Nếu làm một thống kê thì trung bình một ngày, có bao nhiêu lần bạn nóng giận? Và chuyện gì xảy ra sau những lần nóng giận ấy? Nóng giận không phải lúc nào cũng xấu, nhưng những hành vi được thực hiện cách thiếu kiểm soát trong lúc nóng giận sẽ gây ra nhiều rắc rối.

“Người hay giận gây ra điều tranh cãi, kẻ nóng tính phạm rất nhiều tội lỗi.” (Châm Ngôn 29:22)

Trong khi dẫn hai người bạn nhỏ đặc biệt của mình đi chơi, chúng tôi ghé vào một cửa hàng quà tặng. Chiếc giỏ đựng những kẹp tóc đầy màu sắc được trưng bày gần sàn nhà. Vậy là hai cô bé ở độ tuổi lên 2 và 4 như bị hút vào đó mà không thể cưỡng lại được.

“Không, không, đừng đụng vào!” Tôi cố ngăn cản hai đứa lại nhưng lời nói của tôi dường như không có tác dụng gì, cho dù đã lặp đi lặp lại vài lần. Cuối cùng, tôi la lên cách cáu gắt, “Hai đứa có chịu nghe không". Lúc đó, hai đứa mới chịu lấy tay ra khỏi giỏ kẹp tóc, đôi mắt rưng rưng.

Trong nhiều tháng liền, tôi được học về chủ đề “sự tức giận" trong Kinh Thánh và tôi nhận ra thái độ phản ứng của hai cháu dường như cho tôi thấy rằng mình đang tức giận. Thực tình mà nói lúc đó tôi không hề cảm thấy tức giận.

Nhưng giọng nói của tôi trở nên gay gắt hơn, đặc biệt là ở những từ cuối câu. Lúc đó, tôi tự trấn an là mình phải cứng lên để các cháu biết và vâng lời. Nhưng càng suy nghĩ về điều này, tôi càng nhận ra cách cư xử của tôi có những dấu hiệu của sự tức giận.

Chúng ta đều biết vâng lời là điều quan trọng. Nếu người ta không thể vâng lời những người có thẩm quyền trên đất này thì họ sẽ không thể nào vâng lời Đức Chúa Trời. Cho nên, trong trường hợp của tôi, sẽ là vô trách nhiệm nếu cứ bỏ qua, không nói gì, không dạy dỗ các cháu. Tuy nhiên, những lập luận có vẻ hợp lý ấy vẫn không thể xoá nhoà hình ảnh đầy giận dữ của tôi khỏi tâm trí hai đứa cháu của mình. Chúng vâng lời nhưng để có được sự vâng lời đó, thì tôi trở nên xa cách.

Tôi cũng viện dẫn trường hợp của Chúa Giê-xu, Ngài đã tức giận khi đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ. Nếu vậy thì hành động của tôi có gì sai không?

Khi tôi nghiên cứu kỹ hơn đoạn Kinh Thánh này, tôi nhận ra nhiều điều.

Trong sự phản ứng mạnh mẽ đó của Chúa Giê-xu, các môn đệ và cả đoàn dân được nhắc nhở về Lời Kinh Thánh đã chép trong Thi Thiên,
“Rồi Ngài dạy và phán với họ: “Chẳng phải đã có lời chép rằng: ‘Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc’ hay sao? Nhưng các ngươi đã biến nơi ấy thành hang trộm cướp.” (Mác 11:17)
Dù theo cách nhìn thông thường, sự phản ứng của Chúa Giê-xu có phần gay gắt. Nhưng kết quả sau đó là gì?

“Khi nghe được những lời nầy, các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo tìm cách giết Ngài. Họ sợ Ngài, vì cả đoàn dân đều thán phục sự dạy dỗ của Ngài” (Mác 11:18).

Không những thế, tác giả Ma-thi-ơ còn cho chúng ta biết rằng:

“Những người mù và què đến với Ngài trong đền thờ đều được Ngài chữa lành” (Ma-thi-ơ 21:14).

“Các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo thấy những việc lạ lùng Ngài làm, và nghe trẻ em reo lên trong đền thờ: “Hô-sa-na Con của Đa-vít” (câu 15).

Như vậy, rõ ràng là dù Chúa Giê-xu có phản ứng mạnh mẽ, nhưng kết quả chỉ có kẻ chống đối Ngài cảm thấy lo sợ, còn những người xung quanh lại được thu hút về phía Ngài, tập trung vào Chúa chứ không hề lánh xa.

Trở lại trường hợp của tôi, tôi cảm tạ Chúa vì sự xa lánh của hai cháu tôi chỉ là tạm thời mà thôi. Và chúng cũng học thêm nhiều điều mới, lớn hơn mỗi ngày. Tôi cũng đặc biệt cảm tạ Chúa vì tôi biết Ngài đã dùng một kinh nghiệm tưởng chừng đơn giản nhưng dạy cho tôi nhiều điều.

Tôi thấy mắt mình mở ra và nhìn biết rằng mình rất dễ cáu giận. Tôi cũng thấy được sự tức giận ảnh hưởng đến mối quan hệ như thế nào. Tôi nhận ra sự tức giận của mình chủ yếu là hướng đến cái tôi, bảo vệ cho thẩm quyền của mình chứ không phải để sửa dạy người khác, để trở nên gần gũi hơn với những người xung quanh. Trong sự tức giận của Chúa Giê-xu, những người chung quanh biết được lẽ thật của Kinh Thánh. Còn tôi thì chỉ tỏ thái độ cáu gắt chứ không hề giải thích cho hai đứa cháu của mình tại sao chúng không được phép làm như vậy.

Vâng, tôi tin rằng sự vâng lời là điều quan trọng và mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm dạy dỗ con cháu học biết vâng lời, đồng thời cũng cho chúng thấy những hậu quả có thể xảy ra vì hành vi không vâng lời. Nhưng đồng thời, tôi cũng được nhắc nhở phải làm điều đó như thế nào để hướng con cháu mình đến với Chúa, giúp chúng hiểu rõ vấn đề, củng cố thêm mối quan hệ và sự gần gũi nhau hơn chứ không phải khiến chúng xa rời mình.

Cầu nguyệnLạy Chúa, con biết mình yếu đuối, nhiều lần tức giận cách vô cớ, có những lời nói, cử chỉ thiếu kiểm soát khiến cho mối quan hệ với người chung quanh bị ảnh hưởng. Xin Chúa tha tội cho con, giúp con có sự bình tĩnh, giải quyết vấn đề sáng suốt hơn trong sự gây dựng và giúp đỡ lẫn nhau. Con cầu nguyện, trong danh Chúa Giê-xu Christ. A-men.

Bạn thân mến, nếu bạn là người nóng tính, hãy chọn cách tạm lánh mặt đi khi xung đột xảy ra và sau đó hãy trở lại khi mình đã bình tĩnh. Hãy giúp người khác biết vâng lời nhưng với tinh thần mềm mại, gây dựng lẫn nhau và cùng nhau hướng về Chúa.

Bạn thân mến, nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về Chúa hoặc nếu bạn có những khó khăn, trăn trở nào cần chia sẻ với chương trình, hãy để lại bình luận ở cuối bài, inbox tại fanpage của Facebook, hoặc gửi email về địa chỉ: [email protected]. Chúa Giê-xu yêu bạn. Chương trình rất mong được kết nối với bạn.

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này