Hội chứng “kẻ mạo danh”: Luôn cảm thấy mình không xứng đáng!

Dưỡng linh
08:39 11/05/2022

Oneway.vn - Dù không hoàn hảo, tôi vẫn có giá trị trong mắt Đấng Tạo Hóa. Ngài có kế hoạch lớn hơn cho tôi và cho những điểm yếu của tôi.

Đã bao giờ bạn cảm thấy mình giống như một kẻ giả tạo hoặc gian lận ở công ty hay trường học chưa?

Bạn có nghĩ rằng vị trí hiện tại mình có được là do “may rủi”, và một ngày nào đó sẽ có người phát hiện ra bạn kém cỏi đến mức nào - rằng bạn không xứng đáng với nơi này? Nếu bạn đã từng có những cảm giác đó, có lẽ bạn đang mắc hội chứng “kẻ mạo danh”.

Hội chứng kẻ mạo danh khiến bạn tin rằng mình không xứng đáng, mình là một thất bại, mặc dù bằng chứng cho thấy bạn có kỹ năng tốt và khá thành công. Nghiên cứu năm 2011 cho thấy 70% dân số Mỹ đã trải qua hội chứng kẻ mạo danh. Ngay cả Albert Einstein vĩ đại cũng từng có cảm giác tương tự.

Điểm tốt nghiệp của tôi không cao, nên tôi thường cảm thấy thua kém trong học viện. Tôi đã chia sẻ những cảm xúc này với các bạn sinh viên tốt nghiệp và cả các bạn đã nhận bằng tiến sĩ.

Nhưng tại sao chúng ta lại có cảm giác hụt ​​hẫng mặc dù đã nỗ lực hết mình trong cuộc sống? Tại sao chúng ta tin rằng mình có được vị trí này nhờ tình cờ, hay thậm chí nhầm lẫn?

Từ khi còn nhỏ, chúng ta được dạy rằng “bạn có thể đạt được bất cứ điều gì mình muốn, miễn là bạn làm việc chăm chỉ và học tốt”. Điểm số và thành tích trở thành thước đo đánh giá giá trị của một con người trong xã hội.

Nhưng khi lớn lên, chúng ta học được rằng sẽ luôn có người thông minh hơn và có năng lực hơn mình. Điều này làm nảy sinh ý tưởng: chúng ta sẽ không bao giờ đủ tốt vì luôn có những người khác tốt hơn.

Vì vậy, thành tích của chúng ta mất đi giá trị, lu mờ trước thành tích của người khác, cộng thêm tính cầu toàn và mặc cảm của chúng ta.

Tôi may mắn có điểm số khá tốt ở trường trung học, và được lãnh học bổng toàn phần ở trường đại học. Tuy nhiên, khóa học cực kỳ cạnh tranh khiến tôi đặt câu hỏi về giá trị của mình ở trường đại học. Liệu tôi có thực sự xứng đáng giành được học bổng đó, hay tham gia khóa học này, trong khi còn những người khác giỏi hơn tôi?

Ngay cả khi tôi đã xuất bản các bài báo, và có một suất vào trường cao học, vẫn có những lúc tôi tự hỏi liệu mình có phù hợp để theo đuổi chương trình Tiến sĩ hay không. Cuộc sống học tập quá căng thẳng, thiếu tự tin, sợ bị đào thải nếu không thể xuất bản các bài báo. Tất cả những căng thẳng này xảy ra do những thử nghiệm thất bại và kết quả tiêu cực.

Vừa là người cầu toàn, vừa đặt kỳ vọng cao, suốt một thời gian dài tôi luôn tự hỏi liệu mình có phải là kẻ giả mạo hay không.

Ngay cả trong Hội Thánh, mọi người khẳng định rằng tôi có năng khiếu giảng dạy. Tuy nhiên, có những ngày nhốt mình trong phòng, tôi tự hỏi bản thân liệu mình có nên giảng dạy không? Tôi cảm thấy mình còn không đủ kiến thức để dạy chính bản thân, chứ đừng nói đến các thành viên khác trong nhóm nhỏ. 

Tôi nghi ngờ mình không có khả năng truyền đạt Lời Chúa một cách chính xác và phù hợp. Dù đã giảng dạy được hơn một năm nhưng cảm xúc ấy dường như vẫn khó mà nguôi ngoai.

Có lẽ Môi-se cũng cảm thấy như vậy khi ông gặp Đức Chúa Trời nơi bụi gai cháy.

Bất chấp mọi dấu hiệu chứng tỏ Đức Chúa Trời luôn ở cùng ông, Môi-se vẫn nói rằng: “Con vốn không có tài ăn nói, miệng lưỡi con hay ngập ngừng” (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:10). Đức Chúa Trời đã sử dụng Môi-se để làm các dấu kỳ và phép lạ cho cả dân Ê-díp-tô và Y-sơ-ra-ên, để họ nhìn thấy Đức Chúa Trời là ai, nhưng Môi-se lại thiếu tự tin khi bày tỏ sứ điệp của Ngài.

Hẳn tất cả chúng ta đều biết phần kết câu chuyện Môi-se. Cuối cùng, ông và anh trai ông là A-rôn đã dẫn dắt Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập, và Môi-se chứng tỏ ông không chỉ là một nhà diễn thuyết hùng hồn trong Phục truyền luật lệ ký 4.

Một người từng khẳng định mình “không có tài ăn nói” rốt cuộc đã trở nên vĩ đại đến nhường nào! Đức Chúa Trời được tôn cao nhất qua những điểm yếu kém nhất của chúng ta. Giá trị của chúng ta không thể đo lường bằng thành tích, năng lực, hay những thiếu sót. Không có gì có thể giảm bớt cảm giác “kẻ giả mạo” này.

Giá trị của chúng ta chỉ có thể được khẳng định nơi Đức Chúa Trời, Đấng trang bị chúng ta để thực hiện mục đích Ngài. Có ba bài học từ Kinh Thánh nhắc nhở về mục đích lớn lao của chúng ta trong Đấng Christ, để chống lại hội chứng “kẻ mạo danh”.

3 SỰ THẬT VỀ DANH TÍNH CỦA CHÚNG TA

1. Chúng ta được tạo ra theo hình ảnh Đức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 1:27)

Đây là một đặc ân vô cùng vĩ đại. Vì được tạo ra theo hình ảnh Đấng Tạo Hóa, hãy nhớ rằng danh Đức Chúa Trời cũng sẽ bị ảnh hưởng khi chúng ta cứ liên tục hạ thấp bản thân.

2. Chúng ta là tuyển dân, là chức tế lễ hoàng gia (1 Phi-e-rơ 2:9)

Chúng ta có được danh tính này nhờ sự hy sinh và phục sinh của Đấng Christ. Giống như Môi-se, Đức Chúa Trời nhìn thấu những điểm yếu của chúng ta, nhưng Ngài vẫn chọn chúng ta làm chức tế lễ để phụng sự Ngài. Có thể chúng ta không biết tại sao Đức Chúa Trời kêu gọi mình phục vụ Ngài trong những lĩnh vực này, nhưng đừng bao giờ cho rằng mình không đủ tốt hoặc quá bất toàn để phục vụ Ngài.

Rốt cuộc, Chúa “đã chọn những điều dại dột ở thế gian để làm hổ thẹn những người khôn ngoan; Đức Chúa Trời đã chọn những gì yếu đuối ở thế gian để làm hổ thẹn những người mạnh mẽ”(1 Cô-rinh-tô 1:27).

3. Chúng ta là con cái Đức Chúa Trời (1 Giăng 3:1-2)

Thật phước hạnh biết bao khi chúng ta là con cái Đấng Christ Phục Sinh Hằng Sống, và mọi thành tựu thế gian của chúng ta không thể sánh được với sự thật: chúng ta đã, đang và sẽ được sống với Đấng Christ đời đời.

Nếu bạn hỏi liệu tôi đã thực sự rũ bỏ cảm giác “kẻ mạo danh” hay chưa, tôi phải thành thật nói rằng chưa, vì đó không phải là điều có thể vượt qua trong một sớm một chiều.

Nhưng tôi sẽ tự hào tuyên bố rằng: dù không hoàn hảo, tôi vẫn có giá trị trong mắt Đấng Tạo Hóa. Ngài có kế hoạch lớn hơn cho tôi và cho những điểm yếu của tôi (2 Cô-rinh-tô 12:7-10).

Nguyện chúng ta tiếp tục hiệp một với Cứu Chúa Jêsus, và không bị phân tâm bởi những ý tưởng xác thịt về giá trị bản thân và thành tựu thế gian.



Bài: Sonja Chua; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thirst.sg)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này