“Kíp đến tôn thờ” – Lịch sử của một bài Thánh Ca Giáng Sinh tuyệt đẹp

Dưỡng linh
01:31 23/12/2024

Oneway.vn – Thật tuyệt khi chúng ta cùng nhau hát những bản thánh ca xưa về sự ra đời của Chúa Jêsus.

(Ảnh: christianwebsite.com)

Nếu chú ý, những bài ca cổ kính này chứa đựng ngôn từ phong phú với thông điệp quan trọng dành cho loài người. Dĩ nhiên, chúng ta có thể vui với những bài hát như “Jingle Bells,” nhưng những bài ca tôn vinh sự nhập thể của Đấng Cứu Thế đến thế gian lại bày tỏ lòng biết ơn sâu nhiệm và thông điệp Phúc Âm sâu sắc.

Bài thánh ca với nhịp điệu mạnh mẽ mà các Hội Thánh thường hát vào dịp Giáng Sinh. Tuy nhiên, ngôn từ cổ kính của bài hát đôi khi khiến chúng ta không cảm nhận được sức mạnh của từng lời ca. Nhưng khi khám phá sâu hơn, bài hát mở ra một tuyên ngôn hy vọng dành cho những ai đang trong cảnh khó khăn.

Ai đã viết “Kíp Đến Tôn Thờ”?

James Montgomery là tác giả của bài thánh ca “Kíp Đến Tôn Thờ”. Ông sinh ngày 4 tháng 11 năm 1771 tại Scotland và lớn lên trong một gia đình Moravian (Anh Em Bohemian). Cha mẹ ông, là những nhà truyền giáo, đã để ông lại tại cộng đồng Moravian khi họ đi truyền giáo ở Tây Ấn. Do sự nguy hiểm và khó khăn của hành trình, nhiều nhà truyền giáo thời đó buộc phải để con cái ở lại với gia đình. Tuy nhiên, cha mẹ của James đã qua đời khi ông còn nhỏ.

Trở thành trẻ mồ côi, James tìm thấy niềm đam mê trong thơ ca. Dù có ít cơ hội học chính thức, tình yêu với việc viết lách và đức tin của ông đã phát triển cùng nhau. Sau khi rời trường học, ông làm việc cho một tờ báo ở Anh, The Sheffield Register. Khi chủ sở hữu phải rời khỏi đất nước vì lý do chính trị, James tiếp quản tờ báo và đổi tên thành The Sheffield Iris. Ông bênh vực quyền tự do ngôn luận và Cơ Đốc giáo, điều này khiến ông bị cầm tù nhiều lần.

James tiếp tục viết về các vấn đề xã hội, phong trào bãi nô, và hy vọng về Tin Lành. Ông viết bài thơ “Kíp Đến Tôn Thờ” như một bài thơ Giáng Sinh và xuất bản lần đầu trên báo của mình vào Đêm Giáng Sinh cùng năm. Bài thơ miêu tả khoảnh khắc tuyệt đẹp và kỳ diệu khi các thiên sứ công bố sự ra đời của Đấng Christ. Ban đầu, bài thơ nổi tiếng trong vai trò một tác phẩm văn học. Sau đó, một người đã ghép lời bài thơ với giai điệu “Regent Square” của Henry Smart vào năm 1867, biến lời thơ thành một bản thánh ca được hát trong các nhà thờ và dần dần trở nên phổ biến.

James Montgomery đã sáng tác hơn 400 bài thơ và thánh ca, nhưng “Kíp Đến Tôn Thờ” vẫn là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông.

Những điểm chính của bài Thánh Ca

Bài thánh ca mở đầu bằng lời công bố của các thiên sứ về sự ra đời của Đấng Christ:

Thiên thần xuống kìa ánh sáng huy hoàng,
Lướt khắp trên hải, giang, sơn, hà;
Xưa ngợi danh Tạo hóa Đấng hiển vang,
Bữa nay rao Jêsus sanh hạ“.

Những dòng mở đầu gợi lại thông điệp từ Luca 2:13-14:

“Bỗng chúc có muôn vàn thiên binh với thiên sứ ngợi khen Đức Chúa Trời rằng: ‘Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, bình an dưới đất ân trạch cho loài người’”.

Trong bối cảnh ấy, các mục đồng đang chăn giữ bầy chiên gần Bết-lê-hem. Bầu trời mở ra, và thiên đàng hạ xuống để loan báo sự giáng sinh của Chúa Jêsus. Sự giáng sinh này không phải là một sự kiện thông thường. Chính thiên đàng mở ra trong sự ngợi khen ngập tràn. Những thiên sứ, từng chứng kiến công trình sáng tạo (Gióp 38:7), tràn đầy sự thờ phượng và vui mừng trước sự giáng sinh của Đấng Mết-si-a.

Điệp khúc của bài thánh ca nhắc nhở: Kíp đến tôn thờ, cúi xuống tôn thờ,
Kính chúc Vua vinh quang hạ sinh”. Đây là lời kêu gọi hành động, mời gọi mọi người từ các tầng lớp khác nhau – người chăn chiên, các nhà thông thái, thánh đồ, và tội nhân – đến thờ phượng Chúa Jêsus. Thông điệp này phản ánh Ma-thi-ơ 2:2, nơi các nhà thông thái hỏi: “Vua dân Do Thái mới sinh ở đâu? Vì chúng tôi đã thấy ngôi sao của Ngài bên phương Đông nên đến để thờ lạy Ngài”. Các mục đồng cũng đáp lại bằng sự thờ phượng: “‘Chúng ta hãy đi đến thành Bết-lê-hem xem việc đã xảy ra mà Chúa cho chúng ta biết’. Vậy, họ vội vàng đi đến đó, gặp Ma-ri, Giô-sép, và thấy con trẻ đang nằm trong máng cỏ”. (Luca 2:15-16)

Montgomery cũng thể hiện, sự cứu rỗi là dành cho tất cả mọi người. Chúa Jêsus là Vị Vua của dân Y-sơ-ra-ên, đúng vậy, nhưng Ngài mang đến sự cứu rỗi cho tất cả mọi người. Các mục đồng, mặc dù khiêm tốn và có phần bị bỏ quên, đại diện cho tầng lớp tầm thường. Các nhà thông thái đại diện cho tầng lớp học thức, tri thức và có ảnh hưởng. Các câu tiếp theo bao gồm các thánh đồ, những Cơ Đốc nhân đang chờ đợi sự trở lại của Chúa Jêsus. Lời mời gọi từ bài thánh ca kết nối với Giăng 3:16 và Phao-lô trong Rô-ma 10:13, “Vì ai kêu cầu danh Chúa sẽ được cứu“. Mọi người, bất kể địa vị, hoàn cảnh hay học thức, đều có thể đến với Cha qua Phúc Âm của Con Ngài.

Đấng Mết-si-a đã được hứa trong Ê-sai 9:5: “Vì một Con Trẻ được sinh cho chúng ta, tức là một con trai được ban cho chúng ta; Quyền cai trị sẽ đặt trên vai Ngài. Danh Ngài là: “Đấng Kỳ Diệu, Đấng Cố Vấn, Đức Chúa Trời Quyền Năng, Cha Đời Đời, Chúa Bình An”.

Niềm vui từ các thiên sứ bày tỏ rằng Đức Chúa Trời đang thực hiện lời hứa trong Cựu Ước để mang đến một Đấng Cứu Rỗi, thông qua dòng dõi Đa-vít. Bài thánh ca của Montgomery thúc giục chúng ta hãy cùng các thiên sứ rao vang câu chuyện tình yêu Chúa Jêsus.

Thông điệp từ bài Thánh Ca

“Kíp Đến Tôn Thờ” nhắc chúng ta về ưu tiên của Đức Chúa Trời: sự cứu chuộc qua Chúa Jêsus Christ. Trong khi thế giới tập trung vào những sự kiện lớn, Chúa lại quan tâm đến những người thấp hèn và bị lãng quên. Các thiên sứ không đến với Caesar hay thầy tế lễ thượng phẩm, mà là với những người chăn chiên – những người sống ngoài rìa xã hội. Điều này nhắc chúng ta rằng Chúa yêu thương những người khiêm nhường, nghèo khó.

Những người chăn chiên chỉ đang làm công việc của họ. Họ không ngồi chờ đợi một dấu hiệu từ thiên đàng. Họ chăm sóc đàn chiên của mình ngoài đồng. Các thiên sứ đã làm gián đoạn cuộc sống và công việc của họ, thay đổi những ưu tiên của họ. Cuối cùng, họ đã rời bỏ đồng cỏ và vào thành để gặp Chúa Jêsus và kể cho người khác về Ngài.

Khi Chúa xuất hiện, Ngài làm gián đoạn cuộc sống của chúng ta. Sự thật của Ngài không bao giờ đến vào lúc thuận tiện. Ngược lại, Chúa đến và làm đảo lộn những ưu tiên của chúng ta, thách thức chúng ta sống đúng đắn và tập trung vào điều đúng đắn – chính Ngài và những người khác. Tôn thờ Chúa Jêsus đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ cuộc sống cũ và để Ngài trở thành trung tâm của cuộc sống mới.

Sau khi gặp Chúa Jêsus, những người chăn chiên đã ngợi khen Đức Chúa Trời và loan báo Tin Lành cho người khác. Bài thánh ca khích lệ chúng ta cũng sống như vậy – thờ phượng và rao truyền lẽ thật về Chúa Jêsus không chỉ vào dịp Giáng Sinh nhưng trong từng khoảnh khắc cuộc đời.

“Hãy đến thờ phượng, thờ phượng Đấng Christ là Vua mới sinh”.

Bài: Britt Mooney; dịch: DN
(Nguồn: crosswalk.com)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này