Có bao giờ những lời nói, hay việc ăn uống mà bạn nghĩ là bình thường lại khiến cho những anh chị em Cơ Đốc khác bị tổn thương hay không? Dù con cái Chúa có được sự tự do thật, nhưng chúng ta cũng không được để sự tự do mình làm cớ vấp phạm cho người khác.


“Cho nên, nếu thức ăn tạo cớ vấp phạm cho anh em, thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt, để khỏi tạo cớ vấp phạm cho anh em tôi." (1 Cô-rinh-tô 8:13)

Tôi yêu động vật. “Tôi yêu một số động vật nhiều đến nỗi tôi ăn thịt chúng”. Xin lỗi, bạn cảm thấy câu nói của tôi kỳ lạ phải không, nhưng đó là sự thật. Tôi cảm thấy Kinh Thánh cho con người tự do để ăn thịt của động vật. Trên thực tế, tôi cũng như nhiều người trong số các bạn, đều tin theo một quan điểm thần học được hỗ trợ bởi Kinh Thánh cho thấy lý do của mình khi ăn hoặc không ăn một số thực phẩm nhất định. Hơn nữa, là một người sống trong một đất nước và một thời kỳ tự do, tôi cảm thấy mình xứng đáng có được quyền tự do cá nhân. Khi ai đó gợi ý lấy đi những gì tôi cảm thấy là sự tự do của tôi, có một khía cạnh trong tôi muốn đấu tranh cho quyền lợi của mình, chứng minh sự đúng đắn trong quan điểm của tôi.

Nhưng bạn có biết rằng chỉ vì tôi sở hữu kiến ​​thức, biết điều gì đó là phù hợp với tôi, tôi có thể đang làm tổn hại đến một anh chị em mà Chúa đã chết thay cho? Đồ ăn chỉ là một ví dụ, hãy liệt kê ra vài việc bạn làm: xem một bộ phim nào đó, mặc một loại quần áo, sử dụng một từ nhất định khi nói chuyện, hoặc vô số điều khác nữa, đặc biệt khi nói về mối quan hệ đa văn hóa. Chúng ta thậm chí có thể làm tổn thương người khác qua phương cách học Kinh Thánh của mình.

Phao-lô sử dụng ví dụ về việc ăn của cúng thần tượng. Dù đồ ăn đó chẳng có vấn đề gì khi chúng ta thuộc về một Đức Chúa Trời hằng sống, nhưng khi ăn nó, chúng ta có thể làm tổn thương những tín đồ với một lương tâm yếu đuối hơn, người đã từng thờ các thần tượng. Khi làm như vậy, Kinh Thánh nói rằng người ăn không chỉ phạm tội với anh em mình, mà còn phạm tội với Đấng Christ. (Xem 1 Cô-rinh-tô 8:12)

Tại sao có sự thôi thúc để tôi thực hành và chứng minh các quyền của tôi đối với anh chị em tôi? Phao-lô thực sự trả lời câu hỏi đó ở đầu chương: “Nhưng sự hiểu biết sinh kiêu căng, còn tình yêu thương thì xây dựng” (1 Cô-rinh-tô 8: 1). Không có gì sai với kiến ​​thức, nhưng nếu kiến ​​thức đó không được áp dụng một cách yêu thương đối với chi thể của Đấng Christ, thì nó cho thấy tôi không lo nghĩ về người khác. Tôi là một người không có tinh thần phục vụ.

"Vì Con Người đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ, và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người.” (Mác 10:45)

“Ngài đã từ bỏ chính mình, mang lấy hình đầy tớ, và trở nên giống như loài người” (Phi-líp 2:7). Chắc chắn tôi có thể gạt sang một bên những gì tôi cảm thấy là đặc quyền của mình để phục vụ anh chị em của tôi. Trên thực tế, tôi tin rằng chúng ta có thể đạt đến thái độ mà chúng ta vui mừng khi gạt sang một bên những đặc quyền của mình vì lợi ích của người khác. Đó là một cách yêu như Chúa Giê-xu yêu, đó là một cách để tiếp tục trở nên giống như Chúa. Nếu chúng ta đã được tái sinh, Chúa đã làm cho chúng ta tự do. Và bởi vì chúng ta tự do nên chúng tôi có quyền tự do không làm những việc nhất định hoặc tự mình tuân theo các quy tắc nhất định, bởi vì chúng ta biết rằng sự phán xét của chúng ta đến từ một mình Chúa.

"Thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do; chỉ có điều là đừng dùng tự do ấy như một cơ hội để sống cho xác thịt, nhưng hãy lấy lòng yêu thương mà phục vụ nhau." (Ga-la-ti 5:13)

"Thức ăn không làm cho chúng ta gần Đức Chúa Trời hơn; nếu không ăn cũng chẳng xấu, còn ăn cũng chẳng tốt hơn. Nhưng phải thận trọng, kẻo quyền tự do của anh em gây cớ cho người yếu đuối vấp ngã. Nếu một người có lương tâm yếu đuối thấy bạn, là người hiểu biết, ngồi ăn trong đền miếu thần tượng thì chẳng phải người ấy được khuyến khích ăn của cúng thần tượng sao? Thế thì sự hiểu biết của bạn đã làm hư mất người yếu đuối ấy, là người anh em mà Đấng Christ đã chết thay cho. Như vậy, khi phạm tội đối với anh em, làm tổn thương lương tâm yếu đuối của họ là bạn đã phạm tội với Đấng Christ. Cho nên, nếu thức ăn tạo cớ vấp phạm cho anh em, thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt, để khỏi tạo cớ vấp phạm cho anh em tôi. (1 Cô-rinh-tô 8: 8-13)

Cầu nguyện: Cảm ơn Chúa vì những anh chị em Ngài đặt bên cạnh con. Xin giúp con sử dụng sự tự do của mình theo ý muốn Ngài, để những lời ăn, tiếng nói, hành động và ngay cả việc ăn uống của con cũng đem lại sự gây dựng và khích lệ cho họ. Con cầu nguyện, nhân danh Chúa Giê-xu. Amen.


Quý thính giả thân mến, có những thói quen, hành vi, cử chỉ, lời nói nào mà bạn nghĩ mình hoàn toàn có quyền thực hiện, nhưng điều đó lại làm tổn thương anh em mình. Hãy cậy ơn Chúa, sử dụng sự tự do của mình để gạt những điều đó sang một bên. Chúa muốn bạn yêu những người xung quanh như chính Ngài đã yêu bạn.


Bạn thân mến, nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về Chúa hoặc nếu bạn có những khó khăn, trăn trở nào cần chia sẻ với chương trình, hãy để lại bình luận ở cuối bài, inbox tại fanpage của Facebook, hoặc gửi email về địa chỉ: [email protected]. Chúa Giê-xu yêu bạn. Chương trình rất mong được kết nối với bạn.

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này