Hãy thử tưởng tượng thế giới sẽ ra sao nếu không có ánh sáng mặt trời vào ban ngày, không có ánh sáng của những chiếc đèn điện, đèn dầu, hay đốm lửa trong đêm tối? Vì những ảnh hưởng vô cùng thiết yếu như vậy, nên có thể nói nếu không có ánh sáng, con người không thể có một cuộc sống trọn vẹn. Khi liên hệ ánh sáng trong phương diện đức tin, bài học hôm nay nhắc nhở con dân Chúa nhớ rằng mỗi chúng ta là ánh sáng của thế gian.

“Ta là ánh sáng của thế gian”. (Giăng 8:12)

Khi nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ cho Isaac Newton, thì đó là lần đầu tiên một nhà khoa học được vinh danh như vậy. Có thể nói Isaac Newton là một khoa học gia xuất sắc trong nhiều lĩnh vực: từ toán học đến triết học tự nhiên, từ định luật chuyển động đến định luật hấp dẫn, từ nghiên cứu quang học đến nghiên cứu thần học.

Chuỗi bài giảng đầu tiên của ông tại trường Trinity College, Cambridge, là về quang học. Các nhà khoa học khác đã bắt đầu cuộc cách mạng khoa học mà trung tâm là nghiên cứu về ánh sáng. Newton đã có những đóng góp đáng kể cho sự hiểu biết khoa học về ánh sáng trắng và ánh sáng màu. Ông thậm chí còn chế tạo kính thiên văn phản xạ đầu tiên.

Ánh sáng thực sự là một chủ đề hấp dẫn và rất quan trọng, chính Chúa Giê-xu đã nhiều lần sử dụng ánh sáng làm ẩn dụ để nói về chính Ngài.

Trong Giăng 8:12, Chúa Giê-xu phán “Ta là ánh sáng của thế gian”.

Có ít nhất năm lý do tại sao ánh sáng lại quan trọng và những yếu tố này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về câu tuyên bố của Chúa Giê-xu.

Đầu tiên, ánh sáng là yếu tố quyết định tầm nhìn. Bạn có bao giờ nhận thấy khi mặt trời lặn vào cuối ngày, khi bóng tối bắt đầu bao trùm và mọi thứ trở nên mù mờ, rất khó để nhìn thấy? Nếu không có những ánh sáng của mặt trăng hay các ngôi sao trên bầu trời hay đèn điện trên cao thì chắc chắn bạn không nhìn thấy gì.

Ánh sáng cũng rất cần thiết để xác định màu sắc. Khi ánh sáng mờ dần thì màu sắc cũng phai nhạt. Đó là lý do vì sao ánh sáng là một thành phần cần thiết tạo nên vẻ đẹp của thế giới.

Thứ ba, nền lương thực trên đất phụ thuộc vào ánh sáng. Quang hợp là quá trình thực vật sử dụng năng lượng của ánh sáng để tạo ra lương thực. Nói cách khác, không có ánh sáng thì không có sự sống.

Cũng cần phải lưu ý rằng đối với nhiều người thì ánh sáng là yếu tố chính của hạnh phúc. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra nơi con người ít tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên thì mức độ trầm cảm cũng cao hơn. Điều này dường như đúng với một số người thường xuyên làm việc trong nhà, cũng như với những người sống ở những khu vực có những ngày ngắn hơn theo mùa.

Một quan sát nửa là ánh sáng có thể xua tan nỗi sợ hãi. Khi con trai chúng tôi bước vào tuổi lên năm, chúng tôi cho nó ngủ giường riêng, hát một bài hát và cầu nguyện cùng với cháu trước khi tắt đèn. Vài phút sau, chúng tôi nghe thấy tiếng thằng bé hét lớn rằng “có một con sói!

"Không phải đâu con, không hề có con sói nào ở đây cả".

“Có thật mà. Mẹ bật đèn lên thử đi".

Khi đèn được bật lên, thằng bé nhìn thấy mọi thứ rõ ràng và nỗi sợ cũng tan biến. Nhưng trong bóng tối, trí tưởng tượng cứ đi xa dần và gây nên nỗi sợ.

Việc Chúa Giê-xu bước vào cuộc đời một người cũng giống như tác động của ánh sáng đối với thế giới tự nhiên. Ngài mở mắt chúng ta, cho chúng ta nhìn thấy. Ngài thêm màu sắc và khiến cuộc đời chúng ta trở nên tươi đẹp. Ngài mang đến sự sống, niềm vui, hạnh phúc và xua tan bao nỗi sợ. Đấng Tạo hoá của chúng ta biết rõ tất cả những gì mà Isaac Newton và các nhà khoa học khác khám phá ra bởi vì Ngài dựng nên ánh sáng.

Trong Ma-thi-ơ 5:14, Đấng vốn là Ánh sáng của thế gian đã quay sang nói với các môn đồ Ngài, và với cả chúng ta ngày nay rằng: “Các con là ánh sáng cho thế gian.”

Vậy thì những tương tác của chúng ta với mọi người xung quanh phải đem đến ảnh hưởng như ánh sáng, phải giúp họ thấy rõ, phải mang đến cho họ vẻ đẹp, niềm vui và cả sự sống. Và nơi nào Cơ Đốc nhân hiện diện, nơi đó mọi nỗi sợ hãi được xua tan.

Trong Giăng 3:17, Kinh Thánh chép, “Vì Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài đến thế gian không phải để kết án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con mà được cứu”. Cũng vậy Ngài sai chúng ta vào trong thế gian với cùng một sứ mạng. Khi chúng ta bày tỏ Chúa như những gì Ngài muốn, khi Hội Thánh thực hiện đúng sứ mạng của mình, thì thế giới của chúng ta sẽ được đổi thay.

Cầu nguyện: Cảm ơn Chúa đã đến thế gian này để ban cho con sự cứu rỗi, sự sống, hy vọng và hạnh phúc. Xin giúp chính con sống đúng như ý muốn Ngài, xin giúp Hội Thánh con luôn thực thi sứ mạng Ngài giao phó cách tốt nhất, trở nên ánh sáng cho thế gian, để thế giới này biết Chúa và được thay đổi. Con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu Christ. A-men.

Quý thính giả thân mến, những tương tác của bạn với mọi người xung quanh có đang ảnh hưởng họ như ánh sáng của trần gian hay không? Có hành vi, cử chỉ, thái độ, lời nói nào bạn cần thay đổi? Hãy cậy nhờ ơn Chúa để qua nếp sống mỗi ngày của bạn, danh Chúa được bày tỏ, sứ điệp hy vọng được loan truyền, và nhiều người được cứu.

Bạn thân mến, nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về Chúa hoặc nếu bạn có những khó khăn, trăn trở nào cần chia sẻ với chương trình, hãy để lại bình luận ở cuối bài, inbox tại fanpage của Facebook, hoặc gửi email về địa chỉ: [email protected]. Chúa Giê-xu yêu bạn. Chương trình rất mong được kết nối với bạn.

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này