Nếu một người làm tổn thương bạn, đã được bạn tha thứ nhưng vẫn tiếp tục tổn thương bạn thêm nữa. Bạn sẽ đối xử với người đó như thế nào? Liệu bạn có tiếp tục tha thứ lần nữa hay không? Dù biết rằng điều này không dễ gì thực hiện nhưng chương trình hôm nay muốn khích lệ bạn hãy nương dựa nơi quyền năng của Chúa, xin Ngài giúp bạn có thể bày tỏ lòng thương xót và tha thứ với người tổn thương mình.

Lúc ấy, Phi-e-rơ đến gần Đức Chúa Jêsus và hỏi: “Thưa Chúa, nếu anh em con phạm lỗi với con thì con sẽ tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng?” Ngài đáp: “Ta không nói với con chỉ bảy lần đâu, nhưng là bảy mươi lần bảy” (Ma-thi-ơ 18: 21-22)

“Lúc ấy, Phi-e-rơ đến gần Đức Chúa Jêsus và hỏi: “Thưa Chúa, nếu anh em con phạm lỗi với con thì con sẽ tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng?” Ngài đáp: “Ta không nói với con chỉ bảy lần đâu, nhưng là bảy mươi lần bảy” (Ma-thi-ơ 18: 21-22)

Phi-e-rơ cùng với 11 môn đồ còn lại đồng hành cùng Chúa Giê-xu qua nhiều chặng đường. Họ là những con người có cá tính khác nhau, thói quen khác nhau, và tâm trạng khác nhau. Có người khá dễ chịu, có người lại bốc đồng như Phi-e-rơ chẳng hạn, có người cứng nhắc, có người dè dặt… và tất nhiên xung đột là điều không thể tránh khỏi.

Chúa Giê-xu muốn các môn đồ của mình tha thứ, không phải 7 lần, cũng không phải 70 lần 7 là 490 lần, mà là tha thứ cách trọn vẹn, tha thứ không giới hạn vì con số 7 tượng trưng cho sự trọn vẹn.

Chúa Giê-xu biết giá trị của sự tha thứ. Nhưng Ngài cũng hiểu rõ bản tính yếu đuối của con người.

Trong Lu-ca 6:27-28, Chúa truyền dạy:

“Hãy yêu kẻ thù mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phước cho kẻ rủa sả mình, và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình.” (Lu-ca 6: 27-28)

Yêu kẻ thù, chúc phước cho kẻ rủa sả mình sao? Phải, đó là điều không dễ. Vì vậy chúng ta phải cần đến lòng thương xót của Chúa. Trước hết phải nhận biết rằng tình yêu thương của Ngài đã khỏa lấp tội lỗi chúng ta. Ngài đã hy sinh trên thập tự giá để tội lỗi chúng ta được tha thứ, thì chúng ta cũng có thể bày tỏ sự tha thứ và thương xót người khác khi hi sinh cái tôi của bản thân.

Ma-thi-ơ 5:45-48 bày tỏ phương cách mà con cái Đức Chúa Trời cần hành xử để mang vinh hiển cho Ngài, đó là phải bày tỏ lòng thương xót với những người đang gây lầm lỗi cho chúng ta. Hay nói cách khác, chúng ta phải bày tỏ lòng tha thứ với họ.

Tương tự như vậy, Lu-ca 6:35-36 chép,

“Nhưng các con hãy yêu kẻ thù mình, hãy làm ơn, và hãy cho mượn mà đừng mong trả lại. Như vậy, phần thưởng của các con sẽ lớn, và các con sẽ là con của Đấng Chí Cao, vì Ngài lấy lòng nhân từ đối đãi người vô ơn và kẻ độc ác. Hãy thương xót như Cha các con hay thương xót”

Đôi khi vợ của chúng ta, chồng của chúng ta, con cái của chúng ta chính là đối tượng mà Chúa dạy chúng ta phải tha thứ nhiều nhất. Bởi vì họ là những người gần gũi nhất nên từng lời nói của họ có thể đâm sâu, gây tổn thương cho chúng ta hơn cả kẻ thù.

Tôi từng nghe một cô y tá chia sẻ trong nước mắt, “Con gái tôi làm tan vỡ tấm lòng tôi. Nó mới 14 tuổi nhưng đã đòi bỏ học, bỏ nhà ra đi và trước khi đi nó còn nói ‘con ghét mẹ'”.

Không dễ gì để cảm thấy được yêu và bày tỏ tình yêu mỗi ngày vì cảm xúc luôn thay đổi tùy thuộc vào hoàn cảnh xung quanh. Không những thế, khi chúng ta muốn yêu thì cảm xúc ghét bỏ lại nổi lên. Khi chúng ta muốn chúc phước thì sự rủa sả lại xuất hiện. Chúng ta đang ở trong một trận chiến với kẻ thù mà chúng ta không thấy được.

Có câu nói như thế này, “bạn không thể đuổi con chim khỏi đầu mình, nhưng bạn có thể ngăn cản không cho nó làm tổ trên đầu bạn". Có một thời gian tôi cầu nguyện liên tục cho những người bạn đồng nghiệp của mình sau khi nghe những cay đắng mà họ tâm sự. Tôi xin Chúa giúp loại bỏ những “tổ chim" ra khỏi tâm trí và tấm lòng họ.

Mới đây, một đồng nghiệp đã tâm sự là công việc thuận lợi hơn. “Tôi quyết định tha thứ cho sếp, đơn giản là vì tôi không muốn mang lấy sự buồn bực cho bản thân mình" - bạn ấy chia sẻ.

Hãy nhớ rằng Sa-tan, kẻ thù của chúng ta vẫn đang đứng sau hậu trường, tìm cách chia rẽ và khiến chúng ta đối địch lẫn nhau. Nếu chúng ta mở cửa cho sự ghen ghét, thù hận xen vào thì rất khó để chúng ta yêu thương và tha thứ. Chúng ta không thể sống xứng đáng với sự kêu gọi của Chúa.

Đức Thánh Linh sẽ thêm sức để chúng ta có thể tha thứ nếu chúng ta biết gắn mình trong Chúa Giê-xu, nhận biết rằng chính Ngài đã treo thân trên thập tự giá để tha thứ tội lỗi cho chúng ta.

Chúa đã sống lại rồi và ngày hôm nay Ngài đang sống, tuôn đổ quyền năng của Ngài trên đời sống chúng ta. Ngoài Chúa ra chúng ta không thể làm gì cả. Nhưng khi ở trong Ngài, chúng ta có năng lực để lựa chọn sự tha thứ. Chỉ đơn giản là đến với Chúa Giê-xu, và xin Ngài giúp chúng ta làm điều đó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, thật khó để con tha thứ cho những người làm tổn hại đến mình. Con cầu xin Chúa thêm sức cho con, giúp con nhìn họ theo cái nhìn của Chúa, để con có thể bày tỏ lòng thương xót và tha thứ. Con cầu nguyện, trong danh Chúa Giê-xu Christ. A-men.

Quý thính giả thân mến, nếu bạn đang giữ lòng cay đắng, buồn bực với một ai đó. Giờ này Chúa muốn bạn đến với Ngài, nêu tên người đó ra và xin Chúa ban cho bạn năng lực để có thể tha thứ.

Bạn thân mến, nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về Chúa hoặc nếu bạn có những khó khăn, trăn trở nào cần chia sẻ với chương trình, hãy để lại bình luận ở cuối bài, inbox tại fanpage của Facebook, hoặc gửi email về địa chỉ: [email protected]. Chúa Giê-xu yêu bạn. Chương trình rất mong được kết nối với bạn.

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này