Khi ai đó đối tốt với mình, chúng ta sẽ dễ dàng đáp lại bằng tình yêu thương và thái độ tử tế. Nhưng đối với những người làm tổn thương mình, gây ra nỗi đau hoặc thậm chí đẩy gia đình bạn vào tấn bi kịch, liệu bạn sẽ phản ứng như thế nào? Qua kinh nghiệm của tác giả, chương trình hôm nay muốn cùng bạn học về bí quyết để có thể đối xử ân điển với người khác, đặc biệt là người gây tổn thương chúng ta.

“Nếu một người trong anh em có điều gì phàn nàn với người khác thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau; như Chúa đã tha thứ anh em thể nào thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy” (Cô-lô-se 3:13)

Tôi tình cờ đọc được một phát biểu khá hay, “Lòng biết ơn là khả năng nhìn thấy ân điển Chúa vào mỗi buổi sáng bất kể điều gì khác chào đón chúng ta trong ngày”.

Vào một ngày tháng Mười của nhiều năm về trước, sự kết nối của ân điển và lòng biết ơn đã trở nên rất thực đối với tôi.

Đó là một buổi tối mùa thu rực rỡ tại quảng trường nhạc nước trong tiết trời trong lành, âm nhạc sôi động, đồ ăn ngon, tình bạn ngọt ngào. Thật là một buổi tối đáng nhớ. Tôi cùng chồng, đứa con gái sáu tuổi và mẹ tôi đã có một khoảng thời gian thú vị với các bạn trong Hội Thánh. Ngay trước khi bữa tiệc kết thúc, chúng tôi đã nói lời tạm biệt để đưa mẹ về nhà.

Vài phút sau, chiếc xe của chúng tôi nằm lộn ngược trên con mương sau cú đâm của một chiếc xe đang chạy quá tốc độ. Người lái xe đó say rượu. Dự định của chúng tôi là đưa mẹ về nhà ở tại nơi được gọi là “Thung lũng Hạnh phúc” thì Chúa lại chào đón mẹ tôi về nhà trên Thiên đàng. Còn tôi thì bác sĩ cho biết có rất ít cơ hội sống.

Trong tích tắc, cuộc sống của gia đình chúng tôi hoàn toàn thay đổi. Tôi mất đi người thân yêu nhất của mình, các con tôi không còn nhìn thấy người bà đáng kính của chúng nữa. Suốt vài tháng sau đó, tôi nằm trong phòng hồi sức. Công việc kinh doanh, chuyện nhà cửa, chúng tôi đều phải dựa dẫm vào sự giúp đỡ của người thân, bạn bè. Vậy mà trong lúc bàng hoàng, vừa hàn gắn, vừa đau buồn, vợ chồng chúng tôi đã có thể tha thứ cho người đàn ông đã gây ra tấn thảm kịch cho gia đình chúng tôi.

Như bạn có thể biết, khả năng tha thứ không tự nhiên mà có. Khi ai đó làm tổn thương chúng ta, chúng ta muốn trả thù, hoặc chí ít là giữ lòng thù ghét người đó mãi mãi. Nhiều lần tôi đã nghĩ về việc mình phải giải tỏa cảm xúc đó như thế nào, đặc biệt là sau khi phải chịu đựng những lời buộc tội sai trái của người đàn ông đó và trải nghiệm khủng khiếp tại tòa. Tôi có thể thành thật nói rằng tất cả những gì chúng tôi làm đều là bởi ân điển Chúa. Trải qua tất cả, Chúa cho tôi cảm nhận được Ngài đã tha thứ cho tôi nhiều như thế nào. Ngài muốn tôi cũng đối xử cách ân điển như vậy với người khác.

Nghe thì có vẻ kỳ lạ nhưng đối xử với người gây tổn thương chúng ta bằng ân điển chính là hành động xuất phát từ lòng biết ơn về ân điển mà chúng ta đã nhận được từ Chúa. Khi làm như vậy, chúng ta đang thưa với Chúa rằng, “Chúa ơi, con cảm ơn Ngài về lòng nhân từ, thương xót của Ngài. Cảm ơn Chúa vì ân điển như không của Ngài. Cảm ơn Chúa về tình yêu vô điều kiện của Ngài”.

Và cho dù người đó có chấp nhận món quà của chúng ta hay không - hoặc thậm chí có nhận biết điều đó hay không thì chúng ta cũng hãy làm, ít nhất là vì chính mình. Vì khi làm như vậy, chúng ta sẽ kinh nghiệm một cuộc sống tự do trong ơn Chúa. Khi buông bỏ và tha thứ cho hành động sai trái của người khác, chúng ta có thể bước tiếp cuộc đời của mình. Chúng ta sẽ không bị mắc kẹt trong guồng quay của cay đắng, phẫn uất, tức giận và tất cả những cảm giác tiêu cực đang giam cầm chúng ta.

Trải qua nhiều năm, tôi đã học được rằng ân điển là điều không thể giải thích được; nó chỉ có thể được trải nghiệm mà thôi. Và khi chúng ta nhận ra món quà tuyệt vời mà mình nhận được từ Chúa, chúng ta không thể làm gì khác hơn ngoài việc biết ơn Chúa. Đức Chúa Trời nhìn thấy tấm lòng và nụ cười của chúng ta khi chúng ta có thể bày tỏ ân điển như vậy cho người khác.

Có thể hành động đó đi ngược lại logic thông thường, nhưng nó sẽ khiến chúng ta kinh nghiệm ân điển và biết ơn Chúa nhiều hơn.

Bạn đã bao giờ suy nghĩ về mối liên hệ giữa ân điển Chúa và thái độ biết ơn trong đời sống bạn hay chưa? Bạn đang bày tỏ lòng biết ơn Chúa như thế nào? Có ai đó đang cần bạn cư xử bằng ân điển hay không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, ân điển Ngài thật quá lớn lao. Con biết mình không xứng đáng nhưng tạ ơn Chúa vì Ngài đã tuôn đổ ân điển cho con. Cảm ơn Chúa đã tha thứ con và ban cho con ơn của Ngài để có thể tha thứ và đối xử với người tổn thương mình bằng ân điển thay vì thù hận. Con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu Christ. A-men.

Kính thưa quý thính giả, có thể bạn đang bị tổn thương nặng nề bởi hành động một ai đó gây ra cho mình. Hôm nay, hãy cậy ơn Chúa để có thể tha thứ cho người đó, dù họ có biết hay không. Vì làm như vậy, chính bạn sẽ kinh nghiệm sự nhẹ nhõm, thoải mái và phước hạnh Chúa ban thay vì giữ lòng thù hận, cay đắng.

Oneway Radio rất vui khi nhận được rất nhiều những lời chứng về đời sống được biến đổi qua chương trình TNHN. Chúng tôi cũng được khích lệ từ những khoản dâng hiến của bạn gửi cho chương trình, để giúp cho Lời Chúa càng được chia sẻ lan rộng hơn. Nếu bạn muốn được tư vấn về niềm tin, hoặc dự phần trong sự dâng hiến với chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay bằng cách để lại bình luận trực tiếp trên YouTube, Facebook, nhắn tin trên Zalo, Viber qua số điện thoại: 0898 189 819

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này