Khi tôi không cảm thấy được Chúa tha thứ

Dưỡng linh
12:10 21/09/2022

Oneway.vn - Ăn năn tội lỗi và tin rằng Chúa đã tha thứ. Vậy tại sao đau buồn vẫn còn đó? Sao đâu đó bạn vẫn không thấy mình được tha thứ?

Lần đầu tiên tôi xem sách báo khiêu dâm là năm 14 tuổi. Tôi đã không biết những hình ảnh đó có thể phá hủy tấm lòng đến mức nào. Tôi đã không biết thứ độc hại đó vẫn sẽ tồn đọng dù Chúa Jêsus đã cứu rỗi linh hồn tôi. 

Năm 24 tuổi, nhờ lòng thương xót của Chúa hành động qua Phúc Âm, cộng đồng và sự ăn năn - lặp đi lặp lại - cuối cùng tôi đã kinh nghiệm được sự tự do mà tôi chưa từng mơ sẽ có được. 

Đó là năm 2007. Giờ nhìn lại, tôi có thể thấy mình đã mất cả một thập kỷ để tranh chiến với nó. Tôi đã tranh chiến không chỉ để chống lại cám dỗ mà còn để tin rằng mình đã được tha thứ. 

Những lúc thành công khiến tôi thấy mình như đang trên đỉnh cao, nhưng thường đó cũng là lúc tôi đang đứng trên bờ vực của thất bại. 

Rồi khi thất bại, tôi lại khẩn thiết nài xin Chúa tha thứ, và tin rằng Ngài đã tha thứ cho tôi. Vậy tại sao đau buồn vẫn còn đó? Sao đâu đó tôi vẫn không thấy mình được tha thứ?

Một vài người bạn sẽ nói với bạn rằng: “Hãy tha thứ cho chính mình đi”, như thể bạn là quản giáo của tội lỗi mình, đang nắm giữ chìa khóa để phóng thích mình vậy. Những người khác thì sửa lời khuyên này thành: Không có sự tha thứ nào dứt điểm cho bằng Lời của Đức Chúa Trời. Và họ khích lệ bạn vững tin nơi Lời Ngài vì cảm xúc không có thật.

"Để được an ủi bởi ân điển, chúng ta phải xác định được mình đang đau buồn".

Tôi đã được nghe cả hai lời khuyên trên. Dù đồng tình với lời khuyên thứ hai, nhưng tôi không biết làm sao để “tin cậy Chúa nhiều hơn”. Tôi tự hỏi: Sao tôi không thấy chân lý này ảnh hưởng gì trên mình? Sao tôi không thấy được an ủi? Nhưng tôi đã học được rằng để được an ủi bởi ân điển chúng ta phải xác định được mình đang đau buồn.

Xác định được mình đang đau buồn 

Ý tôi là: Chỉ khi chúng ta thừa nhận mình đang đau buồn và thành thật về những gì chúng ta tin là mình đã đánh mất, thì chúng ta mới thấy rõ ân điển của Đức Chúa Trời.

Thường chúng ta đau buồn vì đâu?

1. Đau buồn vì đã xúc phạm đến Chúa: mất đi sự mật thiết.

Đau buồn theo ý Đức Chúa Trời xảy đến khi chúng ta phạm tội. Mọi tội lỗi của chúng ta chủ yếu là chống nghịch với Đức Chúa Trời, và chúng ta đau buồn khi làm buồn Thánh Linh của Ngài (Ê-phê-sô 4:29–32). 

Khi làm Đức Chúa Trời buồn lòng, chúng ta thấy mình mất đi sự mật thiết với Ngài. Và ngay cả sau khi mối thông công của chúng ta với Ngài đã phục hồi, chúng ta có thể vẫn lo rằng Ngài sẽ không còn khắn khít với chúng ta nữa. 

Song, chúng ta có sự an ủi mỗi khi làm Ngài buồn lòng đó là chúng ta yêu Chúa, là vì Ngài đã yêu chúng ta trước (I Giăng 4:19). 

Cần nhớ rằng Đức Chúa Cha đã tiến về phía chúng ta và Đức Chúa Con đã yêu chúng ta cho đến chết, không phải khi chúng ta hoàn hảo nhất mà là lúc chúng ta tệ hại nhất (Rô-ma 5:8).

2. Sự đau buồn được ban cho bởi ân điển: ý thức về sự bất chính.

Sự đau buồn theo ý Đức Chúa Trời, lẽ ra là một cánh cửa mở lối cho ân điển của Ngài, đôi khi nó trở thành một cánh cửa xoay vòng của trầm cảm. 

Đối với những người có ý thức mạnh mẽ về công lý, họ gặp khó khăn trong việc nhận lãnh ân điển của Đức Chúa Trời. Tại sao vậy? Vì thật không công bằng khi được Đức Chúa Trời yêu thương trong khi chúng ta phạm tội. 

Chúng ta muốn bị trừng phạt và ngồi buồn ủ rũ. Những người như vậy không chỉ cần ân điển của Chúa an ủi mà còn cần công lý của Ngài an ủi nữa. 

Trong Đấng Christ, mọi tội lỗi của chúng ta đã bị hình phạt. Đã có một sự phán xét công chính về tội lỗi của chúng ta trên thập tự giá rồi. Cho nên, Đức Chúa Trời hoàn toàn công chính khi tha thứ cho chúng ta (I Giăng 1:9). 

Ngài vừa là Đấng công chính vừa là Đấng xưng công chính cho những ai đặt đức tin nơi Chúa Jêsus (Rô. 3:26).

3. Sự đau buồn cần có bởi ân điển: mất đi năng lực nhận thức.

Nếu sự đau buồn về tội lỗi vẫn còn đó dù biết rằng chúng ta đã được Đức Chúa Trời tha thứ, dễ lắm chúng ta đang tiếc thương cho ‘cái chết’ về năng lực tự nhận thức của mình. 

Tội lỗi của chúng ta cùng với ân điển và công lý của Đức Chúa Trời cho thấy rằng chúng ta không thánh thiện như chúng ta nghĩ, và không mạnh như chúng ta tưởng. 

Bị sốc khi nghĩ rằng mình có thể đứng vững trước cám dỗ. Phải chăng đây mới là lý do khiến chúng ta đau buồn? Thật ra Đức Chúa Trời biết rõ tội lỗi chúng ta, chỉ có chúng ta cho đến tận bây giờ vẫn luôn tranh chiến để thừa nhận nó; sự thật là chúng ta yếu đuối và cần một Đấng Cứu Rỗi nhiều hơn chúng ta tưởng.

Đôi khi, điều khiến chúng ta suy nghĩ nhiều, đó không phải là tội lỗi mà là nhu cầu về ân điển. Và việc làm chết những nhận thức sai lạc là điều cần thiết, vì lúc này chúng ta mới nhìn thấu bản chất thật của mình - là những tội nhân tan vỡ cần đến Đấng Cứu Rỗi. 

Xác định được nơi Ngài nhìn

Chúng ta không phải là người đầu tiên quá đề cao chính mình và rồi khóc lóc cay đắng vì nó (Ma-thi. 26:75). Khi Chúa Jêsus nói với Phi-e-rơ rằng ông sẽ chối Chúa ba lần, Phi-e-rơ đã quả quyết: “Cho dù phải chết với Thầy đi nữa, con sẽ chẳng chối Thầy đâu” (Ma-thi. 26:31–35). 

Mối quan hệ của ông với Chúa Jêsus được bắt đầu bằng ý thức về nhu cầu cần được thương xót: “Lạy Chúa, xin lìa khỏi con, vì con là người có tội” (Lu-ca 5:8). Nhưng đâu đó trên linh trình, Phi-e-rơ đã bắt đầu nghĩ ông sẽ đứng vững trước mọi cám dỗ dù người khác có sa vào.

"Chúng ta có thể chấp nhận mình thiếu kém và được bình an với sự thật là ngoài Chúa Jêsus, chúng ta không làm gì được".

Vậy, có sự an ủi nào khi chúng ta tự cao và bị sàng sảy như lúa mì không (Lu-ca 22:31)? 

Chúng ta có thể chấp nhận mình thiếu kém và được bình an với sự thật là, ngoài Chúa Jêsus, chúng ta không làm gì được. Có thể chúng ta vẫn còn sốc về tội lỗi mình, nhưng chúng ta được tự do vì biết rằng Đức Chúa Trời không ngạc nhiên trước điều này. 

Thật, Ngài nhìn chúng ta như cách mà Chúa Jêsus nhìn Phi-e-rơ vậy. Ngài nhìn thấu vỏ bọc bên ngoài của chúng ta. Ngài không bị phân tâm trước những hứa hẹn khoa trương. Và Chúa nhìn vào những giới hạn, yếu đuối và tội lỗi của mỗi người (Lu-ca 22:61), sau đó Ngài thương xót và bày tỏ cho chúng ta ân điển, sức mạnh và quyền năng của Ngài.

Chúng ta có thể an nghỉ trong chân lý rằng, Chúa Jêsus biết những người Ngài đã kêu gọi. Ngài biết kích cỡ và giới hạn tình yêu của chúng ta và Ngài cũng muốn chúng ta biết rằng, Ngài yêu chúng ta vô hạn!

 

Bài: Jason James; dịch: Tiểu Nguyên

(Nguồn: thegospelcoalition.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này