“Hy sinh" là một từ ngữ rất đỗi quen thuộc mà Cơ Đốc nhân thường nói, nhưng có phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của nó. Qua kinh nghiệm giải thích ý nghĩa của từ này cho một đứa trẻ lên 4, tác giả muốn nhắc chúng ta nhớ về sự hy sinh của Chúa cho mình, và thái độ chúng ta cần có để đáp ứng với sự hy sinh ấy.

“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16)

“Bà ơi, hy sinh nghĩa là gì vậy ạ?” Tôi ngước nhìn vào chiếc gương chiếu hậu và tự hỏi làm thế nào mà cuộc trò chuyện với đứa cháu gái bé bỏng của mình lại nhanh chóng chuyển sang chủ đề về sự hy sinh?

“Con nghe từ đó ở đâu vậy?”

“Hôm qua lớp con tập hát ở nhà thờ”.

Phải, chúng ta nghe từ “hy sinh" vô số lần ở nhà thờ. Chúng ta cũng tìm thấy từ này trong Kinh Thánh. Kinh Thánh nói cho chúng ta biết rằng Chúa Giê-xu đã hy sinh vì Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta.

Đứa cháu gái bốn tuổi của tôi cau mày, “Nhưng con không hiểu từ này có nghĩa là gì?”

“Để bà cho con một ví dụ nhé. Nếu chiều nay ba mẹ đi làm về, mua cho con và em trai một ổ bánh nhỏ. Bà biết con rất thích ăn bánh phải không, cả em con cũng vậy.”

Cháu tôi nhanh nhảu đáp, “Thì mình sẽ chia đôi ổ bánh ra, con một nửa, em con một nửa" - Vừa nói, nó vừa đưa tay lên cằm ra vẻ rất hiểu chuyện.

Tôi tiếp tục giải thích:

“Nhưng mấy hôm nay em con bị bệnh nên rất khó chịu. Em con không muốn ổ bánh bị cắt làm đôi. Em con muốn có hết ổ bánh. Con nhìn em và thấy em thực sự rất thích bánh và cứ giữ chặt lấy, không chịu để cho ba mẹ phân chia. Khi đó con sẽ nói với em là ‘em ơi, chị yêu em nên chị nhường cho em ăn hết đó'. Hành động như vậy được gọi là hy sinh. Con bỏ đi những thứ thuộc về mình, những thứ mình muốn bởi vì con yêu thương em và chấp nhận cho em nhận được những thứ tốt nhất”.

“Vậy là con đã hy sinh ổ bánh phải không ạ?”

“Đúng rồi con. Có rất nhiều loại hy sinh. Nếu con hiểu được điều đơn giản này thì con sẽ hiểu được những sự hy sinh lớn hơn".

Để từ bỏ điều gì đó mình yêu quý cho người khác là điều không dễ dàng. Nhưng nếu chúng ta quen thuộc với các câu chuyện trong Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy hy sinh chính là một lối sống.

Trong Sáng Thế Ký 22:1-2, chúng ta đọc được rằng:

“Sau các việc đó, Đức Chúa Trời thử nghiệm Áp-ra-ham. Ngài gọi ông: “Áp-ra-ham!” Ông thưa: “Dạ, có con đây.” Đức Chúa Trời phán: “Hãy dẫn con trai của con, đứa con một mà con yêu dấu, là Y-sác, đi đến đất Mô-ri-a. Tại đó, con hãy dâng đứa trẻ làm tế lễ thiêu trên một trong những ngọn núi mà Ta sẽ chỉ cho con.”

Áp-ra-ham là người yêu mến Chúa và tin cậy Ngài từ rất lâu. Vì vậy ông đem con mình là Y-sác đến nơi mà Chúa phán dạy. Chúng ta biết kết thúc của câu chuyện này rồi phải không. Chúa chỉ đang thử Áp-ra-ham và Ngài đã cung ứng cho ông một con chiên để ông làm của tế lễ thay cho con trai mình. Áp-ra-ham đã chứng tỏ tình yêu trọn vẹn của ông đối với Chúa và tấm lòng sẵn sàng hy sinh những gì tốt nhất của bản thân, cho dù đó là đứa con trai ông hết mực yêu thương sau bao nhiêu năm chờ đợi mới có.

Trong Kinh Thánh cũng ghi lại nhiều sự hy sinh khác nhưng không có sự hy sinh nào có thể sánh bằng với sự hy sinh của chính Chúa. Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta nhiều đến nỗi Ngài hy sinh chính Con yêu dấu của Ngài. Giăng 3:16 cho chúng ta biết:

“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời”.

Đức Chúa Trời sẵn lòng hy sinh Con Một của Ngài cho chúng ta. Vậy thì chúng ta đã đáp ứng lại với Ngài như thế nào? Có điều gì trong tấm lòng của chúng ta còn muốn giữ cho riêng mình, không muốn dâng cho Ngài hay không?

Cầu nguyện: Cảm ơn Chúa vì Ngài đã hy sinh chính Con Một, Con yêu dấu của Ngài cho con. Con biết mình không xứng đáng với sự hy sinh lớn lao ấy. Con nguyện dâng trọn cuộc đời con để hầu việc Ngài, cho Ngài sử dụng vì sự vinh hiển Cha. Con cầu nguyện, trong danh Chúa Giê-xu Christ. A-men.

Bạn thân mến, có điều gì Chúa muốn bạn dâng cho Ngài nhưng bạn vẫn còn đang do dự, chần chừ hay không? Dù đó là tiền bạc, thời gian, ân tứ, sức lực hay bất cứ thứ gì khác, bạn cũng đừng nên tiếc với Chúa.

Bạn thân mến, nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về Chúa hoặc nếu bạn có những khó khăn, trăn trở nào cần chia sẻ với chương trình, hãy để lại bình luận ở cuối bài, inbox tại fanpage của Facebook, hoặc gửi email về địa chỉ: [email protected]. Chúa Giê-xu yêu bạn. Chương trình rất mong được kết nối với bạn.

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này