Lời nói có vai trò rất quan trọng, có thể là nguồn đem đến phước hạnh nhưng đồng thời cũng có thể là căn nguyên gây nên tai họa. Dù đây là sự thật phổ biến, ai cũng biết, ai cũng hiểu, nhưng vẫn có rất nhiều người rước họa vào thân vì lời nói của mình. Vậy làm sao để cầm giữ môi miệng, nói những điều đáng nói để đón nhận ơn phước thay vì gieo rắc tai họa?

Hôm nay, ngày 18/01/2022, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả Daphne Delay qua chủ đề PHƯỚC HAY HỌA ĐỀU TỪ MIỆNG MÀ RA

Cái lưỡi là một bộ phận nhỏ nhưng khoe khoang những việc lớn. Một tia lửa nhỏ có thể làm bùng cháy cả một cánh rừng rộng lớn biết bao!” (Gia-cơ 3:5)

Khi con trai lớn của tôi được khoảng hai tuổi, tôi thường đặt thằng bé vào trong bồn tắm để vừa trông con, vừa chuẩn bị mọi thứ để đi làm. Một hôm, thằng bé hỏi tôi xem nó có được chơi với chiếc tàu mới mà ba vừa mua vào ngày hôm trước không. Tôi bảo được và thế là nó thỏa thích vui đùa.

Nhấp ngụm cà phê trong cơn buồn ngủ và tập trung vào việc trang điểm, tôi nghe con trai nói gì đó về đồ chơi của mình. Chỉ nghe được phân nửa, phân nửa còn lại thì đang chú tâm để trang điểm, tôi bảo, “Ồ, đó là một chiếc thuyền tuyệt vời ..."

Ngay lập tức, tôi nhận được lời chỉnh sửa, “không phải thuyền, ba nói đây là chiếc tàu”.

“Ờ, đúng rồi, chiếc tàu” - Tôi đáp lại, trong khi vẫn chưa hiểu thuyền với tàu thì khác nhau như thế nào. Vài phút sau, cậu nhóc lắm lời của tôi tiếp tục kể về đồ chơi của mình. Không cần suy nghĩ, một lần nữa tôi lại nói, “Ừm, phải, đó là một chiếc thuyền đẹp”.

Lần thứ hai, thằng bé phản ứng, “Không! Đây là con tàu”.

Nhìn lướt qua hình ảnh phản chiếu trong gương trong khi vẫn tiếp tục công việc của mình, tôi nói, “Ừ, thì là vậy”.

Bạn có tin không, vài phút sau, chuyện này lặp lại lần thứ ba. Con trai tôi đang kể về món đồ chơi của nó còn tôi thì có những câu đáp lại một cách nửa tỉnh nửa mê. “Đó là một chiếc thuyền tuyệt vời …”

Nhưng lần này, thằng bé hét lên, "MẸ!" Tôi nhanh chóng quay lại, chỉ thấy con trai tôi đang cầm đồ chơi của mình và nhìn tôi với vẻ thất vọng và nói: “Mẹ, mẹ có thể nói từ ‘chiếc tàu’ được không?”

---

Kinh Thánh chép, “Cái lưỡi là một bộ phận nhỏ nhưng khoe khoang những việc lớn. Một tia lửa nhỏ có thể làm bùng cháy cả một cánh rừng rộng lớn biết bao!” (Gia-cơ 3:5)

Cuộc nói chuyện của tôi với con trai dù chẳng có gì to tát nếu đem so với những giông bão vẫn thường bùng lên từ một số câu chữ bình thường. Nước này chiến tranh với nước kia, vợ chồng cãi vã rồi kéo nhau ra tòa ly dị. Đôi khi tất cả chỉ bắt đầu bởi một số từ. Cái lưỡi là một vũ khí, đó là điều chắc chắn. Một lời nói bất cẩn hoặc đặt sai chỗ phát ra từ miệng của bạn có thể gây nên một đám cháy lớn.

Bởi lời nói của mình, chúng ta có thể hủy hoại mọi thứ, biến hòa thuận trở nên hỗn loạn, “bôi tro trét trấu” vào mặt người khác, khiến cả thế giới tan thành mây khói với những đám lửa ngút ngàn.

Những lời này thật đáng sợ:

“Mọi loài thú vật và chim muông, loài bò sát và sinh vật biển đều có thể chế ngự được, và đã từng bị loài người chế ngự rồi; nhưng không ai chế ngự được cái lưỡi, một vật xấu xa không sao kiểm soát được, đầy dẫy những chất độc chết người. Chúng ta dùng lưỡi để chúc tụng Chúa, Cha chúng ta, và cũng dùng nó để nguyền rủa loài người, là loài được tạo dựng theo hình ảnh Đức Chúa Trời. Từ một miệng mà ra cả sự chúc tụng lẫn nguyền rủa sao? Thưa anh em của tôi, đừng như vậy.” (Gia-cơ 3:7-10)

Tôi vẫn không biết sự khác biệt giữa một chiếc thuyền và một chiếc tàu là gì, ngoài trừ một chiếc thì nhỏ và được sử dụng để đánh cá, đi gần, trong khi chiếc còn lại lớn hơn nhiều và thường được nhìn thấy trên đại dương. Nhưng tôi tin mình có thể biết sự khác biệt của chúng một cách rõ ràng hơn nếu tôi dành thời gian nghiên cứu. Cũng vậy, nếu tôi quan tâm đến những điều làm ô uế đời sống tôi và làm buồn lòng Đức Thánh Linh, tôi có thể học biết được.

Kinh Thánh chép: “Ai muốn yêu sự sống và thấy những ngày tốt đẹp, thì hãy giữ lưỡi mình khỏi điều ác, và môi mình khỏi nói lời xảo quyệt” (1 Phi-e-rơ 3:10).

Tôi có thể không thuần phục được lưỡi của mình một cách hoàn hảo, nhưng tôi có thể lựa chọn lời nói của mình. Chúa Giê-xu nói điều đó bắt đầu với những gì chúng ta đặt trong lòng: “Vì có đầy dẫy trong lòng thì miệng mới nói ra” (Ma-thi-ơ 12:34).

Khi Lời Đức Chúa Trời trở thành điều ưu tiên trong cuộc sống của tôi, một lợi ích đó là những gì từ lòng tôi sẽ tuôn tràn qua môi miệng tôi như Châm Ngôn 17:27 chép:

“Ai nói năng dè dặt là người có tri thức, ai có tính điềm tĩnh là người thông sáng.”

Nếu tôi có thêm tri ​​thức về những chiếc tàu thì có lẽ đã không khiến cậu con trai mình phải buồn bã thất vọng. Tương tự như vậy, khi tôi hiểu về vai trò của cái lưỡi và những gì nó có thể gây ra, tôi tin rằng khả năng mình là nguyên nhân tạo ra xung đột sẽ ít hơn. Lời nói của tôi có thể vô ích, khó chịu, hấp tấp, bất cần, không chân thành, kiêu ngạo và ác ý; HOẶC lời nói của tôi có thể khiêm tốn, hữu ích, chân thành, tôn trọng, mềm mại và tử tế. Và giống như những cơn gió dữ dội tác động đến con tàu trên biển khơi, tôi có thể sử dụng bánh lái trong miệng để điều hướng các cuộc trò chuyện từ gay go, dữ dội, ác ý, trở nên thuận hòa, yên ổn.

Chắc chắn sẽ có những lúc tôi bất cẩn trong lời nói của mình, nhưng chính những gì tôi chọn giữ trong lòng đã giúp tôi không bắt đầu đốt lên đám lửa. Tôi là chiếc tàu và lưỡi của tôi là bánh lái điều chỉnh hướng đi. Bạn có thể nói “chiếc tàu” được không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con biết việc cầm giữ môi miệng thật khó nhưng con tin rằng Đức Thánh Linh là Đấng ngự trong con sẽ giúp con. Xin đổ đầy tấm lòng con bằng Lời của Ngài, để những gì con nói ra khiến Ngài vui lòng và ích lợi cho người khác. Con cầu nguyện, trong danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.

Quý thính giả thân mến, lời nói của bạn đang đem đến phước lành hay gieo rắc tai họa? Bạn hoàn toàn có thể lựa chọn phước lành bằng cách đổ đầy tấm lòng mình với Lời Chúa và mong muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Hãy suy nghĩ trước về kết quả và hậu quả của lời nói mình, chắc chắn điều bạn nói ra sẽ khác.

Mọi thắc mắc, góp ý hoặc dự phần cùng chương trình, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua:

Chúc quý vị một ngày tốt lành. Thân chào và hẹn gặp lại quý vị vào chương trình ngày mai.

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này