7 lời hứa tuyệt vời về một Đức Chúa Trời vĩ đại

Dưỡng linh
12:27 06/06/2020

Oneway.vn - Có bao giờ bạn tự hỏi Chúa thực sự là Đấng như thế nào?

Đức Chúa Trời - Đấng tạo dựng thế giới, loài người và Ngài luôn muốn có một mối liên hệ thực sự bền chặt với chúng ta. Chúa bày tỏ Ngài qua các thuộc tính thiêng liêng.

Theo Ma-la-chi 3:6, thần tính của Chúa luôn vĩnh cửu: “Vì ta là Đức Giê-hô-va không hề thay đổi”.  

Càng học biết thần tánh của Chúa, chúng ta càng nhận thức về  tình yêu toàn hảo của Ngài.

1. Đức Chúa Trời là Đấng Thánh

Khi tiên tri Ê-sai ở trong đền thờ, ông được phép nhìn thấy Chúa qua khải tượng thiên sứ trên thiên đàng cùng nhau cất tiếng “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn quân; khắp đất đầy dẫy sự vinh hiển Ngài”. (Ê-sai 6:3)

Ê-sai ngắm xem sự vinh quang của Đức Chúa Trời. Dưới cái nhìn của Đấng thánh, ông được nhận thức đầy đủ về sự bất toàn của mình.

Sự thánh khiết và quyền năng Thiên Chúa được bày tỏ. Trong Ê-sai 51:15-16, có chép:

“Vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đấng làm cho biển động, sóng bổ ầm ầm. Đức Giê-hô-va vạn quân là danh Ngài. Ta đã để lời nói ta trong miệng ngươi, và cho ngươi núp dưới bóng bàn tay ta, đặng dựng các từng trời và lập nền đất, cùng nói với Si-ôn rằng: Ngươi là dân ta!”.

Chúng ta biết rằng “thánh khiết” có nghĩa là từ bỏ tội lỗi để trở nên người công chính. Vì Chúa là Đấng Thánh khiết, Ngài không thể phạm tội và Ngài chưa bao giờ phạm tội.

Trong Chúa có sự thánh khiết tuyệt đối. Ngài là tiêu chuẩn cao nhất của việc nên thánh. Ngài yêu cái thiện và ghét cái ác. 

Ngài muốn chúng ta tách biệt khỏi tội lỗi để trở nên công bình.

2. Đức Chúa Trời là Đấng Yêu thương 

Chúa đã yêu chúng ta từ ban đầu với một tình yêu bất diệt. Chúa tạo dựng và Ngài hiểu rõ chúng ta.

Đức Chúa Trời có lòng trắc ẩn đối với mỗi một người. Ngài quan tâm những gì đang xảy ra trong cuộc sống bạn. Chúa yêu bạn bằng tình yêu không kể xiết. Tình yêu bền vững.

Kinh Thánh nói rằng Chúa là tình yêu. Từ "Tình yêu" trong nguyên ngữ Hy Lạp là “Agape”. Nghĩa là sự thử thách ý chí của một người vì lợi ích người khác.

Giăng 3:16 cho biết: “Vì Đức Chúa Trời yêu thế gian đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hễ ai tin Con ấy sẽ không bị hư mất mà được sự sống đời đời”.

Bởi vì Chúa yêu bạn nên trong cuộc sống này bạn là người thắng cuộc, bất kể điều gì xảy đến cũng không thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ngài.

3. Đức Chúa Trời hay thương xót

Lòng thương xót của Chúa đối cùng chúng ta là vô hạn

Lòng thương xót đó dựa trên sự khao khát và lòng trắc ẩn của Ngài. Ngài đem đến sự chữa lành bởi những tấm lòng khóc lóc cầu xin sự thương xót. 

Trong Tân Ước, nhiều câu chuyện nhắc về sự chữa lành của Chúa qua tấm lòng cầu xin, câu chuyện hai người đàn ông bị mù, 10 người phung, kẻ chết được sống lại,...

Lòng thương xót nghĩa là không cam lòng để ai đó gánh lấy hình phạt mà họ đáng phải chịu. Bởi lòng thương xót, Chúa đã cứu chúng ta, Ngài mở một lối thoát mặc dù chúng ta đáng chịu sự phán xét và chết (Tít 3:5-7). 

Chúng ta được cứu thông qua Chúa Jêsus, Ngài ban cho chúng ta một nơi trú ẩn an toàn. Nhờ ơn thương xót của Chúa, chúng ta không phải gánh lấy hậu quả của tội lỗi mình.

Bất cứ ai cũng có thể nhận được lòng thương xót của Chúa. “Hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ cần dùng”. (Hê-bơ-rơ 4:16)

4. Đức Chúa Trời là Đấng Tốt lành

Chúa có những món quà quý giá dành riêng cho con dân Ngài. Vũ trụ vĩ đại được tạo dựng đã thể hiện lòng tốt của Ngài.

Lòng tốt của Chúa là vô hạn. “Ngài đội mão triều phúc lành cho năm và các lối Ngài đi qua đượm nhuần màu mỡ”. (Thi thiên 65:11)

Chính Đức Chúa Trời ban cho chúng ta tài năng và khả năng để sống cuộc đời hữu ích và thịnh vượng. Ngài cung cấp những gì chúng ta cần. Hãy tin cậy vào lòng tốt và sự rộng lượng của Ngài.

Bạn có một người Cha Thiên Thượng vô cùng hoàn hảo. “Mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống, trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến cải nào”. (Gia-cơ 1:17)

Ngài đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện những điều tốt đẹp cho chúng ta. Điều này không có nghĩa là cuộc sống của những người yêu mến Chúa sẽ dễ dàng. Nhưng cuối cùng, mọi việc luôn là tốt đẹp (Rô-ma 8:28).

5. Chúa là Đấng Toàn tri

Đức Chúa Trời dẫy đầy sự  khôn ngoan. Ngài dư dật mọi kiến ​​thức và nhận thức. Trong sự toàn tri của Ngài vũ trụ được tạo dựng và Ngài là Đấng cai trị.

Phao-lô nói trong sự kính sợ về quyền năng vĩ đại của Đức Chúa Trời, “Nguyện Vua muôn đời, là Đức Chúa Trời duy nhất, bất diệt và vô hình được tôn kính và vinh quang đời đời”. (1 Ti-mô-thê 1:17)

Đức Chúa Trời toàn tại. Ngài toàn tri. Ngài biết rõ những gì đang xảy ra hôm nay và tiếp tục xảy ra.

Chúa là nguồn của sự khôn ngoan. Trong Ngài, chúng ta tìm thấy kho tàng kiến ​​thức và sự thông sáng. Chúng ta không có tất cả các câu trả lời nhưng Chúa thì luôn dư dật.

Vua Sa-lô-mon được biết đến như một người rất khôn ngoan. Ông đã viết: “Vì Đức Chúa Trời ban cho sự khôn ngoan; Sự hiểu biết và sáng suốt đến từ miệng Ngài”. (Châm ngôn 2:6)

Gia-cơ 1:5 chép: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho”.

Sự khôn ngoan của chúng ta đến từ Chúa. Ngài ban cho chúng ta sự khôn ngoan càng hơn khi chúng ta có mối tương giao với Ngài, đọc Kinh thánh và cầu nguyện càng mật thiết.

6. Đức Chúa Trời là Đấng Công bình

Chúa luôn thực hiện những điều đúng và công bình. Ngài giữ một cuốn sách để ghi nhớ. Chúa biết những kẻ kính sợ và tôn vinh danh Ngài (Malachi 3:16).

Kinh Thánh cho biết: “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời Chúa” (Rô-ma 3:23). Kinh Thánh cũng nói rõ: “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23). Vì vậy, sự công bình của Chúa khiến tất cả phải đối mặt với sự chết.

Trong Sáng thế ký, đọc câu chuyện của Áp-ra-ham và Lót, chúng ta biết rằng Chúa đầy lòng thương xót; nhưng Ngài cũng là Đấng công bình. Ngài trì hoãn sự phán xét đối cùng dân thành Sô-đôm bởi Ngài không muốn con người bị diệt vong nhưng Chúa cũng sẽ đoán phạt nếu họ không chịu ăn năn.

Bởi vì Chúa công bằng, Ngài hành động như một thẩm phán. Chúng ta có thể đến gần với Chúa như một thẩm phán.

Ví dụ về người góa phụ cố chấp trong Lu-ca 18:1-8. Trong câu chuyện, một góa phụ đã cầu xin thẩm phán và bằng mọi cách làm phiền vị thẩm phán vì lẽ công bình của bà đối cùng kẻ thù nghịch cho đến khi nhận được.

Theo cách tương tự, Chúa sẽ mang lại công bình cho những người kính sợ và kêu cầu Ngài. Hãy cầu nguyện cho sự công bình và đừng bỏ cuộc.

Trong đức tin, chúng ta có thể đến trước tòa án của Chúa và cầu xin công bình. Lời cầu nguyện với Chúa Jêsus rằng: “Thánh ý Chúa được nên, ở đất cũng như ở trời”. 

Trong ngày phán xét, Chúa sẽ ngự đến như một vị thẩm phán (Khải Huyền 20:11-15). 

Đó sẽ là tòa án trắng và lớn. Những ghi chép được mở ra. Sách sự sống cũng sẽ được mở ra. Mỗi người được phán xét theo các việc đã làm.

Chúa toàn năng ban phần thưởng cho những người kính sợ, hầu việc Ngài và sẽ tiêu diệt kẻ ác. Chúa đến để xét đoán một thế giới khước từ Ngài.

7. Đức Chúa Trời là Đấng thành tín

I Cô-rinh-tô 1:9 chép: “Đức Chúa Trời là Đấng thành tín. Ngài đã kêu gọi anh chị em tham dự trong sự thông công với Con Ngài, Chúa Cứu Thế Jesus, Chúa chúng ta”.

Phao-lô sử dụng từ Hy Lạp “Pistos” khi nói về sự thành tín của Chúa. “Thành tín” có nghĩa là đúng và đáng tin cậy; kiên định với niềm tin, lời nói hoặc lời hứa của một người. Có nhiều ghi chép trong Kinh thánh cho chúng ta thấy Chúa là thành tín.

Bạn có thể tin tưởng Ngài trong mọi lúc và mọi vấn đề. Lời phán và lời hứa của Ngài là thật và đáng tin. 

Làm thế nào để thấy sự thành tín của Chúa trong cuộc sống?

Hãy đáp lại lời hứa của Chúa dựa trên những thần tánh của Ngài. Hãy trung tín và luôn trong tinh thần tôn vinh, ca ngợi Chúa.

Một ngày nào đó nơi Thiên đàng, chúng ta sẽ mặt đối mặt với Chúa. Một ngày nào đó chúng ta sẽ ở nhà với Cha thiên thượng, ấy là một ngày vinh quang và tuyệt vời

Tại sao bạn không tin vào Chúa?

Bạn hoàn toàn có thể tin vào những lời hứa và sự thật về thần tánh của Ngài. Hãy tin rằng Chúa luôn hành động vì lợi ích của chúng ta.

 

Tác giả:Deborah Nayrocker, M.ed; Dịch: Josie

(Nguồn: Crosswalk.com)  

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này