Công bố Phúc Âm qua lời nói, việc làm
Oneway.vn - Bất cứ khi nào được ăn một món ngon, tôi đều chia một miếng cho chồng, háo hức quan sát phản ứng của anh ấy.
Chúng ta là những “nhà truyền giáo” nhiệt tình khi nói về thức ăn, nhà hàng, phim ảnh, địa điểm và sản phẩm mình yêu thích. Càng thích điều gì đó, chúng ta càng muốn chia sẻ để người khác cũng được trải nghiệm nó.
Nhưng đôi khi chúng ta khựng lại khi nói đến Chúa Jêsus. Mặc dù thực sự yêu mến Ngài, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng sống để mọi người biết đến Ngài.
Mối quan hệ của chúng ta với Chúa phải tác động tích cực đến gia đình, cơ quan và cộng đồng vì sự vinh hiển Ngài. Khi nhìn thấy vẻ đẹp lộng lẫy của Ngài, chúng ta cũng phải giúp người khác được chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấy. Khi trải nghiệm tình yêu thương, ân điển và bình an Ngài ban, chúng ta cũng phải giúp người khác đón nhận điều đó. Khi tin vào lẽ thật của Ngài, chúng ta cũng phải giúp người khác cũng được học biết về lẽ thật ấy.
Tin Lành quá tuyệt vời nên chúng ta không thể giữ cho riêng mình. Chúa kêu gọi chúng ta làm chứng về Ngài bằng cả lời nói và hành động. Khi đặt điều này làm sứ mệnh cuộc đời mình, Chúa sẽ biến đổi mọi điều chúng ta làm.
Truyền bá Tin Lành qua môi miệng
Giống như các môn đồ, chúng ta được Chúa Jêsus giao sứ mệnh và thẩm quyền để truyền bá hy vọng Phúc Âm: “Tất cả thẩm quyền trên trời dưới đất đã giao cho Ta. Vậy, hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta, hãy nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh làm báp-têm cho họ và dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con. Và nầy, Ta luôn ở với các con cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:18–20).
Việc loan báo Tin Lành và môn đồ hóa không chỉ dành cho các mục sư, nhà truyền giáo, những người có tài hùng biện hoặc được đào tạo trong lớp giáo lý. Hội Thánh được giao cho sứ mệnh này, và mỗi người chúng ta là một phần không thể thiếu. Đức Chúa Trời làm việc thông qua các chuyên gia tôn giáo như Phao-lô, và cũng qua những người đánh cá mộc mạc như Phi-e-rơ. Danh tiếng của Ngài lan rộng qua các nữ doanh nhân thành đạt như Ly-đi, và những em thiếu nhi nhỏ tuổi. Ngày nay cũng vậy. Mặc dù đôi khi Đức Chúa Trời xây dựng vương quốc Ngài thông qua những nhà hùng biện và nhà truyền giáo lỗi lạc, nhưng Ngài không hoàn toàn phụ thuộc vào họ. Ngài có thể làm việc thông qua bạn và tôi!
Trong quyền tể trị, Đức Chúa Trời có mục đích khi đặt để chúng ta giữa gia đình, hàng xóm và cơ quan làm việc. Chúng ta được sai đi để rao truyền Tin Lành Đấng Christ, Đấng đã đến để giải cứu những người tội lỗi. Cho dù sống ở ngoại ô hay trung tâm đô thị, chúng ta được kêu gọi để truyền bá sứ điệp này. Dù chúng ta đã đi làm, hoặc vừa tốt nghiệp trung học, hoặc đang nuôi con nhỏ, chúng ta được kêu gọi để truyền bá sứ điệp này. Nhu cầu tâm linh tồn tại ở khắp mọi nơi, nên sứ mệnh của chúng ta cũng vậy.
Mặc dù hành động là yếu tố không thể thiếu để làm chứng về Chúa cho người khác, nhưng việc rao giảng Phúc Âm cũng đòi hỏi phải có lời nói. Chúng ta không thể rao giảng Phúc Âm bằng chính đời sống mình nếu không rao giảng bằng môi miệng mình. Chỉ làm việc lành thôi không đủ để truyền rao Tin Lành rằng Đấng Christ đã chết để cứu chuộc tội nhân. Chúng ta phải cất tiếng nói, nếu không Phúc Âm sẽ không được truyền bá:
“Vì, “ai kêu cầu danh Chúa đều sẽ được cứu.” Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Không có người rao giảng thì nghe cách nào?” (Rô-ma 10:13–14).
Tin Lành bày tỏ qua việc làm
Tuy nhiên, nếu rao giảng lẽ thật Đức Chúa Trời mà không sống bày tỏ, thì làm sao có người lắng nghe? Là con cái yêu dấu của Đức Chúa Trời, chúng ta được kêu gọi để bắt chước Ngài. Đó là điều quan trọng trong sứ mệnh trung thành.
Chúa quan tâm đến nỗi đau của con người. Ngài cẩn thận dệt nên mỗi người trong lòng mẹ và quý trọng mọi đứa trẻ chưa sinh (Thi Thiên 139:13–14). Ngài là Cha của trẻ mồ côi và là Đấng nâng đỡ những người góa bụa (Thi Thiên 68:5). Ngài bảo vệ “khách lạ” - nghĩa là người nhập cư, người di cư, người xin tị nạn và người tị nạn (Thi Thiên 146:9). Ngài nghe thấy tiếng kêu của người nghèo (Thi Thiên 102:17), và cơn thịnh nộ Ngài nổi lên khi bị họ ngược đãi (Châm Ngôn 17:5). Lòng nhân từ Ngài trải rộng với những người đói khổ, bị ngược đãi, bị áp bức vì khuyết tật hoặc vì sắc tộc (Thi Thiên 146:7–8). Và Chúa kêu gọi chúng ta noi gương Ngài.
Trong Cựu Ước, dân Y-sơ-ra-ên được lệnh phải sống khác với nền văn hóa xung quanh, phản ánh bản chất của Đức Chúa Trời và chuẩn mực đạo đức của Vương Quốc Ngài. Mặc dù Hội Thánh hiện đại không được kêu gọi tuân giữ các hoạt động cụ thể của dân Y-sơ-ra-ên, nhưng chúng ta phải hiểu rằng trách nhiệm thể hiện lòng thương xót và công lý không chỉ được giao cho dân Y-sơ-ra-ên mà thôi.
Trong Tân Ước, Chúa Jêsus cũng nhấn mạnh khía cạnh quan trọng này. Khi kêu gọi tỉnh thức chờ đợi ngày phán xét cuối cùng, Chúa Jêsus nói rằng những hành động bày tỏ lòng thương xót như cho người đói ăn, tiếp đón người lạ, mặc quần áo cho người thiếu thốn sẽ giúp thế gian phân biệt được ai là người thuộc về Ngài (Ma-thi-ơ 25:31–46).
Việc làm không thể kiếm cho chúng ta một chỗ trong Vương Quốc Ngài, nhưng việc làm có thể bày tỏ cho thế giới thấy rằng Vua đang ngự trị trong lòng chúng ta.
Khi Phúc Âm biến đổi chúng ta, cách chúng ta đối xử với người khác cũng thay đổi. Chúa quan tâm đến những người đau khổ. Nếu là con cái Chúa, chúng ta cũng sẽ có đồng tâm tình với Ngài.
Không chỉ hướng dẫn và cảnh báo, Chúa Jêsus đã thật sự hành động. Ngài thể hiện lòng thương xót không lay chuyển dành cho những người khốn khó. Ngài dịu dàng với phụ nữ, trẻ em và người tàn tật - những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, bị coi là “kém hơn”. Ngài chữa lành người bệnh, đuổi quỷ, rờ đến kẻ ô uế, và cho kẻ đói ăn. Chúa Jêsus không chỉ có quyền năng nhân lên nhiều bánh và cá; Ngài còn yêu thương người đói. Chúa Jêsus không chỉ có sức mạnh chữa lành; Ngài còn thương xót những người bị tổn thương.
Để thật sự đặt Phúc Âm làm trung tâm, chúng ta phải được Phúc Âm biến đổi. Chúng ta phải rao giảng Tin Lành và cống hiến cho việc lành vì danh Chúa.
Bài: Amy DiMarcangelo; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
bình luận