỗi chúng ta.

Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:

Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này