Thi-thiên 51: Lời cầu nguyện ăn năn thảm thiết của Đa-vít

Dưỡng linh
03:00 20/11/2022

Oneway.vn - Thi Thiên 51 có lẽ là lời cầu nguyện ăn năn tha thiết nhất trong Kinh Thánh và ích lợi cho chúng ta trong lúc tìm kiếm sự tha thứ của Đức Chúa Trời và ăn năn tội lỗi mình.

Sự ăn năn

Thi Thiên 51 có lẽ là lời cầu nguyện ăn năn tốt nhất trong Kinh Thánh và ích lợi cho chúng ta trong lúc tìm kiếm sự tha thứ của Đức Chúa Trời và ăn năn tội lỗi mình, nhưng ăn năn là gì? Đâu là sự khác biệt giữa sự ăn năn theo ý Chúa và sự đau buồn theo thế gian? 

Từ “ăn năn” có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ thay đổi tâm trí của bạn. Đó là sự thay đổi tâm trí bởi quyền năng Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Ban đầu, Đức Chúa Trời đã dựng nên loài người… qua Đấng Christ, Đức Chúa Trời đã tái tạo người ấy trở thành một tạo vật mới (II Cô. 5:17), nhưng ăn năn là điều chúng ta không tự mình làm được. Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời đã ban sự ăn năn và người chết thì không thể ăn năn được (Ê-phê. 2:1-2). 

Sứ đồ Phao-lô nói với Ti-mô-thê: “Đầy tớ của Chúa không được ham tranh cãi, nhưng phải thân thiện với mọi người, có tài dạy dỗ, nhịn nhục” (II Ti. 2:24). Không phải Phao-lô hay ai khác đã mở lòng Ly-đi để bà đón nhận Phúc Âm, mà là “Chúa mở lòng Ly-đi khiến bà chú ý đến lời Phao-lô nói” (Công. 16:14b; xem Lu-ca 24:45). Đức Chúa Trời đã dùng Phao-lô như một phương tiện để mở lòng bà, và khi Đức Chúa Trời mở lòng người nào thì người đó tự nhiên sẽ ăn năn tội lỗi họ. Nếu không có Thánh Linh của Đức Chúa Trời, sẽ không có sự ăn năn thật. Thay vì đau buồn theo ý Chúa về tội lỗi mình, một tấm lòng không biến đổi sẽ đau buồn theo thế gian này, và sự đau buồn theo thế gian thì dẫn đến sự chết (II Cô. 7:10). Tại sao? Vì đó không phải là sự ăn năn thật, và Chúa Jêsus phán rằng Phúc Âm bao gồm sự ăn năn và tin nhận (Mác 1:15). 

Thanh tẩy

Hầu hết các học giả tin rằng phải mất khoảng một năm để Đa-vít ăn năn về tội chủ mưu giết người (U-ri) và ngoại tình với vợ của U-ri là Bát Sê-ba, và điều đó có thể đã không xảy ra nếu Na-than không được Chúa sai đến để quở trách Đa-vít về các tội này. 

Chính Tiên tri Na-than đã đến trước tội lỗi của Đa-vít và nói những lời mà nổi tiếng ngày nay: Bệ hạ chính là người đó! Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên phán: ‘Ta đã xức dầu lập ngươi làm vua Y-sơ-ra-ên, Ta đã giải cứu ngươi khỏi tay Sau-lơ’. (I Sa. 12:7). Đây là lý do tại sao Đa-vít kêu lên: “Đức Chúa Trời ôi! Xin thương xót con, theo lòng nhân từ của Chúa (Thi Thiên 51:1a), và “xin rửa sạch hết mọi gian ác và thanh tẩy tội lỗi con” (Thi Thiên 51:2). 

Đức Chúa Trời sẽ làm điều đó cho bất cứ ai đến với Ngài xin được thanh tẩy. Giếng của lòng thương xót và ân điển Ngài không bao giờ cạn.

Sự cáo trách

Có bao giờ bạn làm điều gì đó và luôn cảm nhận mình sai, hoặc nói sai, hoặc rõ ràng là đã phạm tội chưa? Tôi biết tôi đã… nhiều lần. Vậy giờ tôi phải làm sao? Hãy cầu xin Chúa tha thứ và Ngài sẽ tha thứ. Cảm tạ Chúa vì sự cáo trách của Đức Thánh Linh. Đó là lý do Đa-vít nói: “Các sự vi phạm con, và tội lỗi con hằng ở trước mặt con” (Thi Thiên 51:3). Nó luôn ở trong tâm trí ông; cả ngày dài lẫn khi lên giường ngủ. Tôi không biết ông đã mất ngủ bao nhiêu đêm cho đến khi ông ăn năn.

Làm mới 

Đức Chúa Trời dựng nên loài người… sau đó Đức Chúa Trời tái tạo loài người qua Đấng Christ. Đa-vít biết bản chất trong ông không còn lòng tin kính nữa, vì thế ông đã kêu lên: “Đức Chúa Trời ôi! Xin dựng nên trong con một lòng trong sạch và làm mới lại trong con một tâm linh ngay thẳng” (Thi Thiên 51:10). Đức Chúa Trời sẽ làm điều tương tự cho tất cả những ai tin cậy Ngài. 

Ngài dựng nên một tấm lòng mới trong chúng ta… một tấm lòng bằng xương bằng thịt chứ không phải bằng đá. Ngài đặt trong chúng ta “một tâm linh ngay thẳng” hay Đức Thánh Linh. 

Ngài cáo trách khi chúng ta sai phạm và thúc giục chúng ta làm điều thiện. Thánh Linh đưa chúng ta đến chỗ xưng nhận tội lỗi mình và ăn năn chúng. 

Đa-vít đã kêu lên với Chúa như thế này: “Xin phục hồi cho tôi niềm vui của sự cứu rỗi Ngài. Xin ban cho tôi một tinh thần sẵn sàng để giữ vững tôi” (Thi Thiên 51:12 - NVB), vậy nên chúng ta thấy rằng Đa-vít biết Đức Chúa Trời có thể tạo ra trong ông “một lòng trong sạch”, và Đức Chúa Trời có thể làm tươi mới ông bởi Thánh Linh Ngài. 

Và Đức Chúa Trời cũng sẽ giữ vững ông “bởi tinh thần sẵn sàng”. Đó là cách mà niềm vui về sự cứu rỗi của ông (và của chúng ta) được phục hồi. Không phải sự cứu rỗi của ông cần được phục hồi hay ông đã đánh mất sự cứu rỗi nên ông phải cầu nguyện để có lại. Không. Sự cứu rỗi không bao giờ thiếu. Nhưng “niềm vui” về sự cứu rỗi của ông đã bị thiếu, và nó bị thiếu là bởi vì ông đang sống với tội lỗi chưa được xưng ra, và điều đó đã cướp đi niềm vui của Cơ Đốc nhân. 

Một Cơ Đốc nhân sống trong tội lỗi sẽ không tìm thấy niềm vui thật sự trong Chúa. Sẽ có một mùa gặt cho tất cả mọi điều đã gieo; gieo điều tốt sẽ gặt điều tốt còn gieo điều xấu sẽ gặt điều xấu. Cơ Đốc nhân không có niềm vui thì dường như có mâu thuẫn. 

Sinh tế

Đức Chúa Trời không quan tâm nhiều đến sinh tế riêng của chúng ta (Thi Thiên 51:16) vì Ngài hiện đang nhận sinh tế của lời ngợi ca, lòng tan vỡ và khiêm nhường. Đa-vít nói: “Sinh tế đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm linh đau thương; Đức Chúa Trời ôi! Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu” (Thi Thiên 51:17). 

Liệu Đức Chúa Trời sẽ hài lòng với mười ngàn con chiên đực hay mười ngàn đô la hơn. Từ “thống hối” được sử dụng trong câu này rất thú vị. Một cách dịch sát nghĩa hơn là "đạp nát", giống như bạn đạp nát một quả nho hay quả ô liu vậy, nhưng có lúc bạn không cảm thấy bị tan vỡ và chà nát đến như thế phải không? Hãy nghĩ về điều này; Đức Chúa Trời không thể sửa thứ gì mà trước hết nó không bị hư hỏng; vậy nên nếu chúng ta thấy mình "đủ tốt rồi", chúng ta sẽ tan vỡ còn hơn cả những gì chúng ta biết. Lòng chúng ta có thể dễ dàng lừa dối chúng ta.

Lời kết

Nếu bạn ở trong Đấng Christ, bạn sẽ tránh khỏi cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời. Đó là lý do tại sao hôm nay tôi cầu nguyện để bạn nương cậy nơi Đấng Cứu Rỗi. Hôm nay là ngày tốt nhất để làm điều đó (II Cô. 6:2) bởi vì sau khi bạn chết hoặc khi Đấng Christ hiện đến, là hết thời gian! 

Nếu bạn chần chờ quá lâu, bạn có thể chết trong tội lỗi mình, và điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ không còn hy vọng nào nữa... mãi mãi (Khải. 20:12-15). 

Điều đó khiến cho ngay bây giờ là thời điểm tốt nhất để bạn nương cậy nơi Đấng Cứu Rỗi. 

 

Bài: Jack Wellman; dịch: Ruth

(Nguồn: whatchristianswanttoknow.com)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này