Làm sao để chống lại căn bệnh “hâm hẩm”?

Dưỡng linh
10:40 15/05/2022

Oneway.vn - Khi tạ ơn Đức Chúa Trời về bản tính “đầy dẫy ân huệ” của Ngài (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6), chúng ta cũng nên tra xét lòng trung tín của chính mình. Chúng ta trung thành đến mức nào?

Điều này rất quan trọng, vì “người quản trị là phải trung thành” (1 Cô-rinh-tô 4:2). Thước đo cho lòng trung thành là mức độ “hâm hẩm” của chúng ta.

Đừng “hâm hẩm” theo tuổi tác 

Hâm hẩm là cái chết của đức tin. Và đức tin thường chết dần sau ngàn lần thỏa hiệp.

Năm 22 tuổi, sếp tôi lừa dối khách hàng và bắt tôi làm giả báo cáo hàng tồn kho. Tôi từ chối, bày tỏ rằng tôi vô cùng quan ngại về hành vi của anh ấy. Một ngày nọ, ông mời tôi vào văn phòng và nghiêm túc nói: “Khi ở độ tuổi của anh, tôi cũng nhìn mọi thứ với hai màu đen trắng rõ ràng. Nhưng khi trưởng thành, tôi hiểu ra rằng mọi thứ chủ yếu là màu xám". Thật vớ vẩn! Hành vi gian lận không phải là màu xám. Nếu khách hàng biết được, trắng đen sẽ nhanh chóng bị phanh phui.

Điều gì đã xảy ra với sếp tôi, khiến hai màu trắng đen nay biến thành màu xám?

Bây giờ, khi đã gần bằng tuổi ông hồi đó, tôi bắt đầu hiểu hơn. Tôi có những kinh nghiệm sống rộng hơn, dài hơn để tiếp thêm sức mạnh. Nhưng tôi cũng biết rằng kiểu “xám đi theo tuổi tác” không phải là sự phát triển trí tuệ theo thời gian. Đó là hậu quả của việc không trung thành, bị dụ dỗ, lôi kéo bởi những ham muốn tội lỗi (Gia-cơ 1:14).

Sự thật không xám đi theo tuổi tác. Đúng hơn, đôi mắt đạo đức của chúng ta bị mờ đi do thỏa hiệp. Và với mỗi lần thỏa hiệp, chúng ta sẽ phải quyết tâm nhiều hơn để nhìn ra sự thật và trung thành với lẽ thật. Chúng ta gọi đó là “màu xám” chỉ để làm dịu lương tâm cắn rứt của mình.

“Hâm hẩm” là triệu chứng bệnh tật 

Chúng ta giống như Hội Thánh Lao-đi-xê thời hiện đại (Khải Huyền 3:14–22). Đức tin của chúng ta không bị đe dọa bởi sự bắt bớ, nhưng bởi những cám dỗ liên tục để thỏa hiệp với thế gian. Chúa Jêsus, “Đấng làm chứng thành tín chân thật” (câu 14) đã khiển trách Hội Thánh Lao-đi-xê vì họ “hâm hẩm” (câu 16) với lòng bất trung, và khuyên họ “mua thuốc xức mắt xức vào mắt con để con thấy được” (câu 18) để chữa lành căn bệnh mù lòa do thỏa hiệp.

Giống như sốt là triệu chứng của bệnh tật trong cơ thể, thì hâm hẩm là triệu chứng của căn bệnh bất trung tâm linh. Tất cả chúng ta đều trải qua và chiến đấu với bệnh tật cơ thể, cũng như trải qua tình trạng hâm hẩm và phải chiến đấu với căn bệnh bất trung.

“Đơn thuốc” Chúa Jêsus dành cho căn bệnh bất trung

Nếu cảm thấy hâm hẩm, chúng ta nên làm gì để chống lại căn bệnh này? Người Thầy Thuốc thành tín và chân chính trao cho chúng ta đơn thuốc của Ngài: “hãy sốt sắng và ăn năn đi” (Khải Huyền 3:19).

Nhưng làm sao một người hâm hẩm có thể “sốt sắng”? Vấn đề có phải do bạn không sốt sắng? Không! Vấn đề là bạn không nhận thức được căn bệnh gây ra triệu chứng hâm hẩm của mình. Nếu bạn nghĩ mình chỉ đơn thuần bị cảm lạnh, bạn sẽ chẳng lo lắng nhiều vì cơn sốt. Nhưng nếu bạn phát hiện ra rằng mình phát sốt vì bị ung thư, thì mọi chuyện sẽ trở nên hoàn toàn khác. Hâm hẩm là triệu chứng của căn bệnh ung thư do bất trung tâm linh. Nếu không được điều trị, căn bệnh này sẽ gây ra một trải nghiệm kinh khủng khôn tả: Chúa Jêsus sẽ nhả bạn ra khỏi miệng Ngài (Khải Huyền 3:16). Kẻ bất trung không thể nhận được phần thưởng đời đời. Phần thưởng ấy thuộc về “người nào thắng” (Khải Huyền 3:21) - những người đã chiến đấu và chiến thắng.

Làm sao để một người hâm hẩm ăn năn? Đừng chờ đợi đến khi có cảm hứng. Hãy ăn năn ngay bây giờ! Hãy quay lại và bước đi đúng hướng. Hãy bước từng bước một. Một khi đã muốn ăn năn, chúng ta luôn biết phải làm gì. Thánh Linh sẽ hướng dẫn những việc phải làm nếu chúng ta muốn ăn năn. Vấn đề là chúng ta phải quyết tâm ăn năn.

Ân điển dành cho người bất tín 

Lời cảnh cáo nghiêm khắc Chúa Jêsus dành cho Hội Thánh Lao-đi-xê chính là ân điển. Ngài không nói rằng họ sẽ được cứu rỗi bằng cách sống trung thành. Ngài nói rằng thái độ bất trung là bằng chứng cho thấy nơi họ không có đức tin cứu rỗi. Đó là thời điểm họ mắc căn bệnh "ung thư". Và Ngài đưa ra cho họ giải pháp điều trị. Ngài khuyên họ ăn năn và quay lại với Ngài để được chữa lành. Đó là ân điển Ngài dành cho tất cả chúng ta, cũng như Phi-e-rơ (Lu-ca 22: 60–62), đôi khi phạm tội bất trung. Ăn năn là bằng chứng của đức tin thật, mặc dù còn nhiều thiếu sót.

Trung thành sốt sắng 

Giữ lòng trung thành không chỉ là một cuộc đấu tranh. Đó là một cuộc chiến tranh đúng nghĩa. Để trung thành với Chúa, với người phối ngẫu, con cái, Hội Thánh và lời kêu gọi của mình, chúng ta phải chiến đấu mỗi ngày chống lại tội lỗi đang lôi kéo mình thỏa hiệp. Đừng bao giờ thỏa hiệp. Hãy tiêu diệt chúng. Hãy “vì đức tin mà chiến đấu dũng cảm” (1 Ti-mô-thê 6:12), chiến đấu quyết liệt để giành lấy lòng trung thành.

Ăn năn là một thói quen thánh của người chiến sĩ trung thành. Tội thỏa hiệp luôn rình rập trước cửa nhà, và chúng ta phải cai trị nó (Sáng-thế Ký 4:7). Chúng ta làm được điều này khi trau dồi kỹ năng “buộc mọi ý tưởng phải thuận phục Đấng Christ” (2 Cô-rinh-tô 10:5).

Khi cầu nguyện, hãy tạ ơn Chúa vì ân điển trong những lời răn dạy cứng rắn của Ngài, nơi lòng nhân từ dẫn bạn đến chỗ ăn năn (Rô-ma 2:4). Hãy chống lại ma quỷ (Gia-cơ 4:7), ăn năn về bất kỳ “màu xám” nào đang len lỏi, và chống lại căn bệnh “hâm hẩm”.



Bài: Jon Bloom; dịch: Jennie
(Nguồn: desiringgod.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này