10 điều cần khi dạy con bạn cầu nguyện

Dưỡng linh
11:08 10/06/2024

Oneway.vn – Trẻ em luôn thích bắt chước làm theo những điều từ cha mẹ và những người xung quanh

Khi cha mẹ Cơ Đốc cầu nguyện, họ luôn hy vọng rằng con cái mình sẽ làm theo. Một khi chúng ta chắc chắn rằng con cái hiểu được sự cứu rỗi và tuyên xưng đức tin cá nhân thì một thói quen quan trọng mà chúng ta cần dạy con là sự cầu nguyện.

Vậy, làm thế nào chúng ta có thể dạy chúng cầu nguyện một cách tốt nhất? Dưới đây là 10 lời khuyên.


1. Dạy con bạn hiểu cầu nguyện là gì

Trẻ em vốn không biết cầu nguyện là sự giao tiếp mật thiết với Chúa. Hãy giúp con biết cầu nguyện là gì và tại sao lại quan trọng.

Không bao giờ là quá nhỏ để ghi nhớ Kinh Thánh, câu Kinh Thánh giúp con bạn nhận ra tầm quan trọng của lời cầu nguyện đó là 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17: “Hãy cầu nguyện không thôi”.

Hãy thảo luận xem điều này có nghĩa là gì bởi vì câu hỏi không thể tránh khỏi của họ sẽ là “Làm thế nào tôi có thể làm được điều đó?”. Bài học về cách chúng ta có thể cầu nguyện mà không cần đọc to lời cầu nguyện chắc chắn sẽ hữu ích. Ví dụ: Johnny bị vấp ngón chân. Anh ta có thể cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin giúp ngón chân con sớm lành”.


2. Dạy con bạn bằng những ví dụ cụ thể

Như những vở kịch câm, con cái luôn theo dõi chúng ta để chúng có thể noi gương ba mẹ. Như Phao-lô đã nói trong Phi-líp 3:17, “Hỡi anh em, hãy bắt chước tôi, lại xem những kẻ ăn ở theo mẫu mực mà anh em thấy trong chúng tôi.”

Đảm bảo cầu nguyện chung với gia đình, trong bữa ăn, trước khi đi ngủ, v.v. Khi bạn có thời gian học Kinh Thánh và cầu nguyện cá nhân, hãy đảm bảo rằng con bạn nhìn thấy bạn đang cầu nguyện, dù là thầm hay lớn tiếng. Nếu bạn thấy chúng đang xem, hãy mời chúng tham gia cùng bạn.


3. Dạy con bạn nghi thức cầu nguyện đúng đắn

Chúng ta đến trước mặt Chúa như đang ở trong nơi thánh, trình dâng Ngài sự tôn trọng và xứng đáng mà chỉ Ngài mới xứng đáng được nhận. Một ví dụ điển hình là Ma-thi-ơ 6:5-6.

Chuẩn bị một nơi yên tĩnh trong nhà (hoặc sân sau của bạn) để bạn và con cái có thể đến trước mặt Chúa. Loại bỏ mọi phiền nhiễu (điện thoại di động, iPad, âm nhạc, v.v.) và ngồi trên ghế hoặc trên sàn nhà. Hãy nói với con bạn rằng khi chúng ta cầu nguyện với Chúa, chúng ta đến trước Ngài với lòng tôn kính; Ngài là thánh và chúng ta phải đến gần Ngài như một Đức Chúa Trời Toàn Năng.

Dù bạn đang quỳ hay đang ngồi, thì việc cúi đầu trước Ngài là một cách thực hành tốt, như thể bạn đang ở trước mặt Ngài khi Ngài ngồi trên ngai. Nhắm mắt lại giúp loại bỏ mọi phiền nhiễu khác để bạn có thể tập trung vào thời gian cầu nguyện với Chúa.

Hãy giúp con bạn không sợ hãi mà yên nghỉ trong Ngài, biết rằng Chúa lắng nghe lời cầu nguyện và muốn điều tốt nhất cho chúng ta (Rô-ma 8:28; 1 ​​Phi-e-rơ 3:12). Nhắc con bạn đừng lo lắng nếu không nói đúng lời, nhưng hãy thành thật về những gì chúng đang cầu nguyện.


4. Dạy con bạn qua Kinh Thánh

Mua một cuốn truyện tích Kinh Thánh cho trẻ em. Khi bạn đọc cho chúng nghe hoặc nghe chúng đọc, hãy đánh dấu những phần chứa lời cầu nguyện.

Thi Thiên 23 – Khi bạn đọc những bài thơ vịnh đầy cảm động và được yêu thích này, hãy nói với con bạn rằng bài thơ vịnh này là lời cầu nguyện của vua Đa-vít dâng lên Chúa. Hãy nói về việc Vua Đa-vít, dù là một vị vua trên đất vẫn cần Chúa là Đấng chăn dắt ông. Giải thích Chúa là Đấng chăn giữ chúng ta và Ngài an ủi chúng ta như thế nào, mang lại cho chúng ta sự yên nghỉ bình yên, xóa bỏ nỗi sợ hãi ra sao, v.v.

Hỏi con bạn xem liệu có những nhu cầu nào của vua Đa-vít là những thứ chúng đang cần hay không (sự bình yên, an toàn, nghỉ ngơi, thoải mái, v.v.)

Hỏi con bạn xem chúng có muốn cầu nguyện như vua Đa-vít đã làm không, rồi giúp chúng nói chuyện với Chúa.

Khuyến khích con bạn cầu nguyện thành tiếng để vượt qua nỗi sợ hãi về khi vẫn còn bối rối trong lời cầu nguyện.


5. Dạy con bạn cầu nguyện bằng những lời trong Kinh Thánh

Với một cuốn Kinh thánh dành cho trẻ em chứa đầy những câu chuyện được viết bằng ngôn ngữ của chúng, thật dễ dàng để con bạn cầu nguyện bằng lời Kinh thánh với Chúa.

Ví dụ: Thi Thiên 23. Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi, Tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì. Ngài khiến tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi, …


6. Dạy con bạn áp áp dụng hành động TXCC vào lời cầu nguyện

Ví dụ:

Thờ phượng – Lạy Chúa, con yêu mến Ngài vì Ngài là chính Ngài. Con yêu Ngài bởi vì…

Xưng tội – Lạy Chúa, con rất xin lỗi vì đã cãi lại bố mẹ. Xin tha thứ cho con.

Cảm tạ – Lạy Chúa, tạ ơn Ngài vì thức ăn Ngài ban cho chúng con mỗi ngày.

Cầu xin – Lạy Chúa Giêsu, xin hãy giúp bạn … của con cũng học cách cầu nguyện như con.


7. Dạy con ý nghĩa của từ “A-men” và cách bày tỏ (Ga-la-ti 6:18)

Đó có vẻ là một điều nhỏ nhặt, nhưng khi một đứa trẻ hiểu rằng “Amen” có nghĩa là “đúng như vậy” hoặc “thực sự”, chúng sẽ biết sự trung thực của chúng ta trong lời cầu nguyện quan trọng như thế nào. Bởi vì Cơ Đốc nhân cầu nguyện nhân danh Chúa Jêsus, nên chúng ta cầu nguyện theo ý muốn của Ngài và luôn là như vậy!

Ví dụ: “Cha ơi, chỉ có Cha là tuyệt vời. Cảm ơn vì đã cứu con. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Jêsus. Amen”.


8. Dạy con bạn đọc Kinh Thánh hằng ngày (Công vụ 17:11)

Khi con bạn học cầu nguyện, việc đọc Kinh thánh, lớp trường Chúa nhật và các bài học ở nhà đều đặn và chắc chắn sẽ trang bị và khích lệ trẻ cầu nguyện những lời cầu nguyện đơn giản và có nền tảng Kinh Thánh vững vàng.

Chìa khóa của sự cầu nguyện là cầu nguyện theo ý muốn của Chúa và nơi duy nhất tìm thấy ý muốn của Chúa là trong Kinh thánh.

Bài đọc Kinh Thánh trong ngày của con bạn có thể bao gồm một phần câu chuyện về Giô-sép từ Sáng thế ký 37-50. Con sẽ đọc về Giô-sép và các anh của ông cũng như việc các anh đã bán Giô-sép làm nô lệ như thế nào.

Hãy hỏi con bạn xem Giô-sép đã cầu nguyện điều gì khi ở dưới hố, trong đoàn buôn nô lệ ở Ai Cập.

Việc cho con bạn nghĩ về những câu chuyện trong Kinh Thánh sẽ giúp con thấy được những nhân vật đó đã có bao nhiêu lời cầu nguyện khác nhau.


9. Dạy con bạn cầu nguyện để sống thánh thiện (1 Phi-e-rơ 1:16)

Chúa mời gọi chúng ta sống một đời sống thánh thiện. Khi con bạn cầu nguyện cho điều này, hãy hướng con đến Kinh Thánh để xem Kinh Thánh nói gì về việc chúng ta, con cái Chúa, phải sống như thế nào (suy nghĩ và hành động).

Ví dụ, trong Ga-la-ti 5:22-23a. Trước hết hãy dạy con bạn về Đức Thánh Linh, rằng Ngài cũng là Đức Chúa Trời và Ngài đã viết Kinh thánh (2 Phi-e-rơ 1:20-21).

Sau đó, hãy nói với con bạn về trái của Thánh Linh: “Nhưng trái của Thánh Linh ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22-23). Hãy giúp con bạn nắm bắt được ý nghĩa của từng bông trái Thánh Linh và mời gọi các con cầu nguyện:

“Lạy Chúa, con muốn sống một cuộc đời thánh thiện vì Chúa Jêsus đã khuyên dạy chúng con như vậy. Xin giúp con biết bày tỏ yêu thương như Chúa đã yêu con”.

“Lạy Cha, xin lấp đầy con bằng niềm vui của Ngài và cho con thể hiện niềm vui ấy cho những người xung quanh”.


10. Dạy con suy ngẫm về sáng tạo của Chúa và ca ngợi Ngài (Thi Thiên 19:1-6).

Thật tốt khi thắc mắc về sự sáng tạo của Chúa, ngay cả trong những lúc tồi tệ. Thi Thiên bắt đầu bằng: “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời,…”

Đọc Thi Thiên 19 vào ba thời điểm khác nhau trong một ngày.

Khi bình minh đến, hãy bước ra ngoài và ngắm nhìn bầu trời đang sáng dần lên vì vẽ đẹp của bình minh sẽ khiến bạn không thể không ca ngợi Chúa, vì quyền năng cả thể của Ngài. Hãy ca ngợi Chúa vì những tạo vật của Ngài, đặc biệt, hãy lắng nghe tiếng chim hót, dường như chúng cũng cất tiếng để ngợi ca Đấng Sáng tạo.

Vào lúc hoàng hôn, hãy ca ngợi Chúa về khoảng thời gian ngập ánh nắng mà bạn đã được tận hưởng và một lần nữa, vì màu sắc của bầu trời đang tối dần. Ngợi khen Ngài bằng bài hát “đi ngủ” của đàn chim.

Vào một đêm thanh mát, hãy ra ngoài, đến một nơi cách xa ánh đèn thành phố để ngắm nhìn những ngôi sao. Hãy nói với con bạn rằng Chúa biết tên từng ngôi sao (Thi Thiên 147:4), và Ngài cũng biết tên con bạn!

Có lẽ bạn có những cách khác để dạy con mình cầu nguyện. Nhưng ước ao 10 lời khuyên của chúng tôi có thể giúp bạn tham khảo và được nhắc nhở để không ngừng tim cách khích lệ và tôn vinh Chúa.


Bài: Lisa Loraine Baker; dịch: Minh Dung
(Nguồn: crosswalk.com)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này