Dịch Kinh Thánh toàn cầu bằng công nghệ AI sẽ thế nào?

Quốc tế
01:42 12/03/2024

Oneway.vn – Trong kỷ nguyên công nghệ bùng nổ, trí tuệ nhân tạo (AI) đang hỗ trợ Hội Thánh một trong những nhiệm vụ then chốt nhất: dịch Kinh Thánh sang ngôn ngữ gần gũi với mọi nhóm người trên thế giới.

Các tổ chức dịch thuật Kinh Thánh lớn đã đề ra hàng loạt mục tiêu nghiêm túc để hoàn tất sứ mệnh giúp mọi người tiếp cận Kinh Thánh mà không cần học ngôn ngữ mới, và AI có thể giúp thực hiện mục tiêu đó trong thời gian ngắn hơn chúng ta nghĩ.

Kinh Thánh vẫn chưa được chuyển ngữ sang khoảng 3.700 ngôn ngữ, phần lớn trong số đó gặp nhiều khó khăn trong công việc dịch thuật. Việc thiếu hụt nguồn tài liệu càng làm cho vấn đề này trở nên khó khăn hơn.

Đối với những ngôn ngữ này, AI đang tạo ra sự khác biệt, tăng tốc quá trình dịch thuật và thậm chí cải thiện chất lượng sản phẩm. Bằng cách áp dụng công nghệ “máy học”, toàn bộ bản dịch Kinh Thánh có thể được hoàn thành nhanh hơn bao giờ hết trong lịch sử.

Tăng tốc chu trình chuyển ngữ 

Trước khi tiếp tục, tôi muốn nói rõ về vai trò của AI trong việc dịch Kinh Thánh. Có nhiều sự hiểu lầm và nhầm lẫn về vấn đề này. Chúng tôi không đề cập đến việc đưa văn bản Tân Ước tiếng Hy Lạp vào một công cụ như ChatGPT hoặc Google Dịch và yêu cầu nó tạo ra một bản dịch trôi chảy bằng bất kỳ ngôn ngữ nào. Điều này là bất khả thi ngay cả với các ngôn ngữ có nhiều tài nguyên như tiếng Anh, huống chi là các ngôn ngữ có quy mô nhỏ và tài nguyên ít.

Vậy AI sẽ đóng góp như thế nào nếu không phải là dịch tự động? Chúng ta có thể sử dụng các mô hình AI được huấn luyện dựa trên các phần Kinh Thánh đã được dịch giả chuyển ngữ tỉ mỉ, để đưa ra bản thảo ban đầu của bản dịch hoàn chỉnh. Bản thảo sau đó có thể được dịch giả dùng để hoàn thiện bản dịch cuối cùng. Nói cách khác, AI sẽ dùng các phần Kinh Thánh đã dịch trước đó để tạo ra bản thảo của các phần Kinh Thánh còn lại, sau đó được các nhóm dịch thuật kiểm duyệt và hoàn thiện.

Các tổ chức như Avodah đã dẫn đầu trong mô hình này bằng cách hợp tác với những người nói tiếng mẹ đẻ để dịch khoảng 1.200 câu Kinh Thánh và các nguồn khác. Mỗi bản dịch đại diện cho một thể loại, ngữ pháp và từ vựng khác nhau trong Kinh Thánh. Sau đó, các nhóm này huấn luyện một mô hình AI dựa trên những câu này để tạo ra toàn bộ bản thảo Kinh Thánh. Bản thảo này được các dịch giả tiếng mẹ đẻ xem xét, chỉnh sửa và thử nghiệm trong cộng đồng.

Điểm mạnh lớn của AI là: nó không phải là một mô hình tĩnh đang được xây dựng, mà là một quá trình học hỏi trong đó mô hình càng ngày càng hiệu quả.

Trong các mô hình cũ, một bản dịch trung bình mất 23 năm và tốn hơn một triệu đô la, nhưng mô hình của Avodah chỉ mất khoảng bốn năm để chuyển ngữ một quyển Kinh Thánh hoàn chỉnh với giá khoảng 500.000 đô la. Avodah đang áp dụng mô hình này trong một nhóm thuần tập 10 ngôn ngữ, hướng đến việc cung cấp 10 bản dịch mới vào năm 2027.

Nâng cao chất lượng

AI không chỉ giúp tăng tốc độ dịch thuật Kinh Thánh. Các tổ chức như SIL International cũng tiên phong trong việc tạo ra các công cụ AI để đảm bảo chất lượng bản dịch Kinh Thánh. Những công cụ này giúp các nhóm phát hiện và khắc phục các vấn đề nhanh hơn trong quy trình. Chúng cũng được các chuyên gia tư vấn dùng để kiểm tra bản dịch chặt chẽ và thống nhất hơn bằng cách hỗ trợ nhận diện những vấn đề dịch thuật thường gặp.

SIL và các tổ chức khác cũng đã phát triển các công cụ AI giúp rút ngắn đáng kể thời gian soạn thảo và cải thiện bản dịch Kinh Thánh mới sau khi các phần khác được hoàn tất.

Không có lý do gì để lo lắng về việc AI sẽ làm mất đi sự tương tác của con người trong việc dịch thuật. AI hoạt động như một trợ lý. Nó tạo ra các bản thảo, tạo điều kiện cho quá trình dịch thuật lặp đi lặp lại, hoặc hỗ trợ các nhóm dịch thuật xác định vấn đề. Khi AI học hỏi từ những chỉnh sửa của dịch giả, các lần chuyển ngữ tiếp theo sẽ tiếp tục được AI cải thiện.

Con người làm việc dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh vẫn là yếu tố quan trọng ở mọi giai đoạn. AI chỉ là một công cụ được sử dụng để tạo ra những bản dịch rõ ràng, chính xác, tự nhiên và dễ hiểu. Theo Shawn Ring, Giám đốc điều hành của Avodah, chuyển ngữ Kinh Thánh “không phải là việc của công nghệ; đó là việc của con người.”

Tương lai của AI và việc chuyển ngữ Kinh Thánh

Chúng ta đang nói về vai trò của AI trong việc đẩy nhanh việc chuyển ngữ Kinh Thánh, nhưng cũng có một sự thật thú vị về tác động của việc dịch Kinh Thánh đối với AI. Meta đã đặt ra mục tiêu lớn là tạo ra các công cụ AI chuyển văn bản thành giọng nói bằng hơn 4.000 ngôn ngữ. Hầu hết các ngôn ngữ này có rất ít tài nguyên để sử dụng cho quá trình dịch thuật.

Kinh Thánh chính là quyển sách phổ biến nhất trong các ngôn ngữ này. Các tổ chức dịch thuật đã tạo ra các phiên bản văn bản và âm thanh cho hơn 1.100 ngôn ngữ. Các công ty như Meta dùng nguồn tài nguyên này để huấn luyện các mô hình ngôn ngữ lớn của họ, nhằm hỗ trợ các mô hình này chuyển văn bản thành giọng nói. Đây là một sự kiện bất ngờ, bản dịch Kinh Thánh đang giúp các giải pháp AI cho nhiều ngôn ngữ nhỏ hơn.

Nhưng AI sẽ giúp ích gì cho việc chuyển ngữ Kinh Thánh? AI sẽ giúp nhiều người được tiếp cận Phúc Âm dễ dàng hơn bằng ngôn ngữ gần gũi với họ. Điều quan trọng nhất là sẽ có nhiều người nghe, tin và được cứu hơn (Rô-ma 10:14–15).

Một nhà lãnh đạo làm việc với các nhóm người chưa được tiếp cận Kinh Thánh cho biết các bản dịch được AI hỗ trợ sẽ góp phần mang lại khả năng tiếp cận Phúc Âm chưa từng thấy, và thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của Cơ Đốc giáo trong 10 năm tới. “Cho dù các Hội Thánh có đồng ý với điều này hay không, thì việc chuyển ngữ Kinh Thánh với sự hỗ trợ của AI vẫn là ưu tiên toàn cầu.” Đó là một cơ hội tuyệt vời để truyền bá Lời Chúa đến cùng trái đất. 

Bài: Don Barger; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này