4 nhân vật Kinh Thánh truyền cảm hứng khi bạn cảm thấy nghi ngờ, sợ hãi
Oneway.vn - Hầu như ngày nào cũng thế, tôi thức dậy với những suy nghĩ đầy sợ hãi và nghi ngờ.(Ảnh: Keith Negley)
Trước khi ra khỏi nhà, tôi đã nghĩ đến vô vàn khả năng mọi thứ sẽ không như tôi mong muốn, và bắt đầu lo âu về những khó khăn phía trước. Có thể bạn cũng có cảm giác này.
Những suy nghĩ tiêu cực cứ bám lấy tôi:
“Mày chẳng có gì tốt đẹp.”
“Không ai quan tâm đến mày cả.”
"Mày không thể làm được điều gì hay."
“Mày sẽ làm hỏng mọi việc.”
“Có cố gắng cũng vô ích.”
Nếu cứ để những suy nghĩ này vang lên trong đầu lặp đi lặp lại, bạn sẽ không thể làm được bất kỳ điều gì theo ý Chúa. Để được khích lệ, chúng ta cần nhờ Lời Chúa soi dẫn bằng cách suy ngẫm những câu chuyện về lòng can đảm trong Kinh Thánh.
Đó là cách tôi đối phó với nỗi lo lắng luôn ám ảnh mình do những suy nghĩ tiêu cực, sợ hãi. Tôi thường học hỏi từ những nhân vật nổi bật trong Kinh Thánh, những người đã vượt qua nỗi sợ hãi và cảm giác nghi ngờ bản thân.
Những câu chuyện về lòng can đảm trong Kinh Thánh mang lại cho tôi niềm hy vọng và vạch ra con đường giúp tôi vượt qua nỗi lo lắng. Kinh Thánh kể về nhiều người nam và người nữ đã chiến thắng nỗi sợ hãi khi họ học cách nương cậy nơi Chúa. Tôi tin rằng đức tin của họ nơi Chúa cũng sẽ truyền cảm hứng để bạn trở nên can đảm.
4 câu chuyện về lòng can đảmMôi-se đối mặt với nỗi bất an và sợ hãi của mình khi đáp lại lời Đức Chúa Trời kêu gọi: ông phải quay trở lại Ai Cập, nơi nỗi sợ của ông bắt đầu. Đây là khải tượng đã thúc đẩy ông: Đức Chúa Trời sẽ dùng ông để cứu dân Ngài, dân Do Thái, khỏi những đau khổ mà họ đang trải qua.
“Nhưng Môi-se thưa với Đức Chúa Trời rằng: “Con là ai mà dám đến với Pha-ra-ôn và đem dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập?” Đức Chúa Trời phán: “Ta sẽ ở với con. Đây là dấu hiệu để con biết rằng Ta đã sai con đi: Khi con đã đem dân chúng ra khỏi Ai Cập rồi thì các con sẽ thờ phượng Đức Chúa Trời trên núi nầy.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:11-12)
Theo câu Kinh Thánh này, Môi-se có được lòng can đảm vì Đức Chúa Trời đã hứa sẽ ở cùng ông trong suốt cuộc hành trình này. Đổi lại, lòng can đảm của Môi-se đã thuyết phục dân Do Thái đi theo sự dẫn dắt của ông vượt qua Biển Đỏ để thoát khỏi quân Ai Cập.
Câu chuyện này đã làm thay đổi cuộc đời tôi, khích lệ tôi tin cậy Chúa và hàn gắn mối quan hệ gia đình tan vỡ mà tôi đã trốn chạy từ lâu. Sau nhiều năm xa cách, tôi quay lại và xin lỗi người thân vì trước đây đã chọn cách cay đắng bỏ đi, thay vì đối diện để giải quyết những vấn đề đang chia cắt chúng tôi.
Cuộc trò chuyện diễn ra tốt đẹp và kết quả là mọi vết thương đều được chữa lành. Gia đình tôi nói rằng đó là “cuộc trò chuyện tuyệt vời nhất”, và tôi cảm nhận rằng người thân không chỉ cha thứ mà còn biết ơn vì tôi đã quay về.
TẠM DỪNG VÀ SUY NGẪM
Có vấn đề gì mà bạn tránh né chưa giải quyết, khiến bạn luôn phải sống trong lo sợ không?
Khi suy ngẫm Kinh Thánh và tin rằng Chúa luôn ở cùng, bạn có nghĩ rằng mình sẽ hàn gắn được những mối quan hệ rạn nứt không? Nỗi sợ bị từ chối đã cản trở bạn như thế nào?
Xung quanh có ai truyền cảm hứng cho bạn bởi lòng can đảm Chúa ban cho họ không?1 Sa-mu-ên ghi lại cuộc tranh giành quyền lực giữa dân Y-sơ-ra-ên và kẻ thù lớn nhất của họ lúc bấy giờ là người Phi-li-tin. Mặc dù vua Sau-lơ và binh lính Y-sơ-ra-ên xuống tinh thần vì bị tên khổng lồ phe kẻ thù đe dọa, nhưng Đa-vít vẫn dũng cảm đứng lên chiến đấu với Gô-li-át. Ông phẫn nộ khi thấy Gô-li-át tỏ thái độ thách thức, chống đối Đức Chúa Trời và dân tộc ông, điều này đã thúc giục ông chiến đấu.
“Chàng tâu với Sau-lơ: “Xin đừng ai ngã lòng vì tên Phi-li-tin kia! Đầy tớ bệ hạ sẽ đi ra chiến đấu với hắn.” Sau-lơ nói với Đa-vít: “Con không thể đương đầu với tên Phi-li-tin nầy đâu, vì con chỉ là một thiếu niên, còn hắn đã là một chiến binh từ lúc trẻ.” Đa-vít nói tiếp: “Đức Giê-hô-va đã giải cứu con khỏi vuốt sư tử và gấu, thì Ngài cũng sẽ giải cứu con khỏi tay tên Phi-li-tin kia.” Sau-lơ nói: “Hãy đi, nguyện Đức Giê-hô-va ở với con!” (1 Sa-mu-ên 17:32-33,37)
Đa-vít có lòng can đảm vì Chúa đã bảo vệ ông khỏi nguy hiểm vô số lần trong quá khứ. Ông tin chắc rằng Chúa sẽ giải cứu ông trước sự chống đối của kẻ thù. Đa-vít đã hành động dựa trên đức tin để đấu với Gô-li-át bằng ná cao su, và Đức Chúa Trời đã ban cho ông chiến thắng. Kết quả là toàn quân đã sát cánh chiến đấu với ông, và nhờ Chúa thêm sức, ngày hôm đó họ đã thắng lớn.
TẠM DỪNG VÀ SUY NGẪM
Có chuyện gì mà bạn không dám đối mặt giải quyết vì nghĩ rằng mình không thể làm được?
Phải chăng bạn không thể làm được vì bạn đang cố gắng tự mình giải quyết vấn đề?
Bạn có tin rằng mình có thể vượt qua nỗi sợ thất bại không?Ê-xơ-tê đã liều mạng thuyết phục chồng mình, vua A-suê-ru, ngăn cản kế hoạch mà tên Ha-man lập ra nhằm diệt chủng người Do Thái ở xứ Su-sơ. Lòng can đảm này được thúc giục bởi đức tin được truyền từ người cậu Mạc-đô-chê, rằng bà sẽ là người thực hiện lời kêu gọi giải cứu dân sự Chúa.
“Xin triệu tập tất cả người Do Thái ở Su-sơ lại, rồi hãy vì con mà kiêng ăn trong ba ngày đêm, đừng ăn hay uống gì hết. Con và các nữ tỳ của con cũng sẽ kiêng ăn nữa. Sau đó, con sẽ vào chầu vua là việc trái luật pháp; nhưng nếu phải chết thì con chết.” (Ê-xơ-tê 4:16)
Theo phân đoạn này, Ê-xơ-tê đã cầu nguyện và kiêng ăn, tin chắc rằng Chúa sẽ ban cho bà lòng can đảm để cầu xin Vua A-suê-ru bảo vệ dân tộc mình. Sự hy sinh trung thành của bà đã mở đường cho dân Do Thái cả nước đứng lên chống lại các cuộc tấn công nhằm vào họ, chống trả kẻ thù và bảo vệ lẫn nhau. Đức Chúa Trời đã mang lại chiến thắng vĩ đại cho họ ngày hôm đó.
TẠM DỪNG VÀ SUY NGẪM
Trong cuộc đời bạn, ai là người được Chúa dùng để dạy bạn cách sống theo Lời Ngài, giống như Mạc-đô-chê đã dạy dỗ Ê-xơ-tê?
Trong những tình huống khó khăn, bạn có cầu nguyện và kiêng ăn, để tin cậy hoàn toàn vào kế hoạch tốt đẹp của Chúa không? Bạn có muốn học cách tin cậy Chúa không?
Bạn có tin rằng khi bạn quyết định hướng về Chúa và hành động theo Lời Ngài, mối quan hệ giữa những người xung quanh bạn với Chúa cũng được gây dựng?Trong Đa-ni-ên chương 6, một nhóm quan lại có âm mưu chính trị đã mưu hại Đa-ni-ên bằng cách xúi giục nhà vua ban hành một luật lệ: xử tử bất kỳ ai thờ phượng các thần khác ngoài vua.
Đa-ni-ên vẫn kiên định tin cậy và cầu nguyện với Đức Chúa Trời, dù biết hậu quả là bị ném vào hang sư tử. Điều thúc đẩy ông chính là lòng biết ơn Chúa vì mọi điều Ngài đã ban cho và sự bảo vệ của Ngài. Lòng biết ơn đó khiến ông có đức tin phi thường.
“Khi Đa-ni-ên được tin rằng chỉ dụ đó đã được ký thì về nhà, lên một phòng cao, nơi có các cửa sổ hướng về Giê-ru-sa-lem. Tại đó, mỗi ngày ba lần ông quỳ gối cầu nguyện và ca ngợi Đức Chúa Trời như vẫn làm từ trước đến nay.” (Đa-ni-ên 6:10)
Lòng can đảm của Đa-ni-ên được gia tăng nhờ việc cầu nguyện ba lần một ngày, mặc dù điều đó vi phạm luật vua. Lòng kính sợ Chúa trong lời cầu nguyện đã giúp ông chiến thắng nỗi sợ loài người. Tấm lòng tận hiến của ông dành cho Chúa đã tác động đến vua Đa-ri-út, một vị vua ngoại bang, đến nỗi vua đã ban chiếu chỉ trên khắp vương quốc rằng mọi người phải tôn kính và run sợ trước mặt Đức Chúa Trời (Đa-ni-ên 6:25-26 NIV).
TẠM DỪNG VÀ SUY NGẪM
Bạn có cầu nguyện ở những nơi yên tĩnh, không bị phân tâm? Bạn có dành thời gian cố định mỗi ngày để tập trung cầu nguyện với Chúa không?
Bạn có tin rằng sống can đảm theo Kinh Thánh sẽ tạo ảnh hưởng tích cực cho người khác không?
Bạn có thể cầu nguyện cho ai để khích lệ họ với lòng can đảm Chúa ban?
Bài: Deep Spirituality; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: deepspirituality.com)
bình luận