COVID-19 cho thấy thế giới cần Chúa biết bao!

Coronavirus
12:58 07/08/2020

Oneway.vn - Lần đầu khi nghe về một đại dịch toàn cầu, tôi đã thấy thế giới này bắt đầu xích lại gần nhau.

Chúng ta đã đồng lòng. Những biển báo dọc theo xa lộ với dòng chữ “Tất cả hãy cùng cố gắng”, có một tinh thần hợp tác vì cớ sức khoẻ của chúng ta và mọi người quanh mình. 

Tuy nhiên, sự hiệp một ngoài sự hiện diện của Chúa là điều chóng qua. Trước đó không lâu có những sự buộc tội, cảm giác tức giận và ngờ vực, hổ thẹn và về căn bản một quốc gia và thế giới như thế đã đi sai hướng. 

Đại dịch vi-rút Cô-rô-na một lần nữa cho thế giới thấy  rằng chúng ta cần Chúa Jêsus nhường bao hay nói cách khác chúng ta không thể làm gì được nếu không có Ngài. 

Dưới đây là bảy điều COVID-19 cho thấy thế giới cần Đức Chúa Trời. 

1. Bạn không mạnh như bạn nghĩ

Cố nhạc sĩ và ca sĩ Rich Mullins hiểu điều này khi viết trong điệp khúc một bài hát của mình được xuất hành gần 25 trước, “chúng ta không mạnh như ta nghĩ”.

Trong nhiều thập kỷ, người Mỹ đã sống trong sự tiện nghi, sang trọng, sức mạnh nhận thức và một ý thức toàn diện về hoà bình thế giới. Giờ thì một loài vi-rút siêu nhỏ, một cuộc chiến sinh học đã tiến hành tàn phá sức khỏe, nền kinh tế và sự bình an trong tâm trí. 

Chưa bao giờ chúng ta bị tước đi sự tự tin, những tiện lợi, khả năng và sự bình an trong tâm trí như lúc này. Và sự lo lắng này không chỉ có trong thế gian và cả Hội Thánh cũng đang tranh đấu.. 

Nguyện chúng ta, những người theo Chúa là những người đầu tiên khiêm nhường thừa nhận như sứ đồ Phao-lô rằng: “Ân điển Chúa đầy đủ cho tôi, vì sức mạnh của Ngài trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối tôi. Vì vậy, tôi rất vui mừng tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi. Cho nên, vì cớ Đấng Christ, tôi vui chịu sự yếu đuối, sỉ nhục, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó. Vì khi tôi yếu đuối chính là lúc tôi mạnh mẽ”. (II Cô-rinh-tô 12:9-10)

2. Chỉ duy Chúa mới có thể ban sự bình an bạn cần

Con người hay sợ hãi và lo lắng. Lo lắng là điều tự nhiên khi chúng ta không thể nhìn thấy một tương lai rõ ràng hay thuận lợi. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói rõ: “Đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin cùng sự tạ ơn mà trình dâng những nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt trên mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và trí anh em trong Đấng Christ Jêsus”. (Phi-líp 4:4-6) 

Nếu bạn đang cố gắng giải đáp tất cả điều này hay tự mình tạo ra cảm giác bình yên và thanh thản, bạn đang chiến đấu với một trận chiến cam go.  

Chỉ duy Đức Chúa Trời mới có thể ban cho bạn và tôi sự bình an. Ngài có thẩm quyền. Khi mọi thứ dường như nằm ngoài kiểm soát, chúng ta không những có thể nhìn vào mà còn được nghỉ yên trong Đấng Duy nhất thật sự kiểm soát mọi điều. 

3. Chỉ duy Chúa mới biết tương lai của bạn

Chúng ta đã học cách dựa vào những dự đoán - tin vào dự báo thời tiết, dự báo kinh tế, những xu hướng thị trường chứng khoán (điều luôn tăng vọt lại, phải không?), sự tăng và giảm tỉ lệ lãi suất, những cuộc thăm dò chính trị, thậm chí những dự đoán về thiên tai sắp xảy ra như bão. Tuy nhiên những dự báo của chúng ta chủ yếu mang tính phỏng đoán.  

Chúng ta vẫn không biết cách dự đoán tương lai. Chúng ta vẫn có thể rơi vào điểm mù bởi những kết quả thăm dò không mang lại kết quả. Năm ngoái, thậm chí sáu tháng trước, không ai có thể dự đoán rằng chúng ta phải trải qua cơn đại dịch toàn cầu này, lệnh cấm du lịch quốc tế, quốc gia và toàn cầu đều đóng cửa cũng như nền kinh tế vượt bậc mà đất nước chúng ta từng thấy đã bất ngờ lao dốc. 

Không ai có thể dự đoán rằng chính phủ sẽ cấm tụ tập đông người, ngăn chặn các buổi lễ tốt nghiệp, đám cưới, lễ tang và mọi buổi nhóm họp tôn giáo ở nước ta. 

Tuy vậy, Đức Chúa Trời biết chương trình Ngài dành cho chúng ta và những chương trình đó là “chương trình bình an chứ không phải tai họa, để ban cho các con một tương lai và một hi vọng” (Giê-rê-mi 29:11)

Tất cả đều cần niềm hy vọng đó. Và tôi không thể tưởng tượng ngày mai sẽ thể nào nếu không có sự hiện diện và Lời hứa của Chúa. Chúng ta được chắc chắn để nói rằng: “Lạy Chúa, bất kể điều gì sẽ xảy đến, Ngài nắm giữ tương lai của con cách an toàn trong tay Ngài”.

4. Chỉ duy Chúa mới cung ứng sự đảm bảo và an toàn

Nhiều người đã cảm thấy bị cô lập trong suốt thời gian này. Một số người vẫn đang trong tình trạng này. Nếu bạn cảm thấy mình hoàn toàn đơn độc, nó có thể khiến bạn suy nhược, lo sợ và ngã lòng. Nhưng Đức Chúa Trời phán cùng chúng ta qua Lời Ngài rằng: “Ta sẽ chẳng lìa con, chẳng bỏ con đâu” (Hê-bơ-rơ 13:5). 

Kinh Thánh đảm bảo không có nơi nào chúng ta đi đến mà nằm ngoài sự hiện diện của Chúa (Thi-thiên 139:7-12). Chúa đi trước, bên cạnh chúng ta và Ngài cũng ở đằng sau chúng ta nữa. 

Ê-sai 33:6 chép rằng: “Ngài sẽ là sự bền vững cho ngày giờ của ngươi, Là sự phong phú của ơn cứu rỗi, sự khôn ngoan, và tri thức”. 

Trong những thời điểm không chắc chắn và chẳng ổn định này, Ngài là nền tảng vững chắc của chúng ta. Mặc dù chúng ta đều mong muốn một nhà lãnh đạo quốc gia hay thế giới cho chúng ta sự đảm bảo rằng “mọi điều này rồi sẽ qua đi, chúng ta sẽ quay lại cuộc sống như bình thường” nhưng chỉ duy Chúa mới biết tương lai và có thể dẫn dắt chúng ta bước qua an toàn. 

Đó chính là sự bảo đảm trong khoảng thời gian bất định này. 

5. Chúng ta không thể bảo vệ bản thân hoàn toàn 

Vi-rút này là thật. Cho dù cá nhân bạn có bị nhiễm hay không cũng không thành vấn đề. Thậm chí những người khoẻ mạnh rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang và cố giữ khoảng cách vẫn bị nhiễm bệnh. Điều đó có nghĩa khi làm những điều có thể giữ sức khỏe, cuối cùng Chúa vẫn là Đấng kiểm soát sức khoẻ và sự sống an lành của chúng ta. Ngài là Đấng duy nhất có thể bảo vệ chúng ta hoàn toàn khỏi căn bệnh truyền nhiễm vô hình xung quanh ta. 

Vua Đa-vít đã nói rằng: “Lạy Đức Giê-hô-va, con sẽ nằm và ngủ bình yên; Vì chỉ một mình Ngài gìn giữ con được sống an lành” (Thi-thiên 4:8). 

Trong khi chúng ta có thể đang tìm kiếm một chính phủ, một Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật hay những chuyên gia y tế giỏi nhất thế giới để đưa ra một loại vắc-xin thì Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất có thể cho chúng ta sự đảm bảo rằng chúng ta thật sự được an toàn. 

6. Chỉ duy Chúa mới có thể dẫn dắt chúng giữa mớ hỗn loạn này

Vài tháng qua, tôi đã chứng kiến vô số người dân bang California tiến về Arizona để bỏ trốn khỏi lệnh ở yên tại chỗ của tiểu bang Vàng. Tôi biết các công dân Hoa Kỳ đều mong muốn rời khỏi đất nước mình hoàn toàn cho đến khi chúng ta có một tổng thống mới để “điều khiển sự hỗn loạn này.” Thật ra, chỉ duy Chúa mới có câu trả lời, chỉ có Ngài mới có thể cai trị tấm lòng và thế giới của chúng ta trong lẽ thật và sự công chính. Chỉ duy Đức Chúa Trời mới có thể đưa chúng ta ra khỏi mớ hỗn loạn này hay dẫn dắt chúng ta vượt qua khỏi. 

Chúng ta đã quen với việc tự do làm những việc riêng của mình và khi chính phủ bảo chúng ta phải “ở yên tại chỗ,” “giữ khoảng cách độ 6 bước chân” và “mang khẩu trang,” điều đi ngược lại những gì chúng ta cảm thấy là “quyền của chúng ta.” Chúng ta hoặc không hoàn toàn tin tưởng nhà lãnh đạo mà tin rằng đây là một âm mưu tước bỏ quyền cá nhân của chúng ta, hoặc chúng ta mù quáng làm theo tư tưởng ấy vì cho rằng bậc cầm quyền biết điều tốt nhất cho chúng ta. 

Chúa Jêsus đã động lòng thương xót khi Ngài thấy những người “khốn cùng và tan lạc như chiên không có người chăn” (Ma-thi-ơ 9:36). Như đoàn dân trong thời Chúa Jêsus, chúng ta cũng bối rối và bất lực lúc này, chúng ta sẵn lòng theo bất cứ ai mang đến một cơ hội hy vọng hay thay đổi.

Chưa bao giờ chúng ta thấy mình cần lắng nghe tiếng Chúa nhiều như lúc này. “Chúa ơi, Ngài đang nói gì với Hội Thánh trong lúc này? Chúa ơi, Ngài đang muốn chúng con làm gì khác để chúng con có thể chiếu ra ánh sáng của Ngài trong bóng tối này? Chúa ơi, khi nào chúng con lắng nghe Ngài chứ không phải chính phủ? Và khi nào chúng con phó cho những người lãnh đạo của chúng con và trở nên một công dân gương mẫu?”

Chúng ta cần sự sáng suốt, cần sự rõ ràng trong lúc sự bối rối và sợ hãi có thể vây hãm. Chúng ta cần lẽ thật. Chúng ta cần Chúa Jêsus, Đấng đã phán bảo rằng: “Ta là đường đi, chân lý và sự sống” (Giăng 14:6). 

7. Đời tạm này không giải quyết mọi điều thoả đáng

Đặc biệt, người Mỹ chúng tôi đặt quá nhiều danh vọng vào những nhà lãnh đạo, những tiện nghi cùng sự ”bảo đảm” của chúng tôi vào thế gian. Thậm chí là Cơ Đốc nhân đã sống thoải mái cho đến khi cuộc sống trên đất này không còn thoải mái nữa. 

Gần đây tôi thấy bản thân ở điểm bứt phá khi tôi nhận ra mình đã tận hưởng một nền kinh tế vĩ đại, một công việc kinh doanh phát đạt và nhiều điều xa hoa, thoải mái cùng những tiện nghi của cuộc sống tại đất nước giàu có nhất hành tinh. 

Sau đó tôi thấy tất cả hư đi. Nền kinh tế sụp đổ. Tình trạng bất ổn của người dân. Căng thẳng chủng tộc. Chia rẽ chính trị. Sự thù ghét, tức giận và bất ổn đầy dẫy. Tôi thấy mình đang nói “Chúa ơi, xin hãy mau đến.” Và sau đó tôi nhận ra vì sao tôi bị ảnh hưởng bởi tất cả những điều này: tôi đã đánh mất niềm khao khát về cõi đời đời”.

Cô-lô-se 3:1-2 khuyên rằng: “Hãy tìm kiếm những điều ở trên trời, nơi Đấng Christ ngồi bên phải Đức Chúa Trời. Hãy chú tâm vào những điều ở trên trời, đừng chú tâm đến những điều ở dưới đất”.

Ma-thi-ơ 6:33 bảo rằng: “trước hết hãy tìm kiếm vương quốc của Đức Chúa Trời (không phải là một cuộc sống thịnh vượng trên đất này) và sự công chính của Ngài (không phải là những tiện nghi của riêng bạn), thì Ngài sẽ ban cho các con nhiều điều ấy nữa”.

Và Chúa Jêsus dạy chúng ta rằng: “Các con đừng tích trữ của cải ở dưới đất, là nơi có mối mọt, ten rỉ làm hư, và kẻ trộm đào ngạch, khoét vách mà lấy. Nhưng hãy tích trữ của cải ở trên trời, là nơi không có mối mọt, ten rỉ làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch, khoét vách mà lấy. Vì của cải các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó” (Ma-thi-ơ 6:19-21). 

Thật vậy, thế giới này cùng mọi tiện nghi và sự thuận tiện của nó sẽ qua đi. Chúng ta cần Chúa và một tư duy vĩnh cửu về sự giàu có vinh quang đang chờ đợi chúng ta, những người thừa hưởng cơ nghiệp của Đấng Christ (Ê-phê-sô 1).

 

Bài: Cindi McMenamin; dịch: Sophie
(Nguồn: crosswalk.com)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này