Con người chúng ta rất dễ lên mình kiêu ngạo, cho rằng mình tốt hơn người này, mình tài giỏi hơn người kia… Nhưng kiêu ngạo là một thái độ mà Chúa cực kỳ ghê tởm. Và những người kiêu ngạo sẽ không bao giờ được Chúa ban phước.

Hôm nay, ngày 18/01/2023, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Jonathan Santiago qua chủ đề GIẢI PHÁP CHO LÒNG KIÊU NGẠO.

“Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ân điển cho người khiêm nhường" (Gia-cơ 4:6).

Điều gì khiến Đức Chúa Trời chống lại chúng ta? Theo Gia-cơ, đó là tấm lòng kiêu ngạo.

Là con người sa ngã, tội lỗi đã ngăn cách chúng ta với Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng thánh khiết và không thể dung chứa tội lỗi. Để thu hẹp khoảng cách đó, Đức Chúa Trời đã đến với chúng ta trong hình hài con người để gánh lấy tội lỗi và đưa chúng ta trở về với Ngài. Giống như tội lỗi xúc phạm đến Đức Chúa Trời thánh khiết, lòng kiêu ngạo cũng chống lại Ngài. Châm ngôn 6:16-17 chép rằng đôi mắt kiêu ngạo là điều Ngài ghê tởm.

Vâng, khiêm nhường là tốt, vậy thì điều đó có nghĩa là chúng ta nên tập trung bày tỏ lòng khiêm nhường, phải không? Thật ra thì không cần thiết.

Tôi nhận thấy khi mải tập trung tỏ ra khiêm nhường, tôi chỉ đang chú tâm vào bản thân mình. Rốt cuộc thì đó vẫn là thái độ kiêu ngạo. Chỉ tập trung vào bản thân mình - đây là một cái bẫy nguy hiểm đối với Cơ Đốc nhân. Vì tất cả đều biết rằng ai muốn đứng đầu thì phải làm nô lệ (Ma-thi-ơ 20:27), nên chúng ta dễ lắm khoe khoang về lòng khiêm nhường giả hình. Theo thời gian, điều này khiến chúng ta thiếu đi tấm lòng phục vụ chân thành dành cho nhau. Chúng ta rất dễ có tư tưởng: “Tôi quan trọng hơn anh vì tôi phục vụ nhiều hơn anh”... Đó chính là biểu hiện của lòng kiêu ngạo. Vậy, chúng ta phải tập trung vào điều gì để có thể thực sự khiêm nhường? Chỉ có thể là tình yêu thương.

Tình yêu thương chuyển sự tập trung của chúng ta từ bản thân mình sang người khác. Khiêm nhường là kết quả của tình yêu thương thật. Đây là danh sách các đặc điểm của tình yêu thương:

“Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương không ghen tị, không khoe mình, không kiêu ngạo, không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi, không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ, không vui về điều bất công, nhưng vui trong sự thật” (1 Cô-rinh-tô 13:4-6).

Khi học cách yêu thương mọi người, chúng ta sẽ không khoe khoang về hành động của mình. Chúng ta sẽ không tư lợi hay ghen tị. Chúng ta hành động vì ý muốn tốt đẹp. Chúng ta sẽ không dễ giận hờn, và chúng ta sẽ không kiêu ngạo. Điều quan trọng cần lưu ý: đây đều là những hoa trái của tình yêu thương. Bản chất của tình yêu thương chính là vị tha. Khi chúng ta hành động vị tha, sẽ không có chỗ cho sự kiêu ngạo.

Tập trung vào bản thân mà không có tình yêu thương thực sự sẽ dẫn đến thái độ ích kỷ. Tập trung dành tình yêu thương cho mọi người sẽ đưa đến lòng vị tha, và lòng khiêm nhường chân thành sẽ tự nhiên theo sau. Một tấm lòng khiêm nhường sẽ tự nhiên đến khi chúng ta tuân theo hai điều răn lớn: kính Chúa và yêu người (Ma-thi-ơ 22:37-39).

“Ai không yêu thương thì không nhận biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương” (1 Giăng 4:8).

Tôi không muốn Chúa chống lại tôi. Tôi muốn sống khiêm nhường. Tôi muốn nhận lãnh thêm hơn ân điển của Đức Chúa Trời. Tôi muốn Chúa kiện toàn tình yêu thương Ngài trong tôi.

Cầu nguyện: Lạy Cha kính yêu, xin Cha gia thêm tình yêu của Cha trong con. Xin phơi bày sự kiêu ngạo trong đời sống con, và giúp con hạ mình xuống dưới quyền năng Thánh Linh Ngài. Con muốn nhận lãnh ân điển Ngài thêm nữa. Xin dạy con biết yêu thương mọi người ngày càng hơn. Con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Jêsus Christ, Amen.

Quý thính giả thân mến, đây chính là lúc chúng ta cần tra xét lại đời sống mình, để xem lòng kiêu ngạo có còn len lỏi đâu đó trong lòng mình không. Hãy thành thật nhìn nhận liệu bấy lâu nay chúng ta có thực sự sống khiêm nhường, hay rốt cuộc cũng chỉ đang chú tâm vào chính bản thân mình mà thôi. Và hãy ghi nhớ trong tâm: chỉ có tình yêu thương chân thành mới có thể sinh ra một tấm lòng khiêm nhường thực thụ.

Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:

Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này