Tỉnh thức trước những đe dọa thuộc linh

Dưỡng linh
08:53 06/06/2022

Oneway.vn - Sự thiếu tỉnh thức gây nguy hiểm nghiêm trọng đến tâm linh chúng ta.

Sứ đồ Phao-lô biết những mối đe dọa chúng ta sẽ phải đối diện khi theo Đấng Christ:

“Anh em hãy tỉnh thức, hãy đứng vững trong đức tin, hãy can đảm và mạnh mẽ. Mọi điều anh em làm, hãy làm trong tình yêu thương” (1 Cô-rinh-tô 16:13–14).

Phao-lô giao cho Hội Thánh Cô-rinh-tô một trọng trách, đặc biệt là những người lãnh đạo, chăn dắt Hội Thánh và gia đình: “hãy tỉnh thức, can đảm và mạnh mẽ”. Tuy nhiên, tỉnh thức và can đảm là lời kêu gọi thường thấy trong các bức thư của Phao-lô, dành cho cả nam và nữ. 

Qua sứ đồ Phao-lô, Chúa Thánh Linh mong muốn mọi Cơ Đốc nhân hãy sống với lòng can đảm, bất kể Chúa đặt họ ở đâu trên chiến tuyến thuộc linh.

Và qua trọng trách Phao-lô giao cho Hội Thánh Cô-rinh-tô, Đức Thánh Linh cũng đang kêu gọi chúng ta can đảm. Vì ngày nay, rất khó để chúng ta “giữ vững lời tuyên xưng về niềm hi vọng không chuyển lay của chúng ta” (Hê-bơ-rơ 10:23).

Hãy tỉnh thức

Trong Tân Ước, “tỉnh thức” (1 Phi-e-rơ 5:8, Mác 13:37, Công Vụ Các Sứ Đồ 20:31) là từ ngữ mà các tác giả thường dùng để thúc giục chúng ta đừng lơ là trước những mối nguy rình rập xung quanh.

Qua Phao-lô, Đức Thánh Linh kêu gọi chúng ta phải duy trì cảnh giác. “Hãy coi chừng loài chó” (Phi-líp 3:2). Hãy coi chừng “muông sói dữ tợn đột nhập vào trong anh em” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:29). Cơ Đốc nhân giống như chiên con, rất dễ bị “những con chó” và “muông sói” của kẻ ác làm hại. Phao-lô đang ẩn dụ về hiện thân của mối đe dọa, nhưng không phải về chính mối đe dọa này. Những mối nguy tâm linh đối với chúng ta còn đáng sợ hơn sói đối với cừu.

Đức Thánh Linh muốn chúng ta tỉnh thức để đề phòng trước tấn công của ma quỷ (1 Phi-e-rơ 5:8).

Bạn có thực sự biết thứ gì đang săn lùng bạn không? Bạn có biết nó ở đâu xung quanh bạn không (Ga-la-ti 6:1)? Bạn có biết nó ở đâu giữa vòng gia đình và anh chị em Cơ Đốc nhân của bạn không (Ê-phê-sô 6:18)?

Chúng ta được kêu gọi bảo vệ lẫn nhau. Để làm được điều đó, chúng ta phải luôn luôn tỉnh thức trong lời cầu nguyện (Cô-lô-se 4:2). Đừng để đến lúc nào cảm thấy thực sự nguy hiểm thì mới cấp tốc cầu nguyện. Thiếu thận trọng sẽ khiến chúng ta không tin rằng nguy hiểm sắp xảy ra. Đó thật sự là một mối nguy cho những người yếu đuối.

Can đảm và mạnh mẽ

"Hãy đứng vững trong đức tin" - đây không phải là một mục tiêu tốt đẹp đơn thuần, mà là một quyết tâm bạn phải thực sự theo đuổi và không bao giờ lùi bước. Đó là ý chí giữ vững lập trường, làm đến nơi đến chốn.

Phao-lô sử dụng cách nói này thường xuyên (2 Cô-rinh-tô 1:24; Ga-la-ti 5:1; Phi-líp 1:27; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:15). Đó là ngôn ngữ chiến binh: “Vì vậy, hãy trang bị mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để trong ngày tai họa, anh em có thể chống cự lại; và khi chiến thắng mọi sự rồi, anh em được đứng vững vàng” (Ê-phê-sô 6:13).

Chiến tranh tâm linh không phải là một phép ẩn dụ. Nó có thật và rất nguy hiểm. Nó không dành cho những người yếu đuối, mặc dù giữa trận chiến cuồng nộ, mọi chiến binh đều muốn gục ngã và thoái lui. Mỗi chiến binh phải được nhắc nhở để giữ vững lập trường. Họ phải nhớ rằng mình có mục tiêu cao cả, có đồng đội cần được bảo vệ, và kẻ thù phải bị tiêu diệt.

Chúng ta phải tự rèn luyện bản thân trước khi mối nguy ập đến, và quyết tâm giữ vững lập trường. Đó là sức mạnh tâm linh trên đất.

Theo Phao-lô, “can đảm và mạnh mẽ” là lựa chọn đứng lên đối mặt với nguy hiểm bằng sức lực và vũ khí Đức Chúa Trời cung cấp (Ê-phê-sô 6:10, 14–17). Sức mạnh hoặc vũ khí mà không có đức tin sẽ chẳng ích lợi gì trong trận chiến này (2 Cô-rinh-tô 10:4–5).

Làm mọi điều trong tình yêu thương

Thoạt đầu, chúng ta có thể thắc mắc rằng những lời răn dạy mạnh mẽ như “hãy đứng vững trong đức tin”, “can đảm và mạnh mẽ” có liên quan gì đến lời khuyên êm dịu “mọi điều anh em làm, hãy làm trong tình yêu thương” (1 Cô-rinh-tô 16: 13–14). Nhưng ở đây không có bất kỳ sự mâu thuẫn nào.

Tình yêu thương là sức mạnh lớn nhất trong công việc giữa Đức Chúa Trời và con người, cũng như giữa con người với con người (1 Cô-rinh-tô 13:13). Tình yêu thương cũng là sức mạnh hủy diệt vĩ đại nhất đối với bóng tối. Chúa Jêsus đến để “hủy phá công việc của ma quỷ” (1 Giăng 3:8). Ngài làm điều đó khi “hy sinh mạng sống vì chúng ta” để chuộc tội cho loài người. Sau đó, chúng ta “cũng phải hy sinh mạng sống vì anh em mình” trong tinh thần nhân từ, thương xót, nhẫn nại và hy sinh (1 Giăng 3:16).

Không gì thể hiện và truyền đạt Phúc Âm rõ ràng như tình yêu thương (Giăng 13:35). Không gì chữa lành các mối quan hệ cho bằng tình yêu thương (1 Phi-e-rơ 4:8). Và tình yêu thương chính là bằng chứng chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời (1 Giăng 3:10).

Vì vậy, “chúng ta hãy quan tâm khích lệ nhau về lòng yêu thương và các việc lành” (Hê-bơ-rơ 10:24). Lời nói và hành động yêu thương là liều thuốc chữa lành tâm hồn anh em, nhưng đồng thời cũng là vũ khí tàn phá mạnh mẽ nhất dành cho kẻ thù thuộc linh. Tình yêu thương là món quà tâm linh lớn nhất (1 Cô-rinh-tô 13:13), và cũng là vũ khí tâm linh mạnh mẽ nhất (Rô-ma 12:20–21).

Nhu cầu tỉnh thức

Chúng ta luôn cần yêu thương, tỉnh thức, và can đảm. Và chúng ta sẽ càng cần những điều này hơn, khi xã hội ngày càng trở nên thù địch với Cơ Đốc giáo.

Chúng ta phải tỉnh thức, không cho phép đàn sói hung hăng đe dọa bầy chiên của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần can đảm, không phải chiến đấu như những chiến binh xác thịt nhưng là những chiến binh tâm linh. Chúng ta cần quyết tâm vững vàng để không bao giờ lung lay trong đức tin, bất kể những thay đổi về giá trị xã hội và chính sách chính phủ.

Để đảm bảo chúng ta luôn tỉnh thức và can đảm giống như Đấng Christ, hãy làm mọi việc trong tình yêu thương. 


Bài: Jon Bloom; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: desiringgod.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này