Bạn có đang… quá bận rộn?

Dưỡng linh
09:09 25/04/2024

Oneway.vn – Hai năm trước tôi gặp một số vấn đề về sức khỏe và điều này đã giúp tôi nhận ra rằng mình không hề có siêu năng lực.

Hóa ra bạn không thể sống theo cách bạn muốn mà không phải gánh chịu hậu quả. Điều này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng với tôi lại là điều ngạc nhiên. Căng thẳng, mất ngủ và cố gắng sống theo mong đợi của mọi người đã làm cạn kiệt sức khỏe và năng lượng trong tôi. Tôi ngây thơ nghĩ rằng để có lòng vị tha và tin kính, tôi cần phải bận rộn. Nhưng cuối cùng, đó chỉ là lời nói kiêu ngạo.

Bởi ân điển Chúa, cuối cùng tôi buộc phải suy nghĩ đến những giới hạn của mình. Tôi  nhận ra rằng Đức Chúa Trời hằng sống chẳng mỏi ,chẳng mệt bao giờ. ( Ê sai 40:28). Và tôi không phải là Ngài.

Ngay khi hiểu được điều này, tôi bắt đầu sống trong ranh giới của chính mình, và rồi các mối quan hệ của tôi được cải thiện, công viêc của tôi hiệu quả hơn và niềm vui nơi Chúa gia tăng.

Nếu bạn đang cảm thấy  kiệt sức và quá tất bật với cuộc sống, đó có thể là bạn đã quên mất giới hạn của bản thân mình. Đừng nản lòng. Với lời cầu nguyện, sự khôn ngoan trong Lời Chúa và biết lập vài kế hoạch nhỏ, bạn có thể học cách để sống tốt trong chính giới hạn của mình.

Đâu là gốc rễ của những bận rộn

Sự bận rộn không phải lúc nào cũng là sự đeo đuổi vô nghĩa – và Chúa quan tâm đến những động lực mà chúng ta theo đuổi. Ngài không vui lòng khi chúng ta bận rộn theo đuổi những tham vọng vô đạo và việc thờ hình tượng.

Nếu bạn nhận ra rằng mình đã vượt quá giới hạn, bạn cần hỏi lại chính mình xem tại sao như vậy? Bạn có đang cố thể hiện bản thân? Sợ làm người khác thất vọng? Hay bạn đang quá lo lắng về tương lai? Nếu như vậy, sự thờ hình tượng chính là cội rễ của nan đề mà bạn đang đối diện.   

Kinh Thánh chép: “Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác (I Ti-mô-thê 6:10), và sẽ dẫn bạn đi xa khỏi Đức Chúa Trời (Ma thi ơ 6:24); cố gắng làm vui lòng người khác quá mức là thờ hình tượng. (Ga-la-ti 1:10; Cô-lô-se 3:23; Ma-thi-ơ 10:28); và sự lo lắng chứng tỏ bạn không tin vào tình yêu và sự chăm sóc của Chúa trên cuộc đời bạn (Ma-thi-ơ 6:25-34). Sự thật là bạn không thể biết được tương lai, song Đức Chúa Trời là Đấng đáng tin cậy!

Một  động lực tốt hơn cho công việc và thời gian rảnh rỗi của chúng ta được chép trong sách I Cô-rinh-tô 10:31, khi Phao lô khuyên các tín hữu: “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm”.

Bạn có chắc chắn rằng sự bận rộn của bạn là đang tôn vinh Chúa? Hay có hại?  Tác giả Tim Chester giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc và hữu ích hơn trong quyển sách mang tên Hướng dẫn về sự bận rộn của một Cơ Đốc nhân bận rộn. Ông nói, chúng ta có thể nhận ra sự bận rộn chính là thờ thần tượng, khi cuối cùng điều đó gây tác hại trên cá nhân, gia đình, Hội thánh của chúng ta và cả mối liên hệ của chúng ta với Chúa” (trang 84/PW1).

Theo đuổi những hoạt động hồi phục

Tất cả chúng ta đều biết rằng sự nuông chiều bản thân không phải là phẩm hạnh của Cơ Đốc nhân, nhưng một số người cũng lầm tưởng rằng từ bỏ bản thân mới là phẩm hạnh của người Cơ Đốc.

Kinh Thánh dạy chúng ta từ bỏ chính mình, vác thập tự giá mình mà theo Ngài, điều đó không có nghĩa chúng ta phải bỏ bê chính mình (Ma-thi-ơ 16:24).  Nhưng  chúng ta cần phải từ bỏ những khuôn mẫu tội lỗi cũ – bao gồm tham vọng vô đạo đức và thờ hình tượng. Khi theo Chúa, chúng ta phải định hướng lại cuộc đời mình để theo duổi vinh quang của Ngài, chứ không phải ý riêng. Vì vậy, khi Chúa ban cho bạn sự sống và hơi thở để phục vụ Ngài, thì không có gì  sai khi bạn chăm sóc bản thân mình. Trên thực tế, việc trở thành người  quản lý tốt thân thể và tâm hồn Chúa ban cho là điều hoàn toàn đúng đắn.

Sức khỏe thuộc linh của chúng ta cần được chăm sóc và rèn luyện tốt, cũng giống như thân thể vật lý của chúng ta cần được chăm sóc. Theo sứ đồ Phao-lô, chúng ta không nên bỏ qua – mặc dù sức khỏe tâm linh phải được ưu tiên hàng đầu ( I Ti-mô-thê 4:8).

Khi nói đến những hoạt động phục hồi, chúng ta không thể đo lường sự tăng trưởng qua các công việc đã hoàn thành. Lợi ích từ các mối quan hệ của chúng ta, sự phát triển tinh thần và sức khỏe tổng thể là vô hình. Vì thế sự phát triển này đòi hỏi hình thức đo lường khác.

Ví dụ trong sự tương giao với Chúa. Nếu chỉ đơn thuần là đọc Kinh thánh và cầu nguyên để đánh dấu vào ô những việc cần làm thì bạn đã hiểu sai mục đích. Chúng ta cần phải dành thời gian để kinh nghiệm sự tốt lành của Chúa trên cuộc đời mình – để “nếm xem Đức- Giê-hô-va tốt-lành dường bao” (Thi thiên 34:8).

Bạn có thể  ngạc nhiên khi nghĩ rằng những hoạt động của nhà thờ là hoạt động giải trí, nhưng chúng thực sự có sức mạnh to lớn để bổ sung cho tâm hồn của bạn – đặc biệt qua sự cầu nguyện và rao giảng. Những thú vui đơn giản như ngắm hoàng hôn, đạp xe hoặc  những cuộc trò chuyện cũng có thể làm mới tinh thần và khơi dậy trong lòng bạn qua sự ngợi khen Chúa.

Ngoài việc tương giao với Chúa, những hoạt động phục hồi mà bạn chọn sẽ chỉ dành riêng cho bạn. Bạn sẽ nhận ra rằng khi từng bước thực hiện làm mới bản thân, bạn sẽ có nguồn năng lượng và phương pháp thực hiện các công việc được Chúa giao phó một cách hiệu quả hơn.

Làm việc hiệu quả

Kinh Thánh dạy chúng ta phải làm việc chăm chỉ và siêng năng (Châm-ngôn 13:4, 6:6-8, 12:24, I Tê-sa-lô-ni-ca 4:11-12, Ê-phê-sô 4:28), nhưng làm việc chăm chỉ và sự bận rộn không phải lúc nào cũng giống nhau. Bạn hoàn toàn có thể trở thành một người lãng phí thời gian bận rộn.

Nhật ký thời gian có thể là một công cụ hữu ích để đánh giá hiệu quả thời gian bạn đang sử dụng trong ngày. Viêt ra cách bạn sử dụng từng 15 phút một. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên bởi những thứ không cần thiêt đã chiếm hết thời gian trong ngày của mình.  Mười lăm phút lãng phí ở chỗ này, chỗ kia nhưng khi cộng lại sẽ thành hàng giờ, điều này có thể đã làm nên sự khác biệt giữa một buổi tối làm việc và một buổi tối rãnh rỗi.

Nếu bạn nhận thấy mình thường xuyên làm việc vào buổi tối, hãy nghĩ cách để giảm bớt khối lượng công việc không cần thiết trong ngày. Hãy bắt đầu mỗi buổi sáng với những việc khó nhất hoặc những thứ quan trọng hơn cần làm.  Xem liệu bạn có thể để lại những việc không quan trọng vào một khoản thời gian ngắn nhất định và giải quyết chúng sau khi tình thần đã thấm mệt?

Nếu là một sinh viên hoặc có một việc chưa bao giờ xong, điều cần thiết là bạn phải ưu tiên trách nhiệm của mình, giảm thiểu tối đa thời gian rãnh rỗi và nói không với những thứ kém quan trọng hơn.  Bạn cần quyết định những điều nào là giá trị đáng để đầu tư thời gian và công sức vào đó.

Nếu bạn thấy rằng mình đang làm việc suốt cả ngày đêm, có thể bạn cần đánh giá lại mục tiêu của mình. Bạn có đang quá sức với hy vọng đạt được sự giàu có hoặc được chấp nhận, hay bạn có đang làm việc theo cách để tôn vinh Chúa?

Đừng ngại từ chối

Có thể lịch hoạt động xã hội của bạn là “gót chân A-sin”. Hầu hết chúng ta đấu tranh với điều này ở mức độ nào đó. Giữa những kỳ vọng của bạn bè, những cam kết với gia đình, công việc tình nguyện, những sở thích và những sự kiện xã hội thăng tiến trong sự nghiệp, Chúng ta thường xuyên bị thu hút bởi nhiều cơ hội tốt đến với mình.

Nếu bạn có một lộ trình rất bận rộn với công tác xã hội, tốt hơn hết bạn nên xác định rõ ràng ưu tiên của mình. Mối liên hệ của bạn với Chúa có ổn không? Bạn có dành thời gian để trở thành thành viên tích cực của Hội thánh địa phương không? Bạn có đang dành thời gian để nuôi dưỡng những mối quan hệ quan trọng không?

Nếu bạn thấy rằng những điều quan trọng nhất đối với bạn luôn bị đánh đổi cho những điều kém quan trọng hơn, thì đã đến lúc bạn nên rút ngắn lại lịch hoạt động xã hội của mình.

Tất cả chúng ta cần sẵn sàng bỏ lỡ những cơ hội tốt để dành thời gian cho những cơ hội tốt hơn. Chúng ta cũng cần sẵn sàng để người khác thất vọng. Nếu những ưu tiên của chúng ra được định hình bằng những kỳ vọng của người khác, chúng ta có thể gặp rắc rối lớn.  Nhưng nếu chúng ta chọn những cam kết của mình bằng sự khôn ngoan và cầu nguyện theo Lời Chúa, chúng ta sẽ có một nền tảng vững chắc.

Con đường phía trước

Đức Chúa Trời biết giới hạn của chúng ta. Ngài cho chúng ta một khuôn mẫu để noi theo – làm việc trong 6 ngày, ngày thứ 7 là ngày nghỉ. Chúng ta cần thời gian để nghỉ ngơi mỗi tuần. Ngài cũng cho chúng ta ban ngày để sinh hoạt và ban đêm để ngủ. Chúng ta không thể nào hoạt động trong vòng 24 giờ mà không cần bổ sung năng lượng.

Cần có sự khiêm nhường để nhìn nhận những giới hạn của mình. Nhưng chúng ta cần nghỉ ngơi để nhắc nhở chúng ta rằng bản chất của chúng ta là yếu đuối và cần Đấng cứu rỗi. Chúng ta không thể tự cứu lấy mình – hoặc bất kỳ ai khác, dù cố gắng thế nào đi chăng nữa. Chúng ta chỉ có thể nhìn xem Đức Chúa Jêsus Christ và hướng dẫn cho người khác cũng đi giống như vậy( Giăng 14:6)

Vì vậy, đừng để những kỳ vọng sai lầm thúc đẩy bạn. Tin mừng thật vinh hiển: “Nhưng chúng tôi đựng bửu vật này trong những bình bằng đất để bày tỏ rằng quyền năng diệu kỳ là của Đức Chúa Trời, chứ không phải của Chúng tôi” ( II Cô-rinh-tô 4:7).

Trong suốt những năm qua tôi đã học được cách nhận ra điểm yếu “ bình đất sét” của mình, và tôi không còn cho rằng mình không thể bị phá vỡ. Tôi càng biết ơn về “quyền năng siêu việt ” của Đức Chúa Trời đã giúp tôi đeo đuổi các hoạt động tôn vinh Chúa.

Đôi lúc nó đơn giản khi phải nói không với một cơ hội tốt để dành thời gian và sức lực của mình cho một điều tốt hơn. Và luôn luôn,  có nghĩa là khi tôi ngã đã đầu xuống để nghỉ ngơi vào ban đêm, tôi nghỉ trong sự đủ đầy của Chúa dành cho tôi. Tôi bị giới hạn, nhưng ngày mai Ngài sẽ chu cấp cho tôi bằng nguồn năng lượng vô hạn của Ngài.


Bài: Christel Humfrey; Dịch: Dịu Hạnh
(Nguồn: boundless.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này