Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta mải mê lo toan, cố gắng kiểm soát mọi thứ mà quên mất rằng Đức Chúa Trời luôn hiện diện, và Ngài có thời điểm hoàn hảo dành cho chúng ta. Yên lặng chờ đợi nơi Chúa là thái độ bày tỏ lòng khiêm nhường và tin cậy Chúa. Đó là lúc chúng ta buông bỏ mọi lo lắng, im lặng trước mặt Ngài, để lòng mình được nghỉ ngơi và nhận lấy niềm hy vọng từ sự hiện diện của Ngài.

Hôm nay, ngày 06/01/2025, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Andrew Murray qua chủ đề TRÔNG ĐỢI CHÚA TRONG YÊN LẶNG.

“Thật tốt cho người yên lặng trông chờ ơn cứu rỗi của Đức Giê-hô-va.” (Ca Thương 3:26)

“Hãy thận trọng và giữ yên lặng, đừng sợ và chớ sờn lòng.” (Ê-sai 7:4)

“Nhờ yên lặng và tin cậy, các ngươi sẽ được sức mạnh.” (Ê-sai 30:15)

Qua những câu Kinh Thánh này, chúng ta thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa đức tin và sự yên lặng trông chờ. Chúng ta thấy được rằng sự im lặng là một phần không thể thiếu trong việc chờ đợi Đức Chúa Trời cách phải lẽ. Nếu muốn dâng trọn tấm lòng mình cho Chúa, chúng ta cần buông bỏ quyền kiểm soát của bản thân mình.
Đức Chúa Trời là Đấng vô cùng vĩ đại và huyền nhiệm, và tội lỗi khiến con người chúng ta cách xa Ngài. Vì vậy, để nhận biết và đến gần Ngài, chúng ta cần đầu phục cuộc đời mình, dâng trọn cả tấm lòng và khát khao hướng về Ngài. Những điều không thuộc về Chúa – những nỗi sợ hãi, nỗ lực bằng sức riêng, hay những niềm vui không chính đáng, cũng như niềm hy vọng sai lệch – đều có thể ngăn cản chúng ta chờ đợi Ngài một cách trọn vẹn. Thông điệp này thật ý nghĩa: “Hãy thận trọng và giữ yên lặng”; “Nhờ yên lặng … các ngươi sẽ được sức mạnh”; và “Thật tốt cho người yên lặng trông chờ.”

Kinh Thánh nhiều lần nhấn mạnh rằng suy ngẫm về sự vĩ đại và sự thánh khiết của Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta im lặng trong sự kính sợ. Chẳng hạn như Ha-ba-cúc 2:20: “Nhưng Đức Giê-hô-va ngự trong đền thánh Ngài; Trước mặt Ngài, mọi người trên đất hãy lặng thinh!” Hay như Sô-phô-ni 1:7 có chép: “Hãy im lặng trước mặt Đức Giê-hô-va!”. Và Xa-cha-ri 2:13 công bố: “Mọi người hãy im lặng trước mặt Đức Giê-hô-va, vì Ngài đã thức dậy từ nơi ngự thánh của Ngài.”

Nếu chúng ta trông cậy Chúa chỉ để được Ngài nhậm lời cầu nguyện và làm thành những điều chúng ta cầu xin, thì chúng ta sẽ không thể đạt đến sự im lặng trọn vẹn trước mặt Ngài. Nhưng khi chúng ta nhận ra rằng trông đợi Chúa chính là một phước hạnh vô cùng lớn lao, và là cách để tương giao gần gũi với Đức Thánh Linh nhất, thì tấm lòng tôn thờ Chúa trong sự vinh hiển Ngài sẽ tự nhiên dẫn dắt chúng ta đến với sự im lặng thánh khiết, mở ra không gian để Chúa bày tỏ chính Ngài. Khi ấy, lời hứa quý báu sẽ được ứng nghiệm: mọi sự kiêu ngạo và nỗ lực của bản thân sẽ bị hạ xuống, như lời Ê-sai 2:11 đã chép: “Sự ngạo mạn của con người sẽ bị khuất phục; Trong ngày đó, chỉ một mình Đức Giê-hô-va được tôn cao.”

Nếu muốn học cách chờ đợi nơi Đức Chúa Trời, hãy nhớ bài học này: “Hãy thận trọng và giữ yên lặng” (Ê-sai 7:4). “Thật tốt cho người yên lặng trông chờ.” Hãy dành thời gian để tách biệt khỏi những bộn bề của thế gian và sự bận rộn của vô vàn trách nhiệm, tạm gác lại cả nỗi lo lắng lẫn niềm vui, biệt riêng thời gian để lắng lòng mình lại và im lặng trước mặt Chúa. Không chỉ tách mình ra khỏi con người và thế gian, chúng ta cũng hãy tạm rời xa chính bản thân và những nỗ lực cá nhân của mình. Hãy để Lời Chúa và sự cầu nguyện là điều duy nhất hiện diện trong khoảng thời gian ấy. Nhưng hãy nhớ rằng ngay chính những điều này cũng có thể cản trở sự im lặng trông đợi. Nếu tâm trí cứ bận rộn suy nghĩ khi học Lời Chúa, hoặc cố tìm cách diễn đạt trong lời cầu nguyện, khi tấm lòng còn ngổn ngang nhiều khát khao, hy vọng và lo lắng, chúng ta có thể sẽ không đạt được sự im lặng hoàn toàn để trông đợi Đấng vĩ đại, điều chỉ diễn ra khi toàn bộ con người chúng ta đầu phục trong sự im lặng trước mặt Ngài.

Ban đầu, có thể sẽ rất khó khăn khi chưa quen chờ đợi trong sự im lặng, khi phải tạm dừng mọi suy nghĩ và cảm xúc. Nhưng những nỗ lực ấy sẽ được đền đáp. Dần dần, điều này sẽ trở nên tự nhiên, và những khoảnh khắc thờ phượng im lặng sẽ mang đến sự bình an thật cho chúng ta, không chỉ trong sự cầu nguyện mà kéo dài suốt cả ngày.

“Thật tốt cho người yên lặng trông chờ ơn cứu rỗi của Đức Giê-hô-va.” Đúng vậy, thật tốt lành! Sự im lặng thể hiện sự khiêm nhường của chúng ta, rằng mọi thứ không phụ thuộc vào nỗ lực hay việc làm của mình (Rô-ma 9:16), cũng không nằm ở suy nghĩ hay lời cầu nguyện, mà hoàn toàn đến từ Đức Chúa Trời. Đó cũng là biểu hiện của lòng tin rằng Chúa sẽ đến cứu giúp chúng ta vào đúng thời điểm của Ngài – nhờ vậy chúng ta được nghỉ ngơi trọn vẹn trong Ngài.

Đó là cách bày tỏ lòng khao khát được hạ mình xuống, chấp nhận sự hèn mọn của bản thân, và để Chúa hành động, bày tỏ chính Ngài. Hãy chờ đợi Ngài trong sự im lặng. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng hãy luôn giữ một thái độ tôn kính, lặng lẽ trông đợi Chúa làm những điều kỳ diệu, không để bản thân bị cuốn sâu vào những lo toan của thế gian. Khi đó, cả con người chúng ta sẽ toát lên sự bình an thật – khi chúng ta kiên nhẫn chờ đợi sự cứu chuộc từ Đức Chúa Trời.

Linh hồn tôi ơi, hãy trông đợi nơi duy Chúa mà thôi!

Cầu nguyện: Lạy Đức Chúa Trời toàn năng, con đến trước Ngài với tấm lòng khiêm nhường và tin cậy. Xin Chúa giúp con học cách chờ đợi nơi Ngài trong sự im lặng, buông bỏ mọi lo lắng và suy nghĩ, để linh hồn con được nghỉ ngơi trong sự bình an của Ngài. Xin giúp con kiên nhẫn chờ đợi thời điểm của Ngài, bởi tất cả mọi điều tốt lành đều đến từ Ngài. Con nguyện sống trong sự yên lặng và phó thác nơi Ngài. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus Christ, A-men.

Quý thính giả thân mến, đôi khi chúng ta trải qua những nỗi đau, những mất mát, những sự hiểu lầm, hay những tổn thương quá lớn mà không ngôn từ nào có thể giải bày được, hãy đến với Chúa và học cách chờ đợi nơi Đức Chúa Trời với một tấm lòng yên lặng, tin kính, và không nao sờn. Đó là cách chúng ta để Ngài làm việc trong đời sống mình, hầu cho chúng ta được hưởng sự bình an và hy vọng chân thật. Hãy vững tin rằng Ngài có một kế hoạch hoàn hảo cho chúng ta, dù cuộc sống đầy dẫy khó khăn hay bất an. Mỗi ngày, chúng ta hãy tự nhắc nhở bản thân yên lặng chờ đợi Chúa: “Thật tốt cho người yên lặng trông chờ ơn cứu rỗi của Đức Giê-hô-va.”

Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần dâng hiến cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:

Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này