Có những giấc mơ thời thơ ấu vẫn nằm im đâu đó trong tim ta như một bản vẽ chưa hoàn chỉnh. Ước mơ được bay trên bầu trời, ước mơ được đứng dưới ánh đèn sân khấu, hay chỉ đơn giản là ước mơ tạo nên điều gì đó thật đẹp đẽ khiến thế giới phải ngoái nhìn. Nhưng có lẽ không ai từng mơ ước trở thành… một người đầy tớ phải không? Không ai ước rằng mình sẽ sống âm thầm, sẽ làm những việc không tên trong cuộc sống này. Trong thế giới đề cao thành tựu, vị trí, và sự công nhận, thì làm thế nào để chúng ta có thể mang lấy tâm tình của một người đầy tớ như lời dạy của Chúa Jêsus?

Hôm nay, 16/07/2025, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa qua chủ đề XIN CHO CON ĐƯỢC LÀM ĐẦY TỚ.

“Như vậy, người cuối sẽ nên đầu, còn người đầu sẽ nên cuối.” (Ma-thi-ơ 20:16)

Hồi nhỏ, tôi mơ trở thành một nhà thiết kế thời trang. Tôi muốn được vẽ ra và làm nên những bộ quần áo sành điệu, vừa hợp thời vừa thể hiện cá tính. Tôi muốn đi khắp thế giới, đến những sàn diễn lớn, muốn được là người bước ra sau cùng để chào khán giả một cách tự hào về sự sáng tạo và nỗ lực của mình. Đó là ước mơ của tôi dù nó vẫn chưa xảy ra trong suốt hơn 40 năm qua. Còn bạn thì sao? Hồi nhỏ bạn từng mơ làm nghề gì?

Một hôm, tôi tò mò và tìm trên Google “Top 10 nghề nghiệp mơ ước của trẻ em”. Không ngoài dự đoán: bác sĩ, diễn viên, nhạc sĩ, giáo viên, doanh nhân, cảnh sát, kỹ sư, phi công, vận động viên, và nhà sáng tạo nội dung. Danh sách này quen thuộc quá rồi. Nhưng bạn biết điều gì không bao giờ có trong danh sách không? Đó là “đầy tớ”. Không đứa trẻ nào từng mơ ước mình lớn lên sẽ làm đầy tớ cả.

Trong xã hội, đầy tớ là vị trí thấp kém. Họ không nổi bật, không được nhắc tên, không phải người cắt băng khánh thành, cũng không phải người được vinh danh trong những báo cáo thành công. Ấy vậy mà trong ẩn dụ về những người làm công trong vườn nho (Ma-thi-ơ 20:1-16), chính Chúa Jêsus đã đưa ra một hình ảnh làm thay đổi hoàn toàn quan điểm đó.

Một chủ vườn nho thuê người làm công từ sáng sớm, rồi tiếp tục thuê thêm vào lúc chín giờ sáng, mười hai giờ trưa, ba giờ chiều, và năm giờ chiều. Điều bất ngờ xảy ra vào cuối ngày: mọi người, bất kể làm bao nhiêu giờ, đều nhận được cùng một số tiền công.

Phản ứng của những người làm việc từ sáng sớm là phàn nàn. Họ cảm thấy mình bị đối xử bất công. Và theo lý lẽ con người, điều đó thật dễ hiểu. Nhưng Chúa Jêsus đang kể một ẩn dụ về vương quốc của Đức Chúa Trời, nơi mà tiêu chuẩn không dựa trên công trạng, mà dựa trên ân điển.

Chúa không bất công. Ngài chỉ không “trả công” theo cách chúng ta kỳ vọng. Khi chúng ta quên rằng sự sống, sự cứu rỗi, và mọi ơn phước trong đời sống thuộc linh đều là ân điển, chúng ta dễ rơi vào bẫy của sự so sánh. Tại sao người đó được nhiều hơn? Tại sao Hội Thánh kia phát triển mạnh hơn? Tại sao mục vụ ấy có kết quả hơn ngay cả khi họ chỉ “vào vườn nho” lúc năm giờ chiều?

Khi nhìn thấy một người anh em được Chúa ban phước, một Hội Thánh khác phát triển, hay một mục vụ gặt hái kết quả vượt trội, chúng ta có phản ứng gì?

Nếu chúng ta có chút chạnh lòng, đó không phải là điều lạ. Nhưng điều đáng sợ là khi sự chạnh lòng ấy biến thành ganh tị, so sánh, rồi nghi ngờ sự công chính của Đức Chúa Trời. Và đó chính là điều mà những người làm công đầu tiên trong câu chuyện đã phạm phải.

Chúng ta được kêu gọi sống trong tinh thần “vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc” (Rô-ma 12:15). Điều đó nghĩa là khi Hội Thánh khác được phục hưng, tôi vui mừng như chính Hội Thánh mình được ơn. Khi mục vụ anh em đơm bông kết trái, tôi biết ơn Chúa như chính tôi vừa gặt hái thành công. Và khi một cá nhân vấp ngã, một tổ chức trải qua thử thách, tôi không đứng ngoài hay xét đoán, mà cùng đau với họ, cùng cầu thay cho sự phục hồi của họ.

Một trong những điều khó nhất trong hành trình thuộc linh không phải là làm việc, mà là giữ lòng đúng đắn khi thấy người khác được “trả công” dường như nhiều hơn mình.

Chúng ta không làm việc cho vinh hiển cá nhân, hay cho sự lớn mạnh của tổ chức mình, mà cho vương quốc của Đức Chúa Trời. Nếu một phần thân thể được tôn trọng, toàn thân thể đều được vinh hiển. Và nếu một phần bị đau, toàn thân đều đau (I Cô-rinh-tô 12:26).

Chúng ta cần tấm lòng hiệp một và rộng lượng, để không chỉ thấy kết quả của người khác là một niềm vui, mà còn xem sự thành công đó là điều Chúa làm cho công việc chung của Ngài.

Hãy nghĩ đến những người được thuê vào lúc năm giờ chiều, họ không lười biếng, nhưng có thể là những người già yếu, không còn nhanh nhẹn, hoặc đơn giản là chưa có cơ hội. Dù họ làm ít hơn, nhưng chủ vẫn trả họ trọn một đơ-ni-ê, không phải vì họ xứng đáng, mà vì chủ nhìn thấy giá trị của họ.

Chúa Jêsus đang dạy chúng ta rằng: Trong vương quốc của Ngài, không một ai bị bỏ lại. Không ai là quá muộn. Không ai là vô dụng. Và mỗi người, dù làm lâu hay mới bước vào, đều có phần của mình trong chương trình cứu rỗi.

Chúa Jêsus không chỉ giảng dạy về sự khiêm nhường, mà Ngài sống điều đó. Ngài, Đấng sáng tạo vũ trụ, đã cúi xuống rửa chân cho môn đồ. Và chính Ngài nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người.” (Ma-thi-ơ 20:28)

Thế gian coi địa vị, quyền lực là thành công. Nhưng trong vương quốc của Chúa, hạ mình là chiến thắng. Thế gian nói hãy leo lên cao. Chúa nói hãy cúi xuống phục vụ. Thế gian hỏi “Tôi được gì?”, Chúa hỏi “Con có yêu Ta không?”

Giấc mơ thời thơ ấu đã dạy tôi về đam mê và khát khao. Và ân điển của Chúa dạy tôi rằng sống không chỉ để bản thân mình được nhìn thấy, mà còn để người khác nhìn thấy Chúa qua đời sống mình. Không phải thiết kế để gây ấn tượng, mà làm việc để nâng đỡ, phục vụ, và đồng công với những người cùng chung tay trong công việc nhà Cha.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Ngài là Đức Chúa Trời và là Chủ của đời sống con, xin ban cho con tấm lòng biết vui với người được ơn, biết đau cùng người gặp hoạn nạn hay vấp ngã. Xin giúp con không đòi hỏi phần của mình, nhưng tin chắc rằng Chúa là Đấng không bao giờ quên công khó của con cái Ngài. Xin dạy con sống trong tâm tình của một đầy tớ, phục vụ âm thầm, yêu thương thành thật, hiệp một trong công việc nhà Cha. Để rồi khi ngày cuối cùng đến, con có thể nghe lời Ngài phán rằng: “Hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín kia, hãy vào hưởng sự vui mừng của Chủ con.” Con thành kính cầu nguyện trong danh Đức Chúa Jêsus Christ, A-men.

Quý thính giả thân mến, dù bạn đến sớm hay muộn, dù bạn làm nhiều hay ít, dù bạn ở hàng đầu hay chỉ là một người đứng sau hậu trường, mỗi người trong chúng ta đều có phần trong kế hoạch đời đời của Chúa. Và khi bạn sống với tinh thần đầy tớ, chân thành và khiêm nhường, bạn đang làm điều vĩ đại nhất trong mắt Đấng đã chịu đóng đinh vì bạn. Nếu bạn từng mơ ước trở thành một ai đó, hãy biết rằng trong vương quốc của Chúa, được làm người đầy tớ tin cậy và vâng lời Ngài, chính là điều lớn nhất mà bạn có thể trở thành.

Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:

Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này